tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bí ẩn cuộc chuyển giao Ngân hàng Xây dựng từ nhóm bà Hứa Thị Phấn sang ông Phạm Công Danh

  • Cập nhật : 26/07/2016

(Phap luat)

Bà Phấn từng khai với cơ quan điều tra rằng đã giao toàn bộ số cổ phần bản chính hơn 84% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín mà bà và các cổ đông nhóm Phú Mỹ (các cá nhân và công ty) đang sở hữu cho ông Hà Văn Thắm.

Trước phiên tòa xét xử vụ án Ngân hàng TMCP Xây Dựng (VNCB), 3 luật sư Phan Trung Hoài, Hà Hải và Nguyễn Văn Sáng là những người bào chữa cho ông Phạm Công Danh đã có kiến nghị gởi Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đề nghị làm rõ tính hợp pháp cuộc chuyển giao Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) từ nhóm bà Hứa Thị Phấn sang cho ông Phạm Công Danh.

Theo đó, từ những tài liệu, chứng cứ đã thu thập, 3 luật sư này cho rằng: Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự liên quan tại Ngân hàng Đại Tín ngày 09/10/2012 từ bà Hứa Thị Phấn sang ông Phạm Công Danh là không có căn cứ pháp luật, sai cả hình thức và nội dung.

3 luật sư cũng cho rằng các Biên bản Thỏa thuận và Phụ lục 1, 4, 5 do ông Hoàng Văn Toàn, bà Ngô Kim Huệ ký có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần tại TrustBank cho ông Phạm Công Danh là không hợp pháp. Tất cả các cổ đông sở hữu cổ phần tại TrustBank đều ký khống hồ sơ chuyển nhượng cổ phần theo đề nghị của bà Hứa Thị Phấn.

Bản kiến nghị trích lời khai của bà Hứa Thị Phấn tại cơ quan điều tra như sau: “Tổng số cổ phần tôi sở hữu là: 14.664.977 cổ phần tương đương 146.649.770.000 đồng. Vào tháng 02/2012 (không nhớ ngày chính xác), sau khi nhóm Phú Mỹ thống nhất với ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương hiện đang bị tạm giam) về việc thực hiện chuyển nhượng hơn 84% cổ phần tại TrustBank cho nhóm ông Hà Văn Thắm nhằm thực hiện tái cơ cấu TrustBank, tôi có ký khống các giấy tờ sau:

Giấy chuyển nhượng cổ phần (theo mẫu quy định của Ngân hàng Đại Tín) và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần: ký khống có ghi rõ số cổ phần sở hữu, đồng ý chuyển nhương toàn bộ số cổ phần đang sở hữu, nhưng không ghi tên người nhận chuyển nhượng, không ghi ngày chuyển nhượng.

Hợp đồng ủy quyền: ký khống, không ghi tên người nhận ủy quyền và ngày tháng.

Giao toàn bộ số cổ phần bản chính hơn 84% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín mà tôi và các cổ đông nhóm Phú Mỹ (các cá nhân và công ty) đang sở hữu cho ông Hà Văn Thắm.

Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 5 và 6/2012 ông Hà Văn Thắm không tiếp tục thực hiện việc nhận chuyển nhượng như đã thông nhất với nhóm Phú Mỹ và chủ động chuyển giao cổ phần sang cho nhóm Thiên Thanh.

Ngày 6/6/2012, nhóm Phú Mỹ và nhóm Thiên Thanh ký kết Biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng hơn 84% cổ phần nhằm tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín thay cho nhóm ông Hà Văn Thắm. Khi đó tôi được biết nhóm ông Hà Văn Thắm đã chuyển giao toàn bộ sổ cổ phần bản chính của nhóm Phú Mỹ (trong đó có cổ phần của tôi đứng tên) và các giấy tờ ký khống.

Sau này tôi được biết thông qua hồ sơ Ngân hàng Đại Tín cung cấp, tôi xác nhận chữ ký trên giấy chuyển nhượng là chữ ký của tôi và sau này đã được bổ sung bằng chữ viết tay tên người nhận chuyển nhượng và có ghi ngày tháng năm và có xác nhận của Ngân hàng Đại Tín.”

Như vậy cuộc chuyển giao Ngân hàng Đại Tín có nhiều tình tiết khá bí ẩn khi xuất hiện nhân vật Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương và Tập đoàn Đại Dương hiện đang bị khởi tố, tạm giam chờ xét xử về hành vi Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, bản kiến nghị của 3 luật sư cho biết nhóm bà Hứa Thị Phấn không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khi chuyển nhượng cổ phần cho ông Phạm Công Danh.

Theo đó, từ ngày 28/12/2012 đến ngày 29/6/2013, ông Phạm Công Danh đã trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn số tiền 3.658.672.568.985 đồng. Trong đó nợ gốc: 3.581.720.000.000 đồng; Nợ lãi: 76.952.568.985 đồng.

Tuy nhiên, nhóm bà Hứa Thị Phấn đã không bàn giao 24,56 ha đất dự án Nhà Bè, 9 ha đất quận 2, TPHCM cho nhóm Thiên Thanh mà lại đồng ý ủy quyền cho VNCB được toàn quyền xử lý tài sản.

Đồng thời cố ý không thực hiện cam kết thu hồi các khoản nợ gần 10.000 tỷ đồng của nhóm Phương Trang phát sinh từ trước năm 2012 khi ông Hoàng Văn Toàn và nhóm Phú Mỹ quản lý điều hành Ngân hàng Đại Tín nên đã gây khó khăn và thiệt hại rất lớn cho ông Phạm Công Danh trong quá trình cơ cấu lại TrustBank...

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục