Doanh nhân 8X bán công ty gần 2.000 tỷ đồng cho Novaland; Nông nghiệp Nga 'miễn nhiễm' với trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây; Nợ có khả năng mất vốn tại Sacombank còn 6.600 tỷ đồng; Liệu xe Trumpchi của Trung Quốc có bán được ở Mỹ?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-04-2017
- Cập nhật : 22/04/2017
Việt Nam chi gần 290.000 tỉ đồng nhập hàng Trung Quốc
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết quý I-2017 tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt gần 12,7 tỉ USD.
Con số này tương đương khoảng 287.000 tỉ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý có năm nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt giá trị từ 1 tỉ USD trở lên. Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 2,5 tỉ USD. Mặt hàng Việt Nam nhập nhiều thứ hai là điện thoại và linh kiện đạt trên 1,6 tỉ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,6 tỉ USD; vải đạt 1,2 tỉ USD; sắt thép đạt 1,2 tỉ USD.
Với tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu gần 12,7 tỉ USD trong quý I-2017, thị trường Trung Quốc chiếm đến hơn 27% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.
Theo các chuyên gia, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng do các dự án của nhà đầu tư nước này vào Việt Nam ba tháng đầu năm tăng mạnh. Do vậy, các doanh nghiệp nhập nhiều thiết bị, máy móc, linh phụ kiện phục vụ sản xuất. Ngoài ra hàng hóa nước này tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại Trung Quốc và ASEAN.(PLO)
-------------------------------------
Tháng 5 có thể công bố lãi vay ODA cho Việt Nam
Tại buổi họp báo sáng 20-4, ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA Việt Nam (VN).
Nhắc lại thông tin VN có thể không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới từ tháng 7 năm nay.
Đối với các khoản vay theo hình thức ODA, JICA cho biết đang tính toán trên tinh thần chưa thay đổi ngay lập tức. Việc bàn bạc các điều kiện cho vay ưu đãi với VN có thể sẽ có kết quả trong khoảng một tháng nữa. Mức vay năm 2017 có thể tương đương với hai năm qua là khoảng 190 tỉ yen.
Hiện JICA đã lập hệ thống giám sát dự án vốn vay trên website để người dân và cơ quan chức năng cùng theo dõi. Đặc biệt, cơ quan này đang hỗ trợ khảo sát chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô để có đề xuất cho VN phát triển ngành này trong thời gian tới. (PLO)
----------------------------------------------
Doanh nghiệp FDI báo lỗ lớn nhất nhưng lợi nhuận lại cao nhất
Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn dẫn đầu về thua lỗ nhưng hiệu suất sinh lợi trên tài sản lại luôn đứng đầu trong 3 khu vực doanh nghiệp.
Tại lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay 21-4, TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, Viện trưởng Viện Phát triển DN, đã nhấn mạnh đến một nội dung rất đáng chú ý trong Báo cáo.
Đó là hiện tượng DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn dẫn đầu về thua lỗ. Cụ thể, các năm 2008-2009, tỉ lệ DN FDI thua lỗ lần lượt là 51,2% và 49,8% trong khi các DN tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trong cả giai đoạn 2007-2015, tỉ lệ DN FDI thua lỗ cũng chiếm trên 40% cho thấy dường như vấn đề chuyển giá vẫn chưa được giải quyết. “DN FDI mặc dù báo lỗ rất nhiều nhưng hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) lại khá nhất, luôn đứng đầu trong 3 khu vực DN. Điều này cho thấy vấn đề chuyển giá vẫn chưa được giải quyết”-bà Phạm Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2016 công bố sáng nay, khu vực FDI chỉ giảm lỗ khi Chính phủ đưa ra một số giải pháp để kiểm soát việc chuyển giá thông qua việc thành tra các DN này trong các năm 2010 và 2011. Trong thời gian đó, tỉ lệ DN FDI thua lỗ đã giảm xuống còn 44,2% và 45%, thấp nhất trong giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên từ năm 2012-2015, tỉ lệ DN FDI thua lỗ tăng cao trở lại cùng với xu hướng khó khăn chung của nền kinh tế. Chỉ có năm 2015, tỉ lệ thua lỗ của DN FDI xuống vị trí thứ hai, sau khu vực DN Nhà nước.
Nhưng ROA của DN FDI lại hoàn toàn trái ngược tình trạng thua lỗ. Đây là khu vực DN luôn dẫn đầu về ROA, liên tục tăng từ 12,2% lên 12,8% trong các năm 2007-2009. Trong thời kỳ khó khăn chung của nền kinh tế năm 2010-2011, ROA của khu vực FDI giảm xuống mức 12,5% và 11,5% và sau đó phục hồi lên mức 12,9% trong các năm 2012-2015.(NLĐ)
----------------------------------------
Có thể huỷ Brexit
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani tuyên bố rằng, tiến trình đưa Anh ra khỏi EU có thể đảo ngược, nếu trong cuộc bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn sắp tới, người dân Anh sẽ lựa chọn lập ra Chính phủ mới.
Mùa hè 2016 cư dân Anh đã bỏ phiếu đưa đất nước rút khỏi EU. Thủ tục Brexit khởi động ngày 29 tháng Ba, khi bà Theresa May chính thức thông báo cho ban lãnh đạo Liên minh châu Âu về việc bắt đầu thi hành Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, và quy trình này cần hoàn thành vào cuối tháng Ba 2019.
"Nếu sau bầu cử Anh muốn thôi không áp dụng Điều 50 thì thủ tục sẽ rất đơn giản", — ông Tajani tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của tờ Guardian.
"Nếu Anh muốn ở lại EU, điều đó sẽ có lợi cho tất cả. Nếu được vậy tôi sẽ rất vui mừng", — ông nói thêm.
Hôm thứ Tư, Quốc hội Anh ủng hộ đề nghị của Thủ tướng Theresa May về việc tổ chức cuộc bầu cử toàn dân trước kỳ hạn vào ngày 8 tháng Sáu. Bà May cho rằng động thái đó sẽ giúp đoàn kết thống nhất đất nước trước những cuộc đàm phán sắp tới với EU về nội dung Brexit.
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy đà gia tăng uy tín của đảng Bảo thủ cầm quyền, với đại diện là Thủ tướng Theresa May.(Viettimes)