tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-08-2018

  • Cập nhật : 19/08/2018

Trong 1 tuần, giới đầu tư rút 1,4 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi

Cuộc thoái vốn tại các thị trường mới nổi tăng tốc trong tuần qua, một phần do khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Với tâm trạng bất an, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút lượng vốn ròng 1,3 tỷ USD khỏi các thị trường chứng khoán các quốc gia mới nổi và 100 triệu USD khỏi thị trường trái phiếu các nước này trong vòng 1 tuần qua - hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho hay.

Cuộc thoái vốn tại các thị trường mới nổi tăng tốc trong tuần qua, khi tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác xuất hiện nhiều bất ổn, bên cạnh những mối lo dài hạn hơn về cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, đồng USD mạnh lên, lãi suất tăng và giá năng lượng tăng.

IIF, tổ chức có trụ sở ở Washington, nói rằng dòng vốn đầu tư chảy khỏi các thị trường mới nổi tuần này chủ yếu tập trung ở Nam Phi và Trung Quốc, với mức thoái vốn tương ứng 600 triệu USD và 500 triệu USD.

Dòng vốn đối với Ấn Độ cũng đảo chiều từ chảy vào thành chảy ra trong tuần này, khi trái phiếu Ấn Độ bị bán ròng. Khối ngoại cũng thoái vốn khỏi các thị trường Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam, nhưng với tốc độ hạn chế - IIF cho hay.

"Biến động trên thị trường, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, rõ ràng đã gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư đối với tài sản các thị trường mới nổi", báo cáo của IIF có đoạn viết.

Theo IIF, do Nam Phi có mức độ phụ thuộc lớn vào vay nợ trái phiếu và dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và đang tăng lên của nước này, nên biến động trên thị trường tài chính Nam Phi tuần qua càng lớn.

Gần 80% dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Nam Phi từ năm 2015 đến nay là vốn đầu tư danh mục - rót vào những tài sản như trái phiếu và cổ phiếu. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp như xây dựng nhà máy chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng lượng vốn chảy vào.

"Ảnh hưởng của những căng thẳng trên thị trường có thể sẽ lớn nhất đối với những quốc gia có nhu cầu vốn bên ngoài tương đối lớn", IIF nhận định.

Đối với Trung Quốc, nỗi lo của giới đầu tư nằm ở những dấu hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng và cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ chưa có hồi kết.

Thái Lan, Qatar và Brazil là những quốc gia mới nổi duy nhất được IIF theo dõi chứng kiến vốn ròng chảy vào trong tuần qua.

IIF cũng nói rằng đợt bán tháo tài sản tại các thị trường mới nổi nói chung trong tuần qua không nghiêm trọng như đợt bán tháo khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung mới bùng lên.(Vneconomy)
----------------------------

Thị trường việc làm Hàn Quốc trong tình trạng "đóng băng"

Theo báo cáo ngày 17/8 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tăng trưởng việc làm của nước này thấp nhất trong 8 năm rưỡi qua.

Số liệu này cho thấy thị trường lao động đang trong tình trạng “đóng băng” bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm tạo thêm nhiều việc làm. 

Số lao động có việc làm tại Hàn Quốc trong tháng 7/2018 đạt 27,083 triệu người, tăng 5.000 người so với một năm trước đó. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1/2010 khi nền kinh tế Hàn Quốc chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Mức tăng việc làm ở Hàn Quốc trong các tháng 2-6/2018 dao động quanh khoảng 100.000 việc làm so với cùng kỳ năm trước, trước khi giảm xuống dưới 10.000 việc làm trong tháng 7/2018. Năm 2017, mức tăng trưởng việc làm hàng năm của Hàn Quốc là 316.000. 

Tình hình thị trường lao động Hàn Quốc khá ảm đạm trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực tạo ra nhiều việc làm, nhất là cho giới trẻ. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ưu tiên chính sách hàng đầu của ông sẽ là tạo ra việc làm, song những nỗ lực của chính phủ hiện vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. 

Chính phủ Hàn Quốc công bố một kế hoạch ngân sách bổ sung trị giá 3.900 tỷ won (3,7 tỷ USD) để tạo ra khoảng 50.000 việc làm cho giới trẻ trong năm 2018, và hỗ trợ các lao động bị sa thải ở các địa phương ở phía nam Hàn Quốc - nơi có các doanh nghiệp đóng tàu và sản xuất ô tô đang trong tiến trình cải cách hoạt động. 

Số liệu kém tích cực về mức tăng việc làm ở Hàn Quốc tiếp tục tác động bất lợi tới những kỳ vọng của giới đầu tư về việc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 31/8 tới.

Theo người đứng đầu bộ phận đầu tư thu nhập cố định của công ty quản lý tài sản Hyundai Investments, Han Song-jo, số liệu trên khiến BoK hầu như không thể tăng lãi suất trong tháng Tám này.(Bnews)
-------------------------

Thị trường cá tra sẽ tăng trưởng nhanh đến năm 2025

Thị trường cá tra toàn cầu được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đáng kể từ nay tới năm 2025, nhờ cá tra ngày càng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là thực phẩm.

Theo Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, cá tra là loại cá được tiêu thụ phổ biến thứ 10. Loại cá này được nuôi chủ yếu tại Việt Nam, Campuchia và các nước láng giềng. Trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất, với lượng xuất đi chiếm 50% tổng sản lượng cả nước. Việt Nam đang đẩy mạnh nuôi trồng loại thủy sản này nhằm đáp ứng nhu cầu của thế giới.

Mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng thị trường cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro lớn do thiếu kho dự trữ. Hiện tại, các công ty thủy sản Việt Nam đang đầu tư để cải thiện kho dự trữ nguyên liệu nhằm tăng năng suất trữ đông. Ngoài ra, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan cũng đang áp dụng những phương pháp nuôi trồng tân tiến nhằm tăng sản lượng.

Nhu cầu cá tra/basa trên thị trường toàn cầu chủ yếu đến từ các nước Trung Quốc, Nga, Châu Âu và Mỹ do cá tra được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.

Trên cơ sở ứng dụng, thị trường cá tra được phân bổ thành các sản phẩm bổ sung chế độ ăn uống, công nghiệp dược phẩm và công nghiệp thực phẩm. Cá tra rất giàu axit béo omega-3 được sử dụng làm chất bổ sung chế độ ăn uống. Vì cá tra giúp tim, thận và gan hoạt động khỏe mạnh nên có tính ứng dụng cao trong các ngành công nghiệp dược phẩm.

Tuy nhiên, cá tra cũng đang gặp phải một trở ngại lớn là biến đổi khí hậu – một tác nhân có thể ảnh hưởng đến sản lượng và đà tăng trưởng của mặt hàng này.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục