Các loại tiền ảo đang bị bán tháo; Sau 1 năm, cổ phiếu của Vietnam Airlines đã về đến giá đỉnh lịch sử; Năng suất người Việt bằng 80% Hàn Quốc nhưng tiền lương chưa được 1/3; Truy nã chủ dự án Ocean View Nha Trang
Tin kinh tế đọc nhanh tối 08-01-2018
- Cập nhật : 08/01/2018
‘Ngũ đại gia’ IPO: Thuốc thử ‘nặng đô’ cho thị trường đầu 2018
‘Ngũ đại gia’ IPO gần 26 ngàn tỷ
Tiếp đà thăng hoa của thị trường chứng khoán trong năm 2017, thị trường đầu năm 2018 đang chờ đợi 5 đợt IPO có quy mô lớn nhất từ trước đến nay gồm Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil); Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ( VRG ); Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3).
Theo kế hoạch, BSR là ‘đại gia’ đầu tiên IPO vào ngày 17/1/2018 tới. Đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có quy mô vốn điều lệ được phê duyệt là 31.000 tỷ đồng. BSR sẽ bán đấu giá ra công chúng lượng cổ phần 242 triệu chiếm 7,79% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm đấu giá là 14.600 đồng/cổ phần. Dự kiến BSR sẽ thu về 3.527 tỷ đồng từ đợt chào bán ra công chúng lần này IPO lần này.
Tiếp đến là PV Oil – doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần bán lẻ xăng dầu tại VN cũng sẽ bán 20% cổ phần trong tổng số hơn 10 nghìn tỷ đồng vốn cổ phần ra công chúng. Đợt IPO dự kiến diễn ra vào ngày 25/11 cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Công ty sẽ bán gần 207 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 13.400 đồng/cp và dự kiến thu về 2.770 tỷ đồng.
Chỉ sau PV Oil đúng 1 tuần, ngày 31/1, doanh nghiệp ngành điện chiếm khoảng 12% công suất phát điện cả nước là PV Power sẽ bán 468 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ ra công chúng với giá bán khởi điểm 14.400 đồng/cp. Theo đó, quy mô của đợt chào bán của PV Power lên đến 6.745 tỷ đồng theo giá khởi điểm.
Sau 3 ông lớn đầu ngành dầu khí, Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) sẽ trở thành DNNN lớn nhất từ trước đến nay thực hiện cổ phần hoá. Đợt IPO VRG sẽ diễn ra vào ngày 02/2. Cổ đông nhà nước sẽ bán ra hơn 475 triệu cổ phần ra công chúng với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cp. Tại mức giá này, số tiền VRG dự kiến thu về gần 6.200 tỷ đồng.
Cũng ngay trong quý I/2018, Đợt IPO của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3), doanh nghiệp có công suất phát điện lớn nhất cả nước sẽ tổ chức bán đấu giá công khai 267 triệu cổ phần, chiếm 12,8% trên tổng vốn điều lệ 20.809 tỷ đồng ra công chúng. Giá khởi điểm được xác định là 24.600 đồng/cổ phần, nhà nước dự kiến thu về 6.569 tỷ đồng theo giá khởi điểm. Đợt IPO của Genco3 dự kiến sẽ cho nhà đầu tư thêm sự lựa chọn đối với cổ phần của DN ngành điện bên cạnh PV Power.
Phép thử ‘nặng đô’ cho thị trường năm 2018
Đăt trong giả định các thương vụ trên diễn ra thành công tại mức giá khởi điểm, ước tính 5 ‘ngũ đại gia’ sẽ hút của thị trường số tiền gần 26.000 tỷ đồng. Quý I/2018 là thời điểm diễn ra một chuỗi IPO các DNNN lớn chưa từng có.
Thị trường chứng khoán đang trở lại thời kỳ đỉnh cao và đứng trên 1.000 điểm đang gây ra hiệu ứng tâm lý tích cực lên toàn bộ thị trường. Nhiều nhận định tiếp tục đánh giá các đợt IPO quy mô lớn, quy mô vốn hóa thị trường ngày càng tăng tiếp tục là động lực cho thị trường năm 2018.
Bên cạnh đó, thời gian cổ phiếu trên sàn giao dịch sau IPO của các DNNN đã được rút ngắn đáng kể sau khi Thông tư 36/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/6/2017 cũng được dự báo sẽ tác động tích cực và hấp dẫn nhà đầu tư nhiều hơn trong năm 2018.
Tuy vậy, với quy mô lớn và diễn ra khá dồn dập. Giới chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về sức hấp thụ của thị trường trong những đợt IPO tới đây. Bởi nếu xét trên quy mô thị trường hiện nay thì 26.000 tỷ đồng không phải là con số lớn, nhưng nếu dòng tiền mới chưa kịp vào thị trường để bù đắp thì hiện tượng bán cổ phiếu để thu xếp vốn rất có khả năng xảy ra.
