Bộ Công Thương: Phá sản doanh nghiệp thua lỗ không đủ điều kiện cổ phần hóa; Được chống lưng bởi hàng loạt đại gia, "chú bé 4 tuổi" Didi Chuxing vừa trở thành startup lớn thứ 2 thế giới, sắp đuổi kịp Uber; Trump công bố cải tổ thuế 'lớn nhất trong lịch sử Mỹ'; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Hội nghị Trung ương sẽ ra nghị quyết về kinh tế tư nhân trong tháng 5
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-04-2017
- Cập nhật : 27/04/2017
GELEX hoàn tất mua chi phối Công ty Kho vận miền Nam (SOTRANS)
Ngày 25/4, tại Đại hội Đồng cổ đông thường niên Tổng công ty Cổ phần Thiết bị Điện (GELEX, mã GEX-HoSE), GELEX cho biết đã hoàn thành việc mua chi phối Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam (SOTRANS).
Theo đó, thực hiện chiến lược đầu tư mở rộng, xây dựng chuỗi logistics đã được Nghị Quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 1/8/2016 thông qua, GELEX đã mua 24,93% cổ phần của Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam (SOTRANS) và đến ngày 8/3/2017, GELEX đã hoàn tất mua chi phối 51,03% cổ phần của SOTRANS.
Đây là một động thái trong chiến lược tái cấu trúc GELEX.
Theo đó, cùng với mua chi phối SOTRANS, GELEX cũng đã thực hiện mua cổ phần dưới dạng đối tác chiến lược cùa Công ty cổ phần Thiết bị điện (THIBIDI), nâng tỷ lệ sở hữu tại THIBIDI từ 43,44% lên 70,79%. Đồng thời, GELEX cũng nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) từ 65,01% lên mức 74,73%.
Bên cạnh đó, GELEX cũng đã thành lập Công ty TNHH Một thành viên Thiết bị đo điện (GELEX EMIC) trên cơ sở tài sản, nguồn vốn, công nợ, con người liên quan đến mảng sản xuất thiết bị đo điện hiện tại tại GELEX và thành lập Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex, thực hiện đầu tư vào lĩnh vực năng lượng cũng như các lĩnh vực thiết yếu tiềm năng khác.GELEX cũng thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Chế tạo Bơm hải Dương, Công ty cổ phần sản xuất và Thương mại EMTC, Công ty CP Vật tư và Xây dựng Hà Nội.
Để thực hiện việc tái cấu trúc, GELEX đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và trái phiếu kèm chứng quyền theo đúng Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông với tổng số vốn huy động được là 3.276 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31/03/2017, GELEX đang có vốn đầu tư tại 7 Công ty con và 3 Công ty liên doanh, liên kết với ổng số vốn đầu tư là 4.588 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của GELEX, SOTRANS sẽ là đầu mối và thương hiệu chính trong hoạt động kinh doanh logistics của GELEX. GELEX sẽ phát triển SOTRANS thành doanh nghiệp với chuỗi logistics khép kín, đủ các dịch vụ như dịch vụ giao nhận hàng hoá, vận tải, lưu kho, lưu bãi, cảng biển, cảng hàng không...GELEX sẽ tiến hành đầu tư trọng điểm để hình thành hệ thống tài sản kho bãi, cầu cảng, ICD tại các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đặc biệt là 2 vùng sản xuất lớn là khu vực Hà Nội - Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu. Đối với lĩnh vực vận tải, tập trung vào vận tải đường thủy, phát triển đội xà lan mạnh.
Với động thái thâu tóm SOTRANS, GELEX đặt mục tiêu lọt vào top 3 doanh nghiệp logistics lớn nhất Việt Nam.
“Theo ước tính hiện nay mỗi năm chi phí logistics ở Việt Nam chiếm khoảng 21-25% GDP; tương đương 37- 40 tỉ USD. Trong thời gian tới, nguồn cầu cho ngành logistics sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ việc hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy logistics được coi là một lĩnh vực kinh doanh chiến lược của GELEX nhằm tận dụng tiềm năng to lớn của ngành này cũng như phục vụ nhu cầu logistics nội bộ của Tổng Công ty, giúp tiết kiệm chi phí”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc GELEX cho biết.
Được biết, SOTRANS hiện đang vận hành chuỗi dịch vụ logistics khép kín, cung cấp cho khách hàng hệ thống dịch vụ tổng thể toàn diện. Đồng Ihời SOTRANS và các doanh nghiệp trong hệ thống SOTRANS sở hữu hệ thống kho bãi, cầu cảng, ICD ... tại các vị trí chiến lược quan trọng tại khu vực TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm trong top 10 doanh nghiệp logistics lớn nhất Việt Nam.(baodautu)
--------------------------------------
Bộ Tài chính: Không tăng phí trước bạ ôtô lên 50%
Cơ quan quản lý khẳng định chưa có đề xuất gì về việc thay đổi trần phí trước bạ với ôtô dưới 10 chỗ ngồi, vốn đang ở mức 15%.
Trao đổi với VnExpress trước thông tin gây xôn xao dư luận về việc phí trước bạ ôtô dưới 10 chỗ ngồi sẽ lên mức 50% giá trị xe, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) - Phạm Đình Thi khẳng định việc này là không đúng sự thật. "Không có đề xuất nào của Bộ Tài chính về mức tăng như vậy", ông Thi nói.
Theo đại diện cơ quan quản lý, Nghị định về phí trước bạ đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2017. Theo đó, ôtô dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) phải nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 10%.
Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung. Ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
"Tôi nghĩ người đưa thông tin có sự hiểu lầm. Phí trước bạ chung là 10%, các địa phương được quyền áp dụng nhưng không quá 50% mức này, tức là 15%. Không phải mức phí tối đa là 50%", Vụ trưởng Vụ chính sách thuế giải thích.
Hiện phí trước bạ với ôtô dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu tại Hà Nội là 12%. Các địa phương khác phổ biến ở mức 10%.(Vnexpress)
------------------------
Ông chủ Louis Vuitton muốn sở hữu toàn bộ Dior
Tỷ phú Pháp - Bernard Arnault muốn sáp nhập thương hiệu thời trang Christian Dior vào đế chế hàng xa xỉ LVMH của mình, thông qua các thương vụ tổng trị giá 12 tỷ euro.
LVMH - tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, sẽ mua Christian Dior Couture từ công ty mẹ của thương hiệu này - Christian Dior với giá 6,5 tỷ euro, kể cả nợ. Gia đình Arnault cũng đề nghị mua nốt 25,9% cổ phần còn lại của Christian Dior mà họ chưa sở hữu với giá 260 euro một cổ phiếu – cao hơn 15% giá đóng cửa hôm thứ Hai.Các thương vụ này sẽ "giúp đơn giản hóa cấu trúc công ty, đồng thời củng cố mảng Thời trang và Đồ da của LVMH", Arnault - CEO LVMH cho biết trong một thông báo. Gia đình ông hiện nắm 47% cổ phần LVMH - công ty sở hữu những thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, TAG Heuer, Moët & Chandon và Benefit Cosmetics.
Cổ phiếu LVMH hôm nay đã tăng gần 5% lên kỷ lục 225 euro, do nhà đầu tư chào đón các thông tin này. Họ kỳ vọng nó sẽ giúp tăng lợi nhuận cho LVMH. Cổ phiếu Dior cũng tăng 13% lên kỷ lục 256 euro.
"Theo quan điểm của chúng tôi, đây là thương vụ M&A tốt với LVMH, do Christian Dior là một thương hiệu mạnh, có bảng cân đối kế toán tốt. Thương vụ này cũng sẽ gộp Christian Dior với mảng nước hoa lợi nhuận cao của LVMH", Barclays phân tích. Christian Dior Couture hiện có 198 cửa hàng tại 60 quốc gia. Doanh số cũng tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
LVMH cho biết sẽ đi vay để trả cho thương vụ mua Christian Dior Couture. Trong khi đó, gia đình Arnault đề nghị dùng cả tiền mặt và cổ phiếu Hermes để mua cổ phiếu Christian Dior. Christian Dior hiện cũng nắm 41% cổ phần LVMH và 100% Christian Dior Couture.
LVMH ước tính thương vụ này sẽ giúp tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) thêm 3% trong năm đầu sau sáp nhập. Thương vụ dự kiến hoàn tất trong nửa cuối năm nay.(VNexpress)
-------------------------------
Coca Cola sa thải 1.200 nhân viên vì ế ẩm
Doanh số của đại gia đồ uống liên tục lao dốc, khiến họ phải lên kế hoạch cắt giảm nhân sự để quay về quỹ đạo tăng trưởng.
Doanh số Coca-Cola đã giảm 11% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ 8 liên tiếp con số này đi xuống. Trong khi đó, lợi nhuận giảm 20%.Trong báo cáo lợi nhuận vừa công bố, Coca-Cola cho biết việc sa thải sẽ bắt đầu từ nửa cuối năm nay. Động thái này nằm trong kế hoạch cắt giảm chi phí, nhằm tiết kiệm 800 triệu USD mỗi năm. Dù vậy, so với số nhân viên hơn 100.000 trên toàn cầu, nhân lực bị cắt giảm chiếm tỷ lệ khá nhỏ.
CEO sắp nhậm chức của Coca-Cola - James Quincey cho biết các động thái này sẽ giúp tinh gọn công ty và tăng tính linh hoạt. Họ cũng đang trong quá trình tái nhượng quyền các cơ sở đóng chai tại Bắc Mỹ để tiết kiệm tiền bạc. Quincey hiện là COO của công ty, sẽ nhậm chức CEO ngày 1/5 thay ông Muhtar Kent.
Những năm gần đây, Coca-Cola đã gặp khó do người tiêu dùng quay lưng với đồ uống có đường. Kể cả các dòng sản phẩm không đường của hãng này cũng ngày càng ít được chuộng, do các rủi ro sức khỏe liên quan đến chất tạo ngọt nhân tạo. Đây là lý do chính khiến hãng phải chuyển hướng tập trung sang các loại đồ uống lành mạnh hơn, như nước đóng chai, sữa và các sản phẩm từ đậu nành.
Tuy nhiên, doanh số và cả giá cổ phiếu Coca-Cola đều thấp hơn đối thủ chính - Pepsi suốt vài năm qua. Nhiều người cho rằng Coca-Cola cần làm nhiều hơn nữa để mở rộng danh mục sản phẩm, như Pepsi.(VNE)