VEPR: Việt Nam thêm 240.000 người nghèo nếu tăng thuế VAT lên 12%; Cổ phiếu PNJ mất 3.100 tỉ từ ngày giá vàng lao dốc; Saint Petersburg mời gọi doanh nghiệp Việt “đổ tiền” vào đặc khu kinh tế
Tin kinh tế đọc nhanh 28-06-2018
- Cập nhật : 28/06/2018
Hội nhập kinh tế: Nơi trú ẩn mới ?
Bloomberg dẫn lời các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán Nhật Bản với các doanh nghiệp nhiều tiền mặt nhưng ít mạo hiểm của nước này có thể là “thiên đường trú ẩn an toàn” cho giới đầu tư.
Nhận định được đưa ra giữa lúc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và một số bên khác có thể bùng phát bất cứ lúc nào cũng như việc đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ có nguy cơ đảo ngược.
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Nhật tương đối bình ổn với chỉ số Topix chỉ hạ chưa đầy 2% xét theo USD, còn hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (tỷ lệ P/E) đang thấp hơn mức trung bình 5 năm qua. Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, giới doanh nghiệp Nhật vẫn cố gắng giảm nợ thay vì tận dụng chính sách tiền tệ dễ dàng của ngân hàng trung ương để vay thêm.
Ngược lại, các công ty Mỹ liên tục phát hành trái phiếu rủi ro và tìm kiếm các khoản vay đòn bẩy. Hiện khả năng trả nợ trung bình của một doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 ở Mỹ đang ngày càng giảm.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu tại Mỹ có đang hình thành các “doanh nghiệp xác sống” chỉ tồn tại nhờ tín dụng ngân hàng dễ dàng hay không. Chỉ cần Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ là các công ty “xác sống” sẽ phải tăng vốn cổ phần, bán tài sản, thậm chí phá sản.
Trong bối cảnh bất ổn chực chờ và tình hình có thể sẽ khó khăn hơn, thị trường Nhật với những doanh nghiệp vừa “bảo thủ” vừa còn nguồn dự trữ tiền mặt dồi dào có thể chứng minh mình là “thiên đường an toàn nhất”.(Thanhnien)
------------------------
Mỹ tính chuyện siết đầu tư về công nghệ từ Trung Quốc
Bộ Tài chính Mỹ đang soạn thảo một quy định mới hạn chế các công ty Trung Quốc mua lại hoặc đầu tư vào những công ty thuộc lĩnh vực công nghệ quan trọng của Mỹ.
Các công ty có ít nhất 25% sở hữu của Trung Quốc có thể sẽ bị cấm mua lại các công ty công nghệ quan trọng của Mỹ
Tờ The Wall Street Journal ngày 25.6 dẫn một nguồn tin cho biết Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ và Bộ Thương mại đang soạn thảo quy định mới, cấm các công ty có ít nhất 25% sở hữu của Trung Quốc mua lại những công ty thuộc lĩnh vực “công nghệ công nghiệp quan trọng” của Mỹ.
Lệnh cấm có thể sẽ được công bố vào ngày 29.6 và sẽ được lấy ý kiến trước khi chính thức có hiệu lực.
Theo The Wall Street Journal, quy định mới sẽ áp dụng với các hợp đồng mới chứ không điều chỉnh lại luôn những thương vụ đã được ký. Đồng thời, quy định này áp dụng cho cả công ty nhà nước lẫn tư nhân của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng được cho là sẽ công bố những biện pháp tăng cường kiểm soát xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Hiện chính quyền Mỹ chưa bình luận gì về thông tin của The Wall Street Journal.
Những quy định mới này dự kiến sẽ gây ảnh hưởng đến chiến lược phát triển Made in China 2025 của Trung Quốc, khi nước này đặt mục tiêu trở thành đầu tàu thế giới trong các lĩnh vực quan trọng như rô-bốt, hàng không vũ trụ, xe hơi năng lượng sạch, theo Reuters.
