Mất thêm kinh phí đầu tư hệ thống tưới, sản lượng XK sụt giảm, lợi nhuận đi xuống,… là những khó khăn mà không ít DN sản xuất, kinh doanh hàng nông sản đã và đang phải đối mặt.
Trở thành '“công xưởng mới” của thế giới: Bối cảnh khu vực và nội lực của Việt Nam
- Cập nhật : 29/04/2016
(Tin kinh te)
Vài năm trở lại đây, dòng vốn đầu tư quốc tế đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Việt Nam có rất nhiều triển vọng để trở thành “công xưởng mới” của thế giới, tuy nhiên qua thực tế nội lực cho thấy, Việt Nam vẫn còn đối mặt với không ít rào cản, thách thức. Bài viết đề xuất một số giải pháp về chính sách nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu là trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới vào năm 2020.
Báo cáo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 3/12/2015 cho thấy, các nước đang phát triển ở châu Á đang hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2016, bất chấp những tác động tiêu cực từ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác như Nhật Bản và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2016. Ngày 5/10/215, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất quá trình đàm phán và đã chính thức ký kết ngày 4/2/2016 đã đặt ra những cơ hội cũng như những thách thức mới cho khu vực và thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy vậy, đầu tư sụt giảm cũng ghi nhận tại Việt Nam và hầu hết các nền kinh tế trong ASEAN, bởi do những điều chỉnh trên thị trường bất động sản, chi phí vốn tăng, xuất khẩu suy giảm và những bất ổn chính trị tại một số quốc gia trong khu vực. Vượt qua khó khăn, năm 2015, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng: Kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát; Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá và có chiều hướng phục hồi, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Không những vậy, trước những diễn biến của dòng vốn đầu tư quốc tế đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây, Việt Nam thậm chí còn có triển vọng trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới với những đặc điểm nổi bật sau:
Một là, Việt Nam nằm trên trục giao thương quốc tế, thuận lợi để phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa quy mô lớn. Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á với hơn 3.200km đường bờ biển, tiếp giáp với Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông và Vịnh Thái Lan. Trong đó, Biển Đông được đánh giá là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới – là tuyến giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, giữa châu Á với châu Âu và Trung Đông. Thống kê cho thấy, hiện có hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.
Hai là, thời gian gần đây, Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới khu vực. Tính đến tháng 9/2015, Việt Nam đã tham gia và ký kết 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: FTA Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chile, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam Liên minh kinh tế Á – Âu, Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Dự kiến trong giai đoạn 2016-2018, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương khác.
Ba là, hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định so với các trung tâm chế tạo khác trong khu vực. Số liệu tổng hợp từ Bloomberg, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng ổn định từ mức 49,3 điểm (tháng 12/2012) lên 52,7 điểm (tháng 12/2014); trong khi đó, chỉ số PMI của một số nước lớn trong khu vực lại giảm mạnh như Trung Quốc (giảm từ 51,5 điểm tháng 12/2012 xuốn còn 49,6 điểm tháng 12/2014). Tương tự Indonesia giảm từ 50,7 điểm tháng 12/2012 xuống còn 47,6 điểm; Hàn Quốc giảm từ 50,1 điểm xuống còn 49,9 điểm.
Bốn là, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa ngay tại thị trường Việt Nam.
Năm là, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công thấp hơn so với các nước trong khu vực, với 1,34 USD/giờ (năm 2012), chỉ bằng 6,1% của Thái Lan, 51,5 của Trung Quốc, 36,2% của Malaysia và 6,1% của Hàn Quốc.
Sáu là, dòng vốn đầu tư quốc tế đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Báo cáo tháng mới đây của Savills Việt Nam về tình hình hoạt động của các khu công nghiệp trên cả nước cho thấy, đang diễn ra sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khối ASEAN để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do trong khu vực trong thời gian tới. Minh chứng là so với 10 năm trước thì số doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến đầu tư tại Trung Quốc đã giảm mạnh, từ khoảng 2.300 doanh nghiệp thành lập mới (năm 2006) giảm xuống còn 700 doanh nghiệp (năm 2014). Số liệu do Bộ Tài chính Hàn Quốc công bố cuối năm 2015 cũng cho thấy, đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã giảm đến 32,1% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Đáng chú ý là Tập đoàn Microsoft đã công bố đóng cửa hai nhà máy sản xuất điện thoại Nokia ở Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam và nâng quy mô đầu tư lên đến 210 triệu USD tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (Bắc Ninh), theo đó số lượng nhân công sẽ tăng gấp 3 lần so với 2 nhà máy cũ. Báo cáo của Savills Việt Nam cho biết, có khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam do có thị trường nội địa lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào.
Đề xuất một số giải pháp
Bên cạnh những lợi thế trên, Việt Nam cũng đang đứng trước rất nhiều những thách thức. Chẳng hạn như đón nhận công nghệ thấp, thành nước chỉ gia công thuần túy mà không tiếp thu được công nghệ tiên tiến, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, kỷ luật và năng suất lao động thấp, vấn đề môi trường sinh thái và lãng phí tài nguyên… Nhằm khắc phục những rào cản và từng bước phát triển Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới theo như phân tích ở trên, bài viết đề xuất một số giải pháp về chính sách như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên trước mắt là giải quyết các rào cản đối với nhà đầu tư, nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là các quy định, thủ tục hành chính về khởi nghiệp doanh nghiệp, gia nhập thị trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận đất đai, điện, nước… Đồng thời, gắn với việc thông tin, tuyên truyền, triển khai những luật có tác động lớn đến doanh nghiệp và nhà đầu tư như Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2014…
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đối với các văn bản luật mới ban hành; đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn với tăng cường quản lý, thực hiện quy hoạch từ Trung ương đến địa phương. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Thứ ba, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình, dự án có tính kết nối khu vực và quốc tế.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực cả về chất lẫn về lượng. Đổi mới mạnh mẽ quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nhân lực.
Thứ năm, tăng cường tiềm lực quốc gia. Đổi mới quản lý Nhà nước đối với phát triển khoa học công nghệ, gắn hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ với nhu cầu thực tế của thị trường.
Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước phát triển lên công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Thứ bảy, quan tâm, chăm lo các vấn đề xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành các chính sách chương trình giáo dục, y tế, an sinh xã hội…
Lê Thị Bích Lan
Theo Tạp chí Tài Chính