Australia thay đổi quy định nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; Xe bán ế, Suzuki rút khỏi thị trường Trung Quốc; Giá trị Amazon vượt 1.000 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-09-2018
- Cập nhật : 06/09/2018
Lợi nhuận ngành năng lượng Nga cao nhất thế giới
Washington muốn ông Putin gục ngã thì ông ngày càng sáng suốt và mạnh mẽ hơn, muốn Nga sụp đổ thì Nga ngày càng phát triển...
The Moscow Times ngày 31/8 đưa tin, những “người khổng lồ” trong lĩnh vực khai thác và xuất khẩu dầu thô đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Nga, trong bối cảnh Mỹ và phương Tây liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt Moscow.
Theo đó, những nhà sản xuất dầu thô hàng đầu của Nga trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có lợi nhuận tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2017 - một sự tăng trưởng quá bất ngờ trong thời cấm vận.
Ông Andrey Polischuk, chuyên gia phân tích năng lượng thuộc Ngân hàng Raiffeisen Centrobank của Áo, có trụ sở đóng tại Moscow cho biết “các công ty dầu mỏ Nga đang có tình hình tài chính tốt hơn bất kỳ nhà sản xuất dầu thô nào trên thế giới”.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh Mỹ-phương Tây liên tục gia hạn - gia tăng trừng phạt
Theo chuyên gia Polischuk, chi phí hoạt động thấp, năng lực sản xuất đã ở mức kỷ lục, đặc biệt là Nga đang thiết lập cơ chế thanh toán dầu thô thương mại bằng đồng rúp, đã tạo nên cột mốc lịch sử trong việc ăn nên làm ra của ngành năng lượng Nga.
Khi cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra tại Nga bởi tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây năm 2014, đồng rúp (RUB) đã sụt giảm một nửa giá trị so với đồng USD, khiến chi phí sản xuất của các công ty dầu thô của Nga giảm đi.
Trong khi đó, sau thời điểm chạm đáy vào tháng 1/2016, giá dầu thô đã liên tục tăng mạnh và tăng ổn định, từ đó, tạo ra lợi thế so sánh cho các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu thô của Nga trước các đối thủ Âu-Mỹ.
“Một đồng rúp yếu, giá dầu thì tăng, thuế thì thấp hơn, những điều này đã giúp ngành năng lượng Nga có nửa năm 2018 bội thu với lợi nhuận tăng gấp đôi. Và với đường cong đầu ra giảm bớt, dòng tiền được thiết lập sẽ tiếp tục", theo The Moscow Times.
Theo báo cáo tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của 5 nhà sản xuất dầu thô hàng đầu của Nga đã tăng 32%, từ 7,5 nghìn tỷ RUB - tương đương 109,8 tỷ USD - lên 9,9 nghìn tỷ RUB - tương đương 145 tỷ USD.
Tuy nhiên, tổng lợi nhuận ròng thì tăng gấp đôi, từ 625 tỷ RUB - tương đương 9 tỷ USD - lên 1,25 nghìn tỷ RUB - tương đương 18 tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu = 12,6% - một con số nhiều người mơ ước.
Trong khi các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu thô của Nga "ăn nên làm ra" thì các đối thủ Âu-Mỹ lại gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có tác động trái chiều từ các biện pháp trừng phạt Nga, khiến cho lợi nhuận tăng trưởng thấp.
Dù cổ phiếu của Rosneft PJSC, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, đang giao dịch chỉ bằng 7/11 của Royal Dutch Shell Plc, bằng 7/12 của BP Plc và bằng 7/15 của Exxon Mobil Corp, song tình hình tài chính của Rosneft vẫn khả quan hơn đối thủ.
Khi Mỹ đưa ra gói trừng phạt 2 giai đoạn với Nga vì Moscow bị cho là đứng sau vụ cựu điệp hai mang Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc tại Anh, giới chuyên gia đã tỏ ra lo ngại về lợi nhuận của ngành năng lượng Nga trong những tháng còn lại.
Ông Alexander Kornilov, một nhà phân tích tại Công ty tài chính Aton LLC của Nga có trụ sở tại Moscow cho biết: “Cổ phiếu của các doanh nghiệp Nga đang bị áp lực vì các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.
Điều này một mặt giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu của Nga - bao gồm các công ty dầu mỏ - khi đồng RUB suy yếu, nhưng mặt khác nó lại làm giảm giá trị vốn hoá trên thị trường của họ - sức mạnh tài chính vì vậy cũng bị suy giảm”.
