tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-04-2017

  • Cập nhật : 25/04/2017

Tỷ lệ lưu giữ tăng cao, tàu biển Việt Nam có nguy cơ trở lại “danh sách đen”

Đội tàu biển của Việt Nam vừa bị cảnh báo có nguy cơ trở lại “danh sách đen” do nhiều tàu không đảm bảo an toàn và tỷ lệ bị lưu giữ ở ngước ngoài tăng cao.

Thông tin này được Tổ chức chính quyền cảng biển các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo - Mou) đưa ra.

Theo thống kê, tỷ lệ tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài trong quý I/2017 đang gia tăng đáng báo động với tỷ lệ cao nhất so với trung bình trong 3 năm gần đây. Cụ thể, có 10 tàu bị lưu giữ trên tổng số 214 lượt tàu bị kiểm tra về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, chiếm 4,6%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tỷ lệ tương ứng của 3 tháng đầu năm 2016 là 4%, 2015 là 2,7% và 2014 là 3,5%.

Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do một số tàu bị hư hỏng về an toàn chống cháy, trang thiết bị cứu sinh, tình trạng kín nước và kín thời tiết, các hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, an toàn hàng hải, hệ thống quản lý tàu, các thiết bị và hệ thống sử dụng trong trường hợp khẩn nguy.

Thống kê cũng cho thấy tàu biển Việt Nam bị lưu giữ nhiều nhất ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á và hầu hết tàu bị lưu giữ là tàu chở hàng tổng hợp, có tuổi đời 5-10 tuổi. Những tàu trên chủ yếu được đóng trong nước và do các công ty vận tải biển quy mô nhỏ, rất nhỏ khai thác nhưng cũng có trường hợp tàu thuộc nhóm tàu tốt, chủ tàu có quy trình kiểm soát nội bộ được đánh giá cao.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện đội tàu biển Việt Nam có 462 chiếc chạy tuyến quốc tế có dung tích từ 500 GT trở lên và ngoài vấn đề an toàn và thiết bị tàu, một số tàu bị lưu giữ ở nước ngoài còn do chủ tàu chưa chú trọng nhiều đến khả năng thực hành của thuyền viên trong các hoạt động của tàu.

Trước năm 2014, đội tàu biển Việt Nam đã từng bị Tokyo - Mou xếp vào “danh sách đen” và thường bị chính quyền các cảng biển soi kỹ, liên tục bị kiểm tra, bắt lỗi và bị phân biệt đối xử. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển gặp phiền phức, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch vận chuyển, chủ tàu đối mặt với nguy cơ bị chủ hàng phạt nặng và không ít tàu phải xin bảo lãnh về nước để khắc phục.

Trong hai năm 2015-2016, với nhiều nỗ lực đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế thoát khỏi “danh sách đen” và liên tiếp được Tổ chức Tokyo - Mou xếp vào “danh sách trắng” khi số lượng tàu của Việt Nam bị cảng biển nước ngoài lưu giữ ít, tàu có chất lượng tốt. Điều này giúp cho đội tàu của Việt Nam ít bị chính quyền cảng nước ngoài kiểm tra.

Theo quy định của Tokyo -Mou, tính trung bình 3 năm liên tiếp, đội tàu của nước thành viên có tỷ lệ tàu bị lưu giữ vượt số phần trăm thì sẽ bị đưa ra khỏi “danh sách trắng” và xếp vào “danh sách đen”.

Trước tình hình trên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, các công ty vận tải biển quốc tế quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển bị chính quyền cảng biển nước ngoài lưu giữ như kiểm tra 100% tàu trước khi rời cảng, như thu hồi chứng nhận đối với tàu bị giữ 3 lần trong vòng 12 tháng.

Theo Cục Hàng hải, từ 1.1.2017 đến hết ngày 15.4.2017, tổng số có 303 lượt tàu biển Việt Nam bị kiểm tra tại các cảng biển nước ngoài và có 10 lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại các cảng nước ngoài, tỷ lệ lưu giữ là 4,06%.

Cùng thời gian, Cục đã kiểm tra được 178 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa và phương tiện mang cấp VR – SB, phát hiện 176 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 1.134 khiếm khuyết đồng thời, cũng kiểm tra 27 lượt tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, phát hiện 27 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 327 khiếm khuyết.(Laodong)
----------------------------------

Rút giấy phép công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy

Ngày 24/4, theo nguồn tin riêng chúng tôi nhận được, Bộ Công thương vừa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy).

Như vậy, trong thời gian chưa đầy 2 tháng, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương liên tiếp rút giấy phép của 6 doanh nghiệp đa cấp do chưa đủ điều kiện, giấy phép hết hiệu lực, làm ăn thua kém, hoặc tự xin phá sản...

tru so thien ngoc minh uy tai ha noi.

Trụ sở Thiên Ngọc Minh Uy tại Hà Nội.

