tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-06-2018

  • Cập nhật : 26/06/2018

Xuất khẩu thành công thịt heo Việt Nam vào Myanmar

Sau thịt gà xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, ngành chăn nuôi Việt Nam đón thêm tin vui khi thịt heo tươi cấp đông lần đầu tiên được xuất khẩu ra nước ngoài.

dai dien tap doan mavin va cong ty sojitz nhat ban ky hop tac xuat khau thit heo viet nam - anh phan hau

Đại diện Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz Nhật Bản ký hợp tác xuất khẩu thịt heo Việt Nam - ẢNH PHAN HẬU

Chiều nay, 25.6, tại Hà Nội, Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz Nhật Bản tổ chức lễ công bố hợp tác xuất khẩu thịt heo Việt Nam vào thị trường Myanmar.

Ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin, cho rằng chất lượng và điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế và đây là rào cản khiến Việt Nam, một quốc gia có sản lượng thịt heo lớn nhưng không thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Sau một thời gian dài Tập đoàn Mavin hợp tác với Công ty Sojitz Nhật Bản, thịt heo Việt Nam đã vượt qua các điều kiện về kỹ thuật cũng như chất lượng để xuất khẩu thành công vào thị trường Myanmar.

Cũng theo ông David John Whitehead, với cầu nối của Công ty Sojitz Nhật Bản, cuối tháng 5 vừa qua, container thịt heo tươi đầu tiên của Việt Nam đã cập cảng Yagoon (Myanmar) xuất khẩu thành công vào thị trường này.

Trả lời phỏng vấn báo chí sau đó, một đại diện của Mavin cho biết, toàn bộ lô hàng thịt đầu tiên bán tại các siêu thị ở thành phố Yagoon đã được tiêu thụ hết. Người tiêu dùng Myanmar bước đầu có ấn tượng tốt và rất thích sản phẩm thịt heo tươi của Việt Nam. Đây là cơ hội để sản phẩm thịt heo tươi mở rộng thị trường tại Myanmar trong thời gian tới.

Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz Nhật Bản cũng công bố, theo hợp đồng đã ký với đối tác Myanmar, mỗi tháng sẽ có ít nhất 1 đơn hàng khoảng 26 tấn thịt heo tươi Việt Nam được xuất khẩu vào Myanmar.

Chia sẻ tại lễ công bố, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng sau thành công trong việc xuất khẩu thịt gà vào Nhật Bản trong năm 2017, ngành chăn nuôi Việt Nam có thêm tin vui khi thịt heo tươi được xuất khẩu thành công.

Theo ông Vũ Văn Tám, Việt Nam hiện đã xuất khẩu heo sữa vào vào các thị trường Hồng Kông, Malaysia nhưng đây là lần đầu tiên thịt heo tươi cấp đông được xuất khẩu ra nước ngoài.

“Thành công này mở ra hướng đi mới của ngành chăn nuôi heo, Bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất theo chuỗi, quy hoạch lại nông hộ nhỏ lẻ để thịt heo đáp ứng được chất lượng, điều kiện an toàn thực phẩm để xuất khẩu tránh phải giải cứu như năm ngoái”, ông Tám nói.(Thanhnien)
---------------------

Hơn 3.000 container phế liệu sắp vào Việt Nam

Theo đại diện Cục Hải quan TPHCM, tính đến giữa tháng 6/2018, có khoảng 3.220 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang được lưu giữ tại các cảng biển TPHCM. Trong đó, Chi cục Hải quan Khu vực 1, Khu vực 3 và Khu vực 4 có hơn 985 container phế liệu được lưu giữ trong thời gian từ 30 đến 90 ngày, hơn 2.255 container tồn đọng quá 90 ngày.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, số lượng container phế liệu ở TPHCM rất lớn, công tác xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày, Cục đã giao ông Lê Đình Lợi, Phó Cục trưởng trực tiếp xử lý. “Cục hải quan TPHCM có đề xuất xử lý nghiêm tình trạng này nhằm tránh việc các cảng biển ở TPHCM và các địa phương khác trở thành nơi chứa rác của thế giới. Hậu quả lâu dài từ số rác thải phế liệu nói trên đến môi trường, sức khỏe người dân là vô cùng nghiêm trọng, chưa thể lường hết được”, ông Thắng nói.

Để hạn chế lượng rác thải nhập vào, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết đã ngưng tiếp nhận các container phế liệu vào cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước từ ngày 1/6 đến 30/9. Việc bốc dỡ hàng từ các tàu chỉ được thực hiện sau khi khách hàng xuất trình đầy đủ các giấy phép nhập khẩu. (Tienphong)
-------------------------

Muối được mùa, được giá

Giá muối tại Bình Định hiện là 1.500 đồng/kg muối thường và 2.000 đồng/kg muối sạch, cao hơn bình quân các năm trước khoảng 500 đồng/kg.

 /// Ảnh: Hoàng Trọng

Ảnh: Hoàng Trọng

Gần đây, thời tiết liên tục có nắng, thuận lợi cho sản xuất muối nên năng suất muối cao, bình quân đạt khoảng 99 tấn/ha, muối trải bạt (muối sạch) 120 tấn/ha. Toàn tỉnh Bình Định có khoảng 180 ha ruộng sản xuất muối. (Thanhnien)
-----------------------

Tín dụng bất động sản: Mối lo chưa nguôi

Việc thị trường nhà đất giao dịch sôi động đang khiến dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản ngày một mạnh hơn. Tuy chưa có dấu hiệu "bong bóng" và bản thân các ngân hàng cũng đã thận trọng hơn trong việc cho vay lĩnh vực này, nhưng vẫn chưa thể khiến mối lo tín dụng bất động sản tăng "nóng" của nhà quản lý cũng như các ngân hàng nguôi ngoai

Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mặc dù đã giảm tốc đôi chút vào quý đầu năm 2018, nhưng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn ở mức khá cao.

