Giá vàng SJC mới nhất từ công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn - SJC
Vì sao thuế phí Việt Nam cao nhất trong khu vực?
- Cập nhật : 18/05/2017
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận thuế phí của Việt Nam hiện nay đang cao nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến thực tế này là xuất phát từ các khoản phí bảo hiểm, không phải do thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Đũng đã cho biết như vậy khi giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp ngay tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 17/5.
Tại hội nghị năm nay, chi phí kinh doanh là một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều doanh nghiệp đề cập tới.
Dẫn báo cáo “Khảo sát về Môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia.
Riêng chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore.
Làm rõ vấn đề này trước Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận đây là nhận định đúng. Bình quân chi phí này tại ASEAN tổng mức đóng là 33,65%.
Ông Dũng cho biết, chi phí nộp thuế so với lợi nhuận thuần của doanh nghiệp theo tiêu chí quốc tế bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản bảo hiểm.
"Trong 39,1% tổng mức thuế phí mà doanh nghiệp phải đóng thì có 20% là thuế thu nhập doanh nghiệp còn lại 19,1% gần tương đương là các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...", ông Dũng nói.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế phí của Việt Nam cao do gánh nặng về các khoản chi phí, bảo hiểm này. So sánh tương quan với các nước ASEAN, các khoản dành cho bảo hiểm chỉ khoảng 11,67%. Còn nếu tính riêng thuế của Việt Nam còn thấp hơn ASEAN, vì bình quân khu vực là 21% nhưng của Việt Nam là 20%.
Người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định thời gian tới sẽ nỗ lực để tiết giảm chi phí này cho doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh.
Không chỉ lĩnh vực thuế phí, lãi suất ngân hàng Việt Nam hiện nay cũng cao so với nhiều nước trong khu vực.Cụ thể, lãi suất bình quân Việt Nam hiện là 7-9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2-3%; Nhật Bản 0,95%.
Lý giải vấn đề này trước hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, một số nước trong khu vực (như Nhật Bản, Trung Quốc) có lãi suất cho vay thấp là vì lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định; khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cao trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của tất cả các khu vực kinh tế đều ở mức cao, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, kỳ vọng lạm phát còn cao và dễ biến động, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, đồng thời thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ dẫn tới nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng,... Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng.
“Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nói.
Trong bài phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng vấn đề thuế, phí còn cao là một tồn tại cần được khắc phục.
Không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường..., đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn.
Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp “năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”, Thủ tướng thông báo tới cộng đồng doanh nghiệp.
N.MẠNH
Theo Bizlive