tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phạm Công Danh “rút trộm” hơn 5.000 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích, tiền đó chạy đi đâu?

  • Cập nhật : 24/07/2016

Theo cáo trạng, 5.190 tỷ đồng rút từ tài khoản nhóm Trần Bích được Danh dùng để trả cho chính nhóm này, về tài khoản của ông Trần Quí Thanh, lần 1 là 3.160 tỷ và lần 2 là 2.090 tỷ đồng.

Khoản vay sau trả cho khoản vay trước, trong vòng 7 tháng có 122 khoản vay hơn 17.761 tỷ giữa Danh và nhóm Bích

Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh vừa có 4 ngày xét xử đầu tiên Đại án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng. Trong số tiền thất thoát này, có 5.190 tỷ nhóm Danh đã rút không có chữ ký của chủ tài khoản là nhóm Trần Ngọc Bích và 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay.

Theo cáo trạng của VKSNDTC, để có tiền trả nợ và chi cho hoạt động của Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh thông qua Trang Phố Núi đã đặt vấn đề với nhóm Trần Ngọc Bích gửi tiền vào VNCB để Danh làm các thủ tục vay, rút tiền qua cầm cố sổ tiết kiệm. Các thỏa thuận vay, trả được thực hiện giữa Trang và Bích, trong đó khi Danh muốn vay thì Bích chuyển tiền vào tài khoản Trang chỉ định (chủ yếu tài khoản của Phạm Công Danh) và khi trả thì Trang trả vào tài khoản Bích chỉ định (là của ông Trần Quí Thanh – bố của Trần Ngọc Bích).

Với cách thức này, từ 28/12/2012 đến 30/7/2013 tức trong vòng 7 tháng, đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của Nhóm Trần Ngọc Bích với tổng số tiền VNCB đã giải ngân là 17.761,5 tỷ đồng được thực hiện và các khoản vay này đã được tất toán.

Cáo trạng của VKSNDTC khẳng định đây là các khoản vay luân chuyển, khoản vay sau trả cho khoản vay trước cộng với một phần Danh vay thêm nên các khoản vay sau sẽ nhiều hơn khoản vay trước.

Tiền bị rút nhưng chưa ra khỏi ngân hàng, chạy từ tài khoản bà Trần Ngọc Bích đến tài khoản ông Trần Quí Thanh để trả nợ cho VNCB

Sau khi các khoản vay trong nhóm 17.761 tỷ được tất toán thì đến ngày 21/8 và 26/8, nhóm Trần Ngọc Bích lại vay tiếp của VNCB tổng cộng 5.190 tỷ đồng. Khoản tiền này sau khi được giải ngân vào tài khoản của Bích lại bị chuyển sang nhóm của Phạm Công Danh mà không có chữ ký của nhóm Bích.

Cụ thể, tại ngày 21/8/2013, nhóm Trần Ngọc Bích có vay 3.100 tỷ đồng của VNCB, nhưng sau khi tiền về tài khoản đã bị Phạm Công Danh đã chỉ đạo Hoàng Đình Quyết chuyển 3.100 tỷ đồng từ tài khoản của Bích vào tài khoản của Phạm Công Danh. Cùng ngày, Phạm Công Danh chuyển 3.160 tỷ từ tài khoản của Danh vào tài khoản của ông Thanh (nhóm Ngọc Bích) và được sử dụng để thanh lý 23 hợp đồng tín dụng ngày 21/6/2013 do nhóm Bích vay tại VNCB trước đó.

Ngày 26/8/2013, nhóm Trần Ngọc Bích nhận giải ngân 2.090 tỷ đồng của VNCB, nhưng ngay sau đó Phạm Công Danh đã chỉ đạo Quyết chuyển 2.090 tỷ của Bích tại VNCB vào tài khoản của Phan Minh Tùng, Mai Hữu Khương đồng sở hữu mở tại VNCB. Cùng ngày, Danh chỉ đạo chuyển số tiền trên vào tài khoản của ông Thanh nhóm Trần Ngọc Bích để thanh lý các hợp đồng tín dụng ngày 26/7 và 30/7.

 
Tại VNCB hiện nhóm của Bích còn nợ 5.190 tỷ đồng. Nhưng nhóm của Bích cũng còn 124 sổ tiết kiệm gửi tại VNCB tổng cộng 5.881 tỷ đồng, nhóm này đang đòi ngân hàng để cấn trừ nợ. Tuy nhiên các sổ tiết kiệm đang được cơ quan điều tra kê biên.

 

Tuy nhiên, theo cáo trạng thì các hợp đồng vay vốn của nhóm Bích tại VNCB ngày 21/6 và ngày 26/7, 30/7 đã được tất toán từ trước đó. Do vậy hai khoản này là Danh đã rút ra mà không có chữ ký của chủ tài khoản để trả nợ cho các khoản vay của chính mình trước đó nên gây thiệt hại cho VNCB.

