tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-07-2018

  • Cập nhật : 03/07/2018

Trung thành với đầu tư giá trị, tỷ phú Mỹ David Einhorn lỗ nặng

Greenlight Capital, quỹ đầu tư chính của tỷ phú David Einhorn, giảm 7,7% trong tháng 6.

Kết quả trên đẩy mức lỗ trong nửa đầu năm của quỹ Greenlight Capital lên gần 19%.

Trong những năm gần đây, Greenlight công bố lợi nhuận mờ nhạt dù thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu tăng trưởng, đi lên. Lỗ khoảng 28% kể từ cuối năm 2014, Greenlight là một trong những quỹ tệ nhất ở Mỹ. Nhà đầu tư rút gần 3 tỷ USD trong 2 năm qua, Bloomberg đưa tin vào tháng 5. Với 5,5 tỷ USD, tài sản do Einhorn quản lý hiện chỉ bằng một nửa so với đỉnh.

Chiến lược đầu tư giá trị của tỷ phú Einhorntụt lại khá xa so với thị trường chứng khoán Mỹ. Trong khi chỉ số S&P 500 mang lại cho nhà đầu tư khoảng 2,6% trong năm nay, bao gồm cả cổ tức tái đầu tư, Chỉ số Quỹ đầu cơ Toàn cầu HFRX giảm khoảng 1%. Chỉ số Giá trị Cơ bản của Hedge Fund Research, đo lường các chiến lược giá trị giữa các quỹ đầu tư cổ phần, tăng 1,8% trong 5 tháng đầu năm.

David Einhorn. (Nguồn: Bloomberg)

Tuy nhiên, nhà quản lý quỹ vẫn tin tưởng vào chiến lược này. Hồi tháng 4, khi ông khẳng định với nhà đầu tư rằng những phân tích của quỹ là đúng, hãng xe General Motors (GM), khoản đầu tư lớn nhất của Greenlight, đang giao dịch gần mức thấp nhất 7 tháng.

Giữa tháng 6, GM lãi 21% nhờ khoản đầu tư 2,25 tỷ USD vào công ty xe tự lái của Quỹ Tầm nhìn SoftBank. Tuy nhiên, cổ phiếu GM mất sạch khoản tăng này trong bối cảnh chính quyền Mỹ thắt chặt nhập khẩu ôtô từ Trung Quốc và nhiều nơi khác. GM mất 2,1% trong năm nay, bao gồm cả cổ tức.

Tính đến 31/3, 3/4 cổ phiếu công ty đại chúng với tỷ trọng lớn nhất của Einhorn đều lỗ trên 10%. Nhóm cuối cùng tăng trưởng tốt nhưng có khả năng là "bong bóng". Đây là nhóm cổ phiếu công nghệ bao gồm đế chế truyền thông Netflix và "ông lớn" thương mại trực tuyến Amazon, tăng lần lượt 104% và 45% trong năm nay.

David Einhorn nổi tiếng vì từng bán khống cổ phiếu Lehman Brothers hồi 2007, khiến ngân hàng bị phá sản.(NDH)
---------------------------------

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Khó hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước năm 2018

Hết 6 tháng cả nước mới có 8 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong khi đó kế hoạch cả năm là ít nhất 85 doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với địa phương chiều 2/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, khó có khả năng đạt được kế hoạch đề ra năm 2018.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 8 doanh nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Theo kế hoạch, cả năm 2018 phải có ít nhất 85 doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn với giá trị doanh nghiệp là 29,4 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn nhà nước là 15,2 nghìn tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quochoi.vn

Lũy kế từ khi bắt đầu chủ trương cổ phần hóa đến 31/12/2017, số vốn đã bán được chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo ông Dũng, số vốn bán được như vậy quá ít.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, bộ ngành tổng công ty khẩn trương xây dựng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyêt phương án cổ phần hóa, đẩy nhanh tiến độ.

Về vấn đề ngân sách nhà nước 6 tháng, Bộ trưởng Dũng cho biết thu ngân sạch đạt 49,4%, tăng so với cùng kỳ. Trong đó các khoản thu nội địa (trừ đất, cổ phần hóa, cổ tức bán vốn, xổ số kiến thiết...) đạt 46,6% dự toán.

Thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank mới đạt 39% dự toán.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) ngành viễn thông đạt 34,3% dự toán, ngành sản xuất thuốc lá đạt 44,9%, sản xuất bia đạt 44%, khai thác than 39,7%, sản xuất ô tô có vốn đầu tư nước ngoài nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đạt khoảng 36,8%.

Bộ trưởng Dũng cho rằng kết quả thu 6 tháng là tích cực nhưng nhìn chung các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh còn thấp. Ngân sách trung ương thu 6 tháng đạt 46,3%, cao hơn cao cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán, có 43/63 địa phương thu đạt tiến độ dự toán.

Người đứng đầu ngành tài chính nhận định chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt, việc tăng lãi suất, tăng kiểm soát nguồn tiền và tăng thuế của các nước sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam. Ở trong nước, việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và giải ngân đầu tư công chậm... cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế.(NDH)
--------------------------

NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường

Chia sẻ trong buổi phỏng vấn mới đây với Cổng Thông tin điện tử NHNN, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, trạng thái ngoại tệ vẫn duy trì ở mức dương dù một số ngày tỷ giá tăng khá nhanh. Ông cũng cho biết các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, mọi nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Lãi suất liên ngân hàng tăng làm tăng giá trị đồng USD

Lý giải về việc tỷ giá tăng nhanh những ngày qua, nguyên nhân đầu tiên được Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đưa ra là việc lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới trong khi lãi suất liên ngân hàng VND vẫn ở mức thấp.

"Điểm chênh lệch lãi suất VND-USD tăng mức âm", ông Hà cho hay.

Ngoài ra, ông Hà cũng chỉ ra một số yếu tố trong và ngoài nước tác động tới tâm lý thị trường như việc thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh, USD tăng giá trên thị trường thế giới.

NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết

Trong thời gian tới, người đứng đầu Vụ chính sách tiền tệ khẳng định tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, lưu tâm đến lộ trình và tác động của việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tác động của việc này, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, động thái của Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng như tình hình cung cầu ngoại tệ trong nước để điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp.

Ngoài ra, NHNN cũng cho biết sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường và tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác. Nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 5 tháng đầu năm, cán cân thương mại thặng dư, FDI giải ngân ở mức cao; một số thương vụ bán vốn thu hút lượng lớn vốn FII vào Việt Nam đã giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào. NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên 64 tỷ USD theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội trong kỳ họp tháng 6 vừa qua.(NDH)
-------------------

Giải cứu nhà kinh doanh gas nhỏ khỏi cửa tử

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87/2018 về kinh doanh khí (gas) có hiệu lực từ ngày 1-8 tới, thay thế Nghị định 19/2016 .

Điểm đáng chú ý nhất của nghị định mới là đã loại bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh gas. Thậm chí có ý kiến nhận định: Nghị định mới 87/2018 góp phần đánh tan các nhóm lợi ích chi phối ngành gas.

Bỏ các điều kiện vô lý

Cụ thể, theo Nghị định 19/2016, trước đây các doanh nghiệp muốn được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực khí hóa lỏng phải đáp ứng hàng loạt điều kiện rất khắt khe và vô lý. Những điều kiện này đã loại không ít công ty nhỏ ra khỏi thị trường.

Ví dụ, thương nhân phân phối khí phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3, có số lượng chai với tổng dung tích chứa tối thiểu 2,62 triệu lít… Để đáp ứng các yêu cầu này, thương nhân xuất nhập khẩu phải sở hữu ít nhất 150.000 vỏ bình gas 12 lít, thương nhân phân phối phải có ít nhất 100.000 vỏ bình.

