NHNN bơm ròng hơn 17 nghìn tỷ, thanh khoản vẫn khá dồi dào; Trung Quốc sẽ hy sinh tăng trưởng kinh tế để ngăn khủng hoảng tài chính?; Tăng trưởng tín dụng của TP.HCM ước đạt 18,5% trong năm nay; Giải pháp nào cho huy động vàng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-12-2017
- Cập nhật : 20/12/2017
IFC thu xếp gói tài chính 150 triệu USD cho ABBANK
Gói tài chính này sẽ giúp ABBANK mở rộng cho vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
IFC, thành viên của Nhóm World bank và Sáng kiến 10.000 phụ nữ của Goldman Sachs sẽ cung cấp khoản vay hợp vốn 110 triệu USD cho ABBANK để tăng cường cho vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là hợp phần đầu tiên của gói tài chính lên tới 150 triệu USD IFC dành cho ABBANK. Ít nhất một phần ba tổng vốn vay sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ.
Với khoản tài trợ này, ABBANK đặt mục tiêu tăng gấp ba lần danh mục cho vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và tăng gấp bốn lần tổng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trong năm năm tới.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nguồn vốn dài hạn phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừasẽ trở nên thiết yếu. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98% tổng số DN trên cả nước và tạo ra 50% việc làm thì chỉ có 30% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đăng ký kinh doanh được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức.
Một đại diện của ABBANK cho biết: "Khoản vay hợp vốn quan trọng này từ IFC và các ngân hàng đối tác sẽ giúp tăng cường danh mục cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của ABBANK, từ đó giúp đưa ABBANK trở thành một trong những ngân hàng dẫn đầu trong phân khúc này. Ngoài ra, khoản vay này giúp ABBANK đa dạng hóa nguồn vốn dài hạn từ các nhà tài trợ quốc tế."
Trong gói tài chính 150 triệu USD, IFC đóng góp 40 triệu USD, 70 triệu USD đến từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Bangkok và Ngân hàng Maybank. 40 triệu USD còn lại sẽ được cam kết bởi hai nhà tài trợ quốc tế khác trong tháng này.
Thời gian tới, IFC sẽ tiếp tục tư vấn cho ngân hàng về định hình phân khúc, phát triển và tăng cường các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh dành cho các nữ doanh nhân.(NCĐT)
-----------------------
Keppel Land chi trăm triệu USD thâu tóm 2 dự án
Nhà đầu tư đến từ Singapore dự kiến chi ra 297 triệu USD để thâu tóm và phát triển 2 dự án bất động sản tại TP.HCM
Tập đoàn Keppel Land mới đây đã thâu tóm 100% lợi ích trong hai dự án bất động sản tại TP.HCM. Tổng vốn đầu tư cho hai dự án này vào khoảng 297 triệu USD.
Cụ thể hơn, Keppel Land thâu tóm một dự án tại khu vực Nam Sài gòn với dòng sản phẩm gồm 220 nhà phố và 1.029 căn hộ. Dự án có tổng diện tích đất 13 ha và tọa lạc tại vị trí đông dân cư có thu nhập trung bình cao, dễ dàng kết nối với khu vực trung tâm thành phố. Vốn đầu tư cho dự án này, gồm cả chi phí đất đai, là 235 triệu USD.
Dự án thứ hai mà nhà đầu tư Singapore thâu tóm tọa lạc tại Quận 9, tiếp giáp với quận 2 có tổng vốn đầu tư 62 triệu USD. Dự án được thiết kế gồm 300 nhà phố trải rộng trên diện tích 6 ha.
"Hai dự án này nằm trong kế hoạch cung cấp hơn 20.000 sản phẩm nhà ở tại Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục tân dụng kiến thức và kinh nghiệm phát triển của một tập đoàn hàng đầu Châu Á để đáp ứng nhu cầu ngày càng sành điệu của khách hàng tại thị trường này", Ang Wee Gee, CEO Keppel Land chia sẻ.(NCĐT)
------------------
Chính phủ không cần vay thêm để bù đắp ngân sách
Đó là nhận định của SSI Research về tình hình ngân sách của Việt Nam 11 tháng năm 2017.Nguồn ảnh: Quý Hòa
Tháng 11 là tháng thấp điểm thu ngân sách nên tổng thu giảm xuống 104 nghìn tỷ đồng (tháng 10 đạt 126 nghìn tỷ đồng ). Trong thu ngân sách, thu nội địa là 84 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kì năm ngoái, thu xuất nhập khẩu là 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kì năm ngoái và thu từ dầu thô là 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kì năm ngoái. Tính chung từ đầu năm tổng thu ngân sách đạt 1,07 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kì năm ngoái, trong đó thu nội địa 859 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%, thu xuất nhập khẩu 262 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% và thu dầu thô 42,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5%. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm sau 11 tháng là 86,9%; thấp hơn so với cùng kỳ 2015 và 2016 (lần lượt đạt 90,5% và 94%).
