(tin kinh te)
Theo thông tin được bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra thì thuế, phí hiện nay đang chiếm khoảng trên 40% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đó là chưa kể số chi phí không chính thức.
“Oằn lưng” gánh cả chi phí chính thức và không chính thức
Một trong những điểm mới tại Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được Chính phủ ban hành, đó là: yêu cầu rà soát giảm hàng loạt các chi phí cho doanh nghiệp.
Được biết, hiện nay thuế phí ở Việt Nam được đánh giá ở mức còn cao so với khu vực. Theo thông tin được bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra thì thuế, phí hiện nay đang chiếm khoảng trên 40% lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bà Hằng cho biết, đó là con số cao so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, chi phí liên quan đến người lao động như BHXH và các khoản đóng góp khác cũng đang là “gánh nặng” đối với các doanh nghiệp.
“Đó là con số chi phí chính thức. Qua rất nhiều cuộc điều tra, đặc biệt tại cuộc điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, các doanh nghiệp cho biết hầu hết ở các thủ tục kinh doanh có điều kiện các doanh nghiệp đều phải trả chi phí không chính thức, con số cụ thể thì chúng tôi chưa nắm được”, bà Hằng cho rằng, nếu cộng cả hai loại chi phí vào thì con số thực sự rất lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông, nếu con số khoản phí chính thức thực sự là hơn 40% trên lợi nhuận của doanh nghiệp thì quá cao.
“Điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Năng lực doanh nghiệp chính là năng lực của quốc gia. Quốc gia nào cũng huy động nguồn thu ngân sách thông qua thuế là đương nhiên. Nhưng riêng với các khoản phí thì tôi cho rằng cần cân nhắc và hết sức minh bạch”, ông Đông nói.
Ông Đông cho rằng, các chi phí quá lớn sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc mở rộng phát triển. Ông Đông dẫn chứng về câu chuyện được nghe từ một doanh nghiệp có số lương lao động rất lớn, tới 5000 người.
“Ông chủ doanh nghiệp này có nói, nếu các chi phí về lương, bảo hiểm… không tăng mà vẫn như trước đây, họ có thể mang số tiền đó đi đầu tư thêm một nhà máy tại vùng sâu và vùng xa và tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động nữa”, ông Đông kể.
Theo ông Đông, trong bối cảnh doanh nghiệp phải chịu cả chi phí không chính thức và chính thức quá lớn sẽ dễ dẫn đến quyết định không đầu tư, như vậy đồng nghĩa với việc hơn 5.000 người dân vùng sâu, vùng xa mất đi cơ hội có việc làm từ doanh nghiệp đó.
Ông Đông nhấn mạnh: Tiền lương, bảo hiểm xã hội đóng ở mức cao… với người lao động là cũng quý, nhưng quan trọng nhất vẫn là có việc để làm.
“Môi trường mà xấu thì doanh nghiệp khoẻ cũng chết”
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phí không chính thức mới là vấn đề nhức nhối.
“Chúng ta cũng biết đến các nguồn xã hội hóa, tức là chính quyền kkêu gọi các doanh nghiệp đóng góp tài trợ. Đa số các doanh nghiệp chắc chắn không dám từ chối. Trong khi đó, tôi biết nhiều ông tự nguyện thì lại đổi lấy cái khác. Điều này làm méo mó môi trường. Đây cũng chính là cái mà người ta gọi nhóm thân hữu, nhóm lợi ích”, ông Hà cho rằng điều này sẽ tạo ra một môi trường xấu, không đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Hà cũng nhấn mạnh đến một trong những điểm mới của Nghị quyết 35, đó là quy định mỗi năm chỉ được thanh tra, kiểm tra một lần, nếu quá doanh nghiệp có quyền từ chối không tiếp.
“Việc kiểm tra ít không có nghĩa là dung túng cho các doanh nghiệp làm sai trái mà nhằm giảm các chi phí không chính thức mà phía doanh nghiệp phải chịu. Không thể có việc doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, không vi phạm mà phải liên tiếp đón các đoàn thanh tra”, ông Hà cho biết.
Ông Hà cũng cho hay, để giám sát chặt chẽ, các cơ quan chức năng sẽ khoanh vùng các đối tượng doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm cao, cũng giống như nghiệp vụ của phía công an. Điều này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, hạn chế doanh nghiệp không vi phạm gì vẫn bị hỏi thăm thường xuyên.
Ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, với Nghị quyết 35, Chính phủ đang quyết tâm ra tạo môi trường lành mạnh để doanh nghiệp yếu vẫn sống. Bởi nếu môi trường xấu, doanh nghiệp khỏe cũng có thể “lăn” ra chết.
Ông Hà một lần nữa nhấn mạnh, với “Chính phủ hành động, Nghị quyết 35 sẽ đi vào thực tế, khắc phục tình trạng chính sách thay đổi kiểu “sáng nắng chiều mưa” gây khó cho doanh nghiệp.
MẠNH NGUYỄN
Theo Bizlive