Nay những điều kiện phi lý như vậy đã được bãi bỏ theo Nghị định mới 87/2018. Chính vì vậy, nếu trước đây, các cơ sở kinh doanh gas nhỏ bức xúc bao nhiêu thì nay họ lại hồ hởi bấy nhiêu. Bà Trần Thị Kim Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tiến Phát tại Quảng Ngãi, cho hay tới đây công ty sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, đầu tư thêm bồn gas, xưởng sơn sửa bình gas để phát triển kinh doanh tốt hơn. “Dự kiến nếu kế hoạch thành công, tôi sẽ tăng thêm ít nhất khoảng 30%-40% cả về việc làm lẫn thuế cho Nhà nước” - bà Phượng khẳng định.

Cùng chung tâm trạng, ông Hà Ngọc Pha, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Đông Tùng (Hà Giang), người đã từng gửi đơn kêu cứu gửi Thủ tướng trình bày những khó khăn về Nghị định 19/2016, cho hay: Trong những năm qua, các quy định về quy mô kinh doanh tối thiểu bắt buộc phải thiết lập hệ thống phân phối, thủ tục hành chính rườm rà... đã hành công ty lên bờ xuống ruộng.

Nhưng nay với Nghị định mới 87/2018 chính thức được ban hành, các nhà kinh doanh gas như được sống lại. “Công ty của tôi cũng như nhiều đơn vị khác không lo phải ngừng hoạt động, đóng cửa, phá sản, công nhân lao động không còn lo mất việc làm nữa” - ông Pha nói.

Giải cứu nhà kinh doanh gas nhỏ khỏi cửa tử - Ảnh 1.

Hàng loạt cơ sở kinh doanh gas đã sống lại nhờ những điều kiện vô lý được loại bỏ. Ảnh: HTD

Góp phần loại bỏ độc quyền

Một chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Tính từ khi những kiến nghị của các công ty gas nhỏ và vừa đến ngày 15-6, lúc Nghị định 87/2018 được ban hành là 27 tháng. 27 tháng ấy chính là quãng thời gian mà các đơn vị kinh doanh gas nhỏ lao đao, mất ăn mất ngủ. Cũng trong khoảng thời gian đó đã diễn ra nhiều cuộc tranh cãi, giằng co giữa một bên muốn cởi trói cho người kinh doanh và một bên không muốn buông bỏ.

Thực tế đã có không ít công ty phá sản, ngậm ngùi chia tay thị trường vì đơn giản để đáp ứng được điều kiện về số lượng vỏ bình gas, họ phải bỏ ra 25 tỉ đồng, thậm chí cả trăm tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn, vượt khả năng với những công ty nhỏ. Đó là chưa kể các chi phí khác như vận chuyển, xây nhà xưởng để chứa hàng chục ngàn bình gas...

Thậm chí gần sát ngày 15-5-2018, tức là khi điều kiện chuyển tiếp của Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí hết hiệu lực, đã có những công ty nhỏ bị ông lớn gợi ý bán lại tài sản với giá chỉ bằng 1/5 so với mức vốn đầu tư. Nhưng nay thì những nguy cơ ám ảnh những người kinh doanh gas nhỏ đã không còn. Nghị định 87/2018 đã góp phần khuyến khích kinh doanh và loại bỏ độc quyền, lợi ích trong lĩnh vực kinh doanh gas.

Trao đổi với chúng tôi, một thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay: Những kiến nghị của doanh nghiệp gas nhỏ và vừa đã được Bộ tiếp thu tối đa. “Bộ Công Thương ngay từ đầu năm 2017 đã trình Chính phủ dự thảo theo hướng tháo gỡ mọi khó khăn, rào cản phi thị trường. Tuy vậy, cũng phải trải qua nhiều tháng thì Nghị định 87 mới chính thức được ban hành” - đại diện Bộ Công Thương nói.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục