tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-04-2017

  • Cập nhật : 25/04/2017

Doanh nghiệp Trung Quốc bị tố 'quỵt' tiền gia công

Nhiều người làm hàng gia công cho Công ty TNHH hàng thủ công Xin Dong Ya VN (100% vốn Trung Quốc) đang rất bức xúc vì bị doanh nghiệp này nợ tiền gia công kéo dài, đòi không chịu trả.

    Nhiều người làm hàng gia công cho Công ty TNHH hàng thủ công Xin Dong Ya VN (Công ty Xin Dong Ya với 100% vốn Trung Quốc, tọa lạc tại KCN Long Giang, H.Tân Phước, Tiền Giang) đang rất bức xúc vì bị doanh nghiệp này nợ tiền gia công kéo dài, đòi không chịu trả.

    Chị Trần Thị Ngọc Như (ngụ xã Đa Phước, H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết chị hợp đồng may gia công ba lô, túi xách cho Công ty Xin Dong Ya được hơn 2 năm. Nhưng từ trước Tết Nguyên đán 2017 đến nay chị không làm nữa vì bị doanh nghiệp này nợ hơn 300 triệu đồng tiền công, dây dưa không chịu trả. “Ngày 20.1, chính ông Kim, quản lý người Trung Quốc, hẹn tôi 16 giờ ngày hôm sau tới công ty để trả tiền, nhưng khi tôi tới đây thì người của họ đã về nước ăn tết hết nên đến nay tôi vẫn chưa đòi được nợ”, chị Như bức xúc.

    Chị Lê Thị Thái Trinh (ngụ xã Xuân Đông, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) may gia công túi xách vải dù cho Công ty Xin Dong Ya khoảng 3 năm nay. Lúc đầu làm tháng này đến tháng sau trả tiền, sau đó làm 3 tháng mới lấy tiền được 1 tháng. Nhưng từ trước Tết Nguyên đán đến giờ chị chỉ tạm ứng được 80 triệu đồng trong khi tiền công của chị hơn 250 triệu đồng.

    Chị Bùi Thị Ngọc Yến (ngụ ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, H.Chợ Gạo, Tiền Giang) gia công cho Công ty Xin Dong Ya từ cuối năm 2016 và đã làm được 6 đơn hàng, hiện còn bị công ty này nợ 90 triệu đồng tiền công. Đòi nợ nhiều lần không được, ngày 21.4 chị Yến tới văn phòng Công ty Xin Dong Ya yêu cầu gặp người quản lý thì bị một phụ nữ Trung Quốc ngăn cản, lấy xô nước tạt vào người rồi đánh vào mặt, trong khi chị Yến đang mang thai tháng thứ 6. Sự việc này đã được Công an H.Tân Phước lập biên bản, xử lý.

    Liên quan đến sự việc trên, một cán bộ Ban Quản lý các KCN Tiền Giang cho biết ngày 15.4, cơ quan này đã mời đại diện Công ty Xin Dong Ya và chị Yến tới để hòa giải nhưng không thành “vì hai bên nói chuyện giống như cãi lộn”. Vị cán bộ cho biết thêm: “Lý do phía Xin Dong Ya đưa ra là chị Yến giao hàng không đúng tiến độ nên bị phạt hợp đồng, nhưng không có chứng cứ chứng minh. Hiện lao động của doanh nghiệp này đã nghỉ hết từ năm rồi, do tình hình tài chính khó khăn, không có đơn hàng, lương thấp”.(thanhnien)
    --------------------------------------

    Có 9 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên tỉ USD

    Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lần đầu tiên kết thúc quý 1 cả nước có 9 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu (XK) từ 1 tỉ USD trở lên, tăng 1 nhóm hàng so với cùng kỳ 2016. 

    Tổng cộng 9 nhóm hàng dẫn đầu về XK đạt kim ngạch 30,97 tỉ USD, chiếm gần 70% tổng kim ngạch XK của cả nước. Nhóm hàng lần đầu tiên vào danh sách trên tỉ USD là cà phê với kim ngạch XK 3 tháng đầu năm nay đạt 1,029 tỉ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

    Trong khi đó, dẫn đầu về kim ngạch XK quý 1 vẫn là điện thoại với kim ngạch XK đạt 7,77 tỉ USD, nhưng đây là nhóm hàng duy nhất bị sụt giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 47,8% khi kim ngạch XK trong quý 1 đạt 5,519 tỉ USD. (TN)
    -------------------------

    Đạm Phú Mỹ sẽ cung cấp 350.000 tấn phân bón trong quý 2

    Sản lượng sản xuất của Nhà máy đạm Phú Mỹ trong quý 1/2017 đạt 226.000 tấn, vượt 9% kế hoạch quý và đạt 29% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016.

    Đại hội cổ đông của Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), nhà sản xuất kinh doanh phân bón Phú Mỹ đã thông qua kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 với cổ tức chia 30% bằng tiền mặt; kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2017 với mức doanh thu 7.743 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 991 tỉ đồng và tỷ lệ trả cổ tức 20% mệnh giá cổ phiếu.

    Sản lượng sản xuất của Nhà máy đạm Phú Mỹ trong quý 1/2017 đạt 226.000 tấn, vượt 9% kế hoạch quý và đạt 29% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón của PVFCCo trong quý 1 vượt 4% kế hoạch quý, đạt gần 290.000 tấn. Tổng doanh thu trong quý 1/2017 đạt hơn 2.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 275 tỉ đồng, đạt 28% kế hoạch năm và vượt 10% kế hoạch quý.

    PVFCCo dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh nguồn hàng ra thị trường, với sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón trong quý 2/2017 dự kiến khoảng gần 350.000 tấn, đồng thời tăng cường điều phối sản lượng cung ứng hàng giữa các vùng miền nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh của các mặt hàng.(TN)
    -----------------------------------------

    11% hộ kinh doanh né lên doanh nghiệp

    Có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện đủ điều kiện phải chuyển thành doanh nghiệp (DN), nhưng số có dự định chuyển lên DN ít, số thực chuyển còn ít hơn.

    nhieu ho kinh doanh co quy mo san xuat lon nhung van chua muon len doanh nghiep. trong anh: tai mot ho san xuat thuc pham o ha noi - anh: thanh huong

    Nhiều hộ kinh doanh có quy mô sản xuất lớn nhưng vẫn chưa muốn lên doanh nghiệp. Trong ảnh: tại một hộ sản xuất thực phẩm ở Hà Nội - Ảnh: Thanh Hương

    Đó là kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa thực hiện trên 6 tỉnh thành. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đức Trung - trưởng ban cải cách và phát triển DN, CIEM - nói:

    - Theo Tổng cục Thống kê, hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 20% hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng, tức là lĩnh vực sản xuất vật chất. Còn lại có tới 80% trong ngành thương mại - dịch vụ, chủ yếu là bán lẻ, lưu trú, ăn uống.

    Thủ tục phức tạp

    * Qua khảo sát, mức độ hộ kinh doanh muốn “né” lên DN có đáng quan ngại không, thưa ông?

    - Nghiên cứu điều tra được thực hiện với khoảng 400 hộ kinh doanh ở 6 tỉnh thành. Trong số này có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển thành DN, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi. Trên thực tế con số chuyển đổi là rất ít.

    * Vậy kết quả điều tra đã chỉ ra những nguyên nhân nào khiến các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành DN?

    - Hộ kinh doanh có nhiều lợi thế hơn so với DN về nộp thuế và chế độ kế toán, lợi thế hơn về sự đơn giản trong thủ tục đăng ký thành lập... Cũng phải nhìn nhận khách quan rằng quy định và thủ tục chuyển hộ kinh doanh thành DN còn phức tạp. Hộ muốn chuyển phải giải thể hộ kinh doanh. Hiện nay chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa sau chuyển đổi chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, phần lớn hộ kinh doanh quen với tập quán kinh doanh nhỏ lẻ nên ngại thay đổi.

    Cần 3 chế độ kế toán

    * Vậy theo ông, giải quyết bài toán này thế nào để thúc đẩy việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN?

    - Mục tiêu đạt được 1 triệu DN vào năm 2020 là một mục tiêu quan trọng, song theo tôi, không nên bằng mọi cách để chuyển thật nhiều hộ kinh doanh thành DN.

    Cần xuất phát từ lý do tại sao hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi, đó là do chi phí tuân thủ cao, thủ tục phiền hà.

    Do đó, cần giảm chi phí, tạo thuận lợi về chế độ kế toán, thuế và thêm mô hình tổ chức đơn giản, thuận tiện...

    Cụ thể, cần xây dựng và ban hành hẳn một chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. Theo tôi, nên cho phép hộ kinh doanh khi chuyển thành DN được kế thừa những giấy phép đã có, kể cả với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

    Có nhiều cơ chế khác có thể khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN như: miễn thuế môn bài, ưu đãi thuế thu nhập DN, cho phép áp dụng chế độ kế toán đơn giản...

    Cần có 3 chế độ kế toán cho họ, ví dụ chế độ kế toán cho nhóm DN vừa, chế độ cho nhóm nhỏ, chế độ cho DN siêu nhỏ. Trong đó, chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ cần đơn giản, giảm lượng sổ sách kế toán.

    * Nếu không cải cách thuế khoán, hộ kinh doanh sẽ cứ mãi muốn nằm im ở mô hình cũ?

    - Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán, mức khoán theo các tiêu chí ngành nghề, số lao động, địa bàn...

    Có tiêu chí thuế cụ thể đó sẽ góp phần loại bỏ cơ chế “thỏa thuận thuế”, hạn chế tiêu cực để giảm cơ hội tham nhũng của cán bộ thuế, khắc phục tình trạng “chung chia” thuế... (Tuoitre)
    ---------------------------------

    Trở về

    Bài cùng chuyên mục