In hóa đơn không ký hợp đồng bị phạt đến 1,5 triệu, đại lý đổi ngoại tệ không được bán ngoại tệ lấy ngoại tệ khác, lãi suất với tiền lãi vay chậm trả giữa các ngân hàng tối đa 10%/năm... là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2016
Ông Phạm Công Danh: 'Tôi không biết gì về tài chính ngân hàng'
- Cập nhật : 29/07/2016
Cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng nói mình không hiểu biết gì, vì Ngân hàng Nhà nước động viên nên đã nhận tham gia tái cơ cấu, dẫn đến thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Ngày 29/7, sau hơn hai tuần xét xử đại án gây thất thoát 9.000 tỷ đồng, lần đầu tiên ông Phạm Công Danh(51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) được TAND TP HCM thẩm vấnnhằm làm rõ nhưng sai sót trong quá trình điều hành ngân hàng.
Cựu Chủ tịch VNCB cho biết, bản cáo trạng truy tố ông về những hành vi sai phạm "có những điều đúng nhưng cũng có hành vi cần phải xem xét lại" vào hoàn cảnh và bối cảnh phạm tội.
Trả lời việc đưa hơn 20 người và một tổ chức không có khả năng tài chính, trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, để tham gia tái cơ cấu ngân hàng, ông Danh cho biết đã nhiều lần mang hồ sơ trả lại Ngân hàng Nhà nước nói không làm được vì tình hình tài chính của ngân hàng lúc tiếp quản luôn đặt trong tình trạng đặc biệt. Bản thân ông đã bán nhà, đất, xe… bỏ vào ngân hàng không dưới 2.000 tỷ đồng với mong muốn vực dậy ngân hàng nhưng không làm nổi.
"Tôi đã báo cáo không có khả năng làm dù đã bỏ vào số tiền lớn, việc này chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới làm được. Nhưng khi mang hồ sơ ra báo cáo thì được chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước lúc đó động viên, nói rằng không phải lập ngân hàng mới mà chỉ là tái cơ cấu ngân hàng. Lúc đó, tôi đấu tranh không nổi", ông Danh nói.
"Gần như tôi không có hiểu biết gì tài chính tín dụng, trong khi lúc đó có nhiều người hiểu về ngân hàng và đã từng làm ngân hàng... Đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến vụ án này. Tôi thành thật xin lỗi các đồng nghiệp của tôi ở Tập đoàn Thiên Thanh vì tin vào tôi mà họ phải đến tòa", ông Danh trình bày thêm.
"Họ chỉ phân tích, động viên, hay ép buộc bị cáo", chủ tọa hỏi liên quan đến Ngân hàng Nhà nước.
"Họ không ép được tôi nhưng động viên tôi rất nhiều lần", ông Danh đáp lại. "Như vậy là bị cáo không thắng nổi bản thân mình đấy chứ", thẩm phán phân tích.
Lý giải về việc đưa nhiều người không có tài sản vào danh sách cổ đông, ông Danh cho là để "có người hậu thuẫn, có động lực". "Nếu không đưa những người này vào thì cũng không ai vào", ông nói và cho biết việc này nhằm hợp thức hóa thủ tục với Ngân hàng Nhà nước.Theo ông Danh, ông từng học quản trị kinh doanh hệ vừa học vừa làm "nhưng không nhớ học ở đâu, ai là người đào tạo". Ông bật khóc và đề nghị HĐXX xem xét điều kiện sức khỏe không được tốt nên trí nhớ rất yếu.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Danh theo học Quản trị kinh tế khóa 1987-1991 tại trường ĐH Kinh tế TP HCM, bằng thạc sĩ đào tạo tại Australia. Tuy nhiên, theo lý lịch có nhiều chỗ không thống nhất. Bởi, từ 1965 đến 1982 còn nhỏ ở nhà, 1980-1990 thì làm kinh doanh vật liệu xây dựng. Kết quả xác minh tại trường ĐH Kinh tế thì bị cáo không học. Từ đó, chủ tọa đề nghị VKS xem xét truy tố bị cáo về việc sử dụng bằng giả nếu đủ căn cứ.
Liên quan đến vấn đề nhận chuyển nhượng lại cổ đông của nhóm Phú Mỹ (Ngân hàng Đại Tín cũ), bị cáo Danh cho biết, sau khi trao đổi với nhóm này ông có ý định thành lập một ngân hàng riêng biệt nhằm thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng như những ngân hàng riêng biệt ở các nước phát triển. Do đó, ông tìm gặp bà Hứa Thị Phấn – người đang tiếp quản Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank - tiền thân của VNCB) để mua lại cổ phần.
Năm 2011-2012 ông Danh bắt đầu tiếp quản Ngân hàng Đại Tín với tư cách là một doanh nhân. Thông qua ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương) ông gặp bà Phấn. Lúc này, Đại Tín đang có ý định cơ cấu lại và liên kết với Ngân hàng Đại Dương. Ông Thắm gợi ý cho bị cáo Danh hợp tác với Đại Tín.
Theo bị cáo Danh, thực tế lúc đó ông Thắm là người tiếp quản Đại Tín nhưng trên giấy tờ là do bà Phấn đảm nhận. Lúc đó, Ngân hàng của ông Thắm đang yếu kém nên Ngân hàng Nhà nước không cho bà Phấn và ông Thắm liên kết với nhau bởi quy định một tổ chức, cá nhân không được sở hữu 2 ngân hàng đang làm ăn yếu kém đặt dưới kiểm soát đặc biệt.
Ông Danh cho biết đã chuyển cho ông Thắm 500 tỷ đồng tiền mua cổ phần, việc này có giấy tờ đầy đủ. Riêng số tiền mua lại cổ phần của bà Phấn (gọi là nhóm Phú Mỹ) thì ông không nhớ vì số tiền quá lớn, việc chi trả kéo dài trong thời gian dài. (Theo kết quả điều tra, ông Danh đã trả cho nhóm bà Phấn 4.620 tỷ đồng).
Ngoài ra, từ lúc mua lại Ngân hàng Đại Tín ông đã bỏ ra số tiền chăm sóc khách hàng rất lớn (ông Thắm để lại từ tất cả các chi nhánh). Trước đó, các giám đốc chi nhánh, trưởng phòng đã bỏ tiền túi để chăm sóc khách hàng nên sau khi tiếp quản ngân hàng bị cáo đã bỏ tiền túi chi trả lại những khoản này.
"Những khoản tiền trả cho ông Hà Văn Thắm, trả chăm sóc khách hàng thì không được đưa vào đề án tái cơ cấu ngân hàng", ông Danh nói và cho biết quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã họp với bị cáo Mai và nhóm cổ đông nhằm thông báo cần phải trả số tiền lớn cho khách hàng. Ngân hàng đang yếu kém, hoản cảnh bức thiết đó khiến ông chủ trương làm trái, nhằm duy trì hoạt động cho ngân hàng. Theo hồ sơ, ông đại diện cho nhóm cổ đông của Thiên Thanh và 20 cá nhân khác. Song thực chất, toàn bộ số tiền này đều do ông bỏ ra.
Theo cơ quan điều tra, các cá nhân liên quan trong việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận để ông Danh tham gia tái cơ cấu ngân hàng, tham gia vào HĐQT, dẫn đến việc ông ta lợi dụng quyền để phạm tội, sẽ được làm rõ bằng một vụ án khác.
Chiều nay tòa tiếp tục làm việc.
Theo Hải Duyên - Vnexpress.net