Kỳ vọng 2 năm tới, quy mô xuất nhập khẩu sẽ đạt mốc 500 tỷ USD; Ô tô nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam dịp cuối năm; Phát huy tiềm năng và thế mạnh về logistics; Bitcoin có là mối đe dọa đối với ổn định tài chính?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-12-2017
- Cập nhật : 22/12/2017
Châu Âu ra phán quyết Uber là công ty taxi, không phải ứng dụng
Động thái này được coi là một đòn giáng mạnh vào Uber, công ty gọi xe qua ứng dụng lớn nhất thế giới...
Trong một đòn giáng mạnh vào Uber, công ty gọi xe qua ứng dụng lớn nhất thế giới, tòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/12 ra phán quyết mang tính cột mốc nói rằng Uber cần được phân loại là một dịch vụ vận tải và chịu sự điều tiết như các hãng taxi khác.
Kể từ khi ra đời vào năm 2011, Uber - dịch vụ cho phép hành khách gọi xe thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone) - đã khiến ngành công nghiệp taxi toàn cầu đảo lộn. Hiện Uber đã có mặt tại hơn 600 thành phố trên khắp thế giới và được định giá ở mức 68 tỷ USD.
Trong vụ mới nhất của chuỗi trận đấu pháp lý mà Uber đương đầu, công ty này lập luận rằng mình chỉ là một ứng dụng kỹ thuật số giữ vai trò trung gian giữa tài xế và khách hàng có nhu cầu đi xe, nên Uber nên được chịu sự điều tiết "mềm" hơn của các quy định về dịch vụ trực tuyến của EU.
"Dịch vụ do Uber cung cấp kết nối các cá nhân với tài xế không chuyên là một dịch vụ thuộc lĩnh vực vận tải", Tòa án Công lý châu ÂU (ECJ) phán quyết. "Các quốc gia thành viên EU, bởi vậy, có thể điều tiết Uber theo các điều kiện về cung cấp dịch vụ vận tải".
Vụ kiện Uber lên ECJ diễn ra khi một hiệp hội tài xế taxi chuyên nghiệp ở Barcelona, Tây Ban Nha, đâm đơn. Đơn kiện nói hoạt động của Uber tại Tây Ban Nha gây hiểu lầm và là một sự cạnh tranh không bình đẳng.
Vụ kiện trên được coi là một phép thử về việc nền kinh tế chia sẻ (gig economy) sẽ được điều tiết như thế nào ở châu Âu. Tuy nhiên, phán quyết của ECJ được cho là sẽ không có ảnh hưởng tức thì đến hoạt động của Uber ở châu Âu, nơi công ty đã cắt giảm các dịch vụ không được cấp phép như UberPOP và tuân thủ luật vận tải của nước sở tại.
Uber hiện cũng đang trong một cuộc chiến pháp lý khác về quyền hoạt động tại London, thị trường quan trọng nhất của Uber tại châu Âu.
Tổ chức giao thông đường bộ thế giới IRU, bao gồm các hiệp hội taxi, hoan nghênh phán quyết của ECJ, cho rằng phán quyết này cuối cùng cũng tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà cung cấp cùng một dịch vụ.
"Trong kỷ nguyên của sự di động, ngành taxi và xe cho thuê là một trong những ngành đầu tiên nắm bắt sự sáng tạo và công nghệ mới", ông Oleg Kamberski, trưởng bộ phận vận tải hành khách thuộc IRU, phát biểu. (Vneconomy)
------------------------
Quy mô giao dịch tiền ảo "ngang ngửa" sàn chứng khoán New York
Điều này cho thấy sức nóng của thị trường tiền ảo với hơn 1.300 loại tiền ảo mới ra đời trong năm 2017...
Thị trường tiền ảo toàn cầu hiện đã đạt mức giao dịch hàng ngày tương đương với Sàn chứng khoán New York, theo Business Insider.
Theo dữ liệu từ trang CoinMarketCap.com, khối lượng giao dịch trong 24h của thị trường tiền ảo ngày 20/12 đã vượt qua mốc 50 tỷ USD. Con số này tương đương với lượng giao dịch trung bình ngày của Sàn chứng khoán New York trong năm 2017.
Trong khi đó, lượng giao dịch hàng ngày của Sàn chứng khoán London chỉ khoảng 5 tỷ Bảng (6,7 tỷ USD).
Tuy nhiên, so sánh này không hoàn toàn chính xác bởi thị trường tiền ảo được cho là gần với thị trường ngoại hối hơn - có khối lượng giao dịch hàng ngày hơn 5.000 tỷ USD.
Dù vậy, việc có lượng giao dịch tương đương với Sàn chứng khoán New York cho thấy sức nóng của thị trường tiền ảo trong năm 2017.
