tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phiên tòa 27/7: Nhiều bị cáo nói cáo trạng quy kết không đúng

  • Cập nhật : 27/07/2016
Làm việc vì ngân hàng nhưng lại bị quy kết gây thất thoát hàng trăm tỷ là không đúng
16:5127/07/2016

Tòa hỏi bị cáo Doãn Quốc Long-nguyên cán bộ tín dụng VNCB Chi nhánh Sài Gòn

-Bị cáo thấy bản cáo trạng kết luận bị cáo phạm lỗi trên 4 điểm. Bị cáo thấy oan sai cho bị cáo. Bị cáo thực hiện cho vay theo đúng quy trình cho vay, cáo trạng nói bị cáo giúp sức cho bị cáo Phạm Công Danh là không đúng vì bị cáo không biết ông Phạm Công Danh và cũng không nhận được sự chỉ đạo từ ông Danh. Bị cáo thực hiện theo đúng trách nhiệm của bị cáo nên không thể nói rằng bị cáo giúp sức ông Danh được.

-Lúc đó ai là người phụ trách bị cáo?

-Lúc đó là anh Hoàng Đình Quyết

Một bị cáo trong nhóm nhân viên tín dụng, kinh doanh nói rằng rất xấu hổ. Bản thân bị cáo làm việc với mong muốn ngân hàng có lãi mà nay cáo trạng ghi bị cáo gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng thì thật xấu hổ với mọi người, gia đình, đồng nghiệp. Mong HĐXX xem xét.

Các bị cáo cho rằng cáo trạng quy kết tội quá nặng, không đúng
16:4727/07/2016

Tòa hỏi bị cáo Lâm Kim Thu--nguyên trưởng phòng kế toán, thành viên HĐ tín dụng VNCB-Chi nhánh Sài Gòn:

-Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo. Bị cáo tham gia hội đồng tín dụng chi nhánh, chỉ đề xuất chứ không phải hội đồng quyết định. 

-Bị cáo có biết những khoản trên 5 tỷ phải được đồng ý của tổ giám sát?

-Ở đây cho bị cáo nói thêm. Ở VNCB, các khoản cho vay lớn thì chi nhánh sẽ trình lên hội sở và phải có sự chấp thuận của phòng nguồn vốn hội sở mới được giải ngân. Phòng nguồn vốn phải trình lên tổ giám sát lúc đó mới đồng ý hay không đồng ý. 

Bị cáo biết phòng nguồn vốn đồng ý rồi tức là tổ giám sát phải biết rồi.

-Phòng nguồn vốn đồng ý rồi đâu có nghĩa là tổ giám sát biết rồi? Làm sao bị cáo biết tổ giám sát đã thông qua?

-Thưa, là bị cáo có hỏi anh Hoàng Đình Quyết xác nhận xem tổ giám sát đã đồng ý chưa thì anh Quyết có xác nhận. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giúp bị cáo vì bị cáo không có nghiệp vụ về tài sản đảm bảo nên khi ký không biết sẽ gây thiệt hại.

Nhiều nguyên cán bộ tín dụng, cán bộ phụ trách kinh doanh chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang như Doãn Quốc Long, Võ Ngọc Nguyễn Bình, Huỳnh Nguyên Sang, Lê Khắc Thái… đều xin Hội đồng xét xử xem xét vì cho rằng truy tố các bị cáo với hành vi "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" với vai trò là đồng phạm giúp sức là không đúng. 

Các bị cáo này đều trình bày quy trình và trách nhiệm ở hạng mục mình phụ trách và mong Hội đồng xét xử xem xét. Hầu hết việc làm của họ theo nhận thức của họ là đúng với trách nhiệm họ được giao, tin tưởng từ các cấp trên và phòng ban khác đã thông qua.

Các bị cáo khẳng định là làm việc cho ngân hàng với chức trách, trách nhiệm được giao, không giúp sức cho Phạm Công Danh. Một số bị cáo cho rằng quá trình thẩm định tín dụng và thẩm định tài sản là khác nhau. Việc thẩm định tài sản tùy trường hợp. Hồ sơ xem xét đầy đủ, chỉ không đi kiểm tra thực tế.