Tuy nhiên, với giới đầu tư phương Tây thì rủi ro mà trừng phạt của Mỹ gây ra đối với thị trường Nga không quá lớn nên không khiến họ bận tâm và với họ cổ phiếu doanh nghiệp dầu thô của Nga vẫn hấp dẫn.
Theo ông Julian Rimmer, người phụ trách kinh doanh cổ phiếu tại thị trường mới nổi của Investec Bank Plc của Anh, có trụ sở tại London, thì thị trường cổ phiếu Nga rất lạc quan và cho rằng cổ phiếu Nga "vẫn là phương tiện đầu tư hoàn hảo".
Chuyên gia tài chính người Anh nhận định bất cứ điều gì xảy ra thì trong 6 tháng tới cổ phiếu "Big Oil" của Nga sẽ vẫn sẽ rất hấp dẫn vì những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực dầu mỏ thế giới, nhất là giá cả tăng, mà chi phí của doanh nghiệp Nga lại thấp.
"Tất cả những tích cực vẫn đang hiện diện trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga - từ những rủi ro cung cấp toàn cầu đến đồng rúp yếu. Vì vậy, tôi vẫn nắm giữ cổ phiếu dầu mỏ của Nga", ông Alexander Losev, một nhà đầu tư khẳng định.
Có thể thấy rằng, những biện pháp trừng phạt của Mỹ dường như đã bị hoá giải bởi chính sách của chính phủ Nga, nên doanh nghiệp Nga vẫn "ăn nên làm ra", còn giới đầu tư thì luôn có niềm tin về khả năng khai thác lợi ích từ xứ sở bạch dương.
Washington và các đồng minh muốn Putin phải gục ngã thì ngược lại Putin ngày càng sáng suốt và mạnh mẽ hơn, muốn kinh tế Nga sụp đổ thì kinh tế Nga ngày càng phát triển và tăng trưởng bên vững.
Nguyên nhân của hiện tượng đó được nhận diện là do chính quyền Obama thiết kế biện pháp trừng phạt Nga cho ngắn hạn mà phải áp dụng trong dài hạn khiến Tổng thống Putin và chính phủ Nga có điều kiện "tương kế tựu kế" và đã thành công.
Lợi nhuận cao bất ngờ của ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga trong thời cấm vận phải chăng là sự báo trước về việc các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể lại bị vô hiệu hoá bởi ông Putin?(Baodatviet)
-----------------------
Vết nứt sâu khi Brexit chưa hoàn thành
Cuộc chiến sò điệp sẽ là một vấn đề lớn giữa Anh và Pháp một khi London muốn rời khỏi liên minh EU.
- Thừa nhận Nga không can thiệp Brexit, Anh muốn ở lại EU
- Ngấm đòn Brexit, lính Anh nhận quà Giáng Sinh cực hẻo
Sau khi Hải quân Anh tuyên bố sẽ bảo vệ tàu đánh bắt sò điệp của nước này theo đúng quyền được khai thác ở khu vực lãnh hải 12 hải lý ngoài khơi bờ biển Normandy (Pháp), Hải quân Pháp cũng sẽ ra khơi bảo vệ ngư dân.
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Travert ngày 4/9 tuyên bố Hải quân nước này sẵn sàng can thiệp nếu tiếp tục xảy ra các cuộc đụng độ giữa ngư dân Pháp và Anh liên quan tới việc tiếp cận những khu vực đáy biển giàu sò điệp tại vùng biển xa bờ.
"Chúng tôi không thể tiếp tục tình trạng này, chúng tôi không thể tiếp tục những cuộc đụng độ như vậy. Hải quân Pháp sẵn sàng hành động nếu có thêm các vụ đụng độ, cũng như sẽ thực hiện các cuộc tuần tra" - ông Travert nêu rõ.
Bộ trưởng Travert xác nhận ông đã nói chuyện với người đồng cấp Anh và cuộc thảo luận về vấn đề này giữa hai bên đã diễn ra hôm 29/8 vừa qua.
Ông Travert đồng thời gửi yêu cầu đến phía Anh, yêu cầu tạm ngưng các cuộc đánh bắt sò điệp cho đến khi cả hai thống nhất quan điểm tại một cuộc đàm phán.
Trước đó 1 ngày, các tàu đánh bắt của Pháp đã rượt đuổi các tàu Anh ra khỏi khu vực Baie de Seine, ngoài khơi bờ biển Normandy.
5 chiếc thuyền đánh bắt của Anh đã bị “tấn công” bởi “đá, đạn khói, pháo sáng” đến từ những “ngư dân Pháp đang giận dữ”.
BBC đưa tin, có khoảng 40 tàu ngư dân Pháp đêm ngày 28/8 (giờ địa phương) đã chặn 5 tàu đánh cá lớn của Anh không cho đánh bắt thủy hải sản ở khu vực cách 22 km so với vùng bờ biển Normandy, trong vịnh Seine. Đây là vùng biển có trữ lượng sò điệp dồi dào.
Mặc dù tàu cá Anh được quyền đánh bắt hải sản tại khu vực này, nhưng sự xuất hiện của họ vào thời điểm ngư dân Pháp đang bị cấm đánh bắt đã khiến họ tức giận.
Ông Dimitri Rogoff, người đứng đầu ủy ban đánh bắt thủy hải sản Normandy, nói: “Ngư dân Pháp đã yêu cầu ngư dân Anh dừng đánh bắt và hai bên bắt đầu xô xát”.
Do bị áp đảo hoàn toàn về số lượng, nên các tàu Anh buộc phải rời bỏ khu vực. Hai tàu Anh, Golden Promise và Joanna C quay trở về cảng Brixham với cửa sổ bị ném vỡ. Các ngư dân Anh nói rằng người Pháp đã bao vây họ, ném đá, bom khói và xích kim loại vào tàu của họ.
Theo ghi nhận, không khí từ cả 2 phía đều rất căng thẳng. Tuy có xô xát, nhưng không có thương vong về người.
Mâu thuẫn giữa ngư dân Anh-Pháp đã bắt đầu bùng phát từ 15 năm trước, tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây đã có dấu hiệu xuống thang căng thẳng sau khi 2 bên ký kết một số thỏa thuận.
Tàu cá Anh với những chiếc có chiều dài lên tới 15 mét, có thể đánh bắt sò điệp quanh năm, nhưng phía Pháp quy định ngư dân chỉ có thể đánh bắt từ ngày 1/10 đến ngày 15/5 hàng năm. Chính vì vậy, ngư dân Pháp cho rằng đây là quy định bất công và năm nay họ muốn người Anh rời đi do lo ngại trữ lượng hải sản sẽ bị hết khi họ bắt đầu đánh bắt vào ngày 1/10.
Ngay sau vụ đụng độ nêu trên, liên đoàn đánh cá của Anh đã tuyên bố những ngư dân của họ sẽ được Hải quân Hoàng gia bảo vệ. Lên án những “hành động thái quá” của ngư dân Pháp, ông Barrie Deas, người đứng đầu liên đoàn đánh cá Anh cho rằng, “các đội đánh cá châu Âu trong đó có Pháp, đánh bắt gấp 5, 6 lần trong trong vùng nước của Anh”.
Do đó, nếu các bên nếu không đạt được thỏa thuận thì “người thua thiệt nhiều nhất chắc chắn sẽ là người Pháp”.
Mâu thuẫn được coi là "Cuộc chiến Sò Điệp" này đã phơi bày những vấn đề giữa các quốc gia thành viên châu Âu về quyền đánh bắt hải sản, một chủ đề có thể sẽ trở nên ngày càng nhạy cảm trong bối cảnh Anh đang đàm phán về mối quan hệ thương mại trong tương lai của nước này với Liên minh châu Âu (EU).(ĐVO)
------------------------------
Nhập giấy phế liệu chưa phân loại: Chuyển chất thải vào VN
Ông Đỗ Thanh Bái thẳng thắn chỉ ra rằng, việc nhập phế liệu chưa phân loại, trong đó có giấy, nhựa... bản chất là chuyển chất thải vào Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) dự định loại bỏ giấy phế liệu chưa phân loại ra khỏi danh mục phế liệu được nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, chỉ giữ lại 3 mặt hàng khác.
Đây là lý do khiến 4 doanh nghiệp sản xuất giấy có vốn đầu tư nước ngoài kiến nghị Chính phủ cho giữ lại mặt hàng giấy phế liệu chưa phân loại trong danh mục nois trên.
Theo ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam, việc loại bỏ giấy phế liệu chưa phân loại ra khỏi danh mục phế liệu được nhập khẩu từ nước ngoài là hoàn toàn đúng đắn và ông ủng hộ Bộ TN-MT làm việc này. Việc phân loại, làm sạch đến mức nào còn tùy thuộc vào tiêu chuẩn chi tiết mà Bộ TN-MT đưa ra.
"Ý định của Bộ TN-MT là đúng vì trên thực tế, nhiều doanh nghiệp lợi dụng danh mục này để nhập khẩu những loại phế liệu không được phân loại vào Việt Nam, trong đó có nhựa, giấy và một số kim loại khác. Mức độ ô nhiễm thế nào tất nhiên còn tùy thuộc vào nguồn gốc, mức độ hỗn tạp, loại vật liệu... nhưng bản chất của việc nhập phế liệu chưa phân loại là chuyển chất thải vào Việt Nam.
Trong Luật Môi trường được phép nhập phế liệu nhưng không được phép nhập chất thải. Khi không phân loại phế liệu mà cứ nhập vào Việt Nam thì cuối cùng giấy, nhựa... không được phân loại sẽ tạo ra nguồn chất thải thứ cấp rất lớn, vì sau khi làm sạch và phân loại lại, phần phế liệu không tái chế, không sử dụng được rất lớn và đó chính là chất thải", ông Đỗ Thanh Bái chỉ rõ.
Vị chuyên gia cũng nhắc lại việc từ ngày 1/1/2018, Trung Quốc đã cấm nhập 24 loại phế liệu, trong đó có một số loại nhựa phế thải và giấy chưa phân loại, sau nhiều năm cho phép nhập khẩu nhiều loại phế thải để tái chế.
Sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm, phế liệu bị tồn lại và người ta tìm cách đẩy sang các nước mà hàng rào kiểm soát ô nhiễm chưa được chặt chẽ, trong đó có Việt Nam.
"Người ta lợi dụng hạng mục phế liệu chưa được phân loại, trong đó có giấy hoặc nhựa phế thải vào Việt Nam, đó chính là kẽ hở", ông Đỗ Thanh Bái nhấn mạnh.
Không những thế, sau lệnh cấm, các doanh nghiệp Trung Quốc rất muốn đầu tư tại nước khác ở lĩnh vực công nghiệp tái chế, trong đó có nhà máy giấy và nhựa. Điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp có thể nhập giấy phế liệu, xử lý sơ bộ rồi xuất trở lại Trung Quốc hoặc xuất đi các nước với giá cao.
Như vậy, doanh nghiệp tái chế Trung Quốc thu được lợi nhuận, còn hậu quả môi trường thì Việt Nam phải gánh chịu. Vấn đề là Trung Quốc tìm cách hoạt động ở các nước khác, còn hậu quả là chất thải gây ô nhiễm ở lại nơi tái chế, điều mà ngay tại Trung Quốc đã có lệnh cấm.
Điều quan trọng nhất hiện nay, theo ông Bái, là phải siết chặt quy định, nhưng với những lô hàng đã nhập về phải xử lý như thế nào, đó là bài toán khó.
"Phải chặn việc nhập khẩu chất thải. Việt Nam mở cửa một cách có kiểm soát cho nhập khẩu phế liệu nhưng không phải chất thải. Hiện nay trong luật chưa rõ thế nào là phế liệu, thế nào là chất thải.
Cả hai đều là vật liệu, một loại tái chế được, một loại hoặc không thể tái chế được hoặc nếu tái chế được thì lợi ích mang lại cũng rất ít, trong khi lượng chất thải ra môi trường rất nhiều. Người nhận nhập khẩu phải gánh chịu ô nhiễm lớn", vị chuyên gia nói.
Đối với đề xuất của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) về việc thành lập Quỹ tái sinh môi trường để thu phí doanh nghiệp (dự kiến khoảng 50.000-100.000 đồng/tấn), ông Đỗ Thanh Bái khẳng định, số tiền mà quỹ này dự định mang về mỗi năm (500-1.000 tỷ đồng) không bao giờ bù lại được hậu quả môi trường mà Việt Nam phải gánh.
"Đó là kiểu kiến nghị đổi tiền để mang ô nhiễm về đất nước. Bên cạnh đó, việc lập quỹ này cũng không đúng. Trong luật, đặc biệt luật về phế liệu, khoáng sản đã có quy định phải nộp tiền ký quỹ môi trường khi nhập khẩu phế liệu hoặc khi nhận mỏ khai thác.
Quỹ này dùng để giải quyết các việc liên quan đến môi trường nhưng nó không có nghĩa là để xử lý chất thải mà doanh nghiệp gây ra. Việt Nam không bao giờ đánh đổi điều đó.
Việc Hiệp hội đưa ra đề xuất trên nói trên, vô hình trung khiến doanh nghiệp phải nộp 2 loại quỹ: ký quỹ môi trường và quỹ tái sinh môi trường. Điều đó là không đúng.
Các doanh nghiệp hãy cứ tuân thủ luật, trong đó đã có phần ký quỹ môi trường khi nhập khẩu phế liệu, mức nộp bao nhiêu đã được pháp luật quy định", ông Đỗ Thanh Bái cho biết.(Baodatviet)