tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 04-07-2018

  • Cập nhật : 04/07/2018

Rủi ro tỉ giá ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận doanh nghiệp

Cuộc khảo sát do HSBC và FT Remark thực hiện cho thấy, hơn một nửa các CFO tin rằng rủi ro biến động tỉ giá là loại rủi ro mà doanh nghiệp của họ ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất.

Theo kết quả một khảo sát toàn cầu được thực hiện với 200 giám đốc tài chính và gần 300 chuyên viên quản lý nguồn vốn, một bộ phận lớn các Giám đốc Tài chính (CFO) của các công ty lớn cho biểt công ty của họ phải đối mặt với lợi nhuận giảm trong hai năm vừa qua do ảnh hưởng từ các rủi ro có thể tránh được liên quan phòng ngừa và kiểm soát rủi ro khi tỉ giá biến động.

Cuộc khảo sát do HSBC và FT Remark thực hiện cho thấy, hơn một nửa các CFO tin rằng rủi ro biến động tỉ giá là loại rủi ro mà doanh nghiệp của họ ít có sự chuẩn bị để đối phó nhất. Những quan ngại này phản ánh mức độ biến động ngày càng tăng của các loại tiền tệ trong bối cảnh triển vọng về địa chính trị và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định.

Môi trường lãi suất thay đổi tại nhiều quốc gia cũng tác động lên lợi nhuận của doanh nghiệp với 60% các CFO cho rằng công ty của họ bị ảnh hưởng, và 70% các CFO tại châu Mỹ cho rằng công ty của họ bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, gần một nửa các CFO cho biết rủi ro lãi suất là loại rủi ro họ có thể kiểm soát tốt.

"Khảo sát này cho thấy việc các doanh nghiệp có sẵn một cơ cấu kiểm soát rủi ro hiệu quả là hết sức quan trọng khi mà việc thiếu chuẩn bị có thể mang lại các rủi ro về tài chính, đặc biệt trong bối cảnh sự bất ổn ngày càng tăng trên thế giới," Frederic Boillereau, Giám đốc Toàn cầu Khối Kinh doanh Ngoại hối và Hàng hóa kiêm Giám đốc Toàn cầu Khối các dịch vụ ngoại hối và quan hệ khách hàng tại HSBC cho biết.

Theo kết quả khảo sát, trong bối cảnh các CFO phát hiện ra vai trò của họ đang thay đổi và họ dần trở thành một đối tác của Tổng Giám đốc (CEO) của công ty họ, họ tăng cường kêu gọi các lãnh đạo của bộ phận quản lý nguồn vốn chủ động đưa ra những hỗ trợ chiến lược hơn cho doanh nghiệp.

Nhưng trong khi 73% các CFO cho rằng vai trò quản lý rủi ro của các chuyên viên quản lý nguồn vốn trong công ty ngày càng tăng, 