Công ty Trung Quốc muốn mua hãng xe Jeep của Mỹ; 7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng 58,4%; Maersk bán mảng kinh doanh dầu khí cho Total; Kinh tế Thái Lan tăng trưởng mạnh nhất trong hơn 4 năm
Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-01-2018
- Cập nhật : 06/01/2018
Mỹ, Hàn Quốc sắp 'cân não' về vấn đề thương mại
Quan chức hai nước sẽ gặp gỡ tại Washington (Mỹ) trong tuần này để khởi động các cuộc đàm phán nhằm tái thương lượng Korus, hiệp định thương mại tự do gắn kết hai nền kinh tế trong gần sáu năm.
Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này, gọi đây là thỏa thuận “khủng khiếp”. Kể từ ngày nhậm chức, ông đã đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận. Đợt đàm phán về tương lai Korus sẽ có tác động lớn đến cách các nước khác tiếp cận đàm phán thương mại với ông Trump, và vấn đề căng thẳng Triều Tiên.
Korus được ký vào năm 2007 song không có hiệu lực cho đến 5 năm sau đó. Hiệp định loại bỏ thuế quan và nhiều rào cản khác trong giao thương những sản phẩm như nông sản, ô tô và hàng công nghiệp. Thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước tăng mạnh từ lúc đó. Năm 2016, giao thương hai bên đạt gần 150 tỉ USD. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Mỹ.
Quốc gia Đông Á không muốn tái đàm phán Korus, nhưng cuối cùng họ phải đàm phán trước áp lực từ phía Mỹ. Với ông Trump, việc đại tu các thỏa thuận thương mại mà ông cho rằng thiếu công bằng với nước Mỹ là một phần trong nhiều cam kết của chiến dịch tranh cử tổng thống.
Dù vậy, Giám đốc Viện Kinh tế Mỹ ở Hàn Quốc Troy Stangarone cho rằng lời chỉ trích của ông Trump dành cho Korus là không chính xác. Chuyên gia này cho biết Mỹ tăng trưởng đáng kể trong giá trị dịch vụ bán cho Hàn Quốc sau khi hai bên áp dụng hiệp định. Chuyên gia Phil Eskeland cũng thuộc Viện Kinh tế Mỹ ở Hàn Quốc thì cho hay sau khi thâm hụt mạnh trong những năm đầu khi Korus có hiệu lực, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc hiện đang giảm.
Giới chuyên gia cho rằng ít có khả năng Mỹ rút khỏi hiệp định Korus vì điều này sẽ làm tổn thương các ngành sản xuất thịt bò, mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ đến Hàn Quốc.
Các nước trên thế giới sẽ theo dõi sát cuộc thương lượng giữa đôi bên để xem cách Tổng thống Trump và đội ngũ của ông giải quyết vấn đề đàm phán. Nhật Bản, nước cũng có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, dường như chần chừ trong việc tham gia đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại song phương với chính quyền ông Trump.
Ông Stangarone cho biết ông Trum cần cho thấy rằng các cuộc đàm phán thương mại song phương với Mỹ cũng tốt cho các đối tác thương mại của nước này. “Nếu các cuộc đàm phán quá thiên về một bên, những nước khác sẽ nản lòng”, ông Stangarone nói.
Bất đồng thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể làm khó mối quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng. Việc này có thể khiến các đối tác khác của Mỹ, trong đó có Nhật Bản, đặt câu hỏi về cam kết của nước này đối với an ninh trong khu vực, nhất là giữa lúc Mỹ, Triều Tiên căng thẳng về chương trình vũ khí hạt nhân.(Thanhnien)
-----------------------------------------
Thu hút FDI nhìn từ những dự án khủng
Sự trở lại của các dự án tỷ USD đã góp phần đẩy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Nguồn vốn này sẽ còn tăng mạnh khi nhiều cơ hội đang chờ đón các nhà đầu tư ngoại.
Sự trở lại ấn tượng của các dự án tỷ USD
Số liệu tổng kết của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016.
Không thể phủ nhận, bên cạnh sự bùng nổ của vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, thì sự quay trở lại ấn tượng của các dự án tỷ USD đã góp phần quan trọng đẩy vốn FDI vào Việt Nam trong năm qua tăng trưởng ngoạn mục.
Có tới 5 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2017. Đó là 3 dự án điện BOT, gồm: Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa); Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa) và Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 (2,07 tỷ USD, do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thái Bình).