Đề xuất được đưa ra giữa thời điểm 2 nước đang mâu thuẫn sâu sắc về vấn đề thương mại và công bố các thuế suất nhập khẩu để trừng phạt nhau.(Thanhnien)
-------------------------------
Việt Nam sắp có ngân hàng lớn đầu tiên đạt chuẩn Basel 2
Theo tiến độ dự kiến, vào tháng 7/2018, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn Basel 2 một cách toàn diện.
Hiệp ước Basel 2 là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến thí điểm từng bước áp dụng, nhằm củng cố an toàn và hiệu quả hoạt động.
Ba năm trước, Ngân hàng Nhà nước từng lựa chọn 10 ngân hàng thương mại đầu tiên để lên kế hoạch thí điểm thực hiện. Tuy nhiên, đến nay chưa có thành viên nào trong nhóm này công bố triển khai xong.
Trong năm 2017, lần đầu tiên hệ thống có thành viên tuyên bố đã áp dụng đầy đủ và toàn diện Basel 2 là Ngân hàng Phương Đông (OCB). Với những thành viên lớn, đặc biệt ở khối ngân hàng thương mại mà Nhà nước đang nắm sở hữu chi phối, đang chiếm phần lớn thị phần, chưa có trường hợp nào thực hiện được.
Theo đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam giai đoạn 2, mục tiêu xác định đến năm 2020 sẽ có những thành viên đạt được chuẩn mực này.
Trao đổi với VnEconomy mới đây, lãnh đạo Vietcombank cho biết đang ráo riết thực hiện những bước cuối cùng để tiến tới thực hiện áp dụng các chuẩn mực Basel 2 một cách toàn diện và đầy đủ trong tháng 7/2018.
Theo đó, dự kiến đây sẽ là ngân hàng lớn đầu tiên của Việt Nam thực hiện hành công, sớm trước mục tiêu của đề án trên hơn hai năm.
Cụ thể, trong những năm gần đây, Vietcombank đã tập trung chuẩn bị, triển khai các đề án cụ thể để tiến tới áp dụng Basel 2, trong đó có tới 82 sáng kiến để hoàn thiện đến bước cuối cùng.
Đầu năm nay, Vietcombank cũng đã hoàn thành xây dựng mô hình lượng hóa xác suất vỡ nợ đối với rủi ro tín dụng theo tiêu chuẩn Basel 2 và là ngân hàng tiên phong sẵn sàng cho việc áp dụng hiệp ước quốc tế này theo phương pháp nâng cao (IRB).
Trước nữa, từ cuối năm 2016, đây cũng là ngân hàng thương mại đầu tiên hoàn tất việc mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), để đưa bảng cân đối tài chính thực sự về "một sổ" - một bước quan trọng để thực hiện Basel 2.
Tuy nhiên, như đặc thù của khối ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước, Vietcombank những năm qua gặp khó khăn nhất định trong các bước tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt là để đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR).
Trước đây, ngân hàng này từng mất tới khoảng hai năm để cân đối đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn của Việt Nam, mà nguyên do chủ yếu cũng xuất phát từ mô hình sau cổ phần hóa gắn với yêu cầu tăng vốn, khi Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối và khó khăn trong bố trí ngân sách…
Lần này, để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel 2, Vietcombank đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ qua phương án phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Kế hoạch này hiện vẫn đang được xúc tiến, trong đó có bước thực hiện thuê tư vấn định giá và cần thêm thời gian.
Theo lãnh đạo Vietcombank, trong trường hợp kế hoạch chào bán tăng vốn nói trên chậm do những yếu tố khách quan, ngân hàng có thể sẽ sử dụng phương án phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2, nâng cao hệ số CAR - hướng giải pháp đã thực hiện thành công trong hai năm qua.
