EU khẳng định sẽ trả đũa bất cứ động thái áp thuế nào của Mỹ; Đề xuất đánh thuế tài sản giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên; 6 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm của các dự án FDI tăng 5,7%; Dự trữ tại Mỹ giảm, giá dầu đạt đỉnh kể từ tháng 11/2014
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-06-2018
- Cập nhật : 27/06/2018
Sojitz của Nhật Bản chi hơn 90 triệu USD mua Giấy Sài Gòn
Một lãnh đạo của Giấy Sài Gòn xác nhận việc Sojitz đã mua 95,2% vốn điều lệ của Giấy Sài Gòn và ông Cao Tiến Vị đã không còn giữ chức Tổng giám đốc.
Xác nhận với Tuổi Trẻ Online về thông tin trên, vị lãnh đạo có thẩm quyền của Giấy Sài Gòn cho biết Sojitz và Giấy Sài Gòn đã mất gần 3 năm để hoàn tất thương vụ trên.
"Việc Sojitz chọn hình thức tăng tỉ lệ sở hữu tại Giấy Sài Gòn thông qua việc mua số cổ phần cũ và phát hành thêm cổ phần như một sự đầu tư cho phát triển, với mục tiêu hướng đến sản xuất, gia tăng thị phần thông qua thương hiệu mà Giấy Sài Gòn đã phát triển ở thị trường nội địa khá rõ", vị này thông tin.
Cũng theo nguồn tin trên, không chỉ hướng đến mục tiêu tăng công suất sản xuất của Giấy Sài Gòn trong lĩnh vực giấy vệ sinh và giấy công nghiệp, việc đầu tư thêm dây chuyền sản xuất hướng đến khả năng xuất khẩu cũng đã được nhà đầu tư Nhật Bản tính đến.
Như vậy, gần 5 năm sau khi Công ty cổ phần Mai và cộng sự (Mai & CO) do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch HĐQT mua lại toàn bộ số cổ phần (và nợ) của Công ty giấy Daio (Nhật) đã đầu tư vào Giấy Sài Gòn trước đó với tỉ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỉ đồng vốn điều lệ ở thời điểm tháng 9-2013, tỉ lệ cổ phần 57,7% còn lại lúc bấy giờ vẫn thuộc về ông Cao Tiến Vị - nhà sáng lập - và hai quỹ đầu tư Bridgehead, BVIM cùng một số cổ đông khác.
Hiện ông Cao Tiến Vị đã bàn giao vai trò CEO cho cổ đông mới và chỉ còn là cổ đông sáng lập tại doanh nghiệp này.(Tuoitre)
---------------------------
Hải quan muốn 'trục xuất' container phế liệu vô chủ
Hải quan TP.HCM muốn bán thanh lý hoặc "trục xuất" các container phế liệu vô chủ tồn đọng tại cảng, gây ùn tắc và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết trong cuộc bàn phương án giải phóng container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng ở TP.HCM ngày 25-6, các cơ quan liên quan đã thống nhất sẽ ưu tiên xử lý những container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan tồn đọng quá 90 ngày.
Theo đó, Cục Hải quan TP.HCM sẽ chỉ đạo chủ trì phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu, thực hiện việc xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản đối với các container hàng hóa đã được phân loại theo quy định.
Những container hàng phế liệu nào đạt tiêu chuẩn để làm nguyên liệu sản xuất, tái chế sẽ cho doanh nghiệp làm thủ tục thông quan, đưa về sản xuất, hoặc tổ chức bán thanh lý cho các cơ sở đủ điều kiện tái chế.
Các lô hàng kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn theo quy định nhập khẩu phế liệu và yêu cầu về môi trường sẽ tiến hành buộc tái xuất.
Tại cuộc họp, các bên thống nhất một số phương án cấp bách để quản lý, trong đó, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với Cục hải quan TP.HCM cung cấp danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu để Cục Hải quan TP.HCM đối chiếu với số lượng phế liệu nhập khẩu về cảng.
Nếu trùng khớp số liệu thì mời lên làm việc, giải quyết làm thủ tục nhận hàng, nếu không đủ diều kiện sẽ xử lý ngay nhằm nhanh chóng giải phóng tình trạng tồn đọng container phế liệu càng sớm càng tốt tại cảng Cát Lái.
Cuộc họp cũng thống nhất hướng sắp tới sẽ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các hãng vận chuyển phải kiểm tra giấy phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu trước khi đồng ý đưa container phế liệu chở về Việt Nam, tránh tình trạng hàng lậu, hàng vô chủ vào Việt Nam.
Trước mắt, để giảm tải cho cảng Cát Lái, cơ quan Hải quan cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn vận chuyển một số lượng container phế liệu tồn về một cảng thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn để lưu giữ chờ xử lý.
Trước đó, theo báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM, tính đến giữa tháng 6-2018, có khoảng 3.220 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang được lưu giữ tại các cảng biển TPHCM, trong 2.255 container tồn đọng quá 90 ngày.
Phần lớn hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái, với 2.181 containe đã gây ùn tắc cục bộ tại cảng Cát Lái, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cảng, hãng tàu và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Để tự "cứu mình", Tân cảng Sài Gòn đã ngưng tiếp nhận các container phế liệu vào cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước từ ngày 1-6 đến 30-9.