Cụ thể, tổng tín dụng khu vực ngân hàng tính đến hết quý I ước tăng 3,6% so với đầu năm 2018 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017 (thấp hơn mức tăng 18,2% của cả năm 2017). Cùng với đó, hàm lượng tín dụng/GDP vẫn tương đối cao - bằng khoảng 130% GDP vào cuối năm 2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng 1,4 lần so với tốc độ tăng GDP theo giá hiện hành.

“Hàm lượng tín dụng cao so với GDP ở Việt Nam cho thấy, khu vực tài chính vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng khi thị trường vốn còn tương đối kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao có thể gây rủi ro về ổn định khu vực ngân hàng, nhất là với những yếu kém còn tồn tại trên bảng cân đối và hệ số vốn còn mỏng ở một số ngân hàng.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng thực của Việt Nam vẫn tiếp tục đi lên, trong khi đã giảm mạnh ở Trung Quốc và được kiềm chế ở các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương”, các chuyên gia kinh tế của WB nhận định.

Trao đổi với PV, bên cạnh mối lo về tốc độ tăng trưởng cao của tín dụng nói chung, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, một trong những vấn đề khiến cơ quan này đang rất trăn trở, đó là tín dụng thực tế vẫn tăng mạnh trong lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, tổng dư nợ trong nền kinh tế tính đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 6,8 triệu tỷ đồng, thì riêng lĩnh vực bất động sản chiếm gần 20%.

Theo số liệu chính thức của Sở Xây dựng Hà Nội, trong quý I/2018, có 6.419 căn hộ chung cư và 955 căn biệt thự, nhà liền kề, nhà phố đủ điều kiện bán hàng. Tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư thành công tại thị trường Hà Nội quý I/2018 đạt 5.091 giao dịch, đặc biệt là sự sôi động ở phân khúc nhà liền kề. Điều này cho thấy, có làn sóng chuyển từ việc lựa chọn chung cư cao cấp sang các dự án có sản phẩm liền kề ở các quận xung quanh Vành đai 3 và 3,5.

Tại thị trường bất động sản TP.HCM, nguồn cung căn hộ mở bán trong quý I/2018 đạt 10.431căn hộ, đất nền đạt 970 nền, với nguồn cung chủ yếu ở Củ Chi và Cát Lái; nhà phố, biệt thự có 621 căn, với nguồn cung chủ yếu ở khu Đông và khu Nam Thành phố. Cũng trong quý này, tổng lượng giao dịch nhà ở chung cư đạt khoảng 8.946 giao dịch…

“Thị trường bất động sản TP.HCM ghi nhận lượng nhà ở chào bán tăng cao trong quý đầu năm 2018 được lý giải là do Tết năm nay đến muộn và quý II nối tiếp đà tích cực của thị trường bất động sản quý IV/2017”, thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.

Trước những bài học “xương máu” của nhiều năm trước, các ngân hàng cũng tỏ ra e ngại về việc tín dụng bất động sản tăng mạnh và bắt đầu tăng lãi suất cho vay trong lĩnh vực này, bất chấp đây vốn là một thị trường “béo bở”.

Nhiều ngân hàng cho biết, hiện mức lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản đã tăng lên 12%/năm đối với vay trung hạn, còn vay dài hạn là từ 12,5%/năm, tức tăng 1-2%/năm so với trước đó vài tháng.

Đơn cử, Eximbank áp dụng biểu lãi suất cho vay ngắn hạn mới đối với các khoản vay mua nhà, đất tăng thêm 1%/năm so với trước, lên mức 11%/năm, còn vay dài hạn là 12,5%/năm, tức tăng 0,7-0,9%/năm. Tại ACB, lãi suất dao động từ 8,5-10%/năm tuỳ từng đối tượng khách hàng. Viet A Bank đang áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà, đất là 12,38%/năm. Sacombank với các trường hợp vay dài hạn, lãi suất thời điểm giải ngân là 12,5%/năm.

“Trước tình trạng giá nhà, đất tăng 'nóng' thời gian qua, trao đổi với đồng nghiệp tại các ngân hàng cho thấy, chủ trương phải thẩm định lại giá và chỉ xem xét cho vay không quá 70% trên tổng giá trị tài sản”, một cán bộ tín dụng Maritime Bank chia sẻ.

Trước thực tế trên, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam khuyến nghị: “Chính sách tiền tệ cần rút bớt thanh khoản trong khu vực ngân hàng, sao cho lãi suất liên ngân hàng diễn biến theo lãi suất chính sách và tăng trưởng tín dụng được duy trì phù hợp với các yếu tố căn bản. Bên cạnh đó, vẫn cần các biện pháp cẩn trọng vĩ mô nhằm ngăn ngừa vốn tín dụng đổ quá mức vào các ngành nghề rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng...”.(ĐTCK)

Trở về

Bài cùng chuyên mục