Cấp 'chứng minh thư' cho hạt điều xuất ngoại; Nhiều 'ông lớn' bất động sản công bố lãi khủng; Việt Nam có thể kiếm gần chục tỉ USD từ nuôi cá biển; Bỏ nhiều điều kiện để được xuất khẩu gạo
Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-05-2017
- Cập nhật : 05/05/2017
Sau 7 năm, Lotte được chấp thuận đầu tư dự án 1 tỷ USD ở Thủ Thiêm
Sau hơn 7 năm chờ đợi, liên doanh Lotte mới chính thức có được quyết định chấp thuận là nhà đầu tư khu phức hợp tại Khu đô thị Thủ Thiêm.
UBND TP.HCM vừa có quyết định lựa chọn nhà đầu tư là liên danh Tập đoàn Lotte gồm 4 công ty thuộc Lotte triển khai dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2a Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM với tổng vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng. Dự án này dự kiến khởi công vào quý III năm nay.
4 công ty thuộc Tập đoàn Lotte trong liên danh nói trên là Lotte Asset Development Co. Ltd., Lotte Shopping Co. Ltd., Hotel Lotte Co. Ltd. và Lotte Engineering & Construction Co. Ltd.
Theo đó, quy mô của dự án khu phức hợp thông minh này gồm các khu thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng trên diện tích khoảng 50.120 m2. Trong đó, chức năng tài chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong khu lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài diện tích xây dựng khu phức hợp thông minh, nhà đầu tư còn triển khai đầu tư hoàn chỉnh 4 đoạn đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu phức hợp đồng bộ với hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên diện tích đất gần 24.300 m2, trong đó có 4 tuyến đường chính tại khu đô thị này.
Thời gian nhà đầu tư xây dựng công trình nói trên là 72 tháng và khai thác trong thời gian 50 năm với tổng vốn đầu tư (không gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) là 20.100 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ do nhà đầu tư thu xếp.
Tháng 8/2015, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho TP.HCM được quyết định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp Thành phố thông minh Thủ Thiêm (Thủ Thiêm Eco Smart City) tại khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo UBND TP.HCM, đến nay, khu vực này vẫn chưa có dự án nào được triển khai xây dựng vì khó kêu gọi đầu tư. Một số đơn vị quan tâm thì luôn đề nghị thay đổi, điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt.
Trong khi đó, nhà đầu tư liên doanh này đã chấp nhận ký quỹ và đóng gần 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất tại đây. Đồng thời, họ cũng cam kết sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật toàn khu 2a để sớm hình thành khu trung tâm tài chính - ngân hàng, thương mại và dịch vụ.
"Việc nhà đầu tư ký quỹ và đóng tiền sử dụng đất trước như vậy sẽ tạo nguồn thu khá lớn cho ngân sách thành phố để trả một phần nợ vay đầu tư hạ tầng cho Thủ Thiêm (khoảng 29.000 tỷ đồng), giảm bớt số lãi vay đang phát sinh hàng ngày hiện nay (khoảng 2,9 tỷ đồng mỗi ngày)", UBND TP.HCM cho biết.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản trình Thủ tướng và Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc chấp thuận liên doanh trên làm nhà đầu tư dự án này. Sau hơn 7 năm chờ đợi, đến nay, Lotte mới chính thức có được quyết định chấp thuận là nhà đầu tư khu phức hợp hiện đại và dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý 3/2017.
Trong buổi gặp Bí thư Thành ủy TP.HCM vào tháng 4/2016, đại diện Tập đoàn Lotte cho biết trong 5 năm tới, mức đầu tư của Lotte vào Việt Nam sẽ ngang bằng với Samsung. Thời điểm đó, lãnh đạo tập đoàn này cho biết dự án phức hợp tại Thủ thiêm có tổng mức đầu tư lên đến 2,2 tỷ USD.
Ông Kim Chang Kwon, Giám đốc điều hành Công ty phát triển tài sản Lotte (Hàn Quốc), chia sẻ: “Có lẽ Samsung là doanh nghiệp có mức đầu tư vào Việt Nam cao nhất hiện tại (11,3 tỷ USD), nhưng trong vòng 5 năm tới Lotte cũng phấn đấu đạt được mức đầu tư như vậy". Ông cho biết kế hoạch của doanh nghiệp là tái đầu tư liên tục đến nâng nguồn vốn vào Việt Nam, nếu được sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng.
Lotte đặt mục tiêu mở 50 trung tâm thương mại tại Việt Nam đến năm 2018 và 60 trung tâm thương mại vào 2020 tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, ….
Tập đoàn Hàn Quốc này đã đầu tư vào Việt Nam được hơn 15 năm. Tính đến nay, có nhiều công ty con của tập đoàn này thành lập và phát triển sản phẩm của mình tại Việt Nam. Không chia sẻ con số tổng thể của cả nước, mức đầu tư riêng tại TP.HCM của doanh nghiệp FDI này hiện khoảng 3 tỷ USD.(Zing)
-------------------------------------
Aeon tính mở 500 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam
Đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon tính gia tăng số lượng cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam lên 500 cửa hàng.
Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon đang chuẩn bị mở thêm hàng loạt cửa hàng tạp hóa nhỏ ở các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, khi tăng trưởng của khu vực này đạt mức 6% trong những năm gần đây.
Theo hãng tin Nikkei, Aeon dự định mở 30 cửa hàng tại Campuchia trong vòng ba năm nữa. Còn tại Việt Nam, hãng tính tăng số lượng cửa hàng gấp 9 lần, đạt con số 500 vào năm 2025.
Mặc dù thương hiệu Aeon nổi tiếng với những trung tâm mua sắm lớn, nhưng các cửa hàng tạp hóa nhỏ lại dễ mở hơn và có chi phí rẻ hơn. Bằng việc mở hàng loạt cửa hàng mới, Aeon kỳ vọng sẽ gia tăng được độ nhận dạng thương hiệu.
Aeon đã mở trung tâm mua sắm cỡ lớn đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014. Doanh nghiệp này cũng bắt tay với hai chuỗi siêu thị trong nước nhằm gia tăng số lượng tiệm tạp hóa tại đây lên con số 57 cửa hàng.
Tại Campuchia, hãng đã mở cửa hàng thí điểm vào cuối năm 2015 và quyết định đã đến lúc mở rộng hoạt động. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2018, Aeon tính mở ba loại cửa hàng khác nhau ở Campuchia, phù hợp với các khu vực ngoại thành, trung tâm thành phố và các khu dân cư mới mở. Các cửa hàng này sẽ được thiết kế theo nhu cầu địa phương và có mức giá khác nhau. Hãng cũng dự định đầu tư thêm một trung tâm mua sắm cỡ lớn tại Campuchia sớm nhất là vào đầu năm 2018, sau khi mở trung tâm đầu tiên vào năm 2014.
Một thị trường quan trọng khác của hãng là Myanmar, nơi Aeon đã mở một cửa hàng tạp hóa vào năm 2016. Đại gia bán lẻ Nhật Bản này hy vọng sẽ mở được 10 cửa hàng trong 5 năm tới.(NCĐT)
-----------------------------------
Gần 30.000 tỷ cho vay chăn nuôi lợn, nợ xấu tăng lên 1,2% vì lợn không thể xuất chuồng
Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 4/5/2017 về chuyện, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến thời điểm hiện tại dư nợ cho vay trong lĩnh vực chăn nuôi lợn là 29.394 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm 43%.
Ông Tú cũng cho biết, có khoảng 506 nghìn khách hàng đang vay nợ ngân hàng trong lĩnh vực này. Đối tượng đi vay có tới gần 90% là cá nhân, hộ gia đình. Chỉ 10% là doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình liên kết.
Thời gian qua, giá thịt lợn giảm thấp, không tiêu thụ được. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết cả nước hiện còn 300- 400 nghìn tấn lợn đã đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. Và phải mất khoảng 2-3 tháng cố gắng mới có thể giúp cân bằng cung cầu trong ngành này.
Còn khoảng 3-400 nghìn tấn lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng
Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành ngân hàng. Theo số liệu được ông Tú cung cấp, nợ xấu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn đã tăng lên 352 tỷ đồng, hiện mới chiếm 1,2% dư nợ. Trong đó, nợ xấu từ hộ nông dân khoảng 311 tỷ đồng.
Về phía NHNN, ngay từ khi doanh nghiệp, hộ nông dân không trả được nợ, cơ quan này đã cử đoàn đi khảo sát đặc biệt tại các tỉnh chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Lượng tín dụng được xử lý ngay, tái cơ cấu cho các hộ nuôi lợn đã và đang triển khai đạt 364,7 tỷ đồng.
