Tăng trưởng tín dụng đã vượt tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán; Lãi suất cho vay phổ biến hiện nay khoảng bao nhiêu?; Trung Quốc có cơ hội vực dậy ngành thép
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-09-2018
- Cập nhật : 20/09/2018
Jack Ma cảnh báo chiến tranh thương mại có thể kéo dài 20 năm
Tuy nhiên ông chủ Alibaba cho rằng xung đột cũng mang đến những cơ hội chưa từng có cho những công ty có thể tận dụng tốt cơ hội.
Nhà đồng sáng lập của tập đoàn Alibaba Jack Ma mới đây vừa đưa ra lời cảnh báo các doanh nghiệp cũng như các nhà lãnh đạo Trung Quốc hãy chuẩn bị cho kịch bản cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ kéo dài hơn và gây ra những ảnh hưởng lớn hơn so với suy nghĩ của hầu hết mọi người.
Người giàu nhất Trung Quốc cho biết cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kéo dài tới 20 năm, không chỉ dừng lại ở nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump bởi đây là cuộc chiến giành lấy vị thế dẫn đầu thế giới.
Phát biểu tại sự kiện gặp mặt cổ đông của Alibaba diễn ra tại Hàng Châu, Jack Ma cho rằng Trung Quốc cần phải củng cố nền kinh tế để đối đầu với xung đột này và chuyển hướng các mối quan hệ thương mại từ Mỹ sang các khu vực như Đông Nam Á và châu Phi.
"Trong ngắn hạn thì cộng đồng doanh nghiệp ở cả Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đều gặp rắc rối. Và điều này sẽ kéo dài, nếu bạn muốn 1 giải pháp ngắn hạn thì không có giải pháp nào cả", Ma nói.
Những bình luận của Jack Ma được đưa ra vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa động thái đánh thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc của Tổng thống Trump. Theo Ma, Alibaba sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng leo thang bởi vì mảng bán buôn của hãng cho phép các thương nhân Mỹ lấy hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên xung đột cũng mang đến những cơ hội chưa từng có cho những công ty có thể tận dụng tốt cơ hội.
"Chúng ta không nên tập trung vào lợi nhuận của quý này, quý tới hay thậm chí là năm tới. Đây là 1 cơ hội khổng lồ. Nếu như Alibaba không thể tăng trưởng và phát triển bền vững, tôi tự tin 100% rằng sẽ chẳng có công ty nào ở Trung Quốc có thể tăng trưởng".
Kể từ đầu năm đến nay cổ phiếu Alibaba (hiện đang niêm yết ở Mỹ) đã giảm tổng cộng 9% và phiên hôm qua cổ phiếu này cũng giảm điểm.
Những bình luận của Jack Ma có 1 sức nặng nhất bởi bởi ông được coi là biểu tượng cho tính sáng tạo của các doanh nghiệp Trung Quốc và thậm chí là "đại sứ kinh doanh" của Trung Quốc ở Mỹ. Năm ngoái, ông đã gặp mặt Tổng thống Trump và hứa đến năm 2021 sẽ tạo ra 1 triệu việc làm cho người Mỹ.
Tuần trước Jack Ma thông báo kế hoạch nghỉ hưu vào ngày 10/9/2019 và sẽ trao lại vị trí Chủ tịch Alibaba cho CEO Daniel Zhang. Hôm qua ông tự tin khẳng định Daniel và đội ngũ của ông sẽ có đủ sự khôn ngoan để vượt qua những khó khăn mà cuộc chiến thương mại đem đến.(CafeF)
---------------------
SSI Research: Xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi ngắn hạn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Cẳng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang với việc Tổng thống Donald Trump ngày 17/9 thông báo áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, hiệu lực từ ngày 24/9. Thuế suất này sẽ tăng lên 25% kể từ ngày 1/1/2019. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh dự kiến đáp trả bằng thuế suất 5 – 10% lên 60 tỷ USD hàng hóa của Washington vào cùng thời điểm.
SSI Research vẫn giữ giả thiết Việt Nam không phải mục tiêu tiềm năng mà chính quyền Trump nhắm đến bởi Việt Nam không có quá nhiều vấn đề thương mại với Mỹ, không nằm trong nhóm 10 nước bị Washington coi là có tranh chấp thương mại đáng kể.
Một số tín hiệu tích cực gồm lượng hàng Mỹ xuất sang Việt Nam tăng đáng kế, tính đến hết tháng 8 tăng khoảng 30% so với cùng kỳ, đề xuất cho phép Vietjet hoặc Bamboo Airlines mua lượng lớn phi cơ Boeing đang được xem xét.
Ngoài ra, Mỹ đã giảm bớt áp lực lên Việt Nam liên quan thuế chống bán phá giá với sản phẩm cá da trơn Việt Nam. Thuế này có thể giảm dựa trên các kết luận từ đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14), thậm chí Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể coi cá da trơn Việt Nam tương đương cá da trơn xuất xứ Mỹ.
Ảnh minh họa: Reuters.
