tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-09-2018

  • Cập nhật : 07/09/2018

Cuối năm, giá bông toàn cầu có thể phục hồi

Hội đồng Tư vấn Bông Quốc tế (ICAC) cho biết nhu cầu tiêu thụ tiếp tục tăng trưởng trong khi nguồn cung có xu hướng giảm sẽ giúp kích thích giá bông tăng trở lại trong thời gian tới.

Theo dự đoán của ICAC, sản lượng bông toàn cầu niên vụ 2018 - 2019 sẽ giảm 3% xuống 26 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lại ghi nhận mức tăng kỷ lục 27,8 triệu tấn. Vì vậy, tồn kho bông toàn cầu có thể giảm 10%, xuống 16,9 triệu tấn - mức thấp nhất kể từ niên vụ 2011 - 2012.

ICAC cho biết tồn kho giảm chủ yếu do số lượng hàng tại các kho thương mại của Trung Quốc giảm. Từ tháng 3 đến tháng 8, Cục Dự trữ quốc gia Trung Quốc đã bán được hơn 2 triệu tấn sợi, làm giảm tồn kho 8,6 triệu tấn. Nếu sản lượng và nhu cầu tại Trung Quốc duy trì mức dự báo, tồn kho bông dự đoán sẽ giảm 23%, xuống 6,6 triệu tấn trong niên vụ 2018 - 2019 và là vụ giảm thứ 5 liên tiếp.

Tuy nhiên, trong niên vụ 2017 - 2018, tồn kho tại các nước khác lại tăng 24%, lên 10,1 triệu tấn. Theo dự báo của ICAC, đến cuối vụ tới, các kho thương mại ngoài Trung Quốc dự báo sẽ chứa khoảng 61% nguồn cung bông thế giới.

Với mức tồn kho cuối kỳ hiện tại, Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu bông trong niên vụ 2018 - 2019. Vì vậy, giá bông có khả năng phục hồi bởi thế giới có xu hướng tăng tiêu thụ trong khi sản lượng tại nhiều quốc gia sản xuất lớn giảm, bất chấp những rủi ro về chính sách thương mại của thế giới.

Ảnh minh họa

Từ khi Trung Quốc áp thuế lên bông nhập khẩu từ Mỹ, giá bông thế giới giữ xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8, nhu cầu gia tăng tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, lại giúp giá dần phục hồi.Trước đó, vào tháng 6, giá nguyên liệu này chạm đỉnh 101,7 UScent/pound.

Thông thường, giá cao sẽ kích thích nông dân tăng diện tích trồng bông. Tuy nhiên, vì điều kiện thời tiết không thuận lợi và nguồn nước tưới tiêu thiếu nên diện tích bông tại nhiều quốc gia sản xuất lớn dự báo giảm trong niên vụ 2018 - 2019.

Hiện tại, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa cải thiện, thậm chí có thể chuyển biến xấu hơn trong tương lai gần. Thương mại toàn cầu có thể sẽ chứng kiến những thay đổi lớn. Mức thuế 25% của Trung Quốc có thể buộc Mỹ, nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới, phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Trong khi đó, các nước xuất khẩu lớn khác như Brazil lại có hy vọng tăng xuất khẩu vào Trung Quốc.

Sản lượng bông toàn cầu tăng 16% lên 26,87 triệu tấn trong niên vụ 2017 – 2018 nhờ nguồn cung tại tất cả quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Pakistan, Tây Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia và Uzbekistan, đều tăng. Sự tăng trưởng này là nhờ nông dân mở rộng diện tích trồng và điều kiện thời tiết thuận lợi.(NDH)
-----------------------

IMF cảnh báo cam kết ngăn chặn khủng hoảng đang “suy yếu”

Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, mới đây cảnh báo, những cam kết điều chỉnh chính sách và hợp tác nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mới đang “suy yếu”.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại cuộc họp báo ở Buenos Aires, Argentina ngày 21/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde, mới đây cảnh báo chỉ 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 , những cam kết điều chỉnh chính sách và hợp tác nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mới đang “suy yếu”.