Cụ thể, trước đó, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã được Bộ Công Thương thanh tra cùng 6 đơn vị khác. Theo kết quả kiểm tra được Bộ Công Thương công bố ngày 16/1, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan để xử lý, điều tra để xử lý đối với những vi phạm của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.

Theo kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy được Bộ Công Thương công bố hồi giữa tháng 1, doanh nghiệp này có 7 điểm vi phạm chính.

Bên cạnh những vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 42 năm 2014 của Chính phủ, đoàn kiểm tra còn phát hiện trường hợp nhà phân phối không có tên trong danh sách đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy nhưng vẫn được Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm thực phẩm chức năng tại kho của Thiên Ngọc Minh Uy có nhãn gốc chưa đúng với nhãn gốc đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường.

Như với các sản phẩm mỹ phẩm Kang Yi Dao, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cung cấp thêm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cụ thể là cử nhân viên hướng dẫn cách sử dụng và dùng sản phẩm để massage cho khách hàng theo các liệu trình tại công ty hoặc một số đại lý của công ty.

Ngoài ra, năm 2016, Cục đã điều tra và xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật với số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng.

Ở các địa phương, tổng số tiền phạt năm 2016 là 6,5 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2015. Đáng chú ý, doanh nghiệp bị chính quyền các địa phương xử phạt nhiều nhất là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy với mức tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng, sau đó là Công ty Cổ phần Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Everrichs…(PLXH)
----------------------

Jack Ma cảnh báo những “thập kỷ đau đớn” khi Internet làm gián đoạn kinh tế

Trong bài phát biểu tại Hội nghị kinh doanh ở Trịnh Châu, Trung Quốc, Jack Ma cho rằng thế giới phải thay đổi hệ thống giáo dục và tạo ra phương thức để làm việc hiệu quả với robot, giúp xoa dịu nỗi lo về những tác động tiêu cực của quá trình tự động hóa và nền kinh tế Internet.

“Trong 30 năm tới, thế giới sẽ nhìn thấy nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Những mâu thuẫn trong xã hội 3 thập kỷ tới sẽ gây tác động tới tất cả các ngành công nghiệp và các tầng lớp xã hội”, Jack Ma nói về tình trạng gián đoạn công ăn việc làm do Internet gây ra.

Bản thân Jack Ma cũng thừa nhận Alibaba, nhà khai thác thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đã chi hàng tỷ USD để chuyển sang những lĩnh vực kinh doanh mới, từ sản xuất phim tới video trực tuyến hay điện toán đám mây. Công ty được coi là niềm tự hào của người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang mở rộng ra nước ngoài, trong đó có việc mua Lazada để củng cố vị thế tại khu vực Đông Nam Á trước cuộc đối đầu tiềm năng với Amazon.

Ông cũng cảnh báo tuổi thọ con người ngày càng cao cùng với trí thông minh nhân tạo liên tục được hoàn thiện có thể khiến lực lượng lao động ngày càng già cỗi và ít việc làm hơn. Chính vì vậy, Jack Ma nêu ý tưởng: “Máy móc chỉ nên làm những việc mà con người không thể làm được. Chỉ với cách này, chúng ta mới có thể biến máy móc trở thày đối tác thay vì những kẻ cướp chỗ”.

Để chuẩn bị cho giai đoạn khó khăn sắp tới, Ma cho rằng ngành công nghiệp ngân hàng truyền thống cũng nên chuẩn bị sẵn các khoản vay cho nhiều thành phần trong xã hội. Tuy nhiên, tỷ phú 52 tuổi cũng cho rằng các ngành công nghiệp truyền thống nên dừng phàn nàn về những ảnh hưởng của Internet với nền kinh tế - một xu hướng tất yếu.(CafeF)
-----------------------------

Ngân hàng và những đồng vốn đột ngột “chết”

Tính đến cuối 2016, tổng dư nợ cho nền kinh tế đã lên tới 5,5 triệu tỷ đồng, trong khi đó tổng nguồn vốn tự có của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ có 639.661 tỷ đồng. Theo đó, phần lớn còn lại chủ yếu dựa vào nguồn lực tiền gửi.

Cuối tuần rồi, phóng viên VnEconomy có cuộc trao đổi với lãnh đạo một ngân hàng thương mại đang tái cơ cấu. Câu chuyện xoay quanh kết quả kinh doanh quý 1/2017.

“Mọi cái dường như ổn định, nhưng hãy nhìn lại quý vừa qua, hệ thống ngân hàng đón nhận rất nhiều thông tin bất lợi và nhạy cảm. Chúng ta cứ nói nhạy cảm chung chung rồi gật đầu. Còn với ngân hàng thì tái cả mặt, vì nhạy cảm đo được bằng tiền”, vị lãnh đạo trên nhìn lại.