Bị cáo Lê Khắc Thái nói cáo trạng chưa đúng
16:0827/07/2016

Tòa mời ông Lê Khắc Thái - nguyên PGĐ VNCB CNchi nhánh Sài Gòn phụ trách hành chính- thành viên Hội Đồng tín dụng chi nhánh:

-Bị cáo thấy cáo trạng liên quan phần bị cáo không đúng. Bị cáo được bổ nhiệm vào PGĐ chi nhánh từ 2012. Sau có làm thêm phần hành chính nhân sự.

-Bị cáo có biết hạn mức nào phải chuyển lên hội sở? Hồ sơ phải đảm bảo những điều kiện gì để cho vay theo quy định?

-Có phương án kinh doanh, có tài sản đảm bảo….

-Vậy chỉ cần xem hồ sơ trên bàn thôi, có phải đi thẩm định thực tế?

-Nhiệm vụ kiểm tra thực tế thì là quyền hạn của chủ tịch hội đồng tín dụng. Thành viên HĐ tín dụng không có chức năng quyết định việc này. Theo quyết định 78 thì Hội đồng tín dụng còn có chủ tịch HĐ tín dụng, trưởng phòng kinh doanh, phó phòng kinh doanh, một số thành viên khác nữa…

-Theo quy định thì khoản trên 500 triệu đã phải đi thẩm định thực tế rồi cơ mà? Bị cáo vẫn đặt bút ký vào đấy dù chưa thẩm định.


Các bị cáo lãnh đạo công ty IDICO khai chỉ làm theo chỉ đạo
14:5427/07/2016

Chủ tọa mời bị cáo Nguyễn Chí Bình (Công ty IDICO) ( một trong 12 công ty do Danh chỉ đạo đứng ra làm hồ sơ vay tổng cộng 5.000 tỷ đồng của VNCB, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 2.000 tỷ. Theo cáo trạng, Nguyễn Chí Bình bị quy kết là đã thực hiện việc mua bán vật liệu xây dựng khống.)

Bị cáo Bình khai:

-Công ty IDICO có 5 người. Người đại diện theo pháp luật là ông Lê Anh Tuấn. Bị cáo không phải là Thành viên HĐQT. Bị cáo là Tổng giám đốc. Bị cáo được bổ nhiệm bởi Chủ tịch HĐQT. 

Quyền hạn của giám đốc IDICO là theo giấy ủy quyền của Chủ tịch HĐQT. Bị cáo là giám đốc được nhân danh chủ tịch HĐQT công ty ký toàn bộ hợp đồng, giấy tờ liên quan.

-Bị cáo nhận thức việc ký theo quy định của pháp luật hay không theo quy định của pháp luật?

-Bị cáo ký theo nhiệm vụ được phân công và nhận ủy quyền theo đúng pháp luật, không vượt phạm vi ủy quyền.

-Đây chính là điều tôi muốn nói. Việc ủy quyền cho giám đốc ký thì bị cáo cũng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật chứ không chỉ là theo giấy ủy quyền.

-Khi làm giám đốc IDICO thì bị cáo có ký hợp đồng vay tiền không?

-Dạ có. Bị cáo có vay theo ủy quyền để mua vật liệu xây dựng của công ty Phúc Văn. Cụ thể trong hợp đồng mua bán gì bị cáo không được giao thẩm quyền nên không biết. Bị cáo chưa gặp đối tác. 

-Bị cáo thấy với tư cách giám đốc và người được ủy quyền thì bị cáo đã làm đúng chức trách chưa?

-Bị cáo xin được giải thích thêm là HĐQT thông qua nghị quyết vay vốn, thế chấp…Bị cáo chỉ xem các doanh nghiệp đối tác có hoạt động không và thấy có hoạt động theo Sở kế hoạch đầu tư TP.HCM cấp.

