tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lập hồ sơ "ma", Phạm Công Danh lấy tiền chi lãi suất vượt trần, sai phạm chồng sai phạm

  • Cập nhật : 22/07/2016

Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước rút số tiền của VNCB thông qua hành vi tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking nhằm các mục đích chi trả lãi suất ngoài cho các khách hàng gửi tiền vào ngân hàng.

Chưa bao giờ người ta thấy, nhiều lãnh đạo và nhân viên ngân hàng bị khởi tố, bắt giam như tại ngân hàng Xây dựng (VNCB). Sai phạm từ các lãnh đạo cao cấp nhất của ngân hàng như Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc cho đến nhân viên tín dụng, thủ quỹ…

Cũng chưa bao giờ, người ta tưởng tượng được một ngân hàng đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt trong tình trạng kiểm soát, nhưng vị Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng đã làm thế nào có thể qua mặt rút hàng chục nghìn tỷ đồng của ngân hàng.

Hẳn là bất thường và "tài tình" ví như “con voi chui lọt lỗ kim”!

Để làm rõ hành trình đến vòng lao lý của những cán bộ ngân hàng VNCB, chúng tôi sẽ lần lượt thông tin về các vấn đề sai phạm theo Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Đầu tiên là hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và các đồng phạm trong việc lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Core banking của Ngân hàng Xây dựng giá trị 12 triệu USD (tương ứng 252 tỷ đồng), đã rút ra 63,276 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng để Phạm Công Danh sử dụng, đến nay Ngân hàng Xây dựng không thể thu hồi số tiền này.

Cơ quan điều tra làm rõ, Phạm Công Danh đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước rút số tiền hàng nghìn tỷ đồng của Ngân hàng VNCB, nhằm các mục đích chi trả lãi suất ngoài cho các khách hàng gửi tiền vào ngân hàng; chi cho các hoạt động và trả nợ cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh và các doanh nghiệp trong tập đoàn,…

Vào thời điểm đó, Ngân hàng VNCB đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát. Mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát-Ngân hàng Nhà nước.

Theo lời khai của Phạm Công Danh, khoảng tháng 5/2013, do nhu cầu về thanh khoản của VNCB rất căng thẳng, để đảm bảo khả năng thanh khoản, cần phải thu hút khách hàng đến gửi tiền.

Để thực hiện được điều đó cần phải có tiền để chi chăm sóc khách hàng ngoài quy định của NHNN. Trên cơ sở như vậy, Danh có tổ chức cuộc họp Ban điều hành gồm: Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng, tại cuộc họp Danh yêu cầu ban điều hành phải tìm cách rút tiền của VNCB.

Khi đó Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB có đề xuất “nếu muốn rút tiền từ Ngân hàng Xây dựng trong lúc đang bị NHNN kiểm soát, chỉ có rút thông qua việc nâng cấp hệ thống Core banking vì hoạt động này nằm trong đề án tái cơ cấu ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ và NHNN phê duyệt”.

Đề xuất này được Danh đồng ý và Danh giao cho Mai, Khương, Viễn, Tùng chịu trách nhiệm thực hiện. Công ty An Phát là công ty của ông Phạm Việt Thép cho Danh mượn pháp nhân để hợp thức hóa việc ký hợp đồng để rút tiền của VNCB.

Theo Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an hành vi tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút tiền của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã không phản ánh đúng nghiệp vụ tài chính phát sinh; không phản ánh trung thực hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị nghiệp vụ kế toán; không thực hiện yêu cầu về lưu giữ hồ sơ – các hành vi đó bị pháp luật nghiêm cấm, được quy định tại điều 6, điều 14 tại Luật kế toán, điều 96 luật các TCTD.

Đến nay Ngân hàng Xây dựng không thu hồi được số tiền 63,276 tỷ đồng. Hành vi đó của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã phạm vào tội “Cố ý làm trái…”, quy định tại Điều 165 BLHS.

Như vậy, chỉ riêng hành vi này, Phạm Công Danh đã sai phạm chồng sai phạm: cố ý làm trái quy định của Nhà nước rút số tiền của VNCB thông qua hành vi tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking, đồng thời lại lấy số tiền này chi trả lãi suất ngoài cho các khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, vượt trần lãi suất quy định của NHNN, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.

 

Mai Ngọc
Theo Trí thức trẻ

Trở về

Bài cùng chuyên mục