Ford Việt Nam dự kiến nộp ngân sách 2.000 tỷ đồng
Cung tăng làm giá căn hộ ở Đà Nẵng giảm
Cưỡng chế doanh nghiệp FDI nợ thuế
Thêm nguồn vốn vay ODA cho lĩnh vực truyền tải điện
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng ổn định
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-09-2015
- Cập nhật : 13/09/2015
Hơn 85% doanh nghiệp dệt may có đơn hàng quý 4-2015
Phần lớn doanh nghiệp thuộc Hội Dệt may thêu đan TP.HCM đã đạt được thỏa thuận năng lực cung ứng cho đối tác nước ngoài với các hợp đồng thực hiện trong quý 4-2015.
Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek) - cho biết 80-85% doanh nghiệp trong Agtek ký được hợp đồng xuất khẩu cho quý cuối cùng của năm, đồng thời tiến hành đàm phán năng lực cung ứng sản xuất cho mùa hàng 2016 sắp tới.
“Các nhà đặt hàng vẫn chưa đặt vấn đề gì với tỉ giá mà VN vừa điều chỉnh gần đây. Họ vẫn chấp nhận mức giá như đầu năm 2015 đến nay, trong đó đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ có phần nhỉnh hơn đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu”, ông Hồng thông tin.
Cũng theo ông Hồng, các thông tin do nhà đặt hàng cung cấp cho thấy sức mua tại thị trường EU vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn.
Một số doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu lớn hàng dệt may sang thị trường đã xác nhận thông tin này, nhưng từ chối đưa ra mức sụt giảm cụ thể do e ngại ảnh hưởng về mặt đàm phán giá cho các hợp đồng sắp tới.
Đến cuối tháng 8-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của toàn ngành ước đạt 15 tỉ USD, tăng 10,95% so với cùng kỳ năm ngoái, và đang chạy nước rút để đạt mục tiêu xuất khẩu 28-28,5 tỉ USD cho cả năm 2015.
Ximăng bán trong nước đắt hơn ximăng xuất khẩu
Nếu so với giá xuất khẩu ximăng trung bình 54,28 USD/tấn, giá bán ximăng trong nước, đặc biệt ở khu vực phía Nam, đang cao hơn ít nhất 300.000-400.000 đồng/tấn.
Theo Hiệp hội Ximăng VN (VNCA), hiện giá bán ximăng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung dao động từ 1,05-1,55 triệu đồng/tấn, trong khi giá tại miền Nam cao hơn, trung bình 1,46- 1,85 triệu đồng/tấn (tùy thương hiệu).
VNCA cũng ghi nhận dù chỉ tiêu thụ khoảng 4,6 triệu tấn ximăng trong tháng 8-2015 (giảm khoảng 300.000 tấn so với tháng trước) nhưng phần lớn doanh nghiệp sản xuất ximăng cho biết tỉ lệ tiêu thụ giảm vẫn ở mức “lý tưởng” so với sự trì trệ, kinh doanh yếu kém của cùng kỳ năm ngoái.
Sau tám tháng đầu năm 2015, tổng lượng ximăng tiêu thụ ước xấp xỉ 35,3 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014.
Lượng ximăng tồn kho cũng không đáng ngại bởi các doanh nghiệp sản xuất chủ động tiết giảm lượng sản xuất ximăng trong tháng 8-2015 vì thời tiết không thuận lợi cũng như thói quen xây dựng “kiêng kỵ” xây cất vào tháng 7 âm lịch.
Doanh nghiệp Ý mở rộng đầu tư tại Bình Dương
Ngày 11-9, đại sứ Ý tại Việt Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cùng dự lễ khai trương văn phòng hỗ trợ đầu tư vùng Emilia Romagna (Ý) tại Bình Dương.
Đây là văn phòng đại diện đầu tiên của cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư của vùng Emilia Romagna tại Việt Nam, có chức năng tạo cầu nối hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước và xúc tiến để các doanh nghiệp Ý đầu tư vào Bình Dương.
Cùng ngày, tại UBND tỉnh Bình Dương diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh) với vùng Emilia Romagna, Tập đoàn Bonfiglioli và Trường ĐH Unimore (Ý). Nội dung ghi nhớ nhằm hợp tác về kinh tế, khoa học kỹ thuật và giáo dục giữa các bên.
Đại sứ quán Ý tại Việt Nam cho biết vùng Emilia Romagna là một vùng kinh tế năng động với nhiều doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo của Ý.
Thông qua việc mở văn phòng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của vùng tại Bình Dương và ký kết hợp tác sẽ mở thêm cơ hội, tạo “làn sóng” đầu tư của các doanh nghiệp Ý vào Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.
Trục lợi gói 30.000 tỉ: Thanh tra giám sát ngân hàng vào cuộc
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục 2) sẽ vào cuộc thanh tra việc trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng
Dự kiến thanh tra việc trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng thực hiện từ tháng 9-2015 với các chi nhánh ngân hàng triển khai gói hỗ trợ này sau khi thu thập một số thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước TP.HCM.
Trước đó, sau khi Tuổi Trẻ phản ánh về hiện tượng trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng, các ngân hàng liên quan đã báo cáo một số nội dung có liên quan.
Theo VietinBank chi nhánh Bắc Sài Gòn, toàn bộ hồ sơ cấp tín dụng chỉ có một hợp đồng mua bán công chứng chứ không có giấy tờ khác về việc thu thêm tiền, do đó không có sự trục lợi.
BIDV chi nhánh 3-2 cho rằng thông tin ép khách hàng mua bảo hiểm chỉ là “sự hiểu nhầm trong quá trình trao đổi”. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, đây chỉ là giải trình từ một phía.
Doanh nghiệp Nhật nhắm dệt may VN sau TPP
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tám tháng đầu năm nhà đầu tư Nhật Bản có 279 dự án cấp mới và tăng thêm với tổng số vốn đăng ký 720 triệu USD.
Ngày 11-9, ông Yasuzumi Hirotaka - giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM - cho biết từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, làm ăn tại VN thông qua văn phòng JETRO bằng cùng kỳ năm trước, thậm chí nhích nhẹ chứ không giảm cho dù tổng số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Nhật Bản vào VN có giảm nhẹ.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tám tháng đầu năm nhà đầu tư Nhật Bản có 279 dự án cấp mới và tăng thêm với tổng số vốn đăng ký 720 triệu USD.
Theo ông Yasuzumi Hirotaka, làn sóng đầu tư từ Nhật có thể được kích thích tăng trở lại nếu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
“Bên cạnh mảng nông nghiệp đầy tiềm năng, các doanh nghiệp Nhật cũng bị hấp dẫn bởi lĩnh vực dệt sợi, may mặc của VN sau TPP. Nhật đang có lợi thế sở hữu nhiều công nghệ dệt sợi còn mới mẻ ở VN như công nghệ dệt 3D” - ông Yasuzumi Hirotaka nói.