Hiện hai nhà quản lý quỹ lớn nhất thị trường Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital gần đây cũng phát đi những tín hiệu rất năng nổ trong các thương vụ IPO và thoái vốn của các DN nhà nước lớn. Tuy nhiên, 2 quỹ lớn nhất của 2 ông lớn này hầu hết đã dùng toàn bộ tiền cho cổ phiếu. Nếu muốn mua thêm, phải ‘chốt lời’ một số mã trong danh mục. Gần đây, VOF - quỹ đầu tư lớn nhất thuộc quản lý của Vina Capital đã ‘chốt lời’ cổ phiếu VGC và chi 22 triệu USD mua cổ phần HD Bank. Trong khi đó, quỹ PYN Elite Fund (Phần Lan) cũng phải bán đi một loạt cổ phiếu trước khi chi 40 triệu USD mua 4,99% vốn Tiên Phong Bank (TPB).
Còn nhớ, đợt IPO của Vietcombank hút 10.000 tỷ khỏi thị trường cùng với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính diễn ra sau đó khiến chỉ số VN-Index có quãng thời gian giảm sâu kỷ lục mà đến nay, mất hơn chục năm mới có thể lấy lại được mốc 1.000 điểm. Do vậy, đợt IPO của ‘Ngũ đại gia’ cùng với một loạt DN lên sàn hứa hẹn sẽ là một liều thuốc thử nặng đo sức mạnh dòng tiền của năm 2018. Dù rằng bối cảnh thị trường sau 10 năm đã rất khác.(CafeF)
-------------------------
Trung Quốc đang tiến rất nhanh đến một xã hội không dùng tiền mặt
Trong xu thế này, tại nhiều nơi, việc thanh toán bằng tiền mặt và sử dụng dịch vụ ngân hàng truyền thống đã trở thành lỗi thời.
Ảnh: China Daily
Trong quý 3/2017, giá trị thanh toán trên điện thoại di động ở Trung Quốc tăng hơn gấp 3 lần bởi ngày một nhiều người dân sử dụng dịch vụ Alipay và WeChat Pay để mua đủ các chủng loại hàng hóa và thanh toán các loại hình dịch vụ.
Không chỉ vậy, họ còn sử dụng cả hai công cụ này để thanh toán khi đầu tư các sản phẩm tài chính.
Tổng giá trị giao dịch trong giai đoạn trên đạt tổng số 29,49 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương 4,5 nghìn tỷ USD và như vậy ghi nhận mức tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước, theo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Analysys International.
Tổng giá trị thanh toán trên điện thoại di động trong chín tháng đầu năm 2017 đạt mức 71 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Tập đoàn Alibaba và Tencent tiếp tục thống trị thị trường thanh toán trên điện thoại di động quý 3/2017 tại Trung Quốc. Tổng thị phần của hai doanh nghiệp này đạt 93%, trong đó Alipay chiếm 54% và WeChat Pay chiếm 39%.
Giờ đây đối với người Trung Quốc, họ sử dụng các phần mềm thanh toán không chỉ khi mua sắm trực tuyến mà còn khi đi ăn nhà hàng, mua đồ ăn, sử dụng dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông hay khi đi phương tiện giao thông công cộng.
Người dân cũng có thể sử dụng các ứng dụng thanh toán khi trả tiền đi tàu điện ngầm hay đi xe bus tại phần lớn các thành phố của Trung Quốc.
Thành phố Quảng Châu bắt đầu chấp nhận WeChat Pay từ tháng 11/2017, thành phố Hàng Châu chấp nhận Alipay từ tháng 12/2017.
Người Trung Quốc cũng đồng thời có thể mua các sản phẩm đầu tư bằng các phần mềm thanh toán. Những sản phẩm đầu tư này thường mang lại lợi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Trong xu thế này, tại nhiều nơi, việc thanh toán bằng tiền mặt và sử dụng dịch vụ ngân hàng truyền thống đã trở thành lỗi thời.
“Bạn có thể làm mọi việc chỉ bằng chiếc điện thoại di động của mình, chính vì thế, tôi đang rời khỏi nhà mà không cần phải mang theo ví, và tôi cũng khỏi cần đến ngân hàng nữa”, một sinh viên đại học tại Trung Quốc cho hay. Nếu cô ấy cần tiền mặt gấp, cô ấy sẽ hỏi vay tạm bạn bè thông qua ứng dụng.
Chắc chắn các phương tiện thanh toán trên điện thoại di động sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại Trung Quốc năm 2018 khi mà ngày một nhiều phương tiện giao thông công cộng cũng như nhiều dịch vụ khác ví như thanh toán thẻ tín dụng chấp nhận các thanh toán bằng phần mềm.(bizlive)
---------------------------
Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh
Theo báo cáo tình hình kinh tế năm 2017 của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, năm 2017, lượng tiền gửi khách hàng (gồm tổ chức kinh tế và dân cư) tăng khoảng 19% (năm 2016 tăng 19,3%). Trong đó, huy động thông qua phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh, ước tăng 38%, do một số TCTD phát hành chứng chỉ tiền gửi nhằm tăng vốn cấp 2 để cải thiện hệ số CAR (hệ số an toàn vốn tối thiểu) và cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn huy động.