Đó là nhiều vụ án chưa khép, nối tiếp thông tin mở ra những vụ án mới trong hệ thống ngân hàng; nợ xấu, tái cơ cấu, “ngân hàng 0 đồng”, phá sản ngân hàng là những chủ đề nóng; loạt đại dự án hàng chục nghìn tỷ đồng gắn với các tập đoàn, tổng công ty, rồi liên quan đến một số ngân hàng thương mại…

Tâm lý người gửi tiền đón nhận những thông tin đó.

Đại diện một nhà đầu tư lớn nói với VnEconomy rằng, họ đang tìm hiểu hoạt động một ngân hàng thương mại để xem xét xin tham gia tái cơ cấu. Đến một số chi nhánh trọng điểm, cán bộ ở đây cho biết: hễ có thông tin xấu xuất hiện trên thị trường, nhiều khách đến rút tiền ngay, nhưng có thông tin tích cực thì tiền gửi lại trở lại.

“Đồng tiền liền khúc ruột. Tâm lý người gửi tiền rất nhạy cảm và dễ bị tác động”, đại diện nhà đầu tư trên nhận xét.

Trở lại câu chuyện với vị lãnh đạo ngân hàng đang tái cơ cấu nói trên, sự nhạy cảm được đo đếm bằng tiền, mà ông gọi là “những đồng tiền chết”.

“Là nguyên tắc, mỗi khi xuất hiện thông tin xấu, hoặc có những mũi nhọn thông tin nào đó hướng về ngân hàng, chúng tôi buộc phải dồn ngay vốn phòng thủ để đảm bảo tối đa cho thanh khoản, đáp ứng nhu cầu rút tiền bất chợt. Bởi vì một khi không chuẩn bị, không đáp ứng được nhu cầu rút tiền trước hạn, tâm lý người gửi tiền càng loang rộng, rồi nếu vỡ thanh khoản thì không thể tự cứu nổi”, lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.

Quý 1/2017, ngân hàng trên có lãi suất khá ổn định, tín dụng vẫn tăng đều, nhưng lợi nhuận bị ảnh hưởng rõ vì chi phí đội lên. Trong kỳ, trước những thông tin nhạy cảm xuất hiện, họ đã phải phanh các dòng vốn, dồn về che đỡ thanh khoản. Đó là “những đồng vốn chết”.

Hoạt động ngân hàng, dòng vốn luôn luân chuyển, vận động để tìm cách sinh lời. Khi bị dồn cục để phòng ngừa như trên, nhiệm vụ sinh lời của chúng bị cắt bỏ, phập phồng nằm im trước khả năng người gửi tiền có phản ứng tiêu cực.

Vốn nằm im, chi phí tăng lên, chưa nói có thể còn phải nâng lãi suất huy động để thuyết phục người gửi; tác động của tin xấu càng dài, chi phí càng lớn. Nói ngân hàng tái mặt trước những thông tin nhạy cảm là vậy.

Trong dự thảo đề án luật tái cơ cấu và xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai, đảm bảo tối đa an toàn tiền gửi, lợi ích của người gửi tiền là thông điệp được nhấn mạnh. Trong đó, yêu cầu đảm bảo đặt cả tình huống vay tiền để trả người gửi nếu cho phá sản ngân hàng…

Trong các sự cố tiêu cực hoặc thông tin nhạy cảm tại một ngân hàng thương mại nào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thường nhanh chóng có thông điệp bảo đảm tiền gửi người dân.

Chung quy, những dẫn giải trên đều với thực tế tại Việt Nam: sức mạnh của tiền gửi và tâm lý người gửi tiền có ảnh hưởng quá lớn.

Trước hết, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế nặng nợ. Lượng vốn tín dụng suốt những năm qua luôn duy trì ở mức cao, tới 110-120% GDP. Nâng đỡ cho đòn bẩy vốn nay chủ yếu là nguồn lực tiền gửi.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối 2016, tổng dư nợ cho nền kinh tế đã lên tới quy mô 5,5 triệu tỷ đồng, trong khi đó tổng nguồn vốn tự có của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ có 639.661 tỷ đồng. Theo đó, phần lớn còn lại chủ yếu dựa vào nguồn lực tiền gửi.

Như trên, trước các thông tin nhạy cảm, nguồn lực tiền gửi bị tác động. Trong tình huống có tác động mạnh, mất thanh khoản, hệ lụy đối với nền kinh tế nhanh chóng lan sang tín dụng, lãi suất, chi phí của nền kinh tế và xáo trộn xã hội…

Hay như ở ví dụ ngân hàng tái cơ cấu nói trên, chỉ riêng phản ứng phòng thủ thanh khoản trước những thông tin nhạy cảm xuất hiện, “những đồng vốn chết” đột ngột dồn lại phòng thủ cho thanh khoản cũng đã khiến chi phí đội lên, hiệu quả kinh doanh sụt xuống và vốn cho vay ra tắc nghẽn. Nếu phản ứng này mở rộng, không chỉ hệ thống ngân hàng, mà hệ quả sau đó thì cả nền kinh tế chịu.(Vneconomy)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục