Việt Nam có rất nhiều triển vọng để trở thành “công xưởng mới” của thế giới, tuy nhiên qua thực tế nội lực cho thấy, Việt Nam vẫn còn đối mặt với không ít rào cản, thách thức.
"Nếu có tranh cãi, phần thắng luôn thuộc về cán bộ thuế"
- Cập nhật : 28/04/2016
(Kinh te)
Trước thềm hội nghị Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngày mai (29/4), nhiều DN phản ánh nhiều DN nhà nước nợ hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế hoặc nợ vốn xây dựng cơ bản kéo dài tới 2-3 năm không thanh toán nhưng DN tư nhân nợ thuế vài ba trăm triệu chưa thanh toán đã bị phạt. DN được hoàn thuế tới 6 tỷ đồng thì kéo dài 6 tháng mới giải quyết.
DN nhà nước chây ì trả nợ
Mặc dù được đánh giá có nhiều cải cách nhất, song thuế và hải quan vẫn là những lĩnh vực bị DN "kêu ca" nhiều nhất, theo tài liệu được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp về những kiến nghị của cộng đồng DN gửi lên Thủ tướng trước thêm hội nghị diễn ra vào ngày mai (29/4).
Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, sự hiểu biết về các quy định mới của một số cán bộ còn hạn chế, không đủ khả năng giải thích, hướng dẫn cho DN. Nhiều trường hợp cùng một sự việc nhưng một số cán bộ thuế giải thích, hướng dẫn nhiều cách khác nhau, dẫn đến việc DN hiểu không đúng hoặc không hết ý gây khó khăn trong khâu thực hiện.
Các DN này cũng cho biết, việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN còn khó khăn và phức tạp. Có DN được hoàn thuế tới 6 tỷ đồng nhưng kéo dài tới 6 tháng chưa được giải quyết. Ví dụ, Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ thủ đô; Công ty BH Vina đề nghị hoàn thuế từ tháng 12 năm trước nhưng phải đến tháng 4 mới nhận được tiền hoàn và theo trả lời của cán bộ thuế là do ngân sách hoàn hạn chế chưa có tiền hoàn lại cho DN.
Bên cạnh đó, các DN Vĩnh Phúc cũng chỉ ra thực trạng, việc xác định chi phí để tính thuế thu nhập DN qua cán bộ thuế và DN còn có tranh cãi và phần “thắng” bao giờ cũng thuộc về cán bộ thuế.
"Có nhiều DNNN còn nợ hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế hoặc nợ vốn xây dựng cơ bản kéo dài tới 2-3 năm không được thanh toán. Trong khi DN tư nhân nợ thuế vài ba trăm triệu chưa thanh toán đã bị phạt. Đây là sự thiếu công bằng giữa DNNN với khu vực dân doanh", Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc bất bình.
Về lĩnh vực hải quan, Hiệp hội cho rằng, các thủ tục hành chính đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên thời gian thông quan vẫn còn kéo dài. Ở mỗi công đoạn, quy trình lại có những phức tạp riêng.
Đáng chú ý là theo những DN này, Hải quan theo luật mới lại gây phiền hà cho DN. Cụ thể, trước đây xuất hàng chỉ mất 1 ngày làm thủ tục thì nay xuất hàng phải mở qua cơ quan hải quan kiểm tra mất 2-3 ngày, gây bức xúc cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, nhiều DN phản ánh, hiện nay có quá nhiều văn bản các bộ, ngành, quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; hay việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành quy định chồng chéo nhau, một mặt hàng vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng mỗi khi nhập khẩu. Cùng một mặt hàng nhưng lần nhập khẩu nào cũng phải xin giấy phép, kiểm tra chất lượng.
Bên cạnh đó, phạm vi kiểm tra chuyên ngành quá rộng, nhiều trường hợp không cần thiết như phải kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm nhập về, đóng gói nguyên trạng cùng sản phẩm khác rồi xuất khẩu.
Mặc dù thủ tục hải quan đã giảm bớt giấy tờ, tuy nhiên chưa đồng bộ với các cơ quan liên quan như ngân hàng và các cơ quan thuế nên có những giấy tờ mà cơ quan hải quan không cấp nhưng ngân hàng hoặc cơ quan thuế vẫn yêu cầu.
Do đó, DN kiến nghị, cơ quan hải quan cần chia sẻ thông tin, dữ liệu qua hệ thống mạng với các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm tra chuyên ngành đề giảm bớt hồ sơ, thủ tục, thời gian và chi phí cho DN. Bên cạnh đó, các DN cũng đề nghị bãi bỏ việc kiểm tra chất lượng nhà nước đối với hàng hóa đã có kiểm tra đăng kiểm quốc tế...
Nhiều bất cập trong chính sách thuế
Các DN vừa và nhỏ ở Hà Nội cũng phản ánh tình trạng bất cập trong thu thuế. Nhiều khi do hệ thống thuế kết nối chậm trong khi phải nộp thuế thì mới lấy được hàng từ cảng về nhà máy. Kết quả, phải mất ít nhất 2-3 ngày mới có thể lấy hàng vì chờ thuế, trong khi DN lại cần hàng gấp cho sản xuất (do chuyến hàng bị lỡ tàu, nhà sản xuất không kịp hoàn giao trả trả hàng…). Ngoài ra còn phát sinh chi phí lưu bãi đối với container dẫn đến chi phí công ty tăng lên. Vì vậy, các DN này xin đề xuất cho nợ thuế 30 ngày như các quy định trước đây.
Cũng góp ý kiến lên Thủ tướng, Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội cho rằng, ngoài những phí và lệ phí đã được quy định, Chính phủ cần kiểm soát để không được phát sinh những loại phí và lệ phí khác để không gây tổn hại cho DN.
Bên cạnh đó, ưu đãi về thuế cần rõ ràng, cắt giảm thời gian hoàn thuế cho DN để DN có nguồn vốn để phát triển sản xuất. Mặt khác, để được hưởng các khoản ưu đãi về thuế, doanh nghiệp phải vượt qua các thủ tục và điều kiện rất phức tạp cho nên khó thực thi. Đề nghị nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện để các biện pháp ưu đãi cho DN có thể đi vào cuộc sống.
Một số DN khối bất động sản phản ánh việc hiện nay, quy định nhà nước không cho bù trừ lỗ từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản (chỉ cho bù trừ ngược lại) như Luật thuế 32/2013/QH13 sửa đổi Luật thuế thu nhập DN. Điều này là bất hợp lý do hiện nay, theo thông lệ quốc tế mà nhiều nước trong khu vực cũng đã áp dụng: Lợi nhuận và lỗ trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS được bù trừ khi tính thuế TNDN, tạo thuận lợi cho DN tối ưu thuế. Do đó, các DN khối BĐS đề xuất Bộ Tài chính xem xét, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN, cho phép lỗ của hoạt động kinh doanh được bù trừ với lợi nhuận từ chuyển nhượng BĐS.
Ngày mai (29/4/2015) sẽ diễn ra Hội nghị DN năm 2016 với tên gọi "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước". Đây là cuộc gặp, đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng DN, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó chủ yếu là DN tư nhân, DN vừa và nhỏ.
Theo những thông tin ban đầu, sự kiến quy mô của hội nghị sẽ rất lớn với khoảng 500 đại biểu tham dự, trực tuyến với 62 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, hội nghị sẽ do Thủ tướng chủ trì và có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo bộ ngành và các địa phương; các tổ chức, ủy ban thuộc Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Sẽ có khoảng 300 đại biểu là DN có mặt tại hội trường Thống Nhất với 50 đại biểu đại diện cho khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các hiệp hội; 20 đại biểu từ các DN cổ phần và 10 đại biểu từ các hợp tác xã...
Nội dung chính của hội nghị là đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng thể chế, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển; giải quyết các kiến nghị trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, chủ yếu là giải quyết những vướng mắc ở khâu thực thi chính sách như khắc phục tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, cửa quyền, làm khó DN...