Theo SSI Research, thu nội địa chậm là nguyên nhân của việc tổng thu đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch dự toán. Trong đó thu thoái vốn tại doanh nghiệp đạt thấp nhất, 13 nghìn tỷ đồng , chỉ bằng 21,7% dự toán. Ngược lại thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia của DNNN là 63 nghìn tỷ đồng, bằng 105% dự toán. Thoái vốn nhà nước trong tháng 11 đã ghi nhận khoản thu 8,7 nghìn tỷ đồng từ bán cổ phần tại Vinamilk.
Chi ngân sách tháng 11 lại tăng tốc do tăng cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư phát triển. Chi thường xuyên tháng 11 là 83,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với tháng trước còn chi đầu tư phát triển là 32,7 nghìn tỷ đồng, tăng tới 29% so với tháng 10 Tính từ đầu năm chi đầu tư phát triển là 224 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 62,9% dự toán; chi thường xuyên là 819 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kì năm ngoái và bằng 91,4% dự toán. Tổng chi ngân sách 11 tháng là 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái Việc kiểm soát chi thường xuyên đã giúp tốc độ tăng tổng chi thấp hơn nhiều so với tổng thu, từ đó làm giảm thâm hụt ngân sách.
Thâm hụt ngân sách tháng 11 là 18,7 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ bằng mức thặng dư của tháng 10. Tổng thâm hụt ngân sách từ đầu năm là 59 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 dự toán thâm hụt cả năm (178 nghìn tỷ đồng). Thâm hụt ngân sách chủ yếu nằm ở ngân sách trung ương trong khi địa phương có thặng dư. Ước tính sơ bộ tỷ lệ thâm hụt/GDP của 11 tháng là khoảng 1,5%, thấp hơn nhiều mục tiêu kiểm soát là 3,5%.
Để bù đắp cho thâm hụt ngân sách, tổng giá trị trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành từ đầu năm là 220 nghìn tỷ với kỳ hạn phát hành bình quân là 12,56 năm và kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP là 6,62 năm (cùng kỳ 2016 là 8,72 năm và 5,61 năm). Chỉ tính lượng TPCP phát hành qua đấu thầu (không tính phát hành cho BHXH) thì lượng đã phát hành trong 11 tháng là 157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch cả năm. Cũng trong 11 tháng, SSI Research ước tính có 86,5 nghìn tỷ đồng TPCP đáo hạn, lượng TPCP phát hành ròng là 71 nghìn tỷ đồng, cao hơn tương đối so với giá trị thâm hụt.
Với tình hình thâm hụt ngân sách ở mức thấp, giải ngân TPCP chậm (11 tháng mới giải ngân 17,7% dự toán), SSI Research luôn giữ quan điểm không cần thiết phải hoàn thành chỉ tiêu phát hành TPCP cho cả năm để giảm áp lực nợ công. Thực tế lượng TPCP phát hành qua đấu thầu cũng đã giảm rõ rệt trong 4 tháng gần đây.(NCĐT)
-------------------------
Chính sách tiền tệ của Việt Nam được quốc tế khen ngợi
Trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức vừa phải, chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục cân đối giữa ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.
Cân đối giữa ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng
Với lượng dự trữ ngoại hối lên tới 46 tỷ USD, lãi suất ổn định, thậm chí có xu hướng giảm, tỷ giá được giữ vững, có thể nói hệ thống ngân hàng luôn giữ được sự ổn định. Và sự ổn định này cũng được rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao. Chẳng hạn, Tổ chức Xếp hạng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's mới đây đã nâng hạng từ Ổn định sang Tích cực đối với các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, hay như Bloomberg cũng đánh giá Việt Nam đồng (VND) là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.
Trả lời phóng vấn với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Mới đây, NHNN đã có chương trình làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các tố chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu cũng chung nhận định, đánh giá cao về điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ.
Các đại biểu đánh giá cao, trước hết là sự ổn định của thị trường tiền tệ tại Việt Nam. Thứ hai, các tổ chức quốc tế đã đánh giá tích cực về chính sách lãi suất, đặc biệt gần đây lãi suất có xu hướng giảm tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó có đánh giá cao về điều hành tỷ giá cũng như hoạt động ngoại hối.”
“Trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức vừa phải, chính sách tiền tệ (CSTT) và tín dụng tiếp tục cân đối giữa ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng”, đó là nhận định được World Bank đưa ra trong Báo cáo mới nhất cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam (tháng 12/2017).
Theo World Bank, chỉ số giá tiêu dùng chung của Việt Nam tăng 3% (so với cùng kỳ năm trước) trên cơ sở lạm phát cơ bản ổn định ở mức 1,3% trong tháng 10/2017. Với áp lực lạm phát ở mức vừa phải, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã quyết định cắt giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 25 điểm phần trăm xuống còn 4,25% và 6,25% vào tháng 7.
Nhận định của World Bank cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cả trong và ngoài nước đối với sức tăng trưởng tương đối tích cực của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của NHNN về điều hành CSTT.
Ông Eric Sigwick - Giám đốc Quốc giaADB tại Việt Namđánh giá cao sự ổn định của hệ thống NH Việt Nam năm 2017.
Mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Eric Sigwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng: “Năm 2017 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam nói chung và của NHNN nói riêng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm - mục tiêu mà nhiều năm trước không thể đạt được. Lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% dự kiến sẽ có thể đạt được trong năm 2017. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá được duy trì ổn định. Đặc biệt, NHNN đã rất thành công trong việc dự trữ ngoại hối năm 2017 đạt mức kỷ lục 46 tỷ USD. Đây sẽ là dự trữ an toàn cho Việt Nam trước nhiều biến động trong tương lai".
Đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á
Tham vấn một số tổ chức quốc tế, hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao sự ổn định về tỷ giá, lãi suất, đặc biệt trong những tháng cuối năm lãi suất có xu hướng giảm tạo điều kiện cho các DN. NHNN tiếp tục duy trì tỷ giá USD/VND trong một biên độ hẹp, cho phép tỷ giá trung tâm mất giá 1,4% trong 10 đến 11 tháng đầu năm. Cách làm đó giúp duy trì tỷ giá thực đa phương (REER) ở mức cao đối với đồng nội tệ và tạo điều kiện tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 5 tỷ USD trong ba quý đầu năm. Ổn định tỷ giá cộng với mức tăng trưởng của dự trữ ngoại hối hiện nay có thể nói đã tạo một an tâm lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả với các nhà đầu tư gián tiếp cũng như đầu tư trực tiếp.
Ngày 31/10/2017, Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; đây là lần thứ hai nâng hạng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vòng 6 năm trở lại đây.
Việc Moody’s tiếp tục nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một tín hiệu tích cực phản ánh hiệu quả của việc Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN; đặc biệt là việc quyết liệt triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giữ vững an toàn hệ thống và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Không chỉ dừng ở đó, trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, Việt Nam đồng (VNĐ) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á. Có thể thấy, những hoạt động điều hành CSTT trong thời gian qua của NHNN đã được các tổ chức tài chính quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mặt khác, dù có những tác động của thế giới nhưng chính sách của NHNN vẫn thể hiện sự rõ ràng, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.
Tái cơ cấu các TCTD: Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền là mục tiêu cao nhất
Mục tiêu giữ ổn định các TCTD là kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực của ngành NH ở giai đoạn 1 của Đề án tái cơ cấu các TCTD (2011-2015), kể cả ở những thời điểm có một số TCTD khó khăn. Đến thời điểm này, theo chia sẻ của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các ngân hàng đang hoạt động rất tích cực và đang có nhiều biện pháp triển khai quyết liệt tiếp theo.
NHNN đã và đang triển khai giai đoạn 2 tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định 1058 của Chính phủ. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Khi triển khai đề án này, trên nền tảng những kết quả của giai đoạn 1, NHNN đã và đang tích cực xây dựng các đề án phê duyệt cho từng ngân hàng, kể cả các ngân hàng lành mạnh cũng như các ngân hàng còn đang có những khó khăn.
“Với đề án này, đặc biệt khi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD vừa được thông qua sẽ là điều kiện pháp lý quan trọng cho các giải pháp, biện pháp thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 có được những kết quả tích cực trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là một trong những dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020. WB cũng nhận định, Nghị quyết 42 đã giải quyết được một số trở ngại để xử lý nợ xấu hiệu quả, bao gồm cả các biện pháp cải thiện để bên cho vay có khả năng thực thi hiệu lực đối với tài sản đảm bảo nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp và giải chấp nợ xấu.
Nghị quyết 42 cũng tạo điều kiện tăng cường giao dịch nợ xấu trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh đó, văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai các nguyên tắc Basel II cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ cải thiện về quản lý rủi ro ở các ngân hàng và xử lý được những rủi ro trong các hoạt động ở khu vực ngân hàng.
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là các văn bản pháp lý quan trọng để tạo ra một cơ chế đồng bộ - nối tiếp bởi các biện pháp triển khai giúp xử lý nhanh chóng các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn đang bị đóng băng tại VAMC.
Đại diện cơ quan này chia sẻ tuy tiến trình tái cơ cấu TCTD vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, song khi nhìn tổng quan chung, triển vọng phát triển của ngành NH Việt Nam đã được đẩy mạnh bởi những bứt phá này. Vấn đề tiếp theo cần quan tâm đó là làm thế nào để triển khai hiệu quả chúng.
Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD suốt thời gian qua, NHNN đặt ra nhiều nguyên tắc và mục tiêu. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, có hai nguyên tắc quan trọng và xuyên suốt trong cả tiến trình tái cơ cấu các TCTD. Thứ nhất, phải “đảm bảo cho sự ổn định hoạt động của mỗi TCTD, kể cả các TCTD yếu kém hiện nay. Và nguyên tắc đó cũng đã và đang được triển khai bằng nhiều giải pháp. Thứ hai, là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền”.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Tất cả người gửi tiền tại các TCTD, kể cả TCTD nhà nước cũng như TCTD cổ phần, Quỹ Tín dụng nhân dân cũng đều được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Đây cũng là chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để đảm bảo cho quyền lợi chính đáng của người dân gửi tiền tại các TCTD.”(NCĐT)