-Tòa nói để bị cáo hiểu rằng nghị quyết HĐQT là chủ trương của HĐQT, họ ủy quyền cho giám đốc thực hiện các việc ký kết thì bị cáo phải biết thực hiện thế nào cho đúng pháp luật chứ. Hợp đồng này vi phạm quy định của nhà nước nghiêm trọng mà bị cáo đứng trước tòa lại bảo là làm theo ủy quyền và không cần biết.

-Thưa Hội đồng xét xử là bị cáo chỉ được chỉ đạo thực hiện theo hợp đồng thì bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo. Bị cáo chỉ nhìn thấy rằng giá vốn như vậy, giá bán như vậy thì là được rồi. Bị cáo thấy việc truy tố bị cáo như thế là nặng vì bị cáo chỉ làm theo ủy quyền mà ủy quyền đã có câu rằng người được ủy quyền chịu trách nhiệm nội dung ủy quyền.

-Trong giấy ủy quyền của bị cáo thì bị cáo được ủy quyền cả việc đàm phán, ký kết…hợp đồng. Như vậy là việc đàm phán đáng lẽ cũng thuộc quyền bị cáo nhưng đây hợp đồng đã xong xuôi và bị cáo thực hiện hợp đồng. Như thế đáng lẽ bị cáo phải băn khoăn việc đó chứ? 

Bị cáo ngồi dưới đã nghe các giám đốc khác của nhóm doanh nghiệp liên quan Tập đoàn Thiên Thanh đã khai rồi, đây là hợp đồng hình thức để rút tiền. Bị cáo nhận thức thế nào?

-Xin Hội đồng xét xử cho phép bị cáo được nói. Trong cáo trạng quy kết bị cáo là bị cáo thực hiện việc mua bán vật liệu xây dựng là không đúng. Bị cáo chỉ ký hợp đồng dựa trên phương án kinh doanh. Bị cáo làm giám đốc không hề có việc tham gia làm khống hay gì cả. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét.

Tòa mời ông Lê Anh Tuấn (chủ tịch IDICO)

-Công ty IDICO còn hoạt động không?

-Dạ còn

-Lĩnh vực hoạt động theo đăng ký kinh doanh như khách sạn, du lịch…còn hoạt động không?

-Dạ tôi không biết. Hình như mỗi lĩnh vực khách sạn hoạt động. Bản thân tôi không điều hành mà chỉ đứng tên, chỉ ký thôi, không biết cụ thể.

Chủ tọa mời ông Trần Xuân Hải (IDICO)

-Tôi là thành viên HĐQT IDICO.

-Ai cử ông vào làm TV. HĐQT IDICO?

-Tập đoàn Thiên Thanh ạ.

-Thế hiện tại có còn làm không?

-Do chưa họp lại HĐQT nên vẫn còn.

-Về hợp đồng mua nguyên vật liệu thì thế nào?

-Hợp đồng này đã được Chủ tịch HĐQT đồng ý rồi. Tôi cho rằng HĐQT như thế thực hiện theo ý của chủ tịch và hoàn toàn hợp lý nên ký thôi.

Chủ tọa mời ông Hoàng Ngọc Diệp (IDICO-TV. HĐQT)

-Trước khi làm IDICO thì ông làm gì?

-Làm nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, mảng dự án.

 -Ông có ký nghị quyết HĐQT không?

-Thưa có nhưng không có họp. Chủ tịch HĐQT ký rồi và phòng hành chính đưa và bảo kế hoạch kinh doanh thì tôi ký thôi.

SÁNG

 
Nhóm Bích khai không cầm cố vay 300 tỷ nhưng sổ tiết kiệm lại do ngân hàng giữ
10:5627/07/2016

Viện kiểm sát mời bà Ngô Bích Thùy Trang nhóm Trần Ngọc Bích

-Bà có giữ sổ tiết kiệm không?

-Dạ có.

-Sổ bà đang giữ sao cơ quan điều tra biết mà điều tra được.

-Đến tháng 12/2013 tôi có nhu cầu vay vốn

- Tiền là của tôi nhưng là tiền tôi mượn từ ông Trần Qúy Thanh 

-Mượn hay vay?

-Dạ, mượn hay vay giống nhau mà?

-Không, mượn khác vay. Tức bà mượn không có lãi suất đúng không?

