tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-09-2018

  • Cập nhật : 20/09/2018

Thống đốc NHNN ra chỉ thị đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vừa quyết định ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN với nội dung trọng tâm về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 42 và sau đó là Quyết định 1058, Chỉ thị số 32 và Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017. Trong đó, hàng loạt nhiệm vụ được Thống đốc giao các Vụ, Cục đặc biệt là Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các ngân hàng.

Các ngân hàng cần sát sao xử lý nợ xấu, chấp hành nghiêm pháp luật về lãi suất, huy động vốn

Theo Chỉ thị này, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) gồm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc chỉ đạo sát sao công tác triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058.

Trong đó, Thống đốc lưu ý TCTD áp dụng toàn diện các biện pháp mà Nghị quyết 42 quy định để đẩy nhanh tiến độ xử lý, đảm bảo mục tiêu xử lý nợ xấu như phương án đã được NHNN phê duyệt/chấp thuận.

Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD khẩn trương trình phê duyệt và/hoặc triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử nợ xấu; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu trên toàn hệ thống.

Theo Chỉ thị này, các TCTD sẽ định kỳ báo cáo về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị liên quan đến Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 trong quá trình hoạt động lên NHNN để được xem xét, xử lý.

Với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Thống đốc yêu cầu triển khai các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu VAMC đã mua. Đồng thời, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng giao VAMC đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt. Tuy nhiên, Thống đốc cũng yêu cầu áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động này.

Thêm loạt trọng trách cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

Đối với các đơn vị thuộc NHNN, Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu và chỉ đạo các TCTD, VAMC triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Quyết định 1058 và Nghị quyết 42.

Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm tăng cường thanh tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42, phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của các TCTD, VAMC. Đồng thời, đây cũng là đầu mối hoàn thiện, trình Thống đốc ban hành Thông tư hướng dẫn Luật số 17/2017 nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các TCTD triển khai hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 1058.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đầu mối tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1058; theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hành động của ngành.

Thống đốc cũng giao Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Vụ Pháp chế rà soát, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại đối với các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Bên cạnh xử lý nợ xấu, cơ quan này cũng chịu trách nhiệm tăng cường giám sát, chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/2017 về tăng cường phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính.

Cũng tại Chỉ thị 05, Thống đốc yêu cầu các đơn vị Vụ, Cục thuộc NHNN chủ động, nhạy bén trong việc nắm bắt, nghiên cứu tình hình trong nước và thế giới để nâng cao chất lượng phân tích, dự báo, tham mưu các kịch bản ứng phó khác nhau. Mục tiêu của NHNN là ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và tạo điều kiện để TCTD cung ứng vốn hiệu quả cho nền kinh tế, thực hiện tốt công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.(NDH)
-------------------

Goldman Sachs lạc quan khủng hoảng sẽ không nổ ra vào năm 2020

Nhóm các nhà kinh tế học cho rằng nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng và không còn đáng lo ngại như trước đây, khi các điều kiện kinh tế trở nên lỏng lẻo, không vững vàng.

Trái với JPMorgan, Goldman Sachs lại có quan điểm lạc quan khi dự đoán về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2020

Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs đã đưa ra quan điểm lạc quan hơn so với những đối thủ từ Phố Wall về kịch bản nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào năm 2020.

Mới đây, Bridege Associates và JPMorgan đã công bố kết quả của mô hình dự đoán các chính sách thắt chặt tài chính và tiền tệ sẽ gây nên nhiều vấn đề cho nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 2 năm tới. Trái lại, Goldman Sachs lại thấy rằng, khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính trong vòng 3 năm tới chỉ là 36%, con số này còn thấp hơn mức trung bình trong lịch sử.

Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs, Jan Hatzius - người đứng đầu cuộc nghiên cứu này cho biết trong một báo cáo được công bố hôm chủ nhật: "Những lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong vài năm tới đã tăng. Tuy nhiên, mô hình chúng tôi đã nghiên cứu lại cho thấy một kịch bản lạc quan hơn."

Nhóm các nhà kinh tế học cho rằng nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng và không còn đáng lo ngại như trước đây, khi các điều kiện kinh tế trở nên lỏng lẻo, không vững vàng.

Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng Mỹ vẫn đủ tiềm lực để khiến các nền kinh tế khác phải chịu những tác động tiêu cực. Nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái, khả năng các quốc gia phát triển phải hứng chịu "số phận" tương tự là đến 70%, theo dữ liệu được thu thập trong 4 thập kỷ của các nhà phân tích từ Goldman Sachs.

Nhóm nghiên cứu của Hatzius cho hay: "Sự kiện diễn ra trong lịch sử cho thấy rằng các cuộc khủng hoảng ở Mỹ đi đôi với các cuộc suy thoái tại những quốc gia khác. Nhưng mặc dù chu kỳ diễn ra cuộc khủng hoảng ở Mỹ mang ý nghĩa quan trọng đối với các nền kinh tế khác, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới."(CafeF)
-----------------------

Trung Quốc sẽ không phá giá đồng nội tệ để cạnh tranh

Ngày 19/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh nước này sẽ không phá giá đồng nội tệ để cạnh tranh.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra ở thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường không trực tiếp đề cập tới bất đồng thương mại, song ông khẳng định những đồn đoán về việc Bắc Kinh cố tình làm suy yếu đồng Nhân dân tệ (NDT) là “vô căn cứ”.

Thủ tướng Lý Khắc Cường lập luận: “Việc phá giá đồng NDT chỉ gây ra thiệt hại nhiều hơn là lợi ích cho Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ chọn cánh làm suy yếu đồng NDT để kích thích xuất khẩu”. Ông nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương của thế giới cần phải được duy trì, và các hành động thương mại đơn phương sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.

Tổ chức nghiên cứu kinh tế Oxford Economics dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2019 có thể ở dưới 6%, và nhận định triển vọng giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong tương lai gần là thấp.

Tuy vậy, Oxford Economics cũng đánh giá lạc quan về khả năng giảm leo thang bởi những tác động kinh tế gia tăng tại Mỹ sẽ là nhân tố kiềm chế chính quyền Tổng thống Trump, trong khi Trung Quốc cũng nhận ra rằng nước này sẽ khó hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu mà không có một vài nhượng bộ liên quan đến mô hình kinh tế của mình (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục