Bitcoin giảm 40% từ đỉnh, có lúc xuống 12.500 USD; Sức mua trầm lắng trong mùa Giáng Sinh 2017; Nợ xấu Sacombank giảm về 4,4% từ mức 6,68% đầu năm; Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã có thay đổi về chất
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-12-2017
- Cập nhật : 21/12/2017
Khởi sắc thị trường tơ lụa
Sau nhiều năm lao đao và tuột dốc, nay ngành dâu tằm tơ Bảo Lộc (Lâm Đồng) - "thủ phủ" dâu tằm tơ Việt Nam đang hồi sinh mạnh mẽ.
Nhà máy dệt lụa ở Bảo Lộc
Thị trường khởi sắc, sản xuất tới đâu bán hết tới đó. Bà Hà Thị Hoa, Giám đốc Công ty Hà Bảo, sở hữu 2 nhà máy dệt lụa, cho biết trong năm 2017 Hà Bảo sản xuất được 700.000 m2 lụa, ấy vậy vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Bảo Lộc hiện có 40 hệ thống máy ươm tơ tự động hiện đại, công suất cao, cùng 6 nhà máy dệt lụa, chiếm 75% năng lực ươm tơ, 70% năng lực xe tơ dệt lụa của cả nước. Các nhà máy ươm tơ dệt lụa tạo ra nhiều sản phẩm lụa chất lượng cao, xuất khẩu ra các nước như Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và cả khối EU. Năm 2017 tổng sản lượng tơ đạt trên 1.700 tấn, tổng sản lượng lụa khoảng 6 triệu m2.
Ngoài “thủ phủ” tơ tằm Bảo Lộc, các huyện: Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng) đang canh tác khoảng 20.000 ha dâu và nuôi tằm, được xem là những “vệ tinh” cung cấp nguồn nguyên liệu kén tằm cho các nhà máy ở Bảo Lộc. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trung bình 1 ha dâu, mỗi tháng người dân có thể nuôi 3 hộp tằm và sản lượng kén thu được khoảng 180 kg, với giá hiện nay trên dưới 200.000 đồng/kg, có thể thu về 36 triệu đồng/tháng. Nếu mỗi năm nuôi 10 lứa tằm, có thể thu về 360 triệu đồng.
Ông Nghiêm Xuân Đức, Phó chủ tịch UBND TP.Bảo Lộc, cho biết trong Tuần văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc, tổ chức song song với Festival Hoa Đà Lạt 2017 (từ 23 - 27/12), tại Bảo Lộc sẽ khai trương “Việt Nam Silk house” (tại số 2 Trần Phú, TP.Bảo Lộc). Dịp này, nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh khởi xướng và mời gọi 13 nhà thiết kế nổi tiếng cùng địa phương lần đầu tổ chức trình diễn thời trang tơ lụa, giới thiệu những sản phẩm từ tơ lụa Bảo Lộc. Theo bà Minh Hạnh: “Đây là cơ hội để chúng ta hành động thiết thực đưa tơ lụa Việt về giá trị đúng nghĩa của nó, sau “cú sốc” Khaisilk vừa qua”.
Ông Phan Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Tỉnh Lâm Đồng và TP.Bảo Lộc đang nỗ lực nhằm tạo ra sản phẩm tơ lụa đẹp, chất lượng, đặc trưng riêng, với mục tiêu phấn đấu 5 - 10 năm nữa Bảo Lộc trở thành thành phố tơ lụa VN”.(thanhnien)
--------------------------
Toyota Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam vừa gửi văn bản lên Bộ Công Thương đề nghị cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định mới của Nghị định 116 của Chính phủ.
Toyota Việt Nam đã đáp ứng đủ điều kiện nhập khẩu xe theo quy định 116 và yêu cầu Bộ Công Thương cấp giấy phép.
Cụ thể, Toyota Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô cho các loại xe như ô tô con thương hiệu Lexus, ô tô khách và ô tô tải.
Toyota cho biết đã có đầy đủ giấy tờ theo đúng quy định của Nghị định 116, trong đó có các hồ sơ kèm theo gồm: Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; Bản sao chứng thực giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô của đại lý Công ty ô tô Toyota Việt Nam; Bản chứng thực chứng nhận quyền thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu của Tập đoàn Toyota Motor Corporation.
Công ty này khẳng định thỏa mãn và thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngày 17/10/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, với các quy định của Nghị định 116, Toyota Việt Nam là một trong những công ty đầu tiên chính thức đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh doanh mới theo quy định của Chính phủ.
Mới đây, Nhóm công tác ô tô xe máy của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (2017) và đại diện ô tô Nhật Bản tại Việt Nam đã có báo cáo bày tỏ lo ngại với Chính phủ về các quy định có phần khắt khe tại Nghi định 116.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 (VBF 2017) diễn ra mới đây, các nhóm công tác về ô tô và xe máy, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu đã đồng loạt kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, các doanh nghiệp cho rằng quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài từ ngày 1/1/2018 là chưa phù hợp thực tiễn.
Trong khi đó, liên quan đến yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, các doanh nghiệp cho rằng quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng mà "chỉ làm lãng phí thêm thời gian và làm tăng chi phí" của doanh nghiệp.
Trước đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 hồi giữa tháng 10/2017, nhiều doanh nghiệp đã "than" khó và e ngại sẽ phải tạm dừng hoạt động nhập khẩu. Trong trường hợp vẫn tiếp tục nhập khẩu, các hãng cho rằng sẽ phải tốn thêm chi phí và mất thời gian "chờ đợi rất lâu" cho người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ. Theo đó, nhóm doanh nghiệp này cho rằng, cần có thêm lựa chọn được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo chất lượng tại nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại nước ngoài.
Đối với quy định về thử nghiệm xe theo từng lô, các doanh nghiệp kiến nghị "cân nhắc bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành mà không cần thử nghiệm lại".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng các quy định nhập khẩu và đăng kiểm hiện hành cho những xe nhập khẩu đã được đặt hàng trước thời điểm ban hành Nghị định 116 (ngày 17/10/2017) nhưng sang năm 2018 mới về đến Việt Nam. (Vneconomy)
-------------------------
Xuất khẩu da cá tra sang Singapore làm snack
Thay vì bán phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, da cá tra Việt Nam đã tìm đường xuất khẩu sang Singapore với giá trị cao.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trường Giang, Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân gạo Cỏ May có trụ sở ở Đồng Tháp cho biết, nếu trước đây da cá tra chủ yếu bán phụ phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi thì mới đây sản phẩm của đơn vị này được doanh nghiệp ở Singapore đề nghị mua làm sản phẩm ăn liền (snack).
“Cách đây 4 tháng, nhiều khách hàng Singapore và châu Âu đề nghị chúng tôi cung cấp da cá tra đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế với giá hấp dẫn. Sau quá trình khảo sát, đối tác Singapore đã ký kết hợp đồng bao tiêu với công ty”, ông Giang nói và cho hay nếu trước đây giá phụ phẩm chỉ 6.000 - 8.000 đồng một kg thì khi bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm giá đã tăng 71,4% (giá nhập tại kho); nếu có thêm chi phí đóng gói, cấp đông… thì có thể tăng gấp 3 lần, khoảng 22.000 -24.000 đồng một kg. Snack da cá tra tại thị trường Singapore hiện có giá 8 SGD (khoảng 136.000 đồng) cho gói nhỏ 230gram.
Hiện mỗi tháng Cỏ May xuất sang thị trường Singapore 50-60 tấn da cá. Qua 2018, công ty sẽ mở rộng nhà máy để nâng công suất lên cao hơn. Hiện tại lượng hàng xuất đi cung không đủ cầu. Tuy nhiên, để xuất được, da cá phải đảm bảo các chứng nhận an toàn về vệ sinh thực phẩm quốc tế, không có các dư lượng về thuốc bảo vệ thực vật, hóa học.
Da cá tra là nguồn thực phẩm nhiều dinh dưỡng, giàu collagen và gelatin tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nhà máy ở Việt Nam chưa thể tận dụng nguyên liệu này để sản xuất sản phẩm ăn liền. Để đón đầu xu hướng, ngoài xuất khẩu, sắp tới Cỏ May sẽ nghiên cứu khẩu vị, cách tẩm ướp của các nước như Singapore, Malaysia, châu Âu, Việt Nam để chế biến ra sản phẩm phù hợp và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm snack từ da cá tra đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Giang cũng cho biết, để có 35 tấn phi lê cá tra thì cần có 100 tấn nguyên liệu đầu vào. Trước đây, các phụ phẩm như da, đầu, vây, bao tử, bong bóng của cá đa phần bán để làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, ngoài doanh nghiệp Cỏ May thu được giá trị cao từ da cá tra nhờ xuất khẩu, thì trong nước, mới chỉ có Vĩnh Hoàn xây nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra với công suất 2.000 tấn một năm. Kết thúc quý I/2017, doanh thu từ collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn đạt 700.000 USD. Doanh thu năm ngoái của mảng này khoảng 1 triệu USD và kỳ vọng sẽ tăng lên 5 triệu USD năm nay.
Cỏ May ra đời năm 1986 với việc sản xuất xà bông, nhưng đến 1990 vì gặp khó nên ngừng sản xuất mặt hàng này và chuyển sang kinh doanh lương thực. Ngoài sản xuất gạo cho thị trường trong nước và Singapore, công ty còn trồng nấm, chế biến cá tra…(Vnexpress)
------------------------
Saigon Coop “tính kế” để giữ thị trường
UBND TP.HCM đã giao Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Coop) hoàn chỉnh Đề án chiến lược phát triển đơn vị.
Trong đó phân kỳ các giai đoạn để triển khai thực hiện và lưu ý đề án phải đạt được một số mục tiêu gồm giữ vững bản chất của Saigon Coop; giữ vững được thị trường bán lẻ; dự báo được chiến lược của các đối thủ trong ngành bán lẻ; nâng cao tính chuyên nghiệp và hiện đại; phải có chiến lược hậu mãi tốt.
Trước mắt, Saigon Coop cần rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư phát triển trong ba năm 2018 - 2020, khả năng huy động nguồn vốn của đơn vị, nhu cầu huy động vốn bổ sung từ bên ngoài. Phối hợp với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố xây dựng phương án hỗ trợ vốn để đơn vị tiếp tục giữ vững thị trường bán lẻ trong nước, trình UBND TP.HCM trong tháng 1/2018.
Saigon Coop không còn xa lạ với người dân TP.HCM cũng như các tỉnh thành trên cả nước, với thương hiệu Co.opmart.
Siêu thị đầu tiên của hệ thống siêu thị Co.opmart ra đời là Co.opmart Cống Quỳnh vào ngày 9/2/1996, với sự giúp đỡ của các phong trào HTX quốc tế đến từ Nhật, Singapore và Thụy Điển. Từ đấy loại hình kinh doanh bán lẻ mới, văn minh phù hợp với xu hướng phát triển của TP.HCM đánh dấu chặng đường mới của Saigon Co.op.
Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay Co.opmart đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các ông lớn đang thâm nhập mạnh vào thị trường bán lẻ Việt như Lotte, Aeon, Emart… (Bizlive)
----------------------