Nhưng đường đi của dòng tiền trên cũng cho thấy tiền mà nhóm Trần Ngọc Bích bị Phạm Công Danh "rút trộm” chưa chạy ra khỏi ngân hàng Xây dựng, chỉ chạy từ tài khoản của Trần Ngọc Bích sang tài khoản của ông Trần Quí Thanh, với phần trung chuyển là Danh, Tùng và Khương, đích đến cuối cùng là trả nợ cho VNCB.

Bị cáo khai rút tiền không có chữ ký của chủ tài khoản, nhưng có sự đồng thuận, có sao kê và chứng từ khác gửi cho Bích

Tại phiên tòa ngày 22/7, trong phần thẩm vấn, bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên giám đốc phụ trách chi nhánh VNCB Sài Gòn, giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang - nơi làm việc trực tiếp với nhóm Bích - đã khai nhận một số thông tin đáng chú ý liên quan thủ tục quay vòng tiền giữa nhóm Danh, Bích và ngân hàng VNCB.

Quyết khai, vào thời điểm trước tháng 12/2012, nhóm của bà Bích gửi tại VNCB trên 5.000 tỷ đồng qua hơn 100 sổ tiết kiệm. Đến tháng 12/2012, nhóm này bắt đầu thế chấp số sổ tiết kiệm này để vay lại tiền. Nhóm Bích là khách VIP nên được ưu đãi về lãi suất vượt trần và ưu tiên các thủ tục tài chính, vì vậy các thủ tục chứng từ có thể được ký sau khi tiền đã được rút. Còn việc tại sao tiền lại chuyển vào tài khoản Phạm Công Danh mà không phải tài khoản của Bích, bị cáo Quyết khai đó là do sự thỏa thuận giữa Phạm Công Danh và bà Bích.

Bị cáo Quyết cũng khai nhận, mỗi lần tài khoản khách hàng có biến động đều có in sao kê và gửi tin nhắn vì vậy không thể nói bà Bích không biết được. Hơn nữa, sự việc xảy ra vào tháng 8/2013 nhưng đến tháng 8/2014 bà Bích mới tố cáo và nói không đồng ý.

Cũng tại phiên tòa ngày 22/7, HĐXX mời bà Vũ Thị Như Thảo, Phó giám đốc phụ trách kế toán VNCB chi nhánh Sài Gòn với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, bà Thảo cho biết việc thực hiện các hợp đồng tín dụng vay 5.190 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản bà Bích, sau đó được chuyển qua tài khoản Phạm Công Danh.

Hồ sơ cho thấy không có ủy nhiệm chi của bà Bích nhưng các chứng từ sao kê và chứng từ khác có liên quan cuối ngày đều được chuyển cho bà Bích thông qua Vũ Anh Tuấn (thành viên thuộc nhóm của bà Trần Ngọc Bích). Việc giao nhận đều được ký tên vào sổ. Bà Thảo đã cung cấp cho HĐXX bản photo sổ ký giao nhận, trong đó có chữ ký nhận của Vũ Anh Tuấn.

Khi tòa gọi đến nhóm Trần Ngọc Bích thì không ai có mặt, chỉ có vị đại diện ủy quyền không nắm rõ bản chất vụ việc, nên tòa yêu cầu Trần Ngọc Bích, Vũ Anh Tuấn phải có mặt trong phiên tòa tiếp theo để làm rõ về khoản tiền này.

Chưa kịp bổ sung chứng từ thì bị bắt

Quyết khai thêm, từ khi chuyển sang VNCB Lam Giang, NHNN liên tục có đoàn thanh tra và Quyết liên tục giải trình với thanh tra của NHNN, đồng thời cũng đã hứa bổ sung chứng từ của 2 đợt chuyển tiền trên nhưng đến khi Quyết bị bắt thì nhóm bà Bích chưa bổ sung hoàn thiện hồ sơ.

Trước đó tại cơ quan điều tra, Quyết cũng đã khai nhận rằng Quyết lập các hồ sơ vay tiền đứng tên cá nhân nhóm Bích, chuyển hồ sơ để nhóm Bích ký, nhưng các ủy nhiệm chi để chuyển tiền từ tài khoản của Bích tại VNCB sẽ không có chữ ký của Bích. Đồng thời Quyết còn phải lập hợp đồng tiền gửi (đúng bằng số Danh vay của Bích), ký và đóng dấu của VNCB chi nhánh Sài Gòn chuyển 1 bản cho Bích, bản Quyết giữ không có chữ ký của Bích. Các hợp đồng tiền gửi đó không được hạch toán, theo dõi trên hệ thống của VNCB. Việc các ủy nhiệm chi không có chữ ký của chủ tài khoản và hợp đồng tiền gửi là nhằm ràng buộc trách nhiệm VNCB phải trả tiền gửi, chỉ khi tất toán khoản vay nhóm Bích mới hoàn thiện và trả lại hồ sơ cho VNCB.

 


Tùng Lâm
Theo InfoNet

Trở về

Bài cùng chuyên mục