-Dạ đúng, không có lãi suất.

-Bà gửi vào sau đó bà vay đúng không?

-Có gửi nhưng không có vay. Tôi có 2 sổ tiết kiệm tại VNCB nhưng không bao giờ có vay.

Viện kiểm sát hỏi Mai Hữu Khương

-Bà Trang trình bày đúng không?

-Không đúng ạ. Việc khách hàng gửi tiền thì được bàn giao sổ cho khách hàng, ngân hàng không giữ sổ. Nếu không có cầm cố vay thì không có cách gì ngân hàng giữ sổ.

Viện kiểm sát hỏi tiếp bà Trang

-Bị cáo Mai Hữu Khương trả lời như thế bà nghĩ sao?

-Tôi khẳng định chưa bao giờ thế chấp vay tiền.

Viện kiểm sát mời Trần Hoài Phục

-Ông làm gì ở Tân Hiệp Phát?

-Tôi làm nhân viên, là trợ lý của chị Bích. 

-Lương ông 1 tháng được Tân Hiệp Phát trả bao nhiêu?

-Đây là thu nhập của tôi và xin phép không trả lời tại tòa.

-Ông gửi bao nhiêu tiền vào VNCB?

-Tôi gửi 90 tỷ.

-Nguồn tiền từ đâu có để gửi?

-Đây là tiền của tôi. Tôi mượn ông Trần Qúy Thanh.

-Có lãi không?

-Dạ không có lãi.

-Thế tiền lãi từ sổ tiết kiệm ai hưởng?

-Chuyển về cho ông Trần Qúy Thanh ạ.

-Số sổ tiết kiệm của ông hiện ai giữ?

-Ngân hàng VNCB đang giữ ạ. Lúc tôi gửi tiền vào VNCB thì ngân hàng VNCB có cấp cho tôi sổ. Sau đó tôi đưa sổ tiết kiệm cho ngân hàng xử lý.

-Nguyên tắc là chỉ khi vay mới đưa sổ cho ngân hàng giữ. Sao ông lại đưa cho ngân hàng giữ sổ dù không vay?

-Vì tôi tin tưởng ngân hàng. Trước tôi định vay nhưng không vay ạ. 

Tuy ông không xác định ông có vay nhưng tài liệu điều tra cho thấy các sổ tiết kiệm của ông, bà Trang, bà Dung đang được cầm cố vay vốn và ông Lộc lúc nãy cũng đã cho thấy có nhận lãi từ các khoản này.

 -Tôi khẳng định là tôi không vay, tôi không ký giấy tờ gì.


Hai người nhóm Trần Ngọc Bích khai có nhận tiền
10:4527/07/2016
Phiên tòa 27/7: Nhóm Bích khai không vay 300 tỷ nhưng sổ tiết kiệm lại do ngân hàng giữ - Ảnh 1.

 

Viện kiểm sát mời ông Nguyễn Tấn Lộc (nhóm bà Bích)

-Ông là người được giao giao nhận chứng từ từ ngân hàng VNCB và nhận trong bao thư, không biết chứng từ đúng không?

-Đúng ạ.

-Ông có nhận tiền không?

-Dạ không.

-Nếu tòa đưa ra bằng chứng ông có nhận tiền lãi thì sao?

-Tôi không nhớ.

-Ông thực sự phải bình tĩnh. Ông vừa bảo không nhận tiền, giờ lại bảo không nhớ là sao?

Tòa đưa ra 3 chứng từ ông Lộc nhận các khoản 10 tỷ, 20 tỷ….cùng các khẳng định trên giấy nhận tiền ghi: "Tôi Nguyễn Tấn Lộc có nhận…, nội dung: Lãi ngoài, lãi….", đây là số lãi của các sổ tiết kiệm... 

Ông cần thành khẩn khai báo vì mọi lời khai sai của ông sẽ ảnh hưởng đến sự minh bạch của phiên tòa và ông phải chịu trách nhiệm. Tòa có đầy đủ chứng cứ ở đây, rất nhiều. Ông cũng đã khai nhận đây là chữ ký của ông. Ông suy nghĩ thế nào?

