Tháo gỡ cho chuỗi cá ngừ; OPEC không còn kiểm soát được giá dầu; Việt Nam lọt top 30 ngân hàng tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương; Kinh tế Nga hồi phục ấn tượng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-05-2017
- Cập nhật : 21/05/2017
Đại gia vận tải biển 'mắc cạn' trong đống nợ nghìn tỷ
Dù nhận định thị trường vận tải biển năm nay sẽ phục hồi nhưng công ty con của Vinalines vẫn thận trọng đặt mục tiêu giảm doanh thu và hạn chế lỗ tối đa.
Báo cáo thường niên năm 2016 của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã CK: VOS) cho thấy, hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp này tiếp tục chìm trong vòng xoáy thua lỗ.
Cụ thể, tổng doanh thu trong năm qua giảm gần 23% so với năm trước, đạt 1.316 tỷ đồng và là mức thấp kỷ lục từ khi doanh nghiệp này chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cách đây 10 năm. Lợi nhuận sau thuế lần lượt âm 359 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn của công ty đạt 4.238 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến 3.609 tỷ (nợ dài hạn chiếm gần 2.900 tỷ đồng). Chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá các khoản vay trong năm qua ước tính gần 180 tỷ, góp phần khiến khoản lợi nhuận kinh doanh bị ăn mòn nghiêm trọng.
Theo lý giải của ban lãnh đạo Vosco, tuy thực hiện nhiều chính sách để cải thiện doanh thu nhưng do biến động tỷ giá đồng đôla Mỹ và giá nhiên liệu sau thời gian duy trì ở mức thấp đã tăng mạnh trở lại cũng tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh.Dù sở hữu đội tàu quy mô và chiếm thị phần tương đối lớn của ngành vận tải biển, nhưng Vosco cũng không tránh khỏi tình trạng đang xảy ra ở nhiều công ty cùng ngành là hàng hoá khan hiếm, tạo sự cạnh tranh gay gắt khiến cước vận tải giảm bình quân từ 30% đến 50% một chuyến. Hiệu suất chuyến cũng giảm do mật độ vận chuyển quá đông, gấp nhiều lần khả năng giải phóng của các cảng nên thời gian chờ bốc dỡ hàng hóa bị kéo dài.
Cổ phiếu Vosco sẽ nối gót hàng loạt doanh nghiệp ngành vận tải biển bị huỷ niêm yết nếu tiếp tục thua lỗ trong năm nay.
Trước tình trạng thua lỗ triền miên, tại phiên họp đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi cuối tháng 4, công ty thống nhất đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh giảm nhẹ so với thực hiện năm trước. Điển hình như việc cắt giảm sản lượng vận chuyển xuống còn 5,3 triệu tấn và doanh thu ước tính xấp xỉ 1.300 tỷ đồng. Về khoản lợi nhuận sau thuế, đây là năm thứ ba liên tiếp công ty không đặt mục tiêu cụ thể mà cho biết sẽ cố gắng giảm lỗ tối đa.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh giai đoạn đầu năm 2017 vừa được công bố thì có thể mục tiêu “khiêm tốn” này cũng khó hoàn thành. Theo đó, lỗ sau thuế trong quý I đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên gần 84 tỷ đồng và nâng lỗ luỹ kế lên 884 tỷ đồng.
Trong năm nay, Vosco sẽ thực hiện lộ trình tái cơ cấu đội tàu theo hướng cân nhắc khả năng đầu tư những tàu trẻ, có mức giá phù hợp với điều kiện tài chính hiện tại nhằm bù đắp tổng trọng tải liên tục sụt giảm trong những năm vừa qua. Đồng thời, công ty dự kiến bán 2 tàu hàng khô do hiệu quả khai thác kém, cỡ tàu không đáp ứng nhu cầu thị trường và khó thu hồi được chi phí sửa chữa.
Quan trọng nhất là công ty đang triển khai phương án tái cơ cấu tình hình tài chính lần thứ hai thông qua việc thanh lý tài sản để cắt lỗ tuỳ theo từng dự án cụ thể, đàm phán với ngân hàng để điều chỉnh nghĩa vụ và thời gian trả nợ phù hợp, đồng thời tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để thoái vốn 8,75 triệu cổ phần tại Maritime Bank.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, hiện Vosco đã tạm dừng thanh toán nợ gốc đến hạn đối với khoản vay đóng tàu mới trị giá hơn 840 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ. Trước đó, với sự hỗ trợ của Vinalines và Bộ Giao thông Vận tải, công ty đã làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để được xóa lãi, giãn trả nợ gốc các khoản vay đóng tàu mới. Ước tính số tiền lãi phải trả đã được hạch toán miễn giảm, tăng thu trong năm qua khoảng 200 tỷ đồng.
