TP.HCM muốn đón 1,5 triệu khách Trung Quốc; Mía rớt giá, sắn 'lên ngôi'Dưa hấu ở Quảng Trị được mùa, được giá; 4 tháng, Chính phủ trả nợ hơn 76.000 tỉ
Tin kinh tế đọc nhanh 10-02-2018
- Cập nhật : 10/02/2018
Siết giải ngân vốn vay bằng tiền mặt
Theo Thông tư 21 thay thế Thông tư số 9 quy định về phương thức giải ngân vốn vay của ngân hàng, việc giải ngân vốn vay bằng tiền mặt sẽ bị siết chặt nhằm giám sát sử dụng vốn đúng mục đích.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng phải sử dụng dịch vụ thanh toán, không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay.
Trong trường hợp khách hàng thanh toán cho bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị không vượt quá 100 triệu đồng thì ngân hàng sẽ được xem xét giải ngân cho vay bằng tiền mặt.
Theo các chuyên gia, việc siết chặt giải ngân vốn vay bằng tiền mặt là nhằm giám sát mục đích sử dụng vốn.
Nếu giải ngân bằng tiền mặt thì sau khi giải ngân, cán bộ phải thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng để đánh giá tính chính xác về các mục đích vay vốn. Phương pháp phổ biến là yêu cầu khách hàng phải trình đầy đủ các chứng từ về số tiền đã sử dụng.
Nếu khách hàng sử dụng không đúng như mục đích kê khai ban đầu thì việc xử lý của ngân hàng ở thế "sự đã rồi", bị phụ thuộc thái độ hợp tác và nguồn thu nhập trong tương lai của khách hàng, rất dễ xảy ra rủi ro.
Trong khi đó nếu giải ngân vốn tín dụng qua tài khoản thì việc sử dụng vốn đã được kiểm soát ngay từ đầu.
Khách hàng không thể lợi dụng việc vay vốn để đảo nợ từ nơi này sang nơi khác, từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, từ khế ước này sang khế ước khác dẫn đến việc phát sinh nợ xấu, nợ mất khả năng thanh toán như đã từng xảy ra trước đây.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 2-4 tới.(Tuoitre)
-------------------------------
Mỗi năm bất động sản hút 2,5 tỷ USD từ Việt kiều
Cuối năm luôn là dịp thuận lợi cho việc mua bán bất động sản. Lý do có thể rất đa dạng như: đây là thời điểm người dân có thêm nhiều thu nhập dồn về, tâm lý “năm mới nhà mới” và đặc biệt hơn là dòng kiều hối về nước.
Bà Sunny Hoàng Hà – Phó Giám đốc bộ phận Kinh doanh Quốc tế, Savills TP.HCM cho biết, theo kinh nghiệm làm việc của bộ phận kinh doanh quốc tế Savills, tại TP.HCM nói riêng, kiều hối được đánh giá là một nguồn lực quan trọng. Ước tính từ các con số thống kê ngân hàng cho thấy, lượng kiều hối về TP.HCM đạt khoảng 5,2 tỷ USD trong năm 2017, tăng xấp xỉ 4,5% so với năm ngoái.
Xét về bản chất, kiều hối có thể được xem như nguồn vốn một chiều với nhiều lợi thế đầu tư tự do, trong khi xét về quy mô, kiều hối hoàn toàn được kỳ vọng lớn tương đương FDI nhờ vào số lượng xấp xỉ 4,5 triệu kiều bào - tương đương gần 5% dân số.
Cũng theo ghi nhận của ngành ngân hàng, tỷ lệ kiều hối đổ vào bất động sản vào khoảng 21-22%, chỉ đứng sau lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Như vậy, với sự ổn định của dòng tiền này trong những năm qua vào khoảng 11-12 tỷ USD mỗi năm, thì mỗi năm bất động sản hút dòng tiền này vào khoảng 2,5 tỷ USD.
Theo nhận định của bà Sunny Hoàng Hà, năm 2018, cơ hội và điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam của đối tượng khách hàng đặc biệt này được đánh giá khả quan, dưới tác động của nhiều yếu tố từ kinh tế đến xã hội.
Theo bà Hà, một yếu tố khác đầy hứa hẹn cho đối tượng Việt kiều với vai trò khách hàng ở thị trường BĐS chính là khung pháp lý được nới rộng, và điều này tạo thêm nhiều ưu thế lẫn niềm tin. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia dù thị trường BĐS phục vụ đối tượng này được cho là rất hấp dẫn do nhu cầu cao nhưng sản phẩm BĐS để phục vụ cho đối tượng này còn khá hạn chế.
Với cộng đồng hàng triệu người Việt sinh sống tại Mỹ, Châu Âu hoặc các quốc gia châu Á lân cận, cùng những nhu cầu như an cư khi về hưu, sinh sống, làm việc hay đầu tư về Việt Nam, phân khúc này được nhận định là lớn khi thu nhập của đối tượng này tương đối cao.
Theo bà Hà, xét đến thời điểm hiện tại, thị trường BĐS Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi cho khách hàng, đơn cử như sự đa dạng từ các sản phẩm cũng như những ưu đãi về giá cả, chương trình chăm sóc khách hàng hợp lý từ các chủ đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh.
Bên cạnh sự lựa chọn phong phú, yếu tố kinh tế vĩ mô tăng trưởng, tình hình an ninh được đảm bảo phần nào đóng góp vào quyết định đầu tư. Thêm vào đó, từ khi nhà nước mở rộng chính sách cho Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam, tỷ lệ Việt kiều sở hữu nhà ở trong nước ngày càng tăng cao, dù vẫn còn những hạn chế trong thủ tục cũng như những vấn đề pháp lý cần được bổ sung.(bizlive)
------------------------------------
Mỹ thăm dò ký hiệp định thương mại song phương với Việt Nam
Mỹ đang có chủ trương thăm dò tiến tới một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam nhưng hiện Việt Nam vẫn tập trung cho Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đưa ra tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 của Bộ Công Thương.
Ông Ngọc cho biết gần đây Mỹ đang có hướng thăm dò và chủ trương thúc đẩy để tiến tới đàm phán, ký kết hiệp định thương mại song phương với Việt Nam. Tuy nhiên, chủ trương của ta hiện nay là tập trung cho việc hoàn tất đàm phán, ký kết CPTPP.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đến nay cũng chưa rõ ý định của Mỹ sau khi rút khỏi TPP và tiến tới việc đàm phán song phương với Việt Nam.
Trường hợp nếu tiến tới đàm phán song phương với Mỹ, ông Khánh cho rằng cần phải có tham vấn doanh nghiệp.
"Cá nhân tôi chưa biết thông tin đó và chưa có tiếp cận nào với doanh nghiệp. Nếu có đàm phán song phương thì buộc phải tham vấn trước khi bước vào đàm phán, tức là phải xin ý kiến doanh nghiệp và các bên, tham vấn rõ ràng về mục tiêu đàm phán, phương thức đàm phán" - ông Khánh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng mặc dù Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyến bố có thể quay lại với TPP nhưng điều này "rất khó xảy ra".
Cũng bởi quan điểm của ông Trump vẫn đặt quyền lợi "nước Mỹ lên trên hết" nên các hiệp định đa phương khó có thể đáp ứng được yêu cầu này của Tổng thống Mỹ.
"Với Việt Nam chắc chắn ông Trump không thể chấp nhận chuyện tồn tại doanh nghiệp nhà nước, nhà nước đứng đằng sau mà sẽ phải yêu cầu cổ phần hóa, tư nhân hóa. Nếu đàm phán đa phương thì rất khó để "mặc cả" theo từng vụ được, như hiện nay Việt Nam đang xuất siêu vào Mỹ thì Việt Nam phải mua cái gì để cân bằng thương mại" - ông Sơn phân tích.
Hoặc để thu hút được vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam, cũng cần phải có chính sách mở cửa thị trường đầu tư mang lại lợi ích hơn cho Mỹ. Những tiêu chuẩn xuất khẩu hàng vào Mỹ cũng khắt khe, ngặt nghèo hơn như yêu cầu về môi trường, lao động, nghiệp đoàn, hoặc những rào cản mới đặt ra về chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Do đó, ông Sơn ủng hộ quan điểm cần xây dựng mối quan hệ thương mại song phương với Mỹ, tiến tới đám phán ký hiệp ước hợp tác song phương.
Trong mối quan hệ thương mại thế giới hiện nay, các đối tác quan trọng nhất vẫn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, nên việc xây dựng hiệp định thương mại song phương với các nước này sẽ giúp Việt Nam nắm chắc mối quan hệ kinh tế với nước lớn.(Tuoitre)
-----------------------------
Hà Nội nêu tên 140 DN nợ thuế phí, tiền thuê đất gần 285 tỷ đồng, nhiều DN chưa trả nợ cũ
Cục thuế TP Hà Nội vừa công khai danh sách 140 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất đợt 2/2018 với tổng số tiền nợ gần 285 tỷ đồng.
Trong danh sách này, có 1 doanh nghiệp nợ hơn 1,8 tỷ đồng tiền thuê đất và 139 doanh nghiệp nợ 282,914 tỷ đồng tiền thuế, phí. Trong số 139 doanh nghiệp nợ tiền thuế phí này có 11 doanh nghiệp bị nêu tên công khai lại với số nợ 226,8 tỷ đồng và 128 doanh nghiệp công khai lần đầu với số nợ 56,1 tỷ đồng.
Đơn vị duy nhất nợ tiền thuê đất với số tiền nợ là 1,8 tỷ đồng là Công ty CP Quan Đô (Phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Hai doanh nghiệp có số nợ thuế, phí nhiều nhất là Công ty CP Lắp máy Điện nước và Xây dựng 2 và Công ty CP Xây dựng nền móng Jikon, cùng nợ hơn 34 tỷ đồng. Tiếp đó là Công ty CP Xây dựng số 6 Thăng Long nợ hơn 29 tỷ đồng. Đứng thứ 4 là Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông và Thương mại 124 nợ hơn 27 tỷ đồng.
Trong danh sách này có tới 8 doanh nghiệp nợ hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, có không ít doanh nghiệp có tiếng như , Công ty cổ phần xây dựng Công trình giao thông 872 (hơn 17,7 tỷ đồng), Công Ty Cổ Phần Sông Đà 207 (nợ hơn 16,6 tỷ đồng), Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Và Phát Triển Giao Thông Việt Nam (hơn 12,5 tỷ đồng).(Vitnambiz)