Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Tiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho biết: “Khảo sát của Vinastas là vội vàng, nhân danh bảo vệ người tiêu dùng nhưng chính là làm cho người tiêu dùng hoang mang. Việc thông tin như vậy đang đặt các doanh nghiệp trong ngành nước mắm vào tình thế dở khóc dở cười”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Tăng thu thuế môi trường sẽ được lòng dân hơn”
- Cập nhật : 23/09/2016
(Kinh te)
“Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3.000 đồng/lít, nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10-20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết và khẳng định sẽ xúc tiến để mở rộng đối tượng thu thuế bảo vệ môi trường vào năm tới.
Phát biểu tại phiên thảo luận bàn tròn về kế hoạch cải cách thuế của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra tại trụ sở Bộ Tài chính chiều qua (22/9), Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định với các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ tiếp tục thúc đẩy thu thuế bảo vệ môi trường và trong năm tới sẽ xúc tiến để mở rộng đối tượng thu này.
Ông Tuấn cho rằng, việc chú trọng tăng thu thuế bảo vệ môi trường sẽ có lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị, so với việc tăng thu các loại thuế khác như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
“Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3.000 đồng/lít, nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10-20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”, lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn chứng.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định quan điểm của Bộ Tài chính là sẽ tăng thu thuế bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nói thêm rằng, đối tượng thu và phương thức thu cũng “được lòng dân hơn”. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ mở rộng phạm vi thu thuế với những ngành sản xuất, những dự án thâm dụng tài nguyên khoáng sản, khai thác quặng sắt, các dự án luyện thép vào Việt Nam...
Cùng với đó, chính sách thuế cũng sẽ hướng đến khuyến khích các ngành sản xuất và sử dụng năng lượng sạch. Nếu tăng nguồn thu từ các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường thì sẽ có thể có nguồn để hỗ trợ cho năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, năng lượng gió…) - đây là ưu tiên chính sách của Bộ Tài chính trong thời gian tới, Thứ trưởng Tuấn cho hay.
Trong một báo cáo trình Quốc hội khóa XIII, Chính phủ cho biết, năm 2016, để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN), một trong những giải pháp đặt ra là tập trung thực hiện tốt công tác thu NSNN, chủ động xử lý tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định. Theo đó, sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Tuy nhiên, sau đó, trả lời báo chí tại phiên họp báo hồi cuối tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính vẫn chưa có kế hoạch trình Chính phủ về điều chỉnh thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu. Việc điều chỉnh từng sắc thuế cần có đánh giá thực tiễn, căn cứ vào các quy định luật pháp, Nghị quyết của Chính phủ và phù hợp với chính sách động viên nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu hiện nay đang được quy định tại biểu thuế của luật Thuế bảo vệ môi trường do Quốc hội ban hành với khung quy định đối với xăng (trừ ethanol) từ 1.000 - 4.000 đồng/lít, dầu diezel từ 500 - 2.000 đồng/lít, dầu hỏa và mazut từ 300 - 2.000 đồng/lít.
Hồi tháng 5/2015, thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã tăng mạnh 300%, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay. Mặt hàng dầu diezel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít; mặt hàng dầu mazut tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít; mặt hàng dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300 đồng/lít.
Như vậy, nếu tiếp tục điều chỉnh tăng thì thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng có thể sẽ tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, để khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho nông nghiệp nông thôn, trong kỳ Quốc hội vào tháng 10 tới, Chính phủ sẽ trình bỏ khoản thu thuế đất nông nghiệp, hiện đang ở mức 4 triệu USD, tức khoảng 80 tỷ đồng.
Tại cuộc thảo luận, chuyên gia WB cũng góp ý với Việt Nam có thể tăng mạnh khoản thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lên gấp đôi hoặc gấp 4 lần hiện nay do dư địa tăng rất lớn. Thuế suất thuế sử đụng đất phi nông nghiệp ở Việt Nam hiện rất thấp 0,03%, thấp hơn so với Indonesia 10 lần và so với Philippines 40 lần.