Đường đua thị phần tín dụng tiêu dùng ngày càng khốc liệt; Việt Nam thu 8,6 tỷ USD từ nhận gia công, lắp ráp hàng hoá cho nước ngoài; Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, tăng trưởng của Việt Nam 2018 sẽ bị tác động như thế nào?
Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-09-2018
- Cập nhật : 18/09/2018
Nhiều nước đang dè chừng các vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc
Năm nay, Mỹ đã trở nên thận trọng hơn với vốn đầu tư từ Trung Quốc, thể hiện qua việc chính quyền Tổng thống Donald Trump chặn hàng loạt vụ thâu tóm mà bên mua là doanh nghiệp Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump ký đạo luật gia tăng quyền lực cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) - Ảnh: AP/SCMP.
Trong bối cảnh đó, nhiều người cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ tìm được cơ hội đầu tư ở nơi khác. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), mấy tháng gần đây, một loạt quốc gia gồm Đức, Pháp, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Nhật Bản và Canada đã tham gia vào một làn sóng phản kháng toàn cầu chưa từng có tiền lệ nhằm vào các thương vụ thâu tóm của các công ty Trung Quốc. Lý do mà các nước này đưa ra, cũng tương tự như những gì Mỹ vẫn nói, là lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.
Gần đây nhất, vào tháng 8, Chính phủ Đức lần đầu tiên chặn một vụ thâu tóm của Trung Quốc ở nước này. Đó là vụ công ty sản xuất thiết bị hạt nhân Yantai Taihai của Trung Quốc chào mua Leifeld Metal Spinning, một công ty Đức chuyên sản xuất các thiết bị hàng không vũ trụ và hạt nhân.
Hồi tháng 5, Canada chặn vụ công ty China Communications Construction mua lại công ty xây dựng Aecon.
Kết quả là, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc trên toàn cầu lần đầu tiên giảm từ năm 2002, còn 124,6 tỷ USD, từ mức đỉnh 196,15 tỷ USD vào năm 2016 - theo dữ liệu từ Cơ quan Thương mại và Phát triển thuộc Liên hiệp quốc.
Ông Jeremy Zucker, người đứng đầu mảng luật thương mại quốc tế thuộc công ty luật Dechert ở Washington, cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới việc nhiều quốc gia trở nên dè chừng với các vụ thâu tóm trong ngành công nghệ do doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành là việc Bắc Kinh quyết tâm giành vị thế dẫn đầu thế giới về công nghệ cao sau 7 năm nữa. Quyết tâm này được thể hiện trong chiến lược "Made in China 2025" ("Sản xuất tại Trung Quốc 2025").
"Khi thế giới phương Tây nghe về điều này, họ cảm thấy đó như một lời tuyên chiến", ông Zucker nói.
Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2017, Tổng thống Trump liên tục miêu tả Trung Quốc là một đối tác không bình đẳng trong thương mại. Năm nay, chính quyền ông Trump đã chặn số vụ thâu tóm của các công ty Trung Quốc với tổng trị giá hàng trăm tỷ USD, tất cả đều vì lý do an ninh quốc gia.
Trong số này có vụ công ty HNA của Trung Quốc chào mua quỹ đầu cơ Skybridge Capital; vụ một công ty đầu tư Trung Quốc định mua công ty sản xuất chất bán dẫn Xcerra của Mỹ với giá 580 triệu USD; và vụ Broadcom chào mua hãng sản xuất con chip Qualcomm với giá 117 tỷ USD.
Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ vì thế sụt giảm chóng mặt. Trong 6 tháng đầu năm, các công ty Trung Quốc chỉ rót được 1,8 tỷ USD vào Mỹ, giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong 7 năm - theo công ty tư vấn Rhodium Group.
Tháng trước, ông Trump còn ký một đạo luật gia tăng quyền lực cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Theo đó, ủy ban này có quyền lực lớn hơn trong việc rà soát các thương vụ đầu tư nước ngoài trên cơ sở an ninh quốc gia.
Từ Canada đến Mexico và EU, các quốc gia này đều đang có mâu thuẫn với chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, các quốc gia này đang có chung quan điểm với Mỹ về điều mà họ cho là nguy cơ từ Trung Quốc, cho rằng các thương vụ thâu tóm do các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện có thể dẫn tới việc đánh cắp công nghệ và tiếp cận với nguồn dữ liệu nhạy cảm có thể dẫn tới rủi ro đối với an ninh quốc gia.
Đức hiện đã bắt đầu soạn thảo một dự luật nhằm hạn chế các vụ thâu tóm như vậy. Berlin trở nên lo ngại sau một loạt vụ thâu tóm đình đám của các công ty Trung Quốc ở Đức trong những năm gần đây, trong đó có vụ công ty Midea của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất robot Đức Kuka với giá 5 tỷ USD vào năm 2016.
Năm 2017, Đức đã cùng với Pháp và Italy kêu gọi thiết lập một cơ chế toàn châu Âu nhằm rà soát kỹ lưỡng hơn các vụ thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài.
Về phần mình, nước Anh từng là một trong những quốc gia mở rộng cửa nhất cho vốn đầu tư Trung Quốc dưới thời Thủ tướng David Cameron. Nhưng giờ đây, London đã đi theo Đức và Pháp trong việc hạn chế các vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc. Cơ quan giám sát đầu tư nước ngoài của Anh giờ đây cũng đã trở thành một cơ quan độc lập, thay vì trực thuộc như trước.