Trong năm 2017, các nhà đầu tư đổ xô vào tiền ảo bởi lợi nhuận "siêu hấp dẫn" nhìn thấy rõ từ Bitcoin với mức tăng khoảng 1.500% so với đồng USD.
Cơn sốt huy động vốn bằng phát hành tiền ảo (ICO) cũng sản sinh hàng loạt loại tiền ảo mới. ICO là hoạt động mà ở đó các startup tự phát hành loại tiền ảo của mình để huy động vốn đầu tư. Hiện tại, trên thị trường có hơn 1.300 loại tiền ảo đang lưu thông, theo CoinMarketCap.com.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong giới tài chính tỏ ra lo ngại về thị trường hầu như chưa được pháp luật điều chỉnh này. Đầu tháng 12, một chuyên gia tài chính hàng đầu của Anh cảnh báo rằng mọi người nên sẵn sàng cho khả năng bị "mất trắng" nếu đầu tư vào Bitcoin. Còn giám đốc điều hành của JPMorgan - Jamie Dimon thì gọi tiền ảo là "trò bịp bợm. (Vneconomy)
-------------------------
Tencent đang âm thầm xây dựng một đế chế giải trí sẽ khiến các gã khổng lồ Mỹ phải khiếp đảm
Tencent là công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc và họ đang xâm chiếm rất nhiều mảng kinh doanh bao gồm cả video, ứng dụng tin nhắn và giờ là cả giải trí, phim ảnh.
Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ đều đang nhắm tới ngành công nghiệp giải trí, bằng chứng là nhiều công ty bao gồm cả Apple, Amazon và Facebook đều bạo chi hàng tỷ USD để phát triển nội dung gốc và các chương trình, show diễn.
Tuy nhiên, để mường tượng ra tương lai mà ở đó, một công ty công nghệ duy nhất thống trị mọi mặt của ngành công nghiệp giải trí thì hãy nhìn vào Trung Quốc – nơi gã khổng lồ Tencent đang gấp rút tiến đến mục tiêu này.
Disney của Trung Quốc?
Tencent – công ty công nghệ có trụ sở tại Thâm Quyến, được biết đến nổi tiếng nhất là đơn vị điều hành WeChat, một ứng dụng tin nhắn có 963 triệu người dùng. Ngoài ra, công ty này còn cung cấp các dịch vụ như mua sắm, thanh toán và vận chuyển đồ ăn. Tuy nhiên, trong những năm gần dây, công ty đang dần dần xây dựng một "quái vật" khác – đế chế về truyền thông và giải trí liên quan tới âm nhạc, phim ảnh và chương trình tivi.
Công ty này hiện đang thực hiện tham vọng lấn sân sang lĩnh vực giải trí thông qua hàng loạt khoản đầu tư. Chỉ mới tuần trước, Tencent thông qua bộ phận âm nhạc của công ty là Tencent Music Entertainment (TME) đã lập liên minh với Spotify; Họ cũng mua lại một lượng lớn cổ phần của một nhà cung cấp nhạc trực tuyến Thụy Sỹ.
Công ty cũng đang kỳ vọng vào khoản hợp tác trong thị trường trị giá 18 nghìn tỷ NDT (tương đương 2,7 tỷ USD) mà chính Tencent đang thống trị: Họ hiện sở hữu 3 ứng dụng âm nhạc lớn nhất Trung Quốc gồm QQ Music, Kugou và Kuwo – nơi có tổng cộng 700 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng không chỉ nghe những bài hit trong nước mà còn của các ngôi sao quốc tế như Katy Perry và Rihanna. TME cũng đang hướng đến mục tiêu IPO trong năm tới, nâng giá trị từ 1 tỷ USD lên ít nhất 10 tỷ USD.
Còn về mảng phim và chương trình tivi, Tencent cũng đang hướng đến hình thức giống Disney.
Sức mạnh tài sản trí tuệ
"Tencent có một hệ thống những tài sản sở hữu trí tuệ", theo Chen Yuetian – một đơn vị hợp tác tại Chinese Investment chuyên tập trung vào truyền thông và nội dung. "Trong khi những công ty khác tại Trung Quốc phải bỏ tiền ra mua bản quyền sở hữu tài sản trí tuệ thì Tencent lại kiểm soát được tất cả những gì mình sản xuất ra".
Không giống Disney – công ty vừa mua lại 21 Century Fox với giá 52,4 tỷ USD, tạo ra một phần lợi nhuận chủ yếu từ mảng kinh doanh công viên chủ đề và doanh số bán những đồ chơi liên quan, dòng tiền của Tencent hiện chủ yếu đến từ kinh doanh trực tuyến. Tencent hiện là công ty sản xuất video game lớn nhất thế giới và mảng game đều đặn đóng góp một nửa doanh thu cho họ.
Đối với khách hàng, có rất ít lý do phải rời khỏi ứng dụng của Tencent. Ví dụ, Sunny Niu – một nhân viên 30 tuổi làm việc ở một cơ quan chính phủ ở Bắc Kinh nghe nhạc trên QQ Music mỗi ngày trong khi đó, cô vẫn dành hàng giờ để xem các chương trình trên Tencent Video mỗi tối. Nếu Niu đang buồn chán về một thứ gì đó, cô có thể chuyển qua đọc sách trên Qidian.
"Tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục sử dụng các ứng dụng của Tencent. Tất cả các sở thích của tôi đều được cập nhật tại đây", Niu nói.
Vươn ra toàn cầu
Năm nay, Tencent Pictures đã đầu tư vào bom tấn Hollywood là Wonder Woman và Kong. Cả hai bộ phim này đều chạy banner quảng cáo trên Tencent Video, còn Tencent thì đang đầu tư vào nền tảng bán vé Maoyan và WeChat – nơi có gần 1 tỷ người dùng.
Các công ty phương Tây cũng đang nhắm đến thị trường giải trí đang bùng nổ tại Trung Quốc và điều này có nghĩa là Tencent không hoàn toàn "một mình một cõi". Mảng video trực tuyến là một ví dụ, họ đang trong trận chiến cạnh tranh khốc liệt với ứng dụng được đầu tư bởi Baidu là iQiyi để giành vị trí đứng đầu. Mỗi ứng dụng đang có khoảng 300 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng. Cả 2 cùng đang tìm cách nâng lượng thuê bao lên cao hơn nữa.
Trong khi ấy, Alibaba – đơn vị sở hữu mảng video Youku Tudou hiện đang đứng ở vị trí thứ 3 cũng mới ký kết thỏa thuận với NBCUniversal và Sony Pictures Television để truyền hình trực tiếp phim của họ tại Trung Quốc.
Và mặc dù có một vài thành công ban đầu với Fighter of the Destiny nhưng so với Disney, Tencent vẫn còn thiếu nhiều chuyên gia trong ngành hơn.
Nhưng nếu làm tốt và đúng, lĩnh vực giải trí có thể đuổi kịp mảng game về doanh thu trong năm 2020, Tencent có thể tạo ra đội ngũ sản xuất nội bộ và có thể tiết kiệm 10 tỷ NDT phí phải trả cho các đối tác.
"Tencent có chiến lược trong lĩnh vực giải trí thông minh nhất tại Trung Quốc. Trừ video trực tuyến, công ty đã xây dựng được đế chế độc quyền tại nhiều lĩnh vực khác. Và bây giờ khi đang tiến sang lĩnh vực giải trí, Tencent đang có nhiều lợi thế hơn Disney".(CafeF)
-------------------------
FPT báo lãi 1.958 tỷ đồng trong 11 tháng, tăng 13% so với cùng kỳ
Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) sau 11 tháng đạt 3.694 đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin từ CTCP FPT cho biết, kết thúc 11 tháng năm 2017, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 39.319 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.990 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.521 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.958 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) sau 11 tháng đạt 3.694 đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
FPT cũng cho biết, thị trường nước ngoài của công ty ghi nhận doanh thu đạt 6.163 tỷ đồng, tăng 13%; LNTT đạt 967 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 1/3 lợi nhuận toàn FPT.
Mới đây, FPT phát đi thông cáo cho biết, tỷ lệ sở hữu hiện nay của FPT tại FPT Retail là 47% và tại FPT Trading là 48%. Như vậy, hai đơn vị này đã chuyển từ công ty con sang công ty liên kết.
Được biết, FPT trước đó đã chính thức bán 30% vốn tại FPT Retail cho các quỹ được quản lý bởi Dragon Capital và VinaCapital. Dự kiến FPT Retail sẽ được đưa lên sàn trước 30/4/2018. Trong khi đó, FPT cũng đã bán 47% vốn tại FPT Trading cho tập đoàn phân phối Synnex.
Theo HSC, thương vụ thoái vốn khỏi 2 công ty con này có thể đem lại khoản lãi tài chính khoảng 1.380 tỷ đồng. Nếu tính cả khoản lãi này trong năm 2017, thì LNST của cổ đông công ty mẹ điều chỉnh sẽ đạt 3.491 tỷ đồng (tăng trưởng 75,4%) và EPS đạt 5.918đ; tương đương P/E dự phóng 9,9 lần. (Bizlive)