Bộ Tài chính cho biết, lũy kế đến 25/8/2016 tổng giá trị chi trả nợ là 162.992 tỷ đồng; trong đó trả nợ trong nước là 132.433 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 30.559 tỷ đồng.
ODA: Không thiếu tiền, thiếu vốn, mà là… chậm giải ngân vốn
- Cập nhật : 31/08/2015
(Tin kinh te)
Trong bối cảnh, vẫn còn tới 21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã cam kết, nhưng chưa được giải ngân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã phải ra văn bản “thúc” tiến độ giải ngân các dự án.
Vẫn còn tới 21 tỷ USD vốn ODA chưa được giải ngân
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2015, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt trên 1,59 tỷ USD, bằng 70,54% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước đạt 2,254 tỷ USD).
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm kể từ năm 2013 đến nay. Cụ thể, năm 2013: 6,601 tỷ USD, năm 2014: 4,379 tỷ USD, năm 2015 dự kiến là 3,313 tỷ USD.
Đây là xu thế chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và cũng phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi là đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn này để đảm bảo nợ công bền vững.
Ngoài ra, tình hình này xuất phát từ các nguyên nhân khác như: nhiều bộ, ngành, địa phương vốn quen với hình thức cấp phát từ ngân sách nhà nước và chưa sẵn sàng chuyển tiếp sang hình thức vay lại, tiếp cận các nguồn vốn ngày càng đắt hơn từ các khoản vay kém ưu đãi của các nhà tài trợ; công tác chuẩn bị danh mục, xây dựng và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của các bộ, ngành và địa phương còn nhiều chậm trễ, chất lượng văn kiện dự án thấp, không đáp ứng yêu cầu đề ra về hiệu quả đầu tư.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa sẵn sàng áp dụng mô hình viện trợ mới như phương thức tài trợ chương trình, hình thức cho vay 2 bước của Nhật Bản trong lĩnh vực y tế, giáo dục…
Về tốc độ giải ngân, tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm nay đạt khoảng 1,917 tỷ USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, vẫn còn tới 21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã cam kết, nhưng chưa được giải ngân; 14 dự án, nhất là các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh triển khai rất chậm, làm dư luận bức xúc và gây lo ngại cho các nhà tài trợ. Vì thế, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, vấn đề ở đây không phải thiếu tiền, thiếu vốn, mà cái chính là chậm giải ngân vốn.
Nguyên nhân mức giải ngân đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, một phần do trong 6 tháng đầu năm 2014 có các khoản vay giải ngân nhanh của Chương trình tín dụng hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh EMCC, Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu SPRCC… với tổng giá trị khoảng 350 triệu USD và một phần do các nhà tài trợ quy mô lớn thuộc nhóm 6 ngân hàng phát triển trong 6 tháng đầu năm nay đều có mức giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Song, một nguyên nhân tác động không nhỏ lại xuất phát từ những vướng mắc về thể chế, pháp lý; quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ…
Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 6 tháng đầu năm nay là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Quốc hội.
Để “thúc” tiến độ giải ngân
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành văn bản pháp quy về chính sách, cơ chế tài chính đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với quy định hiện hành và tình hình, khả năng vận động nguồn vốn này trong thời gian tới.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đạt các mục tiêu đề ra của năm 2015 và chuẩn bị tốt cho giai đoạn sau, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1257/QĐ-TTg ngày 25/7/2014.
Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình vận động, chuẩn bị dự án, đàm phán và ký kết hiệp định, nhất là trong công tác chuẩn bị, đàm phán, ký kết các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi với các nhà tài trợ thuộc Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển.
“Các cơ quan chủ quản cần thường xuyên báo cáo tiến trình chuẩn bị chương trình, dự án với nhà tài trợ, kịp thời lấy ý kiến các cơ quan liên quan và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương làm chủ quản các chương trình, dự án có tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm thấp và trong danh sách chậm tiến độ cần quyết liệt hơn trong điều hành công tác giải ngân, định kỳ hàng tháng báo cáo cập nhật về tình hình thực hiện và chuyển biến của các dự án này, gửi Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo, góp phần phấn đấu đạt chỉ tiêu giải ngân của cả năm là 5,6 tỷ USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm kiện toàn Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo, bổ sung cán bộ khi thấy cần thiết, thu xếp thời gian để Tổ Công tác liên ngành đi thực tế thường xuyên hơn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và trong việc áp dụng các quy định pháp luật mới ban hành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, đột phá cần được tập trung tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính để xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách; các cơ quan chủ quản chủ động nghiên cứu, đưa ra các sáng kiến để rút ngắn thời gian, đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng./.