Theo bà Lagarde, hệ thống tài chính đã an toàn hơn nhưng vẫn là chưa đủ. Bên cạnh đó, một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết như các ngân hàng không đủ vốn đệm.

Thêm vào đó, các nhà hoạch định chính sách đang đối diện với sức ép lớn từ các ngành công nghiệp trong việc rút lại các quy định sau khủng hoảng.

Người đứng đầu IMF cũng nhấn mạnh hai vấn đề cần cải cách là nâng cao đạo đức và gia tăng cơ hội cho phụ nữ trong lĩnh vực tài chính.

Theo bà Lagarde, ngành tài chính vẫn đang đặt lợi nhuận lên trên sự ổn định về dài hạn. Bà cảnh báo sự “sa ngã” về đạo đức có thể gây ra những hậu quả kinh tế rõ ràng và không thể giải quyết chỉ bằng những quy định và giám sát.

Tháng 9/2008, chỉ trong vòng vài ngày, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư nước Mỹ Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động.

Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, khiến chỉ số Dow Jones giảm trên 500 điểm và chỉ trong một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ mất tới 1.100 tỷ USD, gây hoảng loạn toàn bộ các thể chế tài chính.

Sự kiện trên được xem là ngòi nổ gây nên cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 trên quy mô toàn cầu.

Hoạt động giao dịch liên ngân hàng hầu như bị tê liệt, hàng chục triệu người mất nhà ở, hàng trăm triệu người mất việc làm và hàng nghìn tỷ USD tài sản bị “bốc hơi”, khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát 4.500 tỷ USD vào năm 2009.

Nhà phân tích Joerg Kraemer của ngân hàng Commerzbank (Đức) cảnh báo rằng dù nhà chức trách đã buộc các ngân hàng phải trở nên vững vàng hơn kể từ năm 2008, song nguy cơ bong bóng vẫn hiện hữu.

Cựu Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet nhận định nợ quá lớn khiến hệ thống tài chính trở nên dễ bị tổn thương giống như 10 năm trước.

Theo cơ quan tư vấn tài chính McKinsey, trong thời gian 2007-2017, nợ công của các chính phủ tăng với nhịp độ 9,7% một năm thay vì 5,8% thời kỳ tiền khủng hoảng. Nợ công trên thế giới đã tăng thêm 25.000 tỷ USD trong 10 năm qua.

Theo chuyên gia Aaron Klein thuộc Viện nghiên cứu Brookings, nền kinh tế thế giới đã và đang hồi phục trong khoảng thời gian 10 năm, song vẫn có nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng khác.(Bnews)
--------------------------

Ấn Độ dự định xây thêm 100 sân bay

Số sân bay ở Ấn Độ sẽ tăng gần gấp đôi trong vòng 10-15 năm tới nhờ các dự án đối tác công – tư.

Tờ Hindustan Times ngày 5/9 dẫn lời Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ấn Độ Suresh Prabhu thông báo kế hoạch xây thêm 100 sân bay mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Theo đó, 100 sân bay mới với tổng vốn đầu tư gần 60 tỷ USD (1,4 triệu tỷ đồng) sẽ được xây trong vòng 10-15 năm tới.

Hiện Cục Sân bay Ấn Độ (AAI) quản lý hơn 120 sân bay, trong khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh trong vòng 3 năm qua.

“Chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi để thu hút những người quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng có thông tin sớm về các dự án”, ông Prabhu nói và cho biết chiến lược đầu tư sẽ theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), dự báo các sân bay ở Ấn Độ sẽ phục vụ gần 520 triệu hành khách vào năm 2037.

Vào năm 2010, hàng không Ấn Độ phục vụ 79 triệu hành khách, con số này tăng gấp đôi lên 158 triệu người vào năm ngoái.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục