Theo thông tin được bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra thì thuế, phí hiện nay đang chiếm khoảng trên 40% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đó là chưa kể số chi phí không chính thức.
Bộ trưởng Tài chính hứa đòi 34.000 tỷ đồng nợ thuế
- Cập nhật : 19/11/2015
(Kinh te)
Khoản nợ của các doanh nghiệp đủ khả năng trả nhưng chây ỳ được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết thu hồi trước Quốc hội.
Dù hơi quá thời gian song phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên chất vấn sáng 17/11 lại nhận được sự hài lòng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khi vị tư lệnh ngành này đưa ra được nhiều cam kết xử lý nợ đọng thuế, cải cách thủ tục hành chính và nợ công.Về vấn đề nợ đọng thuế, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) dẫn lại con số của Bộ Tài chính cho thấy, trong số 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế hiện nay có khoảng 34.000 tỷ là của các doanh nghiệp có khả năng tài chính nhưng không chịu trả. Do đó, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đặt vấn đề về khả năng thu hồi số tiền này.
Trả lời trước Quốc hội, người đứng đầu ngành tài chính cam kết: "Riêng trong năm 2015 đã thu về hơn 31.000 tỷ đồng nợ thuế nên còn treo 34.000 tỷ đồng đó. Chúng tôi chắc chắn thu được số này", Bộ trưởng cam kết.
Lời hứa của vị trưởng ngành ngay lập tức được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại trước Quốc hội. Sau đó, ông còn đề cập tới một câu hỏi của đại biểu khác về việc khi nào cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan của Việt Nam vào nhóm ASEAN 4. Trả lời, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, sau những nỗ lực cải cách, năm nay lĩnh vực thuế và hải quan đã có thể vào nhóm ASEAN 6. "ASEAN 4, 5 thì đến năm 2016 chắc chắn sẽ đạt được theo nghị quyết 19 của Chính phủ", ông Dũng cam kết.
Theo Bộ Tài chính, thủ tục nộp thuế đã giảm từ 537 giờ xuống 117 giờ nhờ việc cắt giảm, cải cách một loạt thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của World Bank (WB), số giờ nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam vẫn cao hơn nhiều con số của Bộ Tài chính đưa ra. giải trình thêm về điều này, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, do nhiều chính sách cải cách có hiệu lực vào nửa cuối tháng của năm 2014 nên chưa được ghi nhận trong báo cáo của WB. "Năm 2015, 2016, các cải cách này sẽ được tính đủ", ông nói.
Là người nắm giữ túi tiền quốc gia, người đứng đầu ngành tài chính cũng thừa nhận trước Quốc hội tình trạng tỷ lệ chi thường xuyên hiện nay vẫn lớn, ảnh hưởng đến chi phát triển và trả nợ. Năm 2014, 2015, theo Bộ trưởng, cơ cấu chi ngân sách Nhà nước cho thường xuyên khoảng 67-68% nhưng năm 2016, cơ quan này dự toán sẽ đưa tỷ lệ này về 64%. "Theo kế hoạch trung hạn của Bộ Tài chính, đến năm 2020, tỷ lệ chi thường xuyên sẽ xuống 58-59%", Bộ trưởng cho biết.
Lý giải thêm về việc chi thường xuyên quá cao trong những năm qua, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, giai đoạn 2011-2015, dù điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng lại giữ nguyên các mục tiêu khác. Bên cạnh đó, trong khi tỷ lệ tăng thu ngân sách chỉ có 9,5% thì chi cho an sinh xã hội vẫn tăng 18% một năm. "Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng cao". Theo vị tư lệnh ngành, việc cơ cấu lại nợ đã đi được một bước khi tỷ lệ vay trong nước tăng từ 39% (năm 2011) lên 57,1% (năm 2015). Tỷ lệ nợ công dự kiến năm 2015 là 61,3%. Theo tính toán của Bộ trưởng Dũng, với việc cơ cấu lại nợ như kế hoạch của Bộ Tài chính, đỉnh nợ sẽ vào năm 2017 với tỷ lệ 64% nhưng đến năm 2020 chỉ còn 58%.
Về việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, dù Quốc hội đã thông qua đề xuất này nhưng Bộ trưởng Tài chính cho biết thời điểm này chưa thuận lợi về lãi suất để phát hành.