-Đây là những lần tôi xuống Sài Gòn và bà Bích nhờ nhận hồ sơ. Lúc nãy tòa chỉ hỏi hồ sơ nên tôi chỉ nói phần hồ sơ.

Viện kiểm sát mời ông Vũ Anh Tuấn (nhân viên giao nhận chứng từ của bà Bích)

-Ông xác nhận không nhận tiền?

-Tôi là nhân viên giao nhận chứng từ nên chỉ giao nhận chứng từ. Chỉ khi nào bà Bích giao nhận tiền thì mới nhận.

-Ông có nhận tiền sao hôm qua khai chỉ nhận chứng từ?

-Dạ vì tòa hỏi chứng từ nên tôi khai chứng từ.

Viện kiểm sát đưa ra nhiều giấy tờ chứng minh ông Vũ Anh Tuấn có nhận tiền. Nội dung tương tự phần ông Lộc (tức giấy biên nhận nhận tiền lãi). Ông Tuấn thừa nhận đó là chữ ký của tôi, số tiền tôi nhận nhưng trong giấy tờ có một số chữ khác, không phải chữ của tôi. Nhận tiền về giao cho chị Bích.

Viện kiểm sát mời ông Lộc tiếp

-Ông khẳng định lại các khoản cho vay 300 tỷ có nhận lãi không?

-Dạ, tôi không biết.

-Khi tôi nhận tiền thì có dòng tôi không biết, không có. Tôi nhận tiền nhưng không biết nó là tiền gì.

-Tức họ ghi thêm đoạn tiền gì?

-Dạ đúng. Khi tôi ký không biết tiền gì.


Bị cáo tiếp tục khẳng định tiền chưa ra khỏi ngân hàng
10:4327/07/2016

Viện kiểm sát đề nghị đại diện VNCB lên

Nguyễn Thị Hồng Thắm đại diện VNCB theo ủy quyền lên.

-Nội dung Bà Bích khai thế nào? Theo bà Bích thì Ngân hàng đang quản lý các sổ tiết kiệm 5.190 tỷ của nhóm này?

-Dạ đúng.

-Bà Bích đang có số dư trên tài khoản 5.190 tỷ thì thế nào?

-Có những thứ thuộc bí mật của khách hàng nên tòa phải có yêu cầu thì tôi mới có thể nói được. 

-Viện kiểm sát: Đây là phiên tòa xét xử công khai, bà đang bảo vệ quyền lợi của VNCB và không có bí mật gì. Bà có nghĩa vụ khai báo đầy đủ.

-Dạ thưa vâng. Có những gì tôi rõ thì tôi xin phép nói còn cái gì không rõ tôi xin phép trình bày sau hoặc cung cấp giấy tờ.

-Thôi được rồi, trước khi viện kiểm sát hỏi bà tiếp thì mời bị cáo Hoàng Văn Quyết.

-Chủ tọa hỏi Hoàng Văn Quyết:

-Tiền có rút ra khỏi ngân hàng không?

-Tất cả tiền chỉ được tất toán trên giấy tờ sổ sách của ngân hàng. Tiền chưa ra khỏi ngân hàng.

-Vì tiền không được rút ra khỏi ngân hàng nên trong một ngày ngân hàng mới làm được tất cả các công đoạn đó đúng không nào? Dù là vay trước tất toán sau hay tất toán trước vay sau thì cũng chỉ nằm trên giấy tờ thôi đúng không?

-Dạ thưa đúng. Gọi là một ngày thì cũng không hoàn toàn đúng vì nhân viên của bị cáo làm từ sáng sớm có khi đến tận 12h đêm. 

-Viện kiểm sát hỏi thêm Hoàng Văn Quyết: 

-Sổ tiết kiệm thế chấp ngày 21/6 vẫn là số sổ đã dùng để thế chấp cho khoản vay 21/8 đúng không? Bản chất chỉ là đảo nợ?

-Bản chất sự việc là để tất toán, đảo nợ. 