Như vậy, trong cả hai hướng dự kiến, nếu đẩy nhanh và phát hành tăng vốn thành công, Vietcombank sẽ chủ động hơn trong định hướng sớm áp dụng thành công Basel 2, hoặc ở hướng phát hành trái phiếu nói trên để đảm bảo lộ trình dự kiến của mình. Cả hai hướng này đều nhằm đích hoàn thành sớm trước hơn hai năm so với mục tiêu đề ra tại đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đến 2020.(Vneconomy)
-------------------------
Đồng nhân dân tệ mất giá 2,5% sau quyết định tăng lãi suất của Fed
Quyết định hạ dự trữ bắt buộc khiến đồng USD mất giá hơn 0,6% ngay trong phiên. Tỷ giá CNY/USD đã tăng 2,5% kể từ trung tuần tháng 6 khi Fed quyết định tăng lãi suất theo định hướng thắt chặt hơn chính sách tiền tệ.
Ngày 24/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng thêm 0,5% từ ngày 5/7. Dự kiến khoảng 700 tỷ nhân dân tệ tương đương 107,65 tỷ USD sẽ được giải phóng nhờ động thái này của PBoC.
Đây là lần thứ hai trong nửa năm qua PBoC quyết định hạ tỷ lệ này. Trung Quốc đã bất ngờ giảm 1% đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các ngân hàng, xuống mức 16% đối với ngân hàng lớn và 14% đối với ngân hàng nhỏ hơn vào ngày 18/4. Theo Reuters, có khoảng 400 tỷ nhân dân tệ đã được giải phóng từ đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này.
PBoC đã bất ngờ giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngày 18/4 và tiếp tục giảm thêm 0,5% mới đây
Bơm thêm 108 tỷ USD vào nền kinh tế, giá trị đồng nhân dân tệ đã chịu tác động trực tiếp ngay sau quyết định này. Hiện để đổi lấy 1 USD cần hơn 6,549 CNY. Ngay trong ngày hôm nay, tỷ giá đã tăng 0,63%.
Tỷ giá CNY/USD tiếp tục chuỗi ngày chuỗi ngày tăng không ngừng nghỉ kể từ khi Cục dữ trự liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% ngày 13/6. Sau 8 ngày liên tiếp tăng, đồng nhân dân tệ đã mất giá 2,5% so với đồng USD. Tuy nhiên, tính đầu năm, tỷ giá CNY/USD mới tăng 0,6%.
CNY đang mất giá khá nhanh so với USD
Các điều chỉnh chính sách tiền tệ của PBoC được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm tốc, vì chiến dịch giảm bớt đòn bẩy trong lĩnh vực tài chính và tình trạng căng thẳng thương mại với Mỹ.
Theo Bloomberg, 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 77 tỷ USD) được giải phóng tại 5 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước lớn nhất Trung Quốc và 12 ngân hàng thương mại cổ phần. Các ngân hàng cho vay được phép sử dụng số vốn này thực hiện chương trình đổi nợ lấy lấy cổ phần mà Trung Quốc triển khai từ năm 2016.
Cùng đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được giảm xuống cũng sẽ giải phóng khoảng 200 tỷ nhân dân tệ để tài trợ cho các ngân hàng vừa và nhỏ tăng cường cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ.
Ông Wang Jun, kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank cho biết việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm hỗ trợ các mắt xích yếu trong nền kinh tế không đảo ngược chính sách mà là một sự tinh chỉnh. Chính sách tiền tệ vẫn được PBoC giữ trung lập và thận trọng.
Nhưng theo chuyên gia kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard của công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định hôm 25/6 quyết định của PBOC có thể dẫn đến các điều kiện tiền tệ nới lỏng hơn. Kinh tế Trung Quốc tăng mạnh trong năm ngoái (6,9%) và vẫn giữ đà vào đầu năm nay. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế hoài nghi về triển vọng nửa cuối năm. Dữ liệu kinh tế chính thức tháng 5 cho thấy tăng trưởng ở các khu vực quan trọng như xuất khẩu, đầu tư của khối doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng đều giảm so với cùng kỳ năm trước (NDH)