Bộ Tài chính bác đề xuất cho Taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5%; Hà Nội thành lập Tổ công tác đôn đốc các nguồn thu từ đất; Hàng nghìn tỷ đầu tư ngoài ngành của các công ty xổ số; Siêu đô thị mới của Trung Quốc cần hàng trăm triệu tấn thép
Tin kinh tế đọc nhanh 27-04-2017
- Cập nhật : 27/04/2017
Giá điện và áp lực đầu tư
Sức ép về vốn đầu tư nhằm mở rộng nguồn cung, đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế đang đè nặng lên vai ngành điện trong bối cảnh giá điện đứng yên suốt 2 năm qua, trong khi các chi phí đầu vào thay đổi. Đặc biệt, mức giá than mới được Chính phủ chấp thuận có thể khiến chi phí sản xuất điện năm 2017 tăng thêm 3.500 tỷ đồng.
Con số này tuy giảm 1.200 tỷ đồng so với tính toán theo mức giá than đưa ra ngày 24/12/2016, nhưng vẫn là gánh nặng không nhỏ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về mặt tài chính, nhất là khi giá than là một thông số quan trọng trong xây dựng giá điện.
Năm 2015, EVN đạt lợi nhuận 2.132 tỷ đồng và năm 2016, ước lãi 2.100 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, nếu EVN không đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường và có lãi ở mức chứng minh khả năng trả được nợ, thì sẽ khó có tổ chức tài chính nào cho EVN vay tiền đầu tư vào điện. Đầu năm nay, chính ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cũng cho hay, để đảm bảo năng lực tài chính, EVN chỉ có thể trông chờ vào 2 nguồn là giá điện và thu xếp vốn.
Có cải thiện giá điện, EVN mới trở thành đơn vị vững về tài chính và thu hút được vốn đầu tư tư nhân
Trông vào giá điện để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường, còn thu xếp vốn nhằm đảm bảo tăng trưởng nguồn điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế. Hiện EVN cần 5 - 6 tỷ USD (hơn 100.000 tỷ đồng) vốn đầu tư mỗi năm, trong đó có nhiều dự án nguồn và lưới điện quy mô vốn trên 10.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, gánh nặng cung cấp điện đang đè nặng lên vai EVN khi nhiều dự án điện bên ngoài bị chậm tiến độ. Đơn cử, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị từng được trông đợi là nhà đầu tư lớn thứ hai về nguồn điện, nhưng rất nhiều dự án lớn của PVN như Nhiệt điện Long Phú I (1.200 MW), Nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW), Nhiệt điện Thái Bình 2 (600 MW)... đã bị chậm tiến độ nhiều năm, gây căng thẳng trong cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam.
Đối với các dự án điện độc lập (IPP) hay dự án điện của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), thời gian hoàn tất đàm phán và tiến hành xây dựng nhà máy thường mất 7-8 năm, dù các bên tham gia rất muốn đẩy nhanh tiến độ.
Câu chuyện Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.200 MW được giao cho doanh nghiệp tư nhân (Tập đoàn Tân Tạo) đã khởi động cách đây 10 năm, nhưng hiện vẫn là số 0 là một ví dụ.
Trước thực tế này, ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam từng nhận xét, mấu chốt ở đây là giá điện. Có cải thiện giá điện, EVN mới trở thành đơn vị vững về tài chính và thu hút được vốn đầu tư tư nhân.
Thực trạng giá điện cũng được các chuyên gia nhìn nhận công bằng trong cuộc tọa đàm mới đây về tăng trưởng kinh tế do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Các chuyên gia kinh tế, trong đó có ông Trương Đình Tuyển, Võ Trí Thành... đã thẳng thắn cho rằng, việc giá điện bất động từ 2 năm nay đang làm méo mó thị trường. Hơn thế, việc trì hoãn tăng giá điện không có tác dụng rõ rệt trong khuyến khích tiết kiệm điện, mà giá điện thấp còn gây trở ngại cho quá trình mời gọi nhà đầu tư phát triển nguồn, lưới điện, đặc biệt là điện từ nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Trên góc độ khác, có thể thấy, kinh tế Việt Nam đang tiêu tốn nhiều năng lượng, do đó phải tái cơ cấu, đổi mới công nghệ để giảm tiêu thụ điện. Minh chứng là hệ số năng lượng đàn hồi của Việt Nam hiện ở mức 1,93 (tức để GDP tăng trưởng 1 thì cần tới 1,93 điện). Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, bởi ở các quốc gia phát triển, hệ số này chỉ xấp xỉ 1, thậm chí ở một số nước chỉ 0,5 - 0,8. Như vậy, hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam còn thấp, chưa tạo ra được giá trị kinh tế cao từ mỗi kWh điện tiêu thụ.
