Vụ Phạm Công Danh là đại án kinh tế gây thiệt hại số tiền lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Thiệt hại mà ông Danh và đồng phạm gây ra nhiều gấp đôi vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng tín dụng Vietinbank) và đồng phạm được đưa ra xét xử hai năm trước.
Tin mới vụ 3 thanh tra giao thông Cần Thơ nhận tiền bảo kê
- Cập nhật : 22/07/2016
Liên quan vụ 3 cán bộ Sở GTVT thành phố Cần Thơ nhận tiền bảo kê của doanh nghiệp vừa bị bắt, ngày 21/7, đại tá Trần Ngọc Hạnh- Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ cho biết, “có một tài xế của doanh nghiệp vật liệu xây dựng nhắn tin vào số di động của tôi nói có tình trạng “chung - chi” hằng tháng. Từ đó, tôi lập chuyên án điều tra”, ông Hạnh nói.
Sau 7 tháng cử trinh sát giám sát đối tượng, đến ngày 16/7, trinh sát báo đã đến thời điểm chín muồi nên Ban chuyên án quyết định phá án. Lúc 15 giờ ngày 16/7, tại quán cà phê EMI ở vòng xoay đường Nguyễn Văn Linh giao đường 30/4 (quận Ninh Kiều), Đội phó Đội Thanh tra giao thông số 3 (thuộc Sở GTVT thành phố Cần Thơ), ông Lý Hoàng Minh đã nhận tiền của chủ một nhà máy nước đá; 16 giờ ông Minh nhận tiền của chủ cửa hàng vật liệu xây dựng; 17 giờ ông Minh nhận tiền của chủ vựa cá; 20 phút sau ông Minh tiếp tục nhận tiền của chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng thì bị trinh sát bắt quả tang.
“Tôi đề xuất với cơ quan báo chí kêu gọi những doanh nghiệp đã nộp tiền cho Thanh tra giao thông đến liên hệ với Công an thành phố để cung cấp thêm thông tin. Vì ngoài số liệu nắm được là khoảng 60 doanh nghiệp trong danh sách thì còn có nhiều doanh nghiệp khác bức xúc muốn nói nhưng họ sợ ảnh hưởng công việc làm ăn sau này”.
Đại tá Trần Ngọc Hạnh
Tại đây, lực lượng công an khám xét trong người ông Minh thu giữ 17,5 triệu đồng và 100 USD cùng một số tài liệu thể hiện việc thu tiền của các doanh nghiệp trên.
Cùng ngày, lực lượng công an tiếp tục bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Cần, 29 tuổi, ngụ xã Tân Lộc (Tam Bình, Vĩnh Long) là người môi giới nhận, gom tiền đưa cho Thanh tra giao thông. Đến ngày 18/7, lực lượng tiếp tục bắt khẩn cấp cấp trên của ông Minh là Đội trưởng Võ Hoàng Anh (SN 1982).
Tiếp đó, chiều 20/7 tiếp tục bắt khẩn cấp Đoàn Vũ Duy (SN 1978) là Đội trưởng Đội thanh tra giao thông số 11, phụ trách quận Bình Thủy. Tổng số tiền thu được bao gồm tiền mặt và tiền trong tài khoản của 4 người trên là 3,436 tỷ đồng.
Thưa ông, đường dây này hoạt động như thế nào?
Qua các thông tin mà chúng tôi nắm được thì chúng giao nhận tiền qua chuyển khoản ngân hàng, có một số giao trực tiếp. Chúng hoạt động hết sức tinh vi, lấy tên giả để mở tài khoản, như đối tượng Nguyễn Văn Cần ngoài tên thật thì còn sử dụng đến 2 tên giả là Nguyễn Hữu Lợi và Phạm Hoàng Minh để mở 3 tài khoản tại ngân hàng Sacombank ở Cần Thơ và Vĩnh Long. Sau khi nhận tiền trong tài khoản, Cần rút ra và đưa cho Thanh tra giao thông. Số tiền trong 3 tài khoản nói trên sau khi xác minh là trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra giao thông nhận “tiền tươi” trên 100 triệu đồng.
Doanh nghiệp nào thuộc diện phải “chung - chi”, thưa ông?
Hầu như tất cả các loại xe có tên tuổi, các loại xe chở vật liệu xây dựng, xi măng, nước đá… đều có tên trong danh sách nộp tiền hằng tháng, với khoảng 50 - 60 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều loại xe khác ở Cà Mau, Vĩnh Long, Bạc Liêu… phản ánh khi đi ngang địa bàn các quận của thành phố Cần Thơ cũng bị thu tiền. Ví dụ như xe đi ngang quận Ninh Kiều thì đóng tiền cho “cò” ở đây, còn đi sang quận Ô Môn, Bình Thủy… thì phải tiếp tục đóng số tiền như vậy nữa, mỗi nơi có giá riêng. Các đối tượng này khai báo đã hoạt động từ năm 2014. Hầu hết những doanh nghiệp vận tải đều bị ép buộc đưa tiền vì khi tên “cò” đi khảo sát ngoài đường thấy những phương tiện này lưu thông mà không đưa tiền thì sẽ điện thoại cho Thanh tra giao thông tới bắt. Thậm chí, chủ phương tiện đưa tiền trễ 1 - 2 ngày là bị làm luật, kêu Thanh tra xử phạt nặng, do vậy người dân, doanh nghiệp rất bức xúc. Chủ xe đóng tiền “bảo kê” cho mỗi đầu xe từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng, tùy tuyến đường.
Theo Hòa Hội - Kim Hòa
Tiền phong