Thu chỉ có giới hạn, nếu vượt quá giới hạn mà vẫn tận thu thì sẽ triệt tiêu động lực phát triển của nền kinh tế. Thu ngân sách vượt quá một ngưỡng nào đó sẽ khiến nền kinh tế trì trệ. Ở Việt Nam, cái ngưỡng này đã sắp đến giới hạn.
Hội nhập rồi, Doanh nghiệp Việt sức yếu thì phải chấp nhận chịu chết, Nhà nước không thể hồi sức cấp cứu mãi được
- Cập nhật : 19/05/2016
(Kinh te)
“Đa số DN không có chiến lược, đầu tư bài bản, công nghệ cũng là con số không. Trong 5 năm qua, số lượng DN giải thể và cả thành lập mới đều rất lớn. Mỗi năm, số lượng DN bổ sung thêm khoảng 17.000 DN nhưng cũng có khoảng 10.000 DN giải thể”, ông Bùi Quang Vinh cho biết.
Tại hội thảo “Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam - Cơ hội nào cho doanh nghiệp?” do Deloitte Việt Nam tổ chức diễn ra tại TPHCM ngày 17/5, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra lời khuyên rằng khi hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận sự cạnh tranh và nếu sức yếu không cạnh tranh được thì sẽ chết ngay trên sân nhà, Nhà nước không thể đóng vai trò bác sĩ hồi sức cấp cứu như trước đây.
Ông Vinh nêu thực trạng rằng con số DN đăng ký trên giấy tờ đạt trên 600.000 DN, nhưng số thực đang hoạt động chỉ có 534.000 DN, trong đó có đến 97% là DN vừa và nhỏ có số lượng lao động và vốn, giá trị lợi nhuận thu được rất nhỏ.
Vẫn với ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ hội và thách thức đặt ra trong hội nhập không có công thức chung cho tất cả các DN, ngành nghề, mà mỗi ngành hàng, DN sẽ có thách thức, cơ hội riêng.
Nói về những khía cạnh tích cực, ông Bùi Quang Vinh cho biết nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục ổn định, cộng với nền chính ổn định là 2 yếu tố thuận lợi hỗ trợ DN. Nhận thức của Chính phủ về DN ngày càng được cải thiện rất rõ nét.
Chính phủ đánh giá rất cao vai trò đóng góp DN tư nhân. Do đó, nhiều cải cách rất quyết liệt đã được thực hiện, cụ thể sửa đổi hàng loạt Luật như Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Hình sự… Có thể thấy nền tảng cơ sở cho tạo lập môi trường hoạt động thuận lợi đang dần hiện rõ và sự kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng tốt cũng rõ hơn.
Vấn đề làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong nước là bài toán mà những người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra bài giải. Và theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thì thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải khắc phục ngay là tăng năng suất lao động. Nếu chỉ dựa vào lao động giá rẻ để tăng trưởng kinh tế thì không đạt sự bền vững.
Tăng năng suất cũng chính là nguyên liệu chính để tăng trưởng GDP. Thế nhưng, đây lại là yếu tố đáng lo ngại nhất của Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, tốc độ tăng năng suất suy giảm cũng là thách thức lớn nhất để đạt những khát vọng thu nhập đến 2035 mà Việt Nam đề ra đạt con số tăng trưởng gấp 10 lần năm 2015.
Song, nhìn lại quá trình phát triển 10 năm qua của Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc vào hai yếu tố là tích luỹ vốn và nhân công giá rẻ. Thế nhưng, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng của Việt Nam đã qua và đang già hóa rất nhanh, thì năng suất lao động mới là thứ giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu tăng trưởng.
“Trong khi khu vực tư nhân là đối tượng trụ đỡ của nền kinh tế mà năng suất lao động của khu vực kinh tế này lại không đạt hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy, đó là phân bổ và phân công lao động không hiệu quả; thể chế lại chưa hoàn thiện, cơ chế cho DN tư nhân vẫn còn yếu và nguồn vốn, đất đai cũng chưa đáp ứng được trong khi nhu cầu phục vụ cho lại cao. Cho nên, Việt Nam cần chính sách bảo hộ quyền cạnh tranh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho khu vực DN trong nước”, bà Victoria Kwakwa kiến nghị.
Cũng theo bà Victoria Kwakwa, Chính phủ hãy hỗ trợ kỹ năng cho người lao động. Để có thể làm được cần có các chương trình đào tạo; cần mối quan hệ chặt chẽ giữa DN với trường nghề, trường đạo tạo; cần đưa định hướng kinh doanh của DN vào định hướng phát triển chung của nền kinh tế quốc gia.
Song song đó, xác định việc ứng dụng công nghệ của thế giới vào hoạt động sản xuất trong nước là vấn đề phải sớm thực hiện, khi này đòi hỏi tăng cường mối chuyển giao công nghệ của DN FDI vào DN trong nước.
Thực tế cho thấy, khi nào Việt Nam tận dụng được mối liên kết giữa DN Việt Nam và FDI thì Việt Nam mới hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình hội nhập. Cần nhấn mạnh là, việc đào tạo nguồn lao động, đổi mới sáng tạo cho DN cần được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, bản thân DN cũng phải nỗ lực để có chiến lược hoạt động bài bản, đầu tư công nghệ vào sản xuất.
Cũng theo bà Victoria Kwakwa, các DN Việt Nam nên cân nhắc mối quan hệ liên doanh, liên kết với DN FDI để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ngược lại, các DN FDI cũng nên liên kết với DN trong nước để có nguồn cung ứng nguyên liệu giá tốt hơn, đây là mối liên hệ dựa trên cơ sở chia sẻ với nhau về lợi ích. Trong giai đoạn đầu của các mối hợp tác rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, chia sẻ: “Để phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phát triển bền vững thì phương thức quản trị mới của doanh nghiệp sẽ phải thay đổi bằng việc quản lý 03 nguồn vốn bao gồm nguồn vốn tài chính, nguồn vốn xã hội và nguồn vốn tự nhiên đan xen và hài hòa với nhau trong cùng một hệ thống quản trị. Các nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp nào quản lý tốt khía cạnh bền vững thì sẽ phát triển thành công về tài chính”.