(Tin kinh te)
Có 9 nhóm vấn đề hiện doanh nghiệp Việt Nam đang gặp vướng mắc đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi tới Văn phòng Chính phủ trước thềm Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp và các vấn đề này tiếp tục được VCCI gửi báo cáo bổ sung lần 2.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Vũ Tiến Lộc trong một lần trao đổi tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Khó trong thủ tục đầu tư
9 nhóm vấn đề gồm: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các thủ tục đăng ký kinh doanh; Thuế, hải quan; Đất đai, xây dựng giải phóng mặt bằng, tài nguyên môi trường; Vốn, tiếp cận vốn; Giao thông vận tải, phí và lệ phí; Chính sách khoa học công nghệ, bảo hộ bản quyền, sở hữu trí tuệ; Liên quan đến báo chí, truyền thông; Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính; Lao động, việc làm và tiền lương.
Ngoài 9 nhóm vấn đề được gọi tên cụ thể, VCCI cũng tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về nhiều vướng mắc khác và được đưa vào trong kiến nghị thứ 10 “Nhóm các vấn đề khác”. Số lượng vướng mắc, khó khăn của nhóm các vấn đề này khá lớn. Trong bản kiến nghị lần thứ nhất, nhóm “các vấn đề khác” chiếm 32/50 trang của bản kiến nghị. Tại bản kiến nghị lần hai, nhóm này chiếm 18/64 trang kiến nghị.
VCCI cũng gửi báo cáo tới Văn phòng Chính phủ một bản kiến nghị gồm 10 nhóm vấn đề trên của các doanh nghiệp, hiệp hội có vốn đầu tư nước ngoài.
Nêu ra những khó khăn của doanh nghiệp trong thủ tục đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang cho rằng, hồ sơ, thủ tục đầu tư thông qua các cơ quan quản lý nhà nước xử lý còn chậm. “Sau khi hoàn thành các thủ tục về đất đai, các hồ sơ thủ tục để chuẩn bị xây dựng như Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Phòng cháy chữa cháy, Giấy phép xây dựng... phải mất thời gian trên 4 tháng, làm mất thời cơ của doanh nghiệp”- theo báo cáo.
Chính vì vậy, Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính của tất cả các bộ, ngành, thực hiện tin học hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền như đăng ký thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai đầu tư, xây dựng...
Đưa ra những con số cụ thể nêu khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện tăng lương tối thiểu trong nhóm kiến nghị về lao động, việc làm và tiền lương, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định tính toán, mức lương tối thiểu của 1 công nhân hiện tại là 3.7450.000 đ/người/tháng. Số tiền doanh nghiệp nộp bảo hiểm 22% + phí công đoàn 2% là 898.800đ/người/tháng. Tổng cộng là 4.643.800 đ/người/tháng. Từ đó, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nên tạm ngừng tăng lương tối thiểu vùng theo định kỳ vì mức đóng bảo hiểm cho người lao động tại doanh nghiệp tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trường hợp tăng mức lương tối thiểu vùng cần có sự tham khảo, đóng góp của các doanh nghiệp.
Đề xuất thành lập Ủy ban doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Quốc hội
Tổng quát sau những vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, VCCI đã đưa ra 6 kiến nghị đồng thời là nhóm giải pháp trước mắt cần thực hiện ngay trong năm 2016 như kiến nghị về việc phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, tổng rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng..., hoàn thiện thể chế để phát triển các thị trường yếu tố đầu vào...
VCCI cũng đề nghị tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, cụ thể như việc tái cơ cấu toàn diện khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển...
Đặc biệt, VCCI đề xuất thành lập Ủy ban doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Quốc hội và Ủy ban cải thiện các vấn đề về quy chế trong Chính phủ. Theo VCCI, trong bối cảnh hiện nay, hiệu lực quản lý của Việt Nam cần được thực hiện và vận hành một cách hệ thống nhằm thay đổi các quy chế bất hợp lý hoặc không công bằng, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Do cần, cần xem xét, thành lập Ủy ban doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Quốc hội để giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, Chính phủ thành lập Ủy ban cải thiện các vấn đề về quy chế để mỗi khi có những quy chế mới hoặc có sự thay đổi về luật, cơ quan thường trực này sẽ là nơi để các cơ quan, bộ ngành có thể thảo luận kịp thời, là cơ hội cho Chính phủ và doanh nghiệp lắng nghe ý kiến và thấu hiểu lẫn nhau hơn.
Những vấn đề, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do VCCI tập hợp đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến các bộ, cơ quan để nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và trả lời trực tiếp tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp sẽ được tổ chức vào ngày mai, 29-4.
Hồ Huệ
(Theo Báo Hải Quan)