Phú Quốc đầu tư gần 70 tỷ đồng để "xây" Thành phố thông minh; Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020; Nền tảng thanh toán của Lazada sáp nhập với Alibaba; Masan muốn người Việt chi gấp 5 lần cho sản phẩm của mình
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-04-2017
- Cập nhật : 23/04/2017
Chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật
Tình trạng tự ý tách thửa, phân lô, chuyển nhượng đất bằng giấy tay trái pháp luật đang diễn ra nhiều nơi. Để khắc phục, tỉnh Đồng Nai vừa quyết định cho tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa. Thời gian tạm ngưng đến khi UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết mặc dù thời gian qua, địa phương này đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh việc tự ý tách thửa, phân lô, chuyển nhượng đất bằng giấy tay trái pháp luật.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số địa phương chậm thực hiện và xử lý vi phạm về phân lô bán nền, xây dựng nhà ở công trình chưa triệt để, thế nên đã dẫn đến tình trạng thu gom, mua bán đất đai, phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất trái luật ngày càng phức tạp.
Cụ thể, một số địa bàn như phường Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình và Tam Phước thuộc TP Biên Hòa, các xã Long Thọ, Phước An thuộc huyện Nhơn Trạch… là các “điểm nóng” về phân lô, bán nền tràn lan. Việc này đã làm phá vỡ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến bồi thường, hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước thực trạng trên, tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các huyện, thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa phải tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với việc phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên địa bàn. Định kỳ hàng quý, các đơn vị này phải báo cáo tỉnh, Sở Tài nguyên – môi trường, Sở xây dựng để kiểm tra.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai yêu cầu TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom cần khẩn trương rà soát, xác định cụ thể nội dung phản ánh đến phân lô bán nền nông nghiệp, lâm nghiệp tại xã Tam Phước, TP Biên Hòa và xã An Viễn, huyện Trảng Bom để xử lý vi phạm phân lô bán nền đất nông nghiệp, lâm nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan trước ngày 29/4/2017.
Tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Sở Tài nguyên – môi trường khẩn trương kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện nội dung chỉ đạo, tham mưu trình UBND tỉnh chỉ đạo xử lý đối với việc tự ý tách thửa, phân lô, chuyển nhượng đất bằng giấy tay trái phép trên địa bàn trước ngày 29/4/2017.
Đáng chú ý, tỉnh Đồng Nai đã quyết định cho tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa. Cụ thể, theo quyết định 25 ngày 20/4/2016 của UBND tỉnh đã quy định diện tích đất tối thiểu đối với từng loại đất trên địa bàn Đồng Nai về cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù vậy, qua quá trình thực hiện tách thửa còn một số nội dung của quyết định cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy trình tách thửa, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc tách thửa theo quy định pháp luật cho phù hợp tình hình biến động đất đai ngày càng tăng.
Do đó, trong thời gian rà soát, điều chỉnh bổ sung quyết định 25, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên – môi trường tạm dừng tiếp nhận hồ sơ tách thửa trên địa bàn. Thời gian tạm ngưng đến khi UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung.(Vietnamnet)
-------------------------
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục “bùng nổ”
Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, Hiệp hội bất động sản đưa ra nhận định lạc quan, khi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động trong quý tiếp theo.
Theo nhận định của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ rất sôi động trong các quý còn lại của năm 2017.
Tại buổi công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2017, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết: Trong tháng 1 và tháng 2, lượng giao dịch bất động sản trên cả nước giảm mạnh. Tuy nhiên từ tháng 3, giao dịch bất động sản tăng trở lại.
Báo cáo thị trường của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho thấy, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn là những đơn vị dẫn đầu cả nước về giao dịch bất động sản.
Theo đó, thị trường TP. Hồ Chí Minh là thị trường dẫn đầu cả nước, với lượng giao dịch căn hộ lớn nhất, đạt 9.808 giao dịch căn hộ giao dịch thành công trong quý I/2017, với giá trị tương đương 24.070 tỷ đồng, chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp.
Tại Hà Nội, lượng căn hộ được giao dịch thành công trong quý I/2017 đạt 3.624 căn hộ, giá trị tương đương 8.330 tỷ đồng, cũng tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ tầm trung.
Ở phân khúc đất nền, Báo cáo của Hiệp hội bất động sản cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, giá đất nền đã tăng khoảng 25% trong quý đầu năm. Dù vậy, do không có dự án mới ra mắt thị trường nên nhà đầu tư có xu hướng đầu tư đất nền khu vực lân cận như Đồng Nai, Long An.
Việc khan hiếm đất nền cũng khiến đất nền các huyện ngoại thành như Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 9, quận 12 tăng mạnh giá bán.