Nếu công tác tái cơ cấu tình hình tài chính lần thứ hai không thu về kết quả như mong đợi, cổ phiếu của Vosco có thể nối gót hàng loạt doanh nghiệp cùng ngành như Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu… bị huỷ niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam được thành lập từ năm 1970 với hàng loạt cái nhất trong ngành hàng hải. Ở thời kỳ huy hoàng của vận tải biển, công ty trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu giới tàu biển tại Việt Nam. Với đội tàu hùng mạnh, công ty nhanh chóng chinh phục các cung đường vận tải và là đơn vị đầu tiên chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ, Ấn Độ, Australia… Sau 37 năm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, công ty hoàn tất quá trình cổ phần hoá và đại diện Nhà nước là Vinalines nắm giữ 51% vốn điều lệ.(Vnexpress)
------------------------------
Ông Đào Hồng Tuyển bắt tay Đất Xanh làm dự án Tuần Châu
Đơn vị sở hữu Khu vui chơi giải trí quốc tế Tuần Châu sẽ hợp tác với Tập đoàn Đất Xanh để triển khai những hạng mục tiếp theo của dự án.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (Mã CK: DXG) vừa thông qua việc hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần T&H Hạ Long để triển khai dự án Tuần Châu, Quảng Ninh, có quy mô 178.000m2.
Công ty cổ phần T&H Hạ Long là doanh nghiệp hiện do ông Đào Hồng Tuyển làm người đại diện theo pháp luật, với lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) với tỷ lệ góp vốn tới 91% và đang sở hữu dự án đảo Tuần Châu. Dự án đảo Tuần Châu được ông Tuyển bắt tay vào thực hiện từ năm 1997. Khi đó, doanh nghiệp đã chi 80 tỷ đồng để thực hiện dự án lấy đất lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dài khoảng 2km từ đất liền ra đảo Tuần Châu. Khi ấy, Tuần Châu còn là một xã đảo không có điện, nước.
Ba năm sau, con đường hoàn thành, những năm tiếp theo, ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền quốc tế, cảng Tuần Châu... đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha. Từ đó, người ta cũng gọi ông là "Chúa đảo". Theo phê duyệt quy hoạch, dự án có quy mô lớn với bến tàu, khách sạn nhà hàng, công viên, khu vui chơi giải trí, khu phố thương mại... Tuy nhiên, đến nay còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành và vẫn tiếp tục phải đầu tư.
Hồi đầu năm nay, ông Tuyển từng gây chú ý khi đưa ra đề xuất về hàng loạt dự án mang tính đột phá tại huyện Củ Chi. Trong đó, dự án Thành phố Mới (New City) và Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi với quận 1) được xem là nổi bật nhất với diện tích khoảng 15.000 ha (gấp 15 lần diện tích dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh - tiền thân của Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh được thành lập năm 2003 với hoạt động chính là môi giới bất động sản. Những năm gần đây, doanh nghiệp tham gia thâu tóm và đóng vai trò là chủ đầu tư của nhiều dự án ở nhiều phân khúc căn hộ, đất nền cho đến nghỉ dưỡng... (Vnexpress)
-----------------------------
Vốn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tiếp tục “lớn”
Bên lề Hội thảo về tương lai quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ mang tên “Viễn cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 và những năm tiếp theo", nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đều khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng trước đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Hoa Kỳ xếp thứ 8 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không ngừng tăng trưởng, từ 15 tỷ USD năm 2008 tăng lên 52 tỷ USD năm 2016.
Năm 2016, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2015.
Phát biểu tại Hội thảo “Viễn cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 và những năm tiếp theo”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện theo những định hướng của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2013, Tuyên bố về tầm nhìn chung nhân chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015 và Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tháng 5/2016.
Tính đến nay, nhiều Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã đầu tư khá thành công tại Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn ExxonMobil đã ký Thỏa thuận khung phát triển dự án và Thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh với tổng giá trị khoảng 10 tỷ USD, dự kiến góp phần đưa Hoa Kỳ trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.
Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, như: Năng lượng - dầu khí, kết cấu hạ tầng, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, du lịch...
Về lĩnh vực thương mại, dư địa hợp tác vẫn còn rất lớn, chúng tôi mong muốn xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản, sản phẩm gỗ, các mặt hàng dệt may, điện tử, hàng tiêu dùng… nhiều hơn nữa sang Hoa Kỳ và nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu kinh tế của Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam cũng luôn coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Việt Nam đang tập trung thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển bền vững...; phấn đấu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD và quy mô nền kinh tế đạt khoảng 350 tỷ USD.
Đây là thời cơ lớn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Bà Tami Overby, Phó Chủ tịch cao cấp của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ cho biết, với việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, chúng ta cần phải tìm ra những cách thức mới mẻ và sáng tạo để giải quyết những vấn đề tiếp cận thị trường và một số thách thức khác mà các công ty Hoa Kỳ đang phải đối mặt tại Việt Nam.
“Chúng tôi đang nỗ lực không ngừng để tìm ra những phương pháp cụ thể nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước, gồm cả triển vọng Hiệp định thương mại song phương”, bà Tami Overby nói.
Dù Hoa Kỳ có tham gia TPP hay không, đối với Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn là đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại và đầu tư. Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đón nhiều hơn các Tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ vào đầu tư.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trong định hướng chiến lược thúc đẩy nền kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế có năng suất hiệu quả cao hơn, thúc đẩy sáng tạo, phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, cả về năng lượng, giao thông, hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, thực hiện chính phủ điện tử, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghệ cao, phát triển công nghệ sinh học.(Baodautu)
------------------------
George Soros "chơi liều", tăng đặt cược chứng khoán Mỹ đi xuống
"Huyền thoại bán khống" George Soros vừa gia tăng nắm giữ quyền chọn bán chỉ số S&P 500 và Russell 2000.
George Soros đã gia tăng vị thế đặt cược rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đi xuống, theo tài liệu gần đây mà ông nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
Cụ thể hơn, Soros đã gia tăng các quyền chọn bán vào danh mục đầu tư của mình trong quý I/2017. Đây có thể được xem là một động thái "chơi liều", vì Soros vẫn đang bị lỗ với cú đặt cược này kể từ năm 2016.
Theo phân tích của S&P Global Market Intelligence, hai đặt cược chính của Soros – về sự giảm giá của các cổ phiếu lớn thông qua chỉ số S&P 500, và các cổ phiếu nhỏ thông qua chỉ số Russell 2000 - có giá trị lý thuyết (notional value) là 764,3 triệu USD. Các đặt cược này được thực hiện thông qua công ty quản lỹ quỹ gia đình mang tên ông là Soros Fund Management.
Đây là động thái tiếp nối những gì Soros đã làm từ năm 2016, khi ông cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đi xuống vì sự trỗi dậy của Donald Trump. Tuy nhiên, cho tới giờ này thì cú đặt cược của Soros chưa thực sự thành công, khi xét tới xu hướng tăng của thị trường. Từ đầu năm tới nay, S&P 500 đã tăng 5,7%, trong khi Russell 2000 tăng 0,3%.
Tính đến cuối quý I/2017, Soros đã nắm giữ quyền chọn bán 3,3 triệu cổ phiếu của quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) iShares Russell 2000, tăng 36% so với quý IV/2016, với giá trị lý thuyết hiện tại là 459,6 triệu USD. Ông cũng đã mua vào thêm 162% quyền chọn bán cổ phiếu quỹ ETF SPDR S&P 500 so với quý IV năm ngoái, đẩy mức nắm giữ lên 1,3 triệu cổ phiếu, với giá trị lý thuyết là 304,7 triệu USD.
Một phát ngôn viên của Soros đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Được biết, quyền chọn bán (puts) giúp nhà đầu tư bán một loại tài sản với giá và thời điểm đã xác định từ trước.
Danh mục đầu tư của Soros khá là đa dạng, theo báo cáo mà ông nộp lên cho SEC:Soros cũngđã gia tăng nắm giữcổ phiếu của các mạngxã hội. Với Snap, ông đã chịu một bàn thuakhi giá cổ phiếu công ty này giảm 15,5% kể từ đợt IPOhồitháng 3, nhưng cũng giành được một bànthắngkhi mua thêmcổ phiếuFacebook, vốn đã tăng28,3% từ đầu năm.(NCDT)