Mặc dù đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Thống đốc NHNN nhấn mạnh chính sách điều hành không chủ quan với diễn biến của lạm phát.
Tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng tiêu thụ nội địa
- Cập nhật : 20/08/2017
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) khẳng định, tăng lương tối thiểu có thể giúp cải thiện thu nhập của đa số người lao động từ đó tăng tiêu thụ nội địa và đóng góp vào một mức tăng trưởng GDP cao hơn.
Ông Chang-Hee Lee cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang ở đáy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là doanh nghiệp dệt may
Ông có nhận định thế nào về mức tăng lương tối thiểu 6,5% cho năm 2018?
Theo số liệu của Chính phủ, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam tăng 6,2% và CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 4,74% trong năm 2016. Năm nay, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6,5% và CPI tăng 4%.
Dựa vào số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam, một số người có thể cho rằng mức tăng lương tối thiểu 6,5% là ở trong khoảng hợp lý.
Tăng lương tối thiểu sẽ có tác động thế nào, thưa ông?
Doanh nghiệp ở đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể cảm thấy lợi thế cạnh tranh về giá của họ phải chịu nhiều sức ép vì lương và lương tối thiểu liên tục tăng trong những năm gần đây. Nhưng xin đừng quên vế bên kia của phương trình. Chẳng hạn, trong gần một thập kỷ qua, giá gia công (hay còn gọi là giá CMT - gồm cắt, may, ủi) cho một chiếc áo sơ mi hoặc quần jeans mà các nhà cung cấp của Việt Nam nhận được từ các công ty đa quốc gia vẫn hầu như không thay đổi, thậm chí còn thấp hơn trong một số trường hợp. Điều này giải thích vì sao những người sử dụng lao động trong các ngành xuất khẩu thường xuyên bị sức ép phải cải thiện hiệu quả của nhà máy, giảm chi phí sản xuất với mong muốn giữ chi phí lao động thấp để duy trì biên lợi nhuận (vốn bị ép giữa một bên là lương tối thiểu tăng lên, cộng các chi phí khác, và một bên là giá gia công thấp).
Chúng ta đều biết nhiều nhãn hàng và công ty đa quốc gia đã công bố các cam kết, thông qua các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ mức lương tối thiểu quốc gia và tôn trọng nguyên tắc tự do liên kết và thương lượng tập thể. Vì thế, các nhà cung cấp của Việt Nam và công đoàn cần phải đối thoại với các công ty đa quốc gia để đảm bảo sự phân chia công bằng của các thành quả kinh tế và trách nhiệm xã hội.
Chúng ta cũng cần nhìn vào những tác động tích cực mà mức lương tối thiểu mới có thể giúp tăng cầu nội địa. Lương tối thiểu không chỉ ảnh hưởng đến người lao động có mức lương sát mức sàn này, mà còn tác động đến cả những người nhận lương cao hơn thông qua việc điều chỉnh bậc lương trong doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là lương tối thiểu tăng có thể giúp cải thiện thu nhập của đa số người lao động, từ đó tăng tiêu thụ nội địa và đóng góp vào một mức tăng trưởng GDP cao hơn.
Ông có nhận định thế nào khi Tổng Liên đoàn Lao động luôn đưa ra mức đề xuất tăng lương cao tại tất cả các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia với lý do nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động?
Tất cả công đoàn trên thế giới đều có cùng mục tiêu đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.
Mức sống tối thiểu là một khái niệm mang tính tương đối cả về mặt thời gian cũng như tùy theo quốc gia. Khi nền kinh tế phát triển hơn, danh sách nhu cầu tiêu thụ của con người cũng dài ra.
Theo Công ước về Xác lập Tiền lương Tối thiểu của ILO, nhu cầu của người lao động và gia đình họ cần phải được tính đến khi xác lập tiền lương tối thiểu. Đồng thời, Công ước cũng khuyến khích xem xét các yếu tố kinh tế, trong đó có thể bao gồm sức cạnh tranh và ổn định về giá.
Mục đích bao trùm của chính sách tiền lương tối thiểu là nhằm bảo vệ người lao động không bị trả mức lương quá thấp. Khi được sử dụng một cách hợp lý và kết hợp với các công cụ chính sách khác, lương tối thiểu có thể có những tác động tích cực, giúp giảm chênh lệch tiền lương và tăng bình đẳng giới.
Làm sao vừa đảm bảo môi trường kinh doanh vừa bảo vệ được người lao động thông qua công cụ tăng lương tối thiểu?
Để lương tối thiểu có hiệu quả trong việc xác lập mức sàn bảo vệ người lao động ở dưới đáy của thang lương trong khi vẫn đảm bảo môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp bền vững, Việt Nam có thể xem xét một vài gợi ý sau:
Thứ nhất, lương tối thiểu nên được xác lập dựa trên bằng chứng về tình hình kinh tế và thị trường lao động nhằm đảm bảo mức lương tối thiểu mới giúp phát triển doanh nghiệp bền vững trong khi vẫn bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp. Để làm được điều này, Việt Nam cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn.
Thứ hai, cần tăng cường hơn nữa năng lực chuyên môn của Ban thư ký của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Bộ phận này đóng một vai trò quan trọng giúp cung cấp những phân tích sâu sắc về số liệu kinh tế và thị trường lao động, để những người có vai trò quyết định (đại diện của chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) có thể đàm phán dựa trên những hiểu biết đầy đủ về bối cảnh và bằng chứng.
Lương tối thiểu chỉ đặt ra mức sàn. Trong khi, nhiều ý kiến cho rằng, tiền lương cần được quyết định thông qua đàm phán giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, dường như việc đàm phán của người lao động Việt Nam với chủ sử dụng lao động khá yếu?
Lương tối thiểu là một công cụ chính sách xã hội được thiết kế để bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp.
Về lý thuyết, lương tối thiểu tác động tới những người lao động ở dưới đáy của thang lương trong thị trường lao động Việt Nam. Nhưng hiện tại, nhiều người lao động không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp ngay cả ở các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ cao cũng chỉ nhận mức lương tối thiểu hoặc nhỉnh hơn lương tối thiểu một chút. Để bù lại mức lương thấp, họ phải làm thêm giờ, thường với thời gian vượt quá pháp luật cho phép.
Thành quả kinh tế của doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp FDI lớn trong ngành điện tử, cần phải được chia sẻ công bằng hơn. Có thể đạt được mục tiêu này thông qua thương lượng tập thể hiệu quả. Và thương lượng tập thể hiệu quả cần có tổ chức của người lao động hiệu quả, có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động và độc lập với người sử dụng lao động. Rất tiếc, hiện các nơi làm việc tại Việt Nam thường chưa làm được điều đó.
Nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong đó người lao động có thể được hưởng một cách công bằng những thành tựu của tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường trong nước thông qua tăng cầu nội địa, Việt Nam cần cải thiện khả năng đại diện của công đoàn và thương lượng tập thể tại nơi làm việc.
Hải Hà
Theo Baodautu.vn