Bộ Tài chính công bố sẽ sửa Luật thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc còn 5 bậc. Người nộp thuế ở bậc 1 và 2 có lợi, nhưng vẫn còn những ý kiến khác đối với người thu nhập cao.
Tận dụng cơ hội từ già hóa dân số
- Cập nhật : 28/04/2016
(Tin kinh te)
Việt Nam đang ở giai đoạn già hóa dân số rất nhanh và theo dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ chính thức bước vào thời kì dân số già. Đây được cho là thách thức lớn về vấn đề lao động, an sinh xã hội, y tế… nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng lợi thế này.
Chuyển hướng nhóm ngành nghề
Tại Hội thảo công bố các chỉ số báo cáo về con người khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc chiều ngày 27-4, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết, dân số Việt Nam đang “già” đi rất nhanh với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, nhanh nhất ở châu Á. Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18- 20 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia đi trước như: Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Hoa Kỳ 70 năm, Nhật Bản 26 năm,... Theo dự báo Việt Nam sẽ chuyển từ già hóa dân số sang dân số già vào năm 2030 với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm gần 10%.
Theo chuyên gia Lê Bạch Dương, Trưởng Phòng Dân số và Phát triển UNFPA, có nhiều thách thức đối với vấn đề già hoá dân số cần được giải quyết, trong đó có vấn đề thu nhập không được bảo đảm, an sinh xã hội chưa đầy đủ, năng lực hạn chế của hệ thống y tế trong việc giải quyết một loạt các vấn đề vẫn đang tồn tại mà người cao tuổi phải đối mặt; những vấn đề nhân sự trong việc đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, cụ thể là chăm sóc lâu dài và việc mang lại một môi trường thân thiện với người cao tuổi để khuyến khích sự tham gia tích cực của người cao tuổi vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, nhận định về cơ hội và thách thức với kinh tế, xã hội Việt Nam khi chính thức bước vào thời kỳ dân số già, ông Nguyễn Quang, Giám đốc Quốc gia Tổ chức hỗ trợ gia cư HABITAT cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp cần phác thảo một cấu trúc kinh doanh mới, thích ứng với thời kỳ tương lai mà trong đó, việc điều chỉnh các chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp để giảm rủi ro, đồng thời tận dụng cơ hội từ vấn đề dân số già để tăng trưởng.
Ông Nguyễn Quang cho biết, tại Việt Nam hiện nay, các ngành tiêu dùng nói chung đều đang hướng đến giới trẻ, ít quan tâm đến người già. Thị trường kinh doanh để chăm sóc người già, như y tế, giải trí, chăm sóc, điều dưỡng… thực sự là những lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp nào đi trước, sẽ tới đích tốt hơn. “Người già là nhóm tiêu dùng quyền năng, giàu có hơn, chịu chi hơn, có nhiều thời gian để chi tiêu và đặc biệt là ở các khoản chi tiêu cho tài sản lớn như nhà, phương tiện đi lại”.
Tận dụng nguồn nhân lực “bạch kim”
Theo số liệu của các chuyên gia Liên Hợp quốc, hơn 40% người cao tuổi vẫn tham gia lao động, hơn 50% người từ 60 đến 64 tuổi đang làm việc. Nhiều người chỉ dừng làm việc sau tuổi 74, chủ yếu là việc giản đơn thu nhập thấp. Theo ông Lê Bạch Dương, không nên “coi thường” nguồn nhân lực cao tuổi này bởi như bố mẹ ông bà chúng ta vẫn đang làm việc, chỉ có điều họ không có thu nhập ổn định nên chúng ta chưa chú trọng. “Người cao tuổi là kho kinh nghiệm, kỹ năng quý báu của mỗi quốc gia. Đồng thời họ cũng là cầu nối văn hóa giữa các thế hệ. Bộ phận người cao tuổi khỏe mạnh sẽ là nguồn nhân lực quý giá mà chúng ta chưa biết cách tận dụng tri thức và kinh nghiệm của họ”, ông Dương nhận định.
Hiện một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có chiến lược duy trì lao động kỹ năng cao. Ví dụ, Nhật Bản có chiến lược quản trị nhân sự cao tuổi cấp cao để tạo đột phá, hoặc chính sách hỗ trợ về hưu trí khi tuyển dụng lao động cao tuổi, các biện pháp khuyến khích cho doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động cao tuổi. Hàn Quốc có chính sách tái tuyển dụng lao động cao tuổi.
“Cần phải xây dựng chính sách bảo đảm cuộc sống cho người cao tuổi tốt hơn như tất cả người cao tuổi cần được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và chăm sóc y tế. Khi người cao tuổi được sống khỏe mạnh, họ sẽ tiếp tục đóng góp kỹ năng cũng như kinh nghiệm quý báu của mình và trở thành nhóm đối tượng lao động hữu ích không kém nguồn nhân lực trẻ”, ông Lê Bạch Dương khẳng định.
Nhật Minh
(Theo Báo Hải Quan)