ADB không đối đầu với AIIB; Sabeco đã thoái hết vốn tại Eximbank; Tài sản BIDV tiếp tục tăng 1,98%, vượt 1,026 triệu tỉ đồng; Tencent đạt mốc 300 tỉ USD
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-05-2017
- Cập nhật : 05/05/2017
Nhượng quyền thương hiệu 'Made in Vietnam' mới chỉ là khởi đầu
Trong 10 năm gần đây, đã có khoảng 200 thương hiệu nhượng quyền tại Việt Nam, đồng thời Việt Nam được dự đoán là thị trường tiềm năng của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, nhượng quyền thương hiệu là mô hình kinh doanh phát triển rất dễ nhưng cực khó để thực hiện, muốn thành công doanh nghiệp cần có chiến lược.
Đây là nhận định của các đại biểu tại hội thảo "Xây dựng quan hệ nhượng quyền bền vững, nền tảng thành công trong kinh doanh nhượng quyền" tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, ngày 4/5.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Retail & Franchise Asia, trong vài năm tới đây, hoạt động nhượng quyền sẽ ngày càng sôi động tại thị trường Việt Nam, tập trung chủ yếu vẫn ở đầu vào với sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế và khu vực vào thị trường Việt Nam với sức tiêu thụ của hơn 90 triệu dân.
Còn về khả năng xây dựng mô hình và thương hiệu nhượng quyền "Made in Vietnam" thì chỉ mới là khởi đầu.
Hiện nay, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp khởi nghiệp còn rất trẻ, thương hiệu rất mới nhưng đã nhận được lời đề nghị xin nhượng quyền thương hiệu.
Mặc dù đây là những tín hiệu tích cực đối với thương hiệu nhượng quyền "Made in Vietnam", nhưng các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng nội lực và hệ thống hỗ trợ vững mạnh, mới nên bắt đầu thực hiện nhượng quyền thương hiệu.
Chia sẻ về những thách thức khi thực hiện nhượng quyền thương hiệu, bà Lê Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần IQ Plus, đại diện thương hiệu Viva Star, cho biết, nếu giai đoạn đầu thực hiện nhượng quyền thương hiệu mà không có chiến lược và chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ gặp khó khăn khi đối tác nhận nhượng quyền thương hiệu can thiệp quá sâu vào quản lý, vận hành hệ thống thương hiệu.
Đơn cử như trong vấn đề thiết kế cửa hàng, nếu đơn vị nhận nhượng quyền thương hiệu đòi thay đổi, cải tiến quá nhiều sẽ dễ làm biến đổi nhận diện thương hiệu.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Liêm, chủ sở hữu thương hiệu LeeAndTee, cho rằng, không có quá trình chuẩn bị và một chiến lược phát triển rõ ràng, khi triển khai sẽ "mạnh ai nấy làm".
Đến khi tái cơ cấu lại tổ chức thương hiệu thì khó nhận được sự đồng thuận chung và các đối tác nhận nhượng quyền thương hiệu chưa sẵn sàng để thay đổi; trong đó, vấn đề dễ gây bất đồng giữa đơn vị nhượng quyền thương hiệu và đối tác nhượng quyền thương hiệu là chi phí quản lý diều hành, quảng bá thương hiệu...
Liên quan đến các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu, Luật sư Hồ Hữu Hoành, Công ty Luật Viet Franchise, cho biết, các thương hiệu nhượng quyền mới, thường bắt đầu các thương vụ nhượng quyền với tiêu chí không thu phí, hỗ trợ cơ sở vật chất... nhưng thương hiệu có giá trị thì bắt đầu thu phí.
Do đó, doanh nghiệp cần thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương hiệu với những quy định cụ thể, cần có chính sách phòng tránh rủi ro và ổn định trong xây dựng thương hiệu nhượng quyền.
Nền kinh tế thế giới có xu hướng từ kinh tế sản xuất dịch vụ chuyển sang kinh tế cho thuê, nên mô hình kinh doanh nhượng quyền được phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia; trong đó, thị trường nhượng quyền phát triển theo ba xu hướng gồm: cá nhân, cộng đồng và địa phương.
Còn tại Việt Nam, thống kê của Bộ Công Thương, cho thấy có nhiều thương hiệu quốc tế cũng như trong nước nhượng quyền thành công, điển hình có thể kể đến một số ngành hấp dẫn nhà đầu tư như bán lẻ, ẩm thực, nhà hàng - khách sạn, thực phẩm - đồ uống...