Vốn huy động bằng VND chiếm 90,5% tổng vốn huy động (năm 2016 là 89,1%). Huy động bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng khoảng 9,5% (năm 2016 là 10,9%). Tỷ trọng huy động ngoại tệ giảm do trần lãi suất huy động USD ở mức 0%, tỷ giá USD/VND ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. Vốn huy động có kỳ hạn chiếm 80,9% tổng huy động (năm 2016 chiếm 79,7%), còn lại là vốn huy động không kỳ hạn.
Thực tế trong năm 2017, lãi suất tiền gửi biến động khá nhiều và có sự chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và tư nhân, trong đó lãi suất huy động của nhóm ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank, Vietcombank chỉ từ 4,3 - 7%/năm cho các kỳ hạn, thấp hơn từ 0,3 điểm phần trăm cho đến 1,3 điểm phần trăm của các ngân hàng nhóm tư nhân, tùy thuộc vào các kỳ hạn khác nhau. Nhưng dường như sự phân hóa rõ rệt về lãi suất này không ảnh hưởng nhiều đến tình hình huy động vốn của các ngân hàng.
Do nhu cầu huy động vốn mạnh, nhiều ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi để hút khách hàng, với kỳ hạn linh hoạt từ 12 tháng cho đến 5 năm, lãi suất rất cao, lên đến 8,3 - 9%/năm. Việc phát hành này cũng thu hút sự quan tâm của người gửi tiền nhàn rỗi.
Ở đầu ra của dòng vốn, theo báo cáo của Ủy ban giám sát tà chính, năm 2017, tăng trưởng tín dụng tương đương với năm 2016 tức khoảng 19%. Thị phần tín dụng tập trung chủ yếu ở nhóm NHTM NN và NHTM CP, lần lượt chiếm 51,8% và 41,3% toàn hệ thống. Tín dụng giữ tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2015. Ủy ban dự báo năm 2018, tín dụng có khả năng tiếp tục đà tăng trưởng ổn định như những năm trước và đạt khoảng 18% – 19%.
Trong một báo cáo khác do Vụ Dự báo, thống kê của Ngân hàng Nhà nước thực hiện vào tháng 12/2017 khi khảo sát đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) về hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cho thấy:
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 4,46% (VND: 3,39%; ngoại tệ: 1,89%) trong Quý I/2018 và tăng 16,66% (VND: 17,07%; ngoại tệ: 2,76%) trong cả năm 2018.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,74% (VND: 5,15%; ngoại tệ: 0,51%) trong Quý I/2018 và tăng 17,65% (VND: 17,71%; ngoại tệ: 7,39%) trong năm 2018.(CafeF)
---------------------------------
Nhật Bản sắp dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh trong hơn 20 năm
Theo nguồn tin chính phủ, Nhật Bản sẽ bắt đầu tiến trình dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh kéo dài 22 năm qua vào cuối năm 2018 trong bối cảnh dịch bệnh bò điên được xác nhận không xuất hiện tại nước này trong những năm gần đây.
Nhật Bản cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ Anh. Ảnh: AP/TTXVN
Tokyo đang cân nhắc việc cho phép nhập khẩu thịt bò Anh từ 30 tháng tuổi trở xuống. Nhật Bản đã áp đặt lệnh cấm này vào năm 1996.
Năm 1986, Anh là nước đầu tiên phát hiện bệnh bò điên, hay còn gọi là bệnh viêm não thể bọt biển ở bò (BSE). Trong khoảng 190.000 con bò bị phát hiện mắc bệnh BSE trên toàn thế giới, thì có 180.000 con được nuôi ở Anh.
Tuy nhiên, không có trường hợp mắc bệnh BSE nào được xác nhận ở Anh kể từ khi một con bò cho kết quả dương tính trong năm 2015, do đó London đã yêu cầu Tokyo dỡ bỏ lệnh cấm này.
Hãng tin Kyodo News dẫn nguồn tin trên cho hay, ủy ban phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm thuộc Văn phòng Nội dự kiến sẽ trình một báo cáo bảo đảm thịt bò Anh an toàn lên Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, có thể là trong tháng này.
Bộ này sẽ quyết định xem có tiếp tục nhập khẩu thịt bò hay không sau khi cử các quan chức sang Anh để kiểm tra các nhà máy chế biến thịt bò.
Cho đến nay, Nhật Bản đã nối lại hoạt động nhập khẩu thịt bò từ 14 quốc gia, trong đó có Mỹ và Canada, sau khi ban hành lệnh cấm do phát hiện bệnh BSE ở các nước này.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá và các tổ chức khác, trong tài khóa 2016, Nhật Bản đã nhập khẩu 526.000 tấn thịt bò, trong đó 52% là từ Australia, tiếp theo là Mỹ với 39%.
Năm 1995, một năm trước khi Tokyo áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của Anh, Nhật Bản nhập khoảng 160 tấn dạ dày và 16 tấn lưỡi từ bò nuôi ở Bắc Ireland.(TTXVN)