Tại Hà Nội, lượng giao dịch đất nền cũng chỉ đạt 169 giao dịch. Nguyên nhân lượng giao dịch thấp được lý giải vì nguồn cung đất nền mới tại Hà Nội hiện nay không nhiều.
Ở loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, trong quý I/2017, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục bùng nổ.
Cụ thể, theo công bố của Hội môi giới, lượng căn hộ nghỉ dưỡng tại thị trường Đà Nẵng và Nha Trang trong quý I/2017 đạt 1.394 căn. Riêng tại Đà Nẵng, xuất hiện hiện tượng bùng nổ thanh khoản đất nền dự án, với khoảng trên 1.000 sản phẩm đất nền được giao dịch trong quý I.
Báo cáo cũng cho thấy thanh khoản căn hộ nghỉ dưỡng có xu hướng tiếp tục tăng khi lượng tìm kiếm trên mạng internet với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục tăng mạnh: Tăng 89% so với quý I/2016 tại thị trường Nha Trang và tăng 126% so với cùng kỳ tại thị trường Đà Nẵng.
Nhận định thị trường bất động sản quý II/2017 và những tháng cuối năm, Hiệp hội bất động sản cho rằng: Phân khúc nhà giá trung bình và nhà giá thấp sẽ rất sôi động, do nguồn cung căn hộ trung bình đang tiếp tục được bổ sung rất lớn ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, Hiệp hội bất động sản cũng đưa ra nhận định lạc quan, khi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động trong quý tiếp theo.
Đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ rất sôi động, vì nhiều chủ đầu tư đã chuẩn bị nguồn hàng lớn, cùng những chính sách bán hàng hấp dẫn sẽ được áp dụng trong các đợt chào bán ra ngoài thị trường trong thời gian tới.(Bizlive)
--------------------------------
Bán hàng giả trên mạng bị phạt lên tới 80 triệu đồng
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử không thực hiện các yêu cầu trên, nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt từ 40 - 80 triệu đồng theo quy định tại Điều 83 của Nghị định 124/2015/NĐ- CP.
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương vừa đề nghị các thương nhân tổ chức, cá nhân kinh doanh kinh doanh trên website thực hiện 3 biện pháp để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái:
Thứ nhất là kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng TMĐT.
Hai là triển khai các biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website thương mại điện tử (TMĐT) hoặc ứng dụng di động những thông tin sản phẩm vi phạm pháp luật. Ví dụ: chặn theo từ khóa (một số từ khóa như “fake”, “super fake”, “nhái”,...), kiểm duyệt bằng nhân sự,...
Ba là triển khai các biện pháp xử lý khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về sản phẩm vi phạm hoặc hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác trên website cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT.
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng TMĐT không thực hiện các yêu cầu trên, nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt từ 40 triệu đến 80 triệu đồng theo quy định tại Điều 83 của Nghị định 124/2015/NĐ- CP.
Hình thức bán hàng trực tuyến đang nở rộ tại Việt Nam. Kèm theo đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái được bán trực tuyến cũng rất phức tạp. Không ít trường hợp người dân đã mua phải hàng giả, hàng nhái trên các website bán hàng.(bizlive)
-------------------------------------------
Nhà giàu Nga là ai?
Tạp chí Forbes phiên bản tiếng Nga vừa công bố bảng xếp hạng thường niên với 200 doanh nhân cự phú của nước Nga.
Chủ sở hữu công ty "Novatek" Leonid Mikhelson, người giàu nhất nước Nga. Ảnh SPUTNIK/ALEKSEI NIKOLSKIY
Đồng sở hữu của công ty tư nhân lớn nhất của Nga về khí đốt "Novatek" Leonid Mikhelson năm thứ hai liên tiếp đứng đầu danh sách 200 doanh nhân giàu có nhất của nước Nga, theo đánh giá của tạp chí Forbes.
Theo số liệu của tạp chí Forrbes, tài sản của doanh nhân Leonid Mikhelson qua một năm đã tăng từ 14,4 tỷ USD lên thành 18,4 tỷ USD.
Phu nhân cựu Thị trưởng Moscow Yuri Luzhkov, bà Elena Baturina, đứng đầu danh sách những người phụ nữ lọt vào danh sách "200 doanh nhân giàu nhất của Nga năm 2017".
Tuy nhiên tạp chí cũng cho biết, tài sản của bà Baturina năm qua có sự giảm sút, từ 1,1 tỷ USD xuống còn 1 tỷ USD.
Forbes nhận xét rằng tổng tài sản của 200 người Nga giàu nhất trong năm qua đã tăng thêm 100 tỷ USD, lên mức tổng cộng thành 460 tỷ USD. Số tỷ phú đô la ở Nga cũng đã tăng từ 77 lên thành 96 người. (Bizlive)