Trong đó, thị trường nhượng quyền thương hiệu trong ngành bán lẻ được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng 25%/năm, với sự gia nhập của các thương hiệu quốc tế và khu vực ASEAN; còn ngành ẩm thực sẽ đạt mức tăng trưởng chuỗi khoảng 15%/năm...(TTXVN)
---------------------------------------
Moody's nâng hạng 8 ngân hàng Việt Nam
Moody’s Investors Service (Moody’s) đã nâng hạng tín dụng dài hạn và tín dụng ngắn hạn của 8 ngân hàng tại Việt Nam lên B1 với đánh giá tích cực.
Đồng thời, Moody’s đã thay đổi triển vọng của tín dụng với đồng nội tệ và trái phiếu phát hành bằng đồng nội và ngoại tệ của các tổ chức tài chính này từ “tích cực” sang “ổn định”.
Động thái này diễn ra sau khi Moody’s công bố thay đổi xếp hạng lên B1 đối với trái phiếu chính phủ do Việt Nam phát hành, đồng thời đánh giá lại triển vọng kinh tế từ “tích cực” sang “ổn định” vào ngày 28/4/2017.
Các nhà băng được đánh giá lại bao gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ABBank, ACB, MBBank, VIB và Techcombank.
Xếp hạng tín dụng cơ sở (baseline credit assetment – BSA) của 8 ngân hàng không được xét đến trong lần xem xét lại này của Moody’s.
Bên cạnh đó, xếp hạng tín nhiệm của 7 ngân hàng khác tại Việt Nam không có sự thay đổi khi Moody’s đánh giá lại thứ bậc xếp hạng và triển vọng kinh tế Việt Nam. 7 ngân hàng đó bao gồm: HDBank (B2 - ổn định); SHB (B2 - ổn định); Sacombank (B3 – tiêu cực); TPBank (B2 - ổn định); Maritime Bank (B3 – tích cực); VPBank (B3 - ổn định); OCB (B2 - ổn định).
Theo công bố của Moody’s, lý do căn bản để đánh giá lại xếp hạng tín dụng của 8 ngân hàng Việt Nam là sự thay đổi về xếp hạng trái phiếu chính phủ do Việt Nam phát hạng và triển vọng kinh tế từ “tích cực” sang “ổn định” đã được Công ty thực hiện ngày 28/4 vừa qua.
Trong đó, xếp hạng của trái phiếu do Việt Nam phát hành được nâng lên B1 là nguyên nhân chính khiến Moody’s đánh giá lại thứ bậc tín dụng và trái phiếu do các ngân hàng kể trên phát hành, bởi mức độ mạnh hơn của tín dụng quốc gia ảnh hưởng tích cực tới việc cung cấp các biện pháp hỗ trợ nhà băng trong thời gian chịu nhiều áp lực.
Cùng với đó, việc Moody’s đánh giá triển vọng từ “tích cực” sang “ổn định” là tín hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam có khả năng cao hơn trong việc cung cấp các hỗ trợ cho nhà băng.(TNCK)
-----------------------------------
TPP 2.0" có thể chỉ có 5 thành viên tham gia
Nhật, Úc, New Zealand, Singapore, Brunei là những nước đang sốt sắng với TPP nhất.
Một ý tưởng mới vừa xuất hiện, theo đó Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể có hiệu lực trước với ít nhất 5 quốc gia, theo các nguồn tin có tham gia đàm phán cho biết vào ngày thứ Tư 3/5.
Trong cuộc họp 2 ngày vừa kết thúc của đại diện 11 nước tham gia TPP (trừ Mỹ), Nhật Bản vẫn bảo lưu quan điểm tiếp tục duy trì TPP dù không có Mỹ bằng cách chỉnh sửa lại chút ít bản thỏa thuận ban đầu.
Nhưng một số quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam và Malaysia, vốn từng hy vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, được cho là không hào hứng với một TPP mà không có Mỹ.
Chile và Peru cũng có cùng quan điểm với Việt Nam, theo các nguồn tin cho biết. Canada và Mexico thì cũng không hứa hẹn gì nhiều vì họ đang chuẩn bị đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ.
Nếu những khác biệt giữa 11 quốc gia không được khỏa lấp, giải pháp TPP gồm ít nhất 5 quốc gia có thể được tính đến, với các thành viên là Singapore, Brunei, Nhật Bản, New Zealand và Úc.
Tokyo cũng đã từng bày tỏ sự miễn cưỡng với một TPP không có Mỹ, do các nhà xuất khẩu lớn của Nhật Bản, chẳng hạn như ngành ô tô, đều xem Mỹ là thị trường tối quan trọng.
Nhưng trong bối cảnh tự do thương mại đang bị đe dọa với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, nội bộ chính phủ Nhật đã có nhiều lời kêu gọi rằng nước này nên giữ vai trò tiên phong cho TPP.
Nhà đàm phán chính của Nhật Bản là Thứ tưởng Thương mại Keiichi Katakami nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng ông kêu gọi sự đoàn kết giữa 11 nước trong việc xây dựng kế hoạch tương lai cho TPP.
Ông cũng nói rằng các đại biểu tham dự đồng ý tiếp tục thảo luận về tính khả thi của TPP, mặc dù ông thừa nhận rằng vẫn tồn tại những quan điểm khác nhau giữa các đại biểu.
Ông Katakami nói rằng: "Có một qaun điểm chung là 11 quốc gia chúng ta nên tiến lên phía trước để tạo động lực mới cho TPP",
Các cuộc đàm phán đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra khi các bộ trưởng thương mại của các nước nhóm họp vào cuối tháng này. Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được thoả thuận mới vào giữa tháng 11 khi hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Việt Nam.
TPP đã được ký kết vào tháng 2/2016 bởi Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này cùng nhau chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.
Theo các quy định hiện hành, việc thực thi TPP đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của các quốc gia chiếm 85% GDP của khối. Thỏa thuận này sau đó đã bị coi như không hiệu lực khi Hoa Kỳ rút lui vì nước này chiếm trên 60% GDP của khối.(NCĐT)
---------------------------------
IFC đầu tư 230 tỷ đồng vào PAN Farm
IFC đầu tư vào PAN Farm nhằm hỗ trợ mở rộng hoạt động sản xuất giống cây trồng và phát triển các lĩnh vực mới như sản xuất hoa và rau quả.
Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), cho biết đã đầu tư 230 tỷ đồng (tương đương khoảng 10,2 triệu USD) vào CTCP PAN Farm. Khoản đầu tư này nhằm hỗ trợ PAN Farm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng hiện tại cũng như phát triển sang các lĩnh vực mới như sản xuất hoa, rau và quả đạt chất lượng xuất khẩu.
PAN Farm là công ty con mới thành lập của CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group - mã PAN), tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam. Đây là khoản đầu tư thứ hai của IFC hỗ trợ tập đoàn này trong vai trò một đối tác dài hạn.
"Việc huy động vốn thành công của PAN Farm thể hiện sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài tới tiềm năng của khu vực nông nghiệp Việt Nam nói chung và của PAN Farm nói riêng", bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PAN Farm nói.
Khoản đầu tư cổ phần của IFC chiếm khoảng 10,4% vốn chủ sở hữu của PAN Farm, giúp công ty mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hạt giống thông qua công ty con là CTCP Giống Cây trồng Trung ương (Vinaseed - mã NSC), nhà sản xuất và phân phối giống cây trồng lớn nhất Việt Nam.
Theo IFC, Vinaseed hiện nắm 19% thị phần giống lúa và 60% thị phần giống ngô trắng. Doanh thu từ hạt giống được cấp patent chiếm khoảng 49% doanh thu hợp nhất của công ty năm 2016 và dự kiến sẽ tăng lên 82% vào năm 2020.
Khoản đầu tư của IFC cũng sẽ hỗ trợ lĩnh vực sản xuất hoa và rau quả mới của PAN Farm thông qua công ty con, CTCP PAN-SALADBOWL, và các liên doanh khác sẽ được thành lập trong tương lai. PAN-SALADBOWL trồng hoa để xuất khẩu sang Nhật Bản và đang từng bước gia nhập thị trường rau quả ở Việt Nam, tận dụng chuyên môn của đối tác Nhật Bản về canh tác nhà kính.
Cùng với khoản đầu tư tài chính, IFC cũng sẽ tư vấn hỗ trợ PAN Farm và các công ty con áp dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất trong an toàn thực phẩm và quản lý các tác động xã hội và môi trường, thông báo phát ra cho biết.
Trong những năm gần đây, IFC đã thúc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Riêng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2016, tổng đầu tư mới của IFC trên toàn chuỗi cung ứng nông nghiệp đạt 3,4 tỷ USD. Vào cuối năm tài chính, tổng danh mục đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của IFC đạt 5,6 tỷ USD.(NCĐT)