Hai dự án còn lại là Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, vốn đầu tư 1,27 tỷ USD tại Kiên Giang.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong số các dự án tỷ USD nói trên, có tới 3 dự án BOT trong lĩnh vực năng lượng và thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều dự án trong lĩnh vực này rất chậm trễ trong triển khai. Bởi thế, đốc thúc các dự án này sớm thực hiện để không trở thành dự án ảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý thời gian tới.
Cơ hội mới chờ nhà đầu tư nước ngoài
Các chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo, nhiều khả năng trong năm nay, Việt Nam vẫn sẽ là “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư nước ngoài. Dự báo này không phải là không có cơ sở khi các nhà đầu tư nước ngoài đang rất lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam và đang xúc tiến mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Khảo sát hơn 1.400 CEO của 21 nền kinh tế APEC do Công ty PwC mới công bố cho thấy, gần một nửa số nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (47%) dự định tăng đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới.
“Việt Nam không chỉ được coi là một thị trường tiêu thụ sản phẩm nhanh với dân số trẻ, mà còn được coi là trung tâm sản xuất của khu vực nhờ lợi thế chi phí nhân công cạnh tranh, sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô cũng như các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Ngoài ra, việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hứa hẹn nhiều cơ hội đầu tư mới cho nhà đầu tư nước ngoài”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận xét.
Bên cạnh đó, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cũng được kỳ vọng sẽ mở ra không ít cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/1/2018 đã nhấn mạnh việc xây dựng định hướng thu hút có chọn lọc các dự án FDI, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, theo Dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018 - 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng, hàng loạt các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đã được chỉ ra với phương thức tiếp cận mới.
Cụ thể, các ngành ưu tiên thu hút FDI trước mắt sẽ là các ngành cần thiết cho gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh trong nước, bao gồm sản xuất (kim loại bậc cao/khoáng chất/hóa chất/nhựa và linh kiện điện tử/công nghệ cao; máy và thiết bị công nghiệp); dịch vụ (hậu cần và cung cấp thiết bị, phụ tùng sửa chữa); nông nghiệp (sản phẩm nông nghiệp sáng tạo, giá trị cao); du lịch (dịch vụ du lịch giá trị cao).
Trong ngắn hạn, dành ưu tiên cho các ngành có cơ hội hẹp để cạnh tranh như sản xuất thiết bị gốc và cung cấp thiết bị vận tải và ô tô (trong sản xuất); thiết bị bảo tồn nước, mặt trời, gió…(công nghệ môi trường).
Trong trung hạn, ưu tiên các ngành đi đôi với mở cửa và phát triển kỹ năng, bao gồm sản xuất - chế tạo (dược phẩm, thiết bị y tế); dịch vụ (dịch vụ giáo dục và y tế; dịch vụ tài chính, công nghệ tài chính; dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ trí thức (kế toán, thiết kế…)
Góp ý cho dự thảo này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài lưu ý, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cần bổ sung nghiên cứu đề xuất các chính sách liên quan đến 3 đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, vì nhiều khả năng, 3 đặc khu này sẽ được thông qua trong năm 2018. Khi được thông qua, các đặc khu trên sẽ là những “mũi nhọn tăng trưởng”, thu hút dòng vốn đầu tư lớn của cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
Cũng cho ý kiến về Dự thảo Chiến lược FDI giai đoạn 2018 - 2023, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhìn nhận, trong danh mục các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong Dự thảo còn thiếu vắng lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần, đó là kết cấu hạ tầng - lĩnh vực đòi hỏi đầu tư rất lớn, mà năng lực trong nước không đáp ứng được.
"Hiện nay, không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông - vận tải. Các dự án như Sân bay Long Thành và đường cao tốc Bắc - Nam đang cần nguồn vốn khổng lồ. Nếu thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, thì đây có thể coi là thành công lớn của FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận xét.(baodautu)
-----------------------------------
Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài
Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2025 đạt trên 400 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030.
Theo đó, Khu DLQG Vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An; có ranh giới được xác định: Phía Bắc bao gồm toàn bộ bán đảo Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu; phía Đông giáp biển; phía Tây lấy quốc lộ 1A làm ranh giới, từ khu vực Gành Đỏ (phường Xuân Đài) đến hết phường Xuân Yên của thị xã Sông Cầu; phía Nam lấy tuyến đường bộ ven biển làm ranh giới, bao gồm các xã: An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) giáp với thị xã Sông Cầu. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu DLQG là 1.200 ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước).
Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2025 đạt trên 400 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.
Trong đó, thị trường khách du lịch nội địa tập trung khai thác thị trường khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các đô thị phía Bắc, các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khách nội tỉnh; từng bước mở rộng ra các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch cuối tuần, du lịch tham quan trải nghiệm trên vịnh, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Thị trường khách quốc tế chú trọng thu hút thị trường khách Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Âu; tập trung khai thác, thu hút thị trường gần như Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản); tiếp cận và khai thác thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia) qua các tỉnh Tây Nguyên; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, khám phá, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Quy hoạch nêu rõ, Khu DLQG Vịnh Xuân Đài sẽ phát triển sản phẩm du lịch, trong đó, sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ dưỡng trên vịnh như du thuyền, nhà nổi (bungalow); các khu nghỉ dưỡng đặc thù gắn với đá: Khu nghỉ dưỡng đá, khu nghỉ dưỡng đá kết hợp thiền...; các khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập trên bờ: Khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn cao cấp, khu spa cao cấp; du lịch tham quan, trải nghiệm trên vịnh; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái: Lặn biển ngắm san hô, khám phá hệ sinh thái biển... với dịch vụ cao cấp và quy định nghiêm ngặt; ngắm cảnh, chụp ảnh các rạn san hô gần bờ, các sinh vật biển...; đi bộ, dã ngoại, cắm trại, quan sát động, thực vật trong rừng; du lịch văn hóa - lịch sử: Tham quan di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa, tìm hiểu không gian văn hóa đá; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, các di tích khảo cổ, di tích lịch sử; du lịch gắn với văn hóa ẩm thực, thưởng thức văn hóa ẩm thực và đặc sản biển.
Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp chủ yếu như: Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch; giải pháp cơ chế, chính sách về thuế, đầu tư, huy động vốn đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng; giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng du lịch; giải pháp về nguồn nhân lực...(TBNH)
----------------------------
Nhiều hãng bán lẻ Mỹ ế ẩm vì Amazon
Theo CNN, các hãng bán lẻ Mỹ có thể đã làm ăn khá hơn trong những ngày lễ, song còn nhiều cửa hàng vẫn đang cố tìm cách cạnh tranh với cái tên lớn trong làng thương mại điện tử là Amazon.
Macy's và JCPenney đều báo cáo mức tăng trưởng doanh số bán hàng tại cửa hàng tốt trong tháng 11 và 12 hôm 4.1, nhưng họ cũng nhắc lại dự báo về kỳ vọng cho năm sau yếu hơn.
Doanh số bán hàng dự kiến giảm đến 1% tại JCPenney so với cách nay một năm, và hạ từ 2,4% đến 2,7% tại Macy’s. Cổ phiếu hai hãng đều giảm khoảng 5% sau khi thông tin trên được công bố. Ngoài ra, Macy’s còn thông báo kế hoạch đóng cửa thêm 11 cửa hàng vào đầu năm 2018.
Tình hình còn tệ hơn với L Brands, tập đoàn sở hữu thương hiệu Victoria’s Secret, Pink và Bath & Body Works. Dù doanh số L Brands tăng trong tháng 12, hãng này cũng hạ triển vọng lợi nhuận trong quý 4/2017. Cổ phiếu L Brands giảm đến 15% sau tin này.
Đây rõ ràng là thời điểm đầy thách thức với các nhà bán lẻ vì sự cạnh tranh khốc liệt. Người tiêu dùng Mỹ vẫn đang chi tiêu, song lại chuyển dần sang mua sắm online và tại các cửa hàng thời trang mới, hợp thời và rẻ hơn. Amazon đã và đang tập trung nhiều hơn vào các thương hiệu quần áo riêng, bên cạnh việc hợp tác với một số cửa hàng như Macy’s và Kohl's.
Walmart cũng đang tích cực thâu tóm các hãng thương mại điện tử, chẳng hạn như Jet, ModCloth, Bonobos và ShoeBuy. Ngoài ra, sự đi lên của các hãng thời trang như Zara, Uniqlo và Forever 21 cũng khiến Macy’s, JCPenney và L Brands gặp khó.(Thanhnien)