Bầu Kiên và bố mẹ vợ “rục rịch” thoái vốn khỏi Vietbank; Trung Quốc có thể sớm trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới; Các ngân hàng trung ương sẽ dự trữ Bitcoin và Ethereum vào năm 2018; Quên Bitcoin đi, người Trung Quốc đang phát cuồng với cổ phiếu AI
Tin kinh tế đọc nhanh 21-12-2017
- Cập nhật : 21/12/2017
Cử tri nghi vấn có bảo kê, cản trở khi xử lý Tập đoàn Mường Thanh
Có phải do có sự bảo kê, cản trở mà Hà Nội, các tỉnh bất lực trước sự coi thường pháp luật của Tập đoàn Mường Thanh?, một cử tri đặt câu hỏi.
Chiều 19/12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung có cuộc tiếp xúc cử tri Q.Hoàn Kiếm sau kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Cử tri Trịnh Thanh Phi (P.Cửa Đông) cho rằng tại kỳ họp vừa qua, Giám đốc Công an TP.Hà Nội giải trình Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản có 20.000 lao động, làm ăn ở 40 tỉnh thành, cả bên Lào, do đó cần huy động lực lượng điều tra viên khá đông vào cuộc xác minh nhưng phải thận trọng vì đụng đến nhiều người...
Cử tri Phi đặt câu hỏi: có phải do có sự bảo kê, cản trở mà Hà Nội, các tỉnh bất lực trước sự coi thường pháp luật của doanh nghiệp này?
Ông Nguyễn Đức Chung cho hay từ đầu năm 2016, sau khi Thanh tra TP có kết luận về vi phạm của Tập đoàn Mường Thanh, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã chủ động báo cáo Thành ủy và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Công an TP để tổ chức điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Thường trực Thành ủy cũng đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tất cả cán bộ từ cấp phường, cấp quận, huyện thuộc H.Thanh Trì và Q.Hoàng Mai. “TP đã xử lý hơn 20 cán bộ có liên quan đến trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước. Thời gian tới, trong quá trình điều tra, Công an TP nếu phát hiện có những dấu hiệu vi phạm tiêu cực, sẽ tiếp tục xử lý theo pháp luật”, ông Chung nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo TP, cần phải tôn trọng quá trình điều tra của cơ quan điều tra và các điều tra viên. Trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải chứng minh hành vi sai và vi phạm đến đâu thì sẽ xử lý đến đó.(Thanhnien)
------------------------------
Giá dầu tăng nhẹ trước kỳ công bố số liệu tồn kho Mỹ
Giá dầu hôm 19/12 tăng nhẹ khi thị trường chờ đợi số liệu tồn kho dầu thô và các sản phẩm xăng dầu.
Giá dầu thô Mỹ WTI giao tháng 1 tăng 30 cent, tương ứng 0,5%, lên 57,46 USD/thùng. Còn giá dầu WTI giao tháng 2 tăng 34 cent lên 57,56 USD/thùng.
Tương tự, giá dầu Brent tăng 39 cent, tương ứng 0,6%, lên 63,80 USD/thùng.
Theo các chuyên gia phân tích, việc tạm ngưng hoạt động đường ống dẫn dầu ở Biển Bắc tiếp tục là lực đỡ cho giá dầu.
Giá dầu có thể dao động trong khoảng hẹp đến tận kỳ nghỉ lễ trừ khi số liệu tồn kho do Viện Dầu mỏ Mỹ hoặc Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố khiến thị trường bất ngờ.
Khảo sát các chuyên gia do Nhật báo Phố Wall tiến hành dự báo EIA sẽ công bố tồn kho dầu thô giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước, trong khi tồn kho xăng sẽ tăng 1,1 triệu thùng.
Chuyên gia phân tích Richard Perry của Hantec Markets cho rằng việc thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ gần đây cho thấy khả năng giá dầu tăng trong trung hạn vẫn chiếm ưu thế.(bizlive)
---------------------------
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 400 tỷ USD
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD có thể coi là "kỳ tích".
Ông Nguyễn Dương Thái - Phó tổng cục trưởng Hải quan cho biết, hệ thống hải quan đã ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD hôm 12/12.
“Nhìn lại chặng đường trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Thái nói tại Lễ ghi nhận của Tổng cục Hải quan chiều 19/12.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ đạt 30 tỷ USD năm 2001. Sau 6 năm, con số này tăng lên 100 tỷ USD sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đến năm 2011, quy mô xuất nhập khẩu tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2015.
Giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chạm mốc 400 tỷ USD. Tổng cục Hải quan dự kiến hết năm 2017, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước sẽ đạt 410 tỷ USD.
Nhờ đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 năm 2007 lên 26 năm 2016, theo xếp hạng của WTO. Trong khi đó, nhập khẩu cũng tăng lên từ 41 năm 2007 lên vị trí thứ 25 trong năm 2016 và sẽ tiếp tục thăng hạng trong năm nay.
“Việc kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng từ mức 30 tỷ USD lên 400 tỷ USD có thể coi là kỳ tích”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói tại buổi lễ.
Phó thủ tướng lý giải, vào đầu những năm 1990, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt 2,5 tỷ USD, trong khi của châu Phi là 26 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu hàng hóa của châu Phi hiện chưa được 100 tỷ USD, mà Việt Nam đã đạt 400 tỷ. Nhờ đó, vị thế Việt Nam trên bản đồ giao thương quốc tế có sự cải tiến rõ rệt.(Vnexpress)
--------------------------
Kỷ luật 2 cán bộ quản lý thị trường vì vụ Khaisilk
Để xảy ra vụ Khaisilk bán lụa Trung Quốc dán mác Việt, 2 cán bộ quản lý thị trường đã bị kỷ luật bằng hình thức hạ một bậc khen thưởng.
Thông tin này được ông Nguyễn Đắc Lộc - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết tại cuộc họp báo Ban tuyên giáo thành uỷ Hà Nội, chiều 19/12.
Trước câu hỏi của báo chí liên quan tới vụ việc Khaisilk bán lụa Trung Quốc nhưng gắn mác "made in Vietnam" và "liệu có hay không việc bảo kê của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn", ông Nguyễn Đắc Lộc cho rằng, đây là bài học lực lượng quản lý thị trường cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác quản lý trên địa bàn.
"Hai cán bộ quản lý thị trường tại địa bàn gồm 1 đồng chí đội phó và 1 cán bộ kiểm soát viên đã bị kỷ luật bằng hình thức hạ 1 bậc khen thưởng", ông Lộc cho biết.
Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết, lực lượng nhân sự quản lý thị trường quận Hoàn Kiếm khá mỏng."20 cán bộ quản lý thị trường quản lý hơn 20.000 hộ kinh doanh, anh em cũng căng sức ra để làm", ông Nguyễn Đắc Lộc nói. Vị này cho hay, sự kiểm tra của quản lý thị trường đã góp phần giúp cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ, chuyển sang cơ quan điều tra khởi tố Khaisilk tội vi phạm nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, khăn lụa nhãn hiệu Khaisilk không có thành phần silk như công bố. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong vòng 3 năm (2006 - 2009), Khải Đức có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, từ 2009 đến ngày 15/10/2017 công ty không còn nhập khẩu các mặt hàng thời trang. Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.
Thay vào đó, doanh nghiệp này chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn mác.(Vnexpress)