Việc bốc dỡ hàng từ các tàu chỉ được thực hiện sau khi khách hàng xuất trình đầy đủ các giấy phép nhập khẩu.
Đại diện Tân cảng Sài Gòn cho biết tình trạng container phế liệu tồn đọng tại Việt Nam gia tăng mạnh do Trung Quốc cấm, ngăn chặn nhập 24 mặt hàng phế liệu vào nước này từ đầu năm 2018, trong đó có hai loại phế liệu mà Việt Nam cũng đang nhập khẩu về để tái chế là phế liệu nhựa và giấy.(Tuoitre)
----------------------------
Đề xuất thu thuế nước ngọt, giải khát bằng 10% giá xuất xưởng
Theo dự thảo sửa đổi bổ sung một số luật thuế, Bộ Tài chính đề xuất phương án áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10 hoặc 20% với đồ uống có đường (trừ sữa). Bộ Tài chính thiên về phương án 10% hơn. Mức thuế này áp dụng cho tất cả loại đồ uống gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước ép trái cây/rau củ và đồ uống, chất lỏng, nước quả cô đặc; nước có pha hương vị; đồ uống năng lượng và đồ uống dành cho thể thao; trà uống liền; cà phê pha sẵn và sữa pha hương vị.
Bộ Tài chính tính toán mức thuế này sẽ tăng thu cho ngân sách khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Đề xuất này hiện nhận nhiều ý kiến phản đối từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quy định này là cần thiết. Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh mức thuế áp cần đủ mạnh thì trẻ em sẽ khó mua nước ngọt hơn vì giá cao, nhớ đó góp phần giảm tình trạng thừa cân béo phì và nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.
Giáo sư Guilermo Paraje, chuyên gia tư vấn ngắn hạn của WHO phân tích, với phương án áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 10% giá xuất xưởng thì tính trung bình giá nước ngọt chỉ tăng 5%, tương ứng giảm tiêu thụ gần 250 triệu lít (khoảng 5%). Nhà nước thu ngân sách chưa đến 4.000 tỷ đồng.
Giáo sư vì vậy đề xuất 3 phương án khác có mức tác động lớn hơn. Cụ thể, thu 3.500 đồng mỗi lít nước ngọt hoặc 35 đồng trên mỗi g đường/100 ml, hay áp mức thuế 40% giá xuất xưởng. Giả định giá xuất xưởng chiếm 50% giá bán lẻ thì những phương án này đều giúp tăng giá trung bình nước ngọt lên 20%; lượng tiêu thụ 20%, thu thuế hơn 12.000 tỷ đồng.
Nhóm người nghèo ở Việt Nam tiêu thụ nước ngọt ít hơn nhiều so với nhóm giàu. Vì thế, theo giáo sư Guilermo Paraje không có căn cứ để cho rằng đánh thuế nước ngọt ảnh hưởng đến người nghèo. Ngoài ra, tăng thuế cũng không làm giảm việc làm.
“Nếu người dân không dùng nước ngọt sẽ dùng nước suối hay các thực phẩm khác, tạo ra hàng hóa và việc làm thay thế. Việc làm trong ngành này cũng không nhiều vì mức độ công nghiệp hóa, dây chuyền rất cao”, chuyên gia này nói.
Theo WHO, thu thuế với nước ngọt đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả giảm tiêu thụ đường. Hơn 40 quốc gia áp dụng biện pháp đánh thuế đồ uống có đường, trong đó nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan...; ở châu Á có Thái Lan, Lào, Campuchia...
Tại Việt Nam, cùng với thuốc lá, rượu bia, từ năm 2015 nước ngọt được xếp vào nhóm cần có biện pháp kiểm soát về quảng cáo, thuế... nhằm giảm lượng sử dụng.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy nước ngọt làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường tuýp 2, hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường thai kỳ; ảnh hưởng đến hệ xương, răng; ảnh hưởng đến hấp thu các chất dinh dưỡng như kali, canxi, vitamin...; ảnh hưởng đến bệnh lý thận - tiết niệu; tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ...
Tiến sĩ Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, tiêu thụ quá nhiều đường là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thừa cân, béo phì. Những người tiêu thụ nhiều nước ngọt có nguy cơ bị béo phì, tiểu đường, tim mạch và gút...
Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân, béo phì gia tăng nhanh. Tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức chưa đến 1% lên 5% trong 15 năm. Theo WHO từ năm 2002 đến 2016, tỷ lệ thừa cân ở cả hai giới tăng 68%. Đặc biệt ở độ tuổi 5-19 có mức tăng cao hơn 273% (từ gần 3% lên gần 10%).
WHO cũng cho rằng tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam góp phần làm gia tăng nhanh chóng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường. Số người bệnh tiểu đường tăng gấp đôi trong những năm qua và hiện chiếm 6,5% ở nhóm 18 tuổi trở lên.Tiêu thụ nước ngọt theo đầu người tại nước ta đã tăng 7 lần trong 15 năm; mạnh nhất là trà uống có sẵn và nước có ga. Tiêu thụ tăng nhanh vì sức mua tăng, trong 15 năm qua GDP đầu người tăng 280% trong khi giá nước ngọt tăng 210%.(Vnexpress)