Mỹ đẩy mạnh bán tôm hùm sang Việt Nam; Xuất khẩu cá cảnh 2018 sẽ đạt hơn 20 triệu USD; Ô tô con Trung Quốc tăng nhập vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh 23-04-2017
- Cập nhật : 23/04/2017
Mỹ bác đơn xin hợp tác lại với Nga của Exxon Mobil
Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố không miễn trừ lệnh trừng phạt với các công ty Mỹ muốn tái hợp tác khai thác dầu khí với Nga, trong đó có tập đoàn Exxon.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và ông Rex Tillerson khi đó là tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Exxon trong một lễ ký kết thỏa thuận khai thác giữa hai tập đoàn Exxon và Rosneft ngày 30-8-2011 ở Sochi, Nga - ảnh: Getty Images
Theo hãng tin AFP, thông báo Bộ Tài chính Mỹ được công bố ngày 21-4, sau khi truyền thông Mỹ cho biết tập đoàn Exxon đã đệ đơn xin được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế Mỹ, mong muốn được khởi động lại việc hợp tác làm ăn với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu: “Cùng với quá trình tham vấn tổng thống Donald Trump, Bộ Tài chính sẽ không miễn trừ trừng phạt với các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có tập đoàn Exxon, quyền khai thác dầu khí hiện vẫn đang bị cấm trong các lệnh trừng phạt áp với Nga”.
Đài CNBC cho rằng, quyết định của Bộ Tài chính với các tập đoàn năng lượng, trong đó có Exxon, phản ánh phần nào sự “đổi giọng” của Mỹ với Nga.
Đài này cho rằng, sau một thời gian dài dành rất nhiều lời ca ngợi về tổng thống Nga Vladimir Putin, tuần trước ông Trump nói rằng quan hệ Nga - Mỹ đang ở giai đoạn “thấp nhất mọi thời”.
Mỹ cũng đã tiến hành đợt tấn công bằng tên lửa hành trình vào một căn cứ không quân của Syria, một đồng minh của Nga.
Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), sau khi không được chấp nhận miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Nga dưới thời tổng thống Barack Obama, tập đoàn Exxon tiếp tục đệ đơn lên Bộ tài chính Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đề đạt nguyện vọng hồi tháng 3. Đó cũng là thời điểm cựu tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Exxon trở thành ngoại trưởng Mỹ.
Ông Tillerson, người có quan hệ rất gần gũi với tổng thống Nga Vladimir Putin, đã tự rút mình ra khỏi quyết định liên quan tới tập đoàn Exxon.
Việc hợp tác làm ăn giữa Exxon và tập đoàn Rosneft của Nga chiếm một phần lớn trong tiềm năng tăng tưởng trong tương lai của tập đoàn dầu khí Mỹ.(Tuoitre)
------------------------
PAN đặt kế hoạch doanh thu thụt lùi
Hàng loạt chỉ tiêu tài chính được dự báo giảm 16-26% do nhiều doanh nghiệp mới thành lập và sở hữu sau M&A lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm đóng góp doanh thu không đáng kế.
Công ty cổ phần Tập đoàn Pan (mã CK: PAN) vừa công bố tài liệu trình đại hội cổ đông thường niên, trong đó xuất hiện một số vấn đề quan trọng như sửa đổi kế hoạch chia cổ tức năm 2016, cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh năm nay…
Theo đó, công ty dự kiến chia cổ tức năm trước bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% thay cho phương án đã phê duyệt trước đó là 10% cổ tức bằng tiền mặt. Phương án này được đề xuất trên cơ sở nguồn thu bất thường từ thương vụ chuyển nhượng 80% vốn đầu tư mảng dịch vụ vệ sinh của PAN Services cho đối tác Nhật Bản hồi tháng 3/2016 và thực tế nhu cầu sử dụng nguồn tiền mặt để tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án mới.
Do thời tiết biến động bất thường và giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến hoạt động kinh doanh của các công ty con chủ lực trong năm qua diễn tiến không thuận lợi. Ngoài ra, việc không còn hợp nhất doanh thu của PAN Services sau thoái vốn cũng tác động không nhỏ đến việc hàng loạt chỉ tiêu mới hoàn thành khoảng 81-87% kế hoạch. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.753 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước nhưng vẫn kém kế hoạch đề ra trước đó đến 577 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 257 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước nhưng cũng chỉ đạt 87% kế hoạch.
Cơ cấu doanh thu năm 2016 dịch chuyển rõ nét theo hướng tăng mạnh tỷ trọng từ nông nghiệp và thực phẩm, đóng góp đến 97% vào tổng doanh thu của tập đoàn. Hiện 2 mảng này có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm lần lượt đạt 6% và 35%, trong khi dịch vụ tiện ích và một số lĩnh vự khác giảm mạnh đến 83%.
Trong năm qua, PAN Group thành lập một công ty con có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để tập trung phát triển nông nghiệp và tiếp nhận những khoản đầu tư vào nông nghiệp trước đó. Nổi bật trong số này là Công ty cổ phần Pan Saladbowl chuyên liên doanh với đối tác Nhật Bản để cung cấp sản phẩm rau, hoa xuất khẩu. Hoạt động trọng tâm của doanh nghiệp này trong giai đoạn đầu là xây dựng nhà kính và các mảng liên kết nên doanh thu đóng góp chưa đáng kể, nhưng dự báo sẽ tăng mạnh trong vài năm tới.
Ở mảng thực phẩm, công ty triển khai rầm rộ hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm tăng tỷ lệ sở hữu ở nhóm các công ty thực phẩm như bánh kẹo, chế biến nước mắm, thủy sản và hạt điều. Tính đến cuối năm 2016, giá trị đầu tư lũy kế vào ngành này đạt 1.088 tỷ đồng.
Dự báo tình hình hoạt động năm nay tiếp tục gặp khó khăn, ngoài doanh thu thuần dự kiến tăng 327 tỷ đồng thì tất cả chỉ tiêu tài chính khác đều được đề ra thận trọng, thấp hơn năm trước khoảng 16-26%. Ước tính lãi sau thuế hợp nhất và của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 280 tỷ và 190 tỷ đồng.
PAN Group được thành lập năm 1998 với vốn điều lệ 250 triệu đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư vệ sinh công nghiệp. Đến năm 2012, công ty bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, khởi đầu là mua 2,6 triệu cổ phiếu (tương đương 20,2% vốn điều lệ) Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang.
Thời gian gần đây, doanh nghiệp liên tục bành trướng trong lĩnh vực này thông qua việc mua cổ phần của các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa, thương hiệu Nước mắm 584 Nha Trang… Tính đến cuối năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu đạt 2.922 tỷ đồng và điều chỉnh giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% vốn điều lệ. Chủ tịch công ty là ông Nguyễn Duy Hưng.(Vnexpress)
-----------------------------------
BIDV trả cổ tức 7% bằng tiền mặt, Bộ Tài chính thu về hơn 2.200 tỷ
Với tỷ lệ thông qua tuyệt đối cổ đông Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) đã quyết việc chi trả cổ tức năm 2016, tỷ lệ 7% bằng tiền mặt tại cuộc họp Đại hội cổ đông diễn ra sáng 22/4. Việc biểu quyết thông qua này được thực hiện sau khi có quyết định của Bộ Tài chính về chi trả cổ tức.
Theo tờ trình cổ đông trước đó, BIDV dự kiến trả 7% cổ tức năm 2016 tuy nhiên phương thức chi trả được để ngỏ là bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Chất vấn lãnh đạo ngân hàng tại cuộc họp nhiều ý kiến cổ đông bày tỏ mong muốn ngân hàng sẽ chi trả khoản cổ tức này bằng tiền mặt, thay vì giữ lại để tăng vốn điều lệ.
Đáp lại, ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV cho hay, hình thức trả bằng tiền hay cổ phiếu sẽ do Bộ Tài chính quyết định do cơ quan này đang là cổ đông lớn nhất tại BIDV. "Nếu được Bộ Tài chính đồng ý chúng tôi sẽ chi trả bằng tiền mặt và trả trong quý II tới", ông Tú nói. Ngay sau đó, lãnh đạo BIDV thông báo vừa nhận được văn bản của Bộ Tài chính về trả cổ tức bằng tiền mặt và yêu cầu cổ đông bỏ phiếu thông qua tại đại hội.Hiện đại diện vốn là Ngân hàng Nhà nước đang nắm tỷ lệ sở hữu lên tới 95,28% tại BIDV. Với mức trả cổ tức 7% tiền mặt, dự kiến Bộ Tài chính thu về hơn 2.200 tỷ tiền cổ tức từ ngân hàng này. Năm ngoái BIDV cũng trả cổ tức năm 2015 tỷ lệ 8,5% bằng tiền mặt sau khi Bộ Tài chính có ý kiến và số tiền nhà chức trách thu về khoảng 2.700 tỷ.
Cũng tại cuộc họp Đại hội cổ đông sáng nay, các cổ đông chất vấn chuyện tỷ lệ lợi nhuận mỗi nhân viên BIDV đem về cho ngân hàng không cao như kỳ vọng, thấp hơn các "ông lớn" ngân hàng khác. Giải đáp băn khoăn này ông Trần Xuân Hoàng - Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ, nhân sự ngân hàng hiện hơn 22.000 người, tăng nhanh do vừa qua nhận gần 4.000 người khi sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MBB). Còn nếu chỉ tính trong hệ thống BIDV thì tăng không quá 3% mỗi năm trong 3 năm qua. "Dù gánh nặng nhưng ngân hàng vẫn hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, việc này thể hiện tốc độ tăng lao động với tốc độ tăng lợi nhuận của ngân hàng", ông Hoàng chia sẻ.
Vị này phân tích thêm, so với các nhà băng lớn khác trong hệ thống ngân hàng thì thu nhập thuần của BIDV cao hơn, hiện trên 16.500 tỷ đồng. Do ngân hàng phải tăng năng lực tài chính nên trích lập dự phòng cũng cao, tới 9.000 tỷ. Với tỷ lệ nợ xấu dưới 2% hiện nay, khoản trích lập này giúp ngân hàng đủ năng lực xử lý các khoản nợ xấu ngay cả trong trường hợp không thu hồi được.
Lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận chuyện tăng vốn khó khăn trong những năm qua và BIDV đang nỗ lực cao nhất để tăng được vốn trong năm nay. Theo kế hoạch trình Đại hội cổ đông, nhà băng này sẽ tăng vốn điều lệ thêm 4.445 tỷ đồng trong năm nay, từ 34.187 tỷ hiện tại lên 38.632 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn của ngân hàng sẽ gồm 3 đợt, gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ (tương ứng tỷ lệ 7%). Đợt 2 ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ và cuối cùng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ đồng.
Về giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước, ngân hàng đang có room gần 30% để giảm tỷ lệ sở hữu xuống tối đa 65% theo kế hoạch của Nhà nước. "Mục tiêu của ngân hàng là xuống 65% và nếu xuống sâu hơn thì phải xin ý kiến của Nhà nước", ông Phan Đức Tú nói. (Vnexpress)
----------------------------
Mỗi sếp BIDV lĩnh thù lao hơn 2,1 tỷ đồng một năm
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 được đưa ra tại cuộc họp Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) sáng 21/4, năm 2016 ngân hàng đạt lợi nhuận sau thuế hơn 6.229 tỷ đồng. Mức thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát ngân hàng nhận trong năm qua là 27,4 tỷ đồng.Với 13 thành viên trong ban lãnh đạo cấp cao, bình quân mỗi sếp BIDV nhận lương 2,1 tỷ đồng, tương đương hơn 175 triệu đồng một tháng. Số tiền này chưa bao gồm tiền công tác phí (ăn ở, đi lại...) của các thành viên lãnh đạo ngân hàng.
Dù tỷ lệ chi trả thù lao cho dàn lãnh đạo BIDV chỉ 0,44% lợi nhuận sau thuế, nhưng năm 2016 nhà băng này dành hơn 27 tỷ đồng trả lương cho các sếp.
Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị trước các cổ đông tại đại hội, lãnh đạo BIDV cho rằng, thù lao các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát được trả gắn với vị trí công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Tổng thù lao chi trả nằm trong phạm vi được Đại hội cổ đông phê duyệt. Ngoài ra, ngân sách hoạt động của ban lãnh đạo thuộc ngân sách hoạt động chung của ngân hàng, chi trả theo phát sinh thực tế và theo đúng chế độ thu chi tài chính của BIDV.
Cũng tại cuộc họp, các cổ đông BIDV đã biểu quyết thông qua mức thù lao của các thành viên ban lãnh đạo BIDV năm 2017 là 0,44% lợi nhuận sau thuế, tương đương tỷ lệ năm 2016. Song, với dự kiến lợi nhuận 2017 cao hơn thì thù lao của đội ngũ lãnh đạo BIDV năm nay sẽ "nhỉnh" theo.
Trường hợp phát sinh thêm thành viên, đại hội cổ đông uỷ quyền cho Hội đồng quản trị quyết định mức thù lao phát sinh thêm, phù hợp với thù lao của các thành viên còn lại trong ban lãnh đạo. Ngoài lương, các lãnh đạo BIDV còn được chi trả các chi phí phát sinh khác như công tác phí, đi lại, ăn ở...
Năm 2017, ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 16,5% và tín dụng tăng trưởng không quá 16%. Lợi nhuận trước thuế ở mức 7.750 tỷ đồng, tăng 0,53% so với kết quả đạt được trong năm 2016. Tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 7% và không thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.(VNE)