Theo SSI Research, tác động ngắn hạn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chủ yếu là gián tiếp, thông qua sự mất giá của nhân dân tệ, Bắc Kinh tăng cường kiểm soát vốn và tâm lý giá xuống trên thị trường chứng khoán.
Việt Nam có thặng dư tài khoản vãng lai 8,2 tỷ USD, thặng dư ngân sách trong nửa đầu năm 2018. Hai yếu tố này sẽ góp phần ổn định các yếu tố cơ bản cho VND.
Việc VND mất giá hôm 23/7, sau nhiều năm ổn định, có thể chỉ để điều chỉnh cho phù hợp với các quốc gia khác trong khu vực hơn là đứng đơn độc - là đồng tiền ổn định hoặc tăng giá. Hiện nay, VND vẫn diễn biến tốt so với hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực, chỉ mất giá 2,5% so với USD kể từ đầu năm.
Tác động trực tiếp ít hơn những gì giới chuyên gia nhận định. SSI Research dự báo trong 12 tháng tới không có nhiều gián đoạn đáng kể đến chuỗi giá trị toàn cầu hay suy yếu trong thương mại hoặc tiêu dùng thế giới.
SSI Research cho biết Việt Nam vẫn đang phát triển nhưng chỉ là cửa ngõ sản xuất tương đối nhỏ trên thế giới, không nằm trong top 20. Do đó, Việt Nam đủ nhỏ để “đứng ngoài” những cuộc tranh chấp thương mại của các nền kinh tế lớn. Việt Nam khả năng cao không bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn.
Với giả định toàn bộ hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế 25%, xuất khẩu của nước này sẽ bị hạn chế. Điều này có hiệu quả tương đương với kịch bản Việt Nam đạt thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với Mỹ.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ và Trung Quốc trong năm 2017. Nguồn: SSI Research/Hải quan Việt Nam
Trong ngắn hạn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hàng may mặc, điện thoại di động, hàng điện tử tiêu dùng, đồ gỗ, hải sản… có thể dễ tiếp cận Mỹ hơn, sẽ có nhiều nhãn “Made in Vietnam” xuất hiện trong các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ.
Việt Nam còn có thể đón nhận một làn sóng đầu tư nước ngoài mới, tương tự như hồi năm 2015 với kỳ vọng vào TPP. Việt Nam ngày càng trở thành lựa chọn hấp dẫn với các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa cơ sở của họ nhằm tránh ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa các cường quốc.
Về dài hạn, tác động cuối cùng trong kịch bản đạt FTA với Mỹ có thể sẽ khác so với CPTPP và TPP-12.
Tác động từ các thỏa thuận tiềm năng đến kinh tế Việt Nam năm 2030 (so với đường cơ sở) trong trường hợp tiêu chuẩn và năng suất tăng. Đơn vị: %. Nguồn: World Bank
Tác động có thể rất tích cực do kịch bản FTA có thể thúc đẩy tăng GDP 2,5 – 3% và xuất khẩu 12 – 14% cho đến năm 2030. Quan trọng hơn, lợi ích từ FTA có thể thấy rõ trong vòng 1 - 2 năm triển khai.(NDH)
-----------------------------
Chuyên gia khá lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc
Mặc dù tình hình bất ổn kinh tế ở trong và ngoài nước nhưng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trong ngành công nghiệp đều khá lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất nhôm ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở thành phố Thiên Tân (Tianjin, Trung Quốc), David Aikman, Trưởng đại diện Văn phòng Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Trung Quốc, cho hay Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào khoa học và công nghệ và phấn đấu đạt được bước phát triển nhảy vọt.
Nhiều nước mong đợi Trung Quốc đảm nhận vai trò lãnh đạo và khích lệ họ tìm kiếm con đường phát triển theo một cách thức riêng.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 6,8% trong nửa đầu năm nay, vượt mục tiêu của chính phủ đề ra là tăng khoảng 6,5% trong cả năm nay. Mức tăng trưởng của đất nước này vẫn được duy trì ở mức 6,7-6,9% trong 12 quý liên tiếp. Thống kê từ WEF cho thấy Trung Quốc chiếm khoảng một nửa số xe điện được sản xuất trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Wan Gang cho biết trong thập niên trước Trung Quốc tuyên bố muốn giảm ô nhiễm môi trường và tích cực chống ô nhiễm. Hiện nước này đã có hơn 2 triệu xe điện hoạt động trên đường, tiết kiệm khoảng 10 triệu thùng dầu, trong bối cảnh Trung Quốc đang chuyển sang một nền kinh tế có lượng khí phát thải có carbon thấp.
Được thành lập bởi WEF vào năm 2007, cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Trung Quốc (còn được gọi là Diễn đàn Davos mùa Hè) được tổ chức hàng năm luân phiên giữa hai thành phố Thiên Tân và Đại Liên.
Với chủ đề "Tạo dựng các xã hội sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", sự kiện kéo dài ba ngày này thu hút hơn 2.000 chính trị gia, doanh nhân, học giả và các đại diện truyền thông-báo chí để thảo luận về các vấn đề như phòng ngừa rủi ro tài chính, trí tuệ nhân tạo, việc làm trong tương lai và an ninh mạng (Bnews)