Sau lần điều chỉnh lần gần đây nhất (tháng 3/2015, với mức tăng 7,5% so với trước đó), đã 2 năm nay, giá điện đứng yên, trong khi các chi phí đầu vào như giá than, tỷ giá, thuế tài nguyên nước, môi trường... liên tục tăng. Tuy vậy, trong bối cảnh GDP trong quý I/2017 tăng thấp, lạm phát ở mức cao 4,96%, thì việc tìm sự đồng thuận để tăng giá điện là điều không dễ.
Như vậy, nếu không có những chính sách đột phá, ngành điện vẫn luẩn quẩn trong mối tơ vò giá điện – vốn đầu tư - lợi ích nền kinh tế - sự chỉ trích của dư luận xã hội. (baodautu)
----------------------------------------------------
3 tháng đầu năm, Petrolimex lãi 1.300 tỉ đồng
Tại đại hội cổ đông của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) diễn ra ngày 25-4, thông tin cho biết lợi nhuận quý 1-2017 của Petrolimex đạt 1.300 tỉ đồng.
Đây là thông tin do ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch tập đoàn, cho biết. Do tình hình kinh tế chưa thực sự hồi phục nên sản lượng kinh doanh nội địa trong quý 1 đạt 23% so với kế hoạch năm. Theo đó, lợi nhuận quý 1-2017 cao hơn quý 1-2016 khoảng 2% sau khi trừ khoản bất thường, đạt 1.300 tỉ đồng.
Ông Bảo cũng thông tin năm 2017 tập đoàn xây dựng mục tiêu sản lượng tăng trưởng hơn 3%, song lợi nhuận thấp hơn do những lợi thế cam kết không còn. Do vậy, nếu so với kế hoạch lợi nhuận trên cơ sở loại trừ các khoản bất thường phát sinh thì vẫn cao hơn 12% so với thực hiện năm 2016.
Petrolimex cũng đặt ra việc đầu tư vào các dự án lớn liên quan đến lọc dầu, khí tự nhiên và lĩnh vực năng lượng. Ông Bảo cho biết do đây là các lĩnh vực rủi ro cao, nên Petrolimex sẽ rất thận trọng trong việc tổ chức đầu tư.
“Việc phát hành, tăng vốn phải hội tụ đủ yêu cầu làm sao sử dụng đồng vốn hiệu quả để tối đa hóa quyền lợi của cổ đông trong trung hạn, dài hạn” - ông Bảo nói.
Năm 2016, doanh thu thuần hợp nhất đạt 123.096 tỉ đồng, giảm 16% do giá xăng dầu giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tập đoàn đạt 6.300 tỉ đồng, đạt mức cao nhất kể từ khi hoạt động.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tập đoàn đạt 5.147 tỉ đồng, lãi cơ bản trên một cổ phiếu đạt 4.254 đồng.
Mức cổ tức mà tập đoàn dự kiến chi trả cho cổ đông cao hơn mức dự kiến là 8% và năm 2017 là 12%. Năm 2016, tập đoàn đã phát hành thành công 8% cổ phần cho cổ đông chiến lược Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy. (Tuoitre)
--------------------------------
Thủ tướng yêu cầu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước”.
Theo đó, giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, đảm bảo giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo.
Nhiệm vụ cụ thể thực hiện Đề án là hệ thống hóa, rà soát, đơn giản hóa chế độ báo cáo. Cụ thể, hệ thống hóa toàn bộ các báo cáo, chế độ báo cáo theo ngành, lĩnh vực đang thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện, gồm: các báo cáo định kỳ thuộc các lĩnh vực quản lý của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện bằng văn bản (không bao gồm báo cáo thống kê, báo cáo đột xuất, báo cáo nói) thực hiện giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và báo cáo của các tổ chức, cá nhân gửi cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành.
Trên cơ sở Danh mục báo cáo, chế độ báo cáo đã được hệ thống hóa, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng, phê duyệt Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước theo các tiêu chí: sự cần thiết; tính pháp lý của báo cáo được thực hiện; tần suất báo cáo, kỳ báo cáo, thời điểm lấy số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo; trách nhiệm báo cáo, mức độ và sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện báo cáo; hình thức, nội dung báo cáo (rà soát, đánh giá cụ thể về tính rõ ràng, minh bạch, phù hợp… của hình thức, nội dung báo cáo); mẫu, biểu báo cáo (rà soát, đánh giá, kiến nghị cụ thể về mẫu đề cương báo cáo, biểu mẫu báo cáo…); khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình báo cáo.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phê duyệt Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo, trong đó, xác định cụ thể các báo cáo loại bỏ, hoặc đề nghị loại bỏ, lý do loại bỏ, đề nghị loại bỏ; các báo cáo tiếp tục duy trì thực hiện, hoặc đề nghị duy trì thực hiện, các báo cáo bổ sung thực hiện, hoặc đề nghị bổ sung thực hiện, lý do duy trì, đề nghị duy trì, bổ sung.
Nhiệm vụ cụ thể khác là xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Theo đó, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia được xây dựng, cài đặt tại Trung tâm dữ liệu của Văn phòng Chính phủ và kết nối với các Phân hệ phần mềm báo cáo tại các Bộ, ngành, địa phương; bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc xây dựng Phân hệ phần mềm báo cáo theo Kế hoạch và Hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Chính phủ xây dựng, ban hành Quy chế khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, xây dựng Nghị định quy định về chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất, hiệu quả cho hoạt động báo cáo, khắc phục tình trạng tùy tiện trong yêu cầu báo cáo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước.(baodautu)
--------------------------------------------
Dự án tỷ USD “ngấp nghé” vào Long An
Đã có những đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp (KCN) mới của Long An, trong đó, có dự án sản xuất kính thông minh có vốn đầu tư hàng tỷ USD.
Đề xuất mở thêm 8 KCN
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa ký văn bản số 1018/UBND - KT ngày 15/3/2017 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cho điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia để phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư.
.
Tỉnh Long An hiện có 28 KCN với diện tích hơn 10.216 ha, trong đó có 16 KCN đang hoạt động. Theo UBND tỉnh Long An, tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động đạt 67,33%. Trong đó, có một số KCN đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90% diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê, đủ điều kiện mở rộng, phát triển mới các KCN theo quy định của Chính phủ.
“Việc phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh ngày càng trở nên nhu cầu bức thiết và là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp”, tỉnh Long An nêu lý do việc đề xuất mở thêm các KCN. Theo đề xuất này, Long An sẽ có 8 KCN với tổng diện tích 1.748 ha, trong đó có 4 KCN mở rộng, 3 KCN thành lập mới và 1 chuyển đổi từ khu dân cư.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, tính đến cuối năm 2016, đã có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào địa phương này, với 772 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 772 dự án (tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 5,1 tỷ USD). Đến nay đã có 459 dự án đi vào hoạt động, chiếm gần 60% tổng số dự án đăng ký, tổng vốn thực hiện khoảng 3,1 tỷ USD, đạt hơn 58% so với tổng vốn đăng ký.
Vốn tỷ USD vào KCN mới
Tuy là địa phương dẫn đầu các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong thu hút vốn FDI và đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố của cả nước, tính đến năm 2016 (thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), nhưng đến nay, Long An vẫn chưa có dự án sản xuất có quy mô vốn hàng tỷ USD, nhất là của các tập đoàn, doanh nghiệp có chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trong 3 tháng đầu năm nay, đã có 22 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN tại tỉnh Long An, trong đó có 11 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 19,3 triệu USD. Ngoài ra, có có 6 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 16,7 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Hoàng Ân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo cho biết, trong số các KCN mới được tỉnh Long An đề xuất mở thêm, có KCN và Thành phố khoa học Tân Tạo (diện tích 200 ha) tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức. Qua công tác xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ, đã có những đề xuất ban đầu về việc sẽ triển khai dự án sản xuất kính thông minh theo công nghệ mới nhất vào KCN do Tân Tạo làm chủ đầu tư.
Cũng theo đại diện của Tân Tạo, các nhà khoa học và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã cơ bản thống nhất triển khai dự án sản xuất kính thông minh tại KCN và Thành phố khoa học Tân Tạo với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu hàng tỷ USD.
“Ngay sau khi được phê duyệt, Tập đoàn Tân Tạo sẽ tập trung với tiến độ cao nhất để sớm đưa KCN vào hoạt động”, ông Ân nói và cho biết, 99% sản phẩm kính thông minh được sản xuất tại KCN này sẽ được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu và toàn thế giới. (Baodautu)