tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-09-2018

  • Cập nhật : 19/09/2018

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phủ bóng đen lên thị trường dầu mỏ

Ngày 18/9, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống do diễn biến mới nhất trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung phủ bóng đen lên triển vọng tiêu thụ dầu thô của hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới này.

 

gia dau chau a giam. anh: reuters

Giá dầu châu Á giảm. Ảnh: Reuters

Trong phiên chiều trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 0,15 USD, hay 0,22%, xuống 68,76 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn hạ 0,29 USD (0,37%) xuống 77,76 USD/thùng.

Tổng thống Mỹ Doanld Trump ngày 17/9 đã thông báo sẽ áp thuế 10% lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái mới này khiến giới phân tích quan ngại khi chỉ mới tuần trước những hy vọng "hạ nhiệt ” trong căng thẳng thương mại giữa hai nước vừa lóe lên. 

Theo ông Wang Xiao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu thô của Guotai Junan Futures, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tác động tới giao thương và đà tăng trưởng kinh tế và một lần nữa ảnh hưởng đến giá dầu đi xuống. Theo giới phân tích, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu mới đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ hạn chế hoạt động kinh tế của hai quốc gia này, đồng thời đe dọa triển vọng tiêu thụ dầu mỏ ở Mỹ và Trung Quốc. 

Tuy nhiên, nguồn cung dầu có khả năng thu hẹp do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ ba Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đã phần nào kiềm chế sự đi xuống của giá dầu. Dự kiến, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11 tới. 

Đầu tuần này, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết OPEC và một số nước nằm ngoài tổ chức này sẽ thảo luận tất cả các kịch bản có thể xảy ra đối với nguồn cung dầu toàn cầu trong cuộc họp vào tháng Chín này ở Algeria. (Bnews)
----------------------------

Chiến tranh thương mại có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kế tiếp

CEO quỹ đầu tư quốc gia Hàn Quốc cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, lãi suất tăng có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Khi kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng như ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia có ý định thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ “siết chặt thanh khoản” ở một số thị trường mới nổi, CEO Choi Heenam của KIC, quỹ đầu tư quốc gia Hàn Quốc, chia sẻ với CNBC.

“Siết chặt thanh khoản” về bản chất là khi tình hình kinh tế tại một quốc gia trở nên khó khăn hơn, vay mượn trở nên khó khăn hơn, làm giảm tiêu dùng cũng như đầu tư, cuối cùng ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Tính đến cuối năm 2017, KIC quản lý khối tài sản giá trị lên đến 134,1 tỷ USD. Với danh mục đầu tư hiện tại, bộ phận quản lý của KIC cần phải theo dõi sát sao “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ tăng lãi suất và nhiều ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới dần gỡ bỏ các chính sách nới lỏng vốn đã được áp dụng trong suốt và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Bên cạnh đó, còn có những tác nhân phi kinh tế.

"Ý của tôi là chiến tranh thương mại, các rủi ro địa chính trị có thể là yếu tố gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu”, ông Choi phát biểu. “Việc làm dịu căng thẳng thương mại Mỹ- Trung là việc không hề dễ dàng”.

“Tôi không cảm thấy lạc quan về tình hình hiện nay”, ông chia sẻ về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế lẫn nhau.

Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc là các loại hàng hóa trung gian, được Trung Quốc hoàn thiện và bán ra thị trường toàn cầu.

Ông Choi nói nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng, và hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế suất của Mỹ, kinh tế Hàn Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc hồi tháng 7 cảnh báo chiến tranh thương mại có nguy cơ giảm tăng trưởng của những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nếu ảnh hưởng của nó lan rộng ra thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại cũng có những điểm tích cực đối với kinh tế Hàn Quốc vì nhiều hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu của Mỹ thì có thể thay thế bằng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc.

Washington và Bắc Kinh đã áp dụng thuế nhập khẩu lên khoảng 50 tỷ USD hàng hóa của nhau. Mỹ ngày 17/9 thông báo áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9 và nâng lên 25% từ đầu năm 2019. Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả.

Ông Choi chia sẻ, một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới đã an toàn hơn trước đó, nhiều quốc gia đã có sự chuẩn bị để đối phó với một cuộc khủng hoảng kế tiếp. Cũng theo ông Choi, điều đó đặc biệt đúng với các thị trường mới nổi, họ đã dành cả thập kỷ vừa qua thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế để có thể trở nên vững mạnh hơn.

“Mặc dù một số quốc gia đang trải qua những ảnh hưởng từ cuộc chiến này, những nền kinh tế mới nổi nói chung đã chuẩn bị rất kỹ càng về phương diện phòng vệ”. Ông Choi nói.(NDH)
--------------------

Doanh nhân gốc Việt vừa mua trạm cứu hỏa cổ tại Australia

Việt kiều Andy Hoàng vừa trở thành chủ sở hữu mới của tòa nhà từng là trạm cứu hỏa cổ nhất bang New South Wales, Stanmore Fire Station, Australia.

Andy Hoàng là một Việt kiều đang sinh sống tại thành phố Sydney, bang New South Wales, Australia. Anh là thành viên sáng lập và hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ Người Việt trẻ kinh doanh tại Australia (VBSC Incorporated). Anh cũng đồng thời là thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Sydney (VEAS).

Việt kiều Andy Hoàng và gia đình là người chiến thắng trong cuộc đấu giá mua lại tòa nhà cổ, từng là một trạm cứu hỏa của bang New South Wales. Theo tiết lộ, mức giá để sở hữu tòa nhà lên đến hàng chục triệu AUD (đô la Australia).

Mặc dù mức giá đưa ra không phải là cao nhất, song Andy Hoàng vẫn được chủ sở hữu trước của tòa nhà chọn do anh có chung tham vọng bước tiếp ước mơ mà chủ sở hữu trước vẫn còn dang dở, đó là biến toàn nhà, một di tích lịch sử của bang New South Wales, thành khách sạn hạng sang.


Bể bơi trong toà nhà.

Từng kinh doanh bất động sản trong nhiều năm, Andy Hoàng cho biết, anh đã mất nhiều thời gian đi tìm địa điểm để xây dựng khách sạn và khi nhìn thấy tòa nhà này, anh đã hoàn toàn bị chinh phục.

Andy Hoàng chia sẻ: “Khi có thông tin về việc tòa nhà này được rao bán trên trên thị trường, tôi đã nghiên cứu và biết ngay rằng đây là địa điểm mà tôi hằng mơ ước”.

Giá trị lịch sử cùng với vị trí đắc địa gần trung tâm thành phố Sydney và gần sân bay khiến cho tòa nhà lịch sử này trở thành một địa điểm lý tưởng để xây dựng khách sạn. Andy Hoàng cho biết, anh sẽ đầu tư thêm hàng triệu đô la Australia để biến tòa nhà lịch sử này thành khách sạn sang trọng bậc nhất khu vực nội đô phía Tây thành phố Sydney với 30 phòng ngủ.


Một phòng ngủ trong toà nhà.

Không chỉ nhằm mục đích kinh doanh, Andy Hoàng còn mong muốn sẽ biến tòa nhà này thành một “Vietnam House”, là nơi hội tụ các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Australia và làm nơi kết nối các doanh nghiệp Việt Nam sang đây để tìm kiếm cơ hội giao thương.

Trạm cứu hỏa Stanmore được xây dựng vào năm 1886, tọa lạc trên một diện tích rộng 892 m2, trên một khu đất cao ở vùng Petersham để có thể dễ quan sát, phát hiện các đám cháy ở vùng lân cận. Cho đến trước khi ngừng hoạt động vào năm 1991, đây là trạm cứu hỏa cổ nhất của bang New South Wales và từng là trạm cứu hỏa lớn nhất của bang này.

Sau khi đóng cửa vào năm 1991, tòa nhà này đã được hai vợ chồng doanh nhân người Australia mua lại và sửa sang thành thành biệt thự hạng sang để làm nơi sinh sống cho gia đình. Tuy đã được sửa chữa nhưng hiện tòa nhà vẫn giữ được kiến trúc cổ.(VOV)

Trở về

Bài cùng chuyên mục