Hồi tháng 7, Anh công bố một cuốn Sách trắng An ninh quốc gia và đầu tư nhằm tăng cường quyền lực của Chính phủ trong việc chặn nước ngoài thâu tóm tài sản Anh được cho là nhạy cảm về an ninh quốc gia. Theo đề xuất mới, Chính phủ Anh dự kiến sẽ rà soát tới 50 thương vụ thâu tóm của nước ngoài trên đất Anh mỗi năm vì lý do an ninh quốc gia. Trong 2 năm qua, mỗi năm Chính phủ Anh chỉ rà soát một thương vụ như thế.
Tháng 4, một cơ quan chức năng của Anh yêu cầu các cơ quan chính phủ nước này không có thêm bất kỳ giao dịch kinh doanh nào với hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE. Động thái này của Anh diễn ra cùng lúc Mỹ cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm cho ZTE trong 7 năm. Hiện Mỹ đã gỡ lệnh trừng phạt này đối với ZTE, nhưng chưa có dấu hiệu gì cho thấy London sẽ thay đổi lập trường. (Vneconomy)
-----------------
Nga có thể ngưng dùng đồng USD trong vòng 5 năm tới
Chủ tịch Ủy ban Thị trường tài chính thuộc Hạ viện Nga - Anatoly Aksakov tuyên bố ủng hộ kế hoạch ngừng hoàn toàn việc sử dụng đồng USD.
Chủ tịch Ủy ban Thị trường tài chính thuộc Hạ viện Nga - Anatoly Aksakov tuyên bố ủng hộ kế hoạch ngừng hoàn toàn việc sử dụng đồng USD. Nếu kế hoạch này được triển khai, đồng USD có thể bị "xóa sổ" ở Nga trong vòng 3 - 5 năm tới.
Ông Anatoly Aksakov cho rằng, giải pháp này giúp toàn bộ hệ thống tài chính của Nga độc lập với các tác động từ bên ngoài.
Trao đổi với hãng tin RIA Novosti, Chủ tịch Ủy ban Thị trường tài chính thuộc Hạ viện Nga lưu ý: Các quốc gia phương Tây sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Nga trong tương lai gần, thay vào đó, rất có thể sẽ áp lệnh trừng phạt mới, thậm chí còn hà khắc hơn.
Ông Anatoly Aksakov cho hay, với điều kiện chính trị hiện nay, hạ giá đồng USD đang trở thành một xu hướng toàn cầu, và sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga có thể sẽ chấm dứt trong thời gian khá ngắn, chỉ từ 3-5 năm.
Tuyên bố của ông Anatoly Aksakov được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Ngân hàng VTB - Andrey Kostin đề xuất loại bỏ đồng USD khỏi mọi giao dịch ở Nga.(VOV)
----------------------------
Trung Quốc tiếp tục rót tiền cho Venezuela để đổi lấy dầu
Tổng thống Nicolas Maduro cho biết Trung Quốc đã cam kết rót vốn cho ngành công nghiệp khai thác dầu của Venezuela.
Tổng thống Maduro xác nhận trên truyền hình quốc gia rằng "có một số khoản cam kết tài chính để thúc đẩy việc sản xuất dầu và vàng cũng như việc đầu tư vào 500 dự án phát triển ở Venezuela", theo AFP.
Tổng thống Venezuela bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hôm 14/9 với hy vọng có thể thuyết phục Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng của quốc gia này.
Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã đổ hơn 50 tỷ USD vào Venezuela thông qua các thỏa thuận cho vay để đổi lấy dầu nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế phát triển nhanh, đồng thời củng cố một đồng minh tại Nam Mỹ.
Tuy nhiên, nguồn tiền trên bị ngừng lại vào hơn ba năm trước, khi Venezuela đề nghị thay đổi các điều khoản trả nợ vì giá dầu lao dốc và tình trạng suy giảm sản lượng khai thác dầu thô.
Hiện Venezuela nợ Trung Quốc 20 tỷ USD và đang hoàn trả bằng các chuyến dầu thô. Theo công ty tư vấn Ecoanalitica của Venezuela, ông Maduro, sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể quay trở về với khoản vay 5 tỷ và được gia hạn thêm 6 tháng để đáo hạn nợ. Tổng thống Maduro chưa xác minh khoản vay mới này.
Giới truyền thông Trung Quốc cho biết trong cuộc họp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Maduro cảm ơn Trung Quốc về sự cảm thông và hỗ trợ lâu dài. Ông Tập nói hai nước nên thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi và đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, đồng thời củng cố niềm tin lẫn nhau về chính trị. Hai bên cũng ký bản ghi nhớ về năng lượng và khai thác mỏ, theo ông Maduro, trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ.
Sản lượng khai thác dầu, chiếm tới 96% nguồn thu ngân sách của Venezuela, giảm xuống chỉ còn 1,4 triệu thùng một ngày hồi tháng 8, mức thấp nhất trong 30 năm qua, theo số liệu của OPEC.
Từng là quốc gia giàu có bậc nhất ở khu vực Nam Mỹ, Venezuela đang ở bờ vực sụp đổ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Venezuela đã giảm hơn 40% kể từ năm 2013. Chính phủ Venezuela đã công bố một loạt các biện pháp bao gồm phá giá tiền tệ, xóa bỏ năm số 0 khỏi giá trị của đồng Bolivar và nâng mức lương tối thiểu lên 3.500%.
Hơn 1,6 triệu người dân Venezuela đã tháo chạy khỏi đất nước từ năm 2015 để thoát khỏi tình cảnh thiếu lương thực và thuốc men.(Vnexpress)