NHNN đã có văn bản chỉ đạo tạm hoãn, giãn thời hạn nợ và không chuyển nhóm nợ. Đối với vấn đề hỗ trợ lãi suất, ông Tú cho biết, việc này phụ thuộc khả năng của từng ngân hàng.
NHNN yêu cầu các ngân hàng xem xét trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn giảm lãi vay. Ông Tú cũng cho rằng cần tránh trường hợp nếu không có biện pháp kế tục có thể dẫn đến tình trạng thiếu về sau. Vậy nên NHNN cũng yêu cầu NHTM cho vay đối với hộ tiếp tục có nhu cầu vay nhưng cần đảm bảo khả năng có lãi.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hai ngân hàng tham gia vào cuộc giải cứu lợn gồm LienVietPostBank với gói cho vay ưu đãi 500 tỷ đồng lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất thị trường cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh... và Kienlongbank với chương trình xem xét giảm 30% lãi suất cho vay hiện hữu.(NDH)
------------------------
Bộ Công Thương lên tiếng việc điều tra kho nhôm lớn nhập từ Mexico về Việt Nam
Ngày 4/5, Bộ Công Thương cho biết việc kiểm tra khối lượng nhôm lớn vừa được nhập từ Mexico về Việt Nam là hoạt động chuyên môn bình thường trong công tác quản lý xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước.
“Mục tiêu của đợt kiểm tra lần này là nhằm kiểm tra tình hình thực thi pháp luật về xuất xứ hàng hóa trên cơ sở các quy định của pháp luật và cam kết quốc tế về xuất xứ hàng hóa”, Bộ Công Thương khẳng định.
Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ làm việc với Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu nhôm nhiều trong thời gian qua.
Bộ Công Thương cho hay sẽ tiếp tục thông tin cho báo chí và công luận sau khi có kết quả kiểm tra.
Cuối năm 2016 báo Wall Street Journal đã có bài điều tra về 500.000 tấn nhôm đùn, nguyên liệu để để sản xuất nhôm được chuyển từ San José Iturbide -Mexico đến Việt Nam,
Theo điều tra của Wall Street Journal, đứng sau dự án trên là China Zhongwang - tập đoàn lớn chuyên về nhôm của Trung Quốc thuộc sự quản lý của tỉ phú Liu Zhongtian. Theo Forbes, tỉ phú này có tài sản gần 3 tỉ USD.
Kho nhôm khổng lồ tại Việt Nam được cho là của tỷ phú Trung Quốc
Điều tra cho thấy hàng loạt động thái bất thường trong xuất nhập khẩu nhôm giữa Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Việt Nam đều có liên hệ tới tỉ phú người Trung Quốc này.
Cụ thể, sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay Việt Nam để xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ. So với mức 374% cho nhôm Trung Quốc, nhôm Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ phải chịu thuế 5%.
Hiện Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam đang đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình. Dự án này do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc góp vốn làm chủ đầu tư. Đó là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong.
Toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy này được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 250 triệu USD.
Theo giấy phép đầu tư do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm, kể từ năm 2011.
Điều tra của Wall Street Journal, năm 2009 lượng nhôm Trung Quốc xuất sang Mỹ tăng đột biến lên mức 192.000 tấn, gấp đôi so với 2008. Cũng năm đó theo số liệu của GTIS, giá nhôm nhập khẩu tại Mỹ giảm tới 30%.
Dòng dịch chuyển bất thường của nhôm đã khiến cơ quan chức năng Mỹ nghi ngờ. Sau các cuộc điều tra, tập đoàn China Zhongwang của ông Liu Zhongtian cùng nhiều đơn vị sản xuất nhôm của Trung Quốc đã bị cáo buộc bán phá giá. Năm 2010, thuế bán phá giá 374% được áp lên mặt hàng nhôm từ Trung Quốc.
Các công ty nhôm Trung Quốc, trong đó có tập đoàn China Zhongwang đã vướng phải nhiều nghi vấn về việc xuất nhôm sang các nước thứ ba như Mexico hay Việt Nam rồi dùng các công ty tại nước sở tại để tái xuất hàng sang Mỹ hay các thị trường bị áp thuế. (NDH)