-Lúc nãy bà Bích khai là phải tất toán khoản vay 21/6 mới vay được khoản 26/8 nhưng bị cáo khẳng định là 21/8 là vay trước để trả nợ cho khoản vay ngày 21/6? Bị cáo giải thích thêm

-Thưa Hội đồng xét xử là các khoản vay thực hiện đồng thời. Đầu tiên là tất toán khoản vay vào tài khoản các cá nhân, sau đó mới vay tiếp. 

-Tức chỉ hình thức? Trên hình thức thì thế nhưng thực tế thì khoản 21/8 thì phải giải ngân trước mới có thể tất toán được cho khoản vay cũ ngày 21/6 cơ mà? Như thế thì phải giải ngân trước chứ?

-Thực tế bà Bích gửi tiền có kỳ hạn nhưng khi vay ra có yêu cầu bị cáo làm hợp đồng tiền gửi khống không kỳ hạn 2%. Bà Bích muốn ràng buộc trách nhiệm của bị cáo.

-Bà Bích khai chỉ có quan hệ vay mượn với bà Phạm Thị Trang. Thế trong suốt quá trình nhận gửi, cho vay, chuyển tiền như thế thì bị cáo có gặp Phạm Thị Trang không?

-Dạ không.

-Tức bị cáo chỉ làm việc với Phạm Công Danh? Ông Danh có chỉ đạo gì bị cáo?

-Dạ thưa, có ạ. Khoản vay ông Danh có chỉ đạo bị cáo là nhóm bà Bích không cho vay thẳng mà chỉ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Việc này diễn ra từ năm 2012 chứ không chỉ các khoản ngày 21/8 và 26/8. Thỏa thuận này bà Bích bảo không có quan hệ với ông Phạm Công Danh là không đúng.

-Tức bị cáo khẳng định các sổ tiết kiệm để thế chấp vay ngày 21/8 cũng là các sổ tiết kiệm để vay ngày 21/6. Tương tự về khoản ngày 30/7 và 26/8. Như vậy lời bà Bích cho rằng phải tất toán khoản vay cũ thì mới vay mới là có căn cứ đấy chứ. Bị cáo giải thích thế nào?

-Cho bị cáo giải thích là muốn vay mới phải tất toán khoản vay cũ. Như thế việc đảo nợ mới được thực hiện được. Tuy nhiên, việc dùng các khoản vay mới để trả nợ được đồng thuận và sử dụng khoản vay mới của ông Trần Nhân Tông để tất toán cho bà Trần Ngọc Hà chứ không phải là tất toán tất cả hợp đồng một lúc.


Trần Ngọc Bích yêu cầu dùng số tiền trên tài khoản để trả nợ 5.190 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng
10:3927/07/2016

Tòa tiếp tục hỏi Trần Ngọc Bích

-Khoản vay của nhóm bà đứng ra vay 21/8 và 26/8 để sử dụng vào việc gì?

-Vay ra mục đích làm kinh tế gia đình.

-Tại sao rút ra làm kinh tế gia đình mà không làm kinh tế mà lại để trong tài khoản mà để đến khi cơ quan điều tra hỏi thì bà mới biết khoản tiền bị rút ra?

-Tôi xin trình bày là thời điểm đó là ngân hàng Đại Tín. Lúc đó có chị Trang (Phạm Thị Trang) có tư vấn cho tôi về việc gửi, cầm cố để vay.

 Đến 21/8 thì tôi cần vay ra để thực hiện dự án. Nếu tôi để tiền trong tài khoản thì tôi được 1%/ năm còn nếu gửi tiết kiệm thì được 11%/ năm. Tức nếu tôi gửi tiết kiệm thì có lợi hơn nhưng vì nhu cầu thanh khoản tiền cho hoạt động kinh doanh nên tôi phải rút ra. Lúc đó tôi nghĩ rằng nếu vay ra chưa thực hiện ngay thì có thể gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn hơn để đảm bảo thanh khoản.

Viện kiểm sát hỏi Hoàng Đình Quyết

-Hoàng Đình Quyết: Điều bà Bích khai là mâu thuẫn lợi ích kinh tế ạ. Tiền vay ra để trong tài khoản chỉ nhận được tiền lãi không kỳ hạn, rất thấp.

Viện kiểm sát hỏi bà Bích

-Bà có nghe bị cáo Quyết trình bày? Việc gửi tiết kiệm, vay lại thì không đảm bảo hiệu quả kinh tế?

-Do nhu cầu kinh doanh thì tôi gửi vào 

-Tiền chúng tôi (tôi và cộng sự) gửi vào là tiền từ phía ông Trần Qúy Thanh cho vay chỉ khi tôi quản lý được dòng tiền. Tôi thấy việc gửi tiết kiệm dài hạn và vay ngắn hạn là có lợi nên thực hiện như thế để phục vụ kinh doanh.

-Sau thì cho anh Danh vay thế nào?

-Tôi không có mối quan hệ với ông Phạm Công Danh. Trước đến nay tôi chỉ cho chị Phạm Thị Trang vay, chưa bao giờ cho ông Danh vay.

Viện kiểm sát hỏi bị cáo Mai Hữu Khương

-Bị cáo nhận được bản fax khi nào?

-Hơn 1 tháng sau mới nhận được bản fax.

-Tức bị cáo liên tục thúc giục thì bên nhóm bà Bích mới fax?

Dạ, bị cáo giục anh Vũ Anh Tuấn ạ.

Viện kiểm sát hỏi bà Bích

-Bị cáo Khương khai thế thì thế nào?

-Dạ thưa tòa, bị cáo Khương khai thế hoàn toàn sai. Khoản 300 tỷ chúng tôi không hề thế chấp để vay. Tiền đó phải đang nằm trong 6 sổ tiết kiệm.

-Bà xem bản fax này có phải từ Tân Hiệp Phát gửi?

-Tôi khẳng định chị Dung, anh Phục và chị Trang không vay khoản này . Tôi quản lý khoản 5.190 tỷ còn khoản 300 tỷ là của chị Dung, anh Phục và chị Trang là của họ. Tôi không quản lý khoản này. Tuy nhiên, chị Dung, anh Phục và chị Trang khẳng định với tôi là chỉ gửi vào, không cho vay ra. Mong tòa xem xét khoản này.

-Vậy bà có ý kiến gì?

-Tôi xin dùng những sổ tiết kiệm tại ngân hàng VNCB để trả khoản nợ 5.190 tỷ. 


Tòa hỏi nguồn gốc tiền của nhóm Trần Ngọc Bích gửi ở ngân hàng
08:3327/07/2016

Sáng nay 27/7, Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và những sai phạm tại VNCB tiếp tục phiên xét xử thứ 7.

Viện kiểm sát mời ông Nguyễn Tấn Lộc (nhóm Trần Ngọc Bích). Chủ tọa gọi tên nhiều lần nhưng ông Lộc không có mặt. Ông Lộc đang trên đường tới, tòa chuyển sang xét hỏi bà Trần Ngọc Bích.

Bà bích nói:

-Tôi là Trần Ngọc Bích và đề nghị Hội đồng xét xử không dùng cụm từ nhóm Trần Ngọc Bích hay Dr Thanh vì sẽ ảnh hưởng đến những người khác. Vì đây là hành vi dân sự của từng cá nhân.

-Hội đồng xét xử: Bà cho chúng tôi biết quan hệ vay vốn giữa bà và VNCB phát sinh từ khi nào?

-Từ tháng 6/2012, lúc đó không phải VNCB mà gọi là Đại Tín.

-Lãi suất thế nào?

-Lúc đó gửi vào 9-10%. Vay ra thì +0,5% so với lãi suất tiền gửi. Tức vay ra lãi suất khoảng 9,5%-10,5%.

-Bà vay để làm gì?

-Lúc đó tôi có nhu cầu đầu tư nên vay. Con số cụ thể tôi không nhớ.

-Như vậy là các khoản vay của bà phát sinh từ lâu và theo cáo trạng là hơn 17 nghìn tỷ nhưng những khoản này đã tất toán nên chúng tôi không hỏi. Chúng tôi hỏi khoản 3.100 tỷ phát sinh lúc nào?

-Sổ tiết kiệm của nhiều cá nhân nên tôi không nhớ chính xác, tôi chỉ biết là đã gửi trước đó.

-Những người cá nhân cùng nhóm của bà quan hệ thế nào với bà?

-Tôi và vài cá nhân là người làm chung tại Tân Hiệp Phát. Một số là không, chỉ là cộng sự.

-Tiền thực tế của ai?

-Tiền của họ. Chắc chắn.

-Khi vay tiền thì họ thế chấp sổ tiết kiệm của họ để vay tiền, đưa cho bà. Vậy mối quan hệ làm ăn thế nào?

-Chúng tôi có thỏa thuận làm ăn với nhau, đầu tư vốn vào dự án. Toàn bộ thỏa thuận là thỏa thuận miệng, không có văn bản gì.

-Kể cả hợp đồng hợp tác đầu tư dự án, chia doanh thu lợi nhuận….không có thỏa thuận gì giấy tờ?

-Dạ thưa tòa, không có. Tôi có dự án và kêu gọi đầu tư vốn. Sau đó mới tính chuyện phân chia.

-Xin vay mục đích gì?

-Chúng tôi vay làm kinh tế gia đình.

-Khoản vay ngày 21/6 thế nào?

-Tôi có khoản tiền nhàn rỗi và bà Trang muốn vay lại và để tối ưu hóa đồng tiền nên tôi đồng ý, lãi suất 1,5%/tháng.

-Tức là có

-Khoản vay ngày 21/8/2013 thì thế nào?

-Khoản vay ngày này tôi cũng vay ra mục đích kinh tế gia đình và tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân của tôi.

-Gửi với lãi suất như thế nào?

-Gửi với lãi suất ngân hàng công bố.

Như vậy là lỗ?

-Vâng, cho phép tôi được giải thích rõ chỗ này. Vì hoạt động kinh doanh nên tôi luôn phải duy trì tiền lưu động.

-Mấy ngày trước bà cũng trình bày trước Hội đồng xét xử là khoản xin vay ra ngày 21/8 là để tất toán cho khoản 21/6. Bà nói rõ việc này?

-Tôi xin phép được nói rõ là không phải tôi vay ngày 21/8 để trả nợ cho khoản ngày 21/6.

Tôi vay tiền đề chuyển cho chị Trang và chị Trang chuyển cho ông Trần Qúy Thanh. Ngày 21/8 chị Trang chuyển lại cho tôi là 3.100 tỷ và lãi vay 60 tỷ chị Trang chuyển cho tôi là tôi dùng tiền này trả nợ ngân hàng.

-Khoản 3.100 tỷ, hôm trước bà khai rằng bà không biết tiền chuyển ra khỏi tài khoản của bà. Lời khai hôm nay có mâu thuẫn với lời khai hôm trước?

-Tôi xin làm rõ là tiền trả nợ ngày 21/6 là chị Trang trả cho tôi và tôi trả nợ ngân hàng. Sau khi trả nợ cũ thì tôi mới được vay mới chứ không thể một tài sản thế chấp để vay 2 món được.

Ngày 21/8 thì tôi nhận được khoản chị Trang trả nợ thì tôi mới dùng khoản tiền này để trả nợ rồi mới vay mới.

Viện kiểm sát hỏi bị cáo Hoàng Đình Quyết

-Bà Bích khai thế đúng không?

-Dạ thưa tòa là không đúng. Khoản vay ngày 21/8 là để tất toán khoản vay ngày 21/6. Nếu không thế thì sẽ mâu thuẫn về lợi ích kinh tế vì lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ có 2%/năm.

Viện kiểm sát hỏi Bà Bích

Bà Bích: Tôi xin làm rõ là nếu tôi phải vay mới khoản 21/8 để trả nợ khoản 21/6 là không đúng sự thật. Vì tôi phải dùng sổ tiết kiệm để thế chấp khoản vay 21/6 và không thể dùng sổ tiết kiệm này để vay mới 21/8 được vì 1 tài sản không thế thế chấp để vay 2 khoản như thế được.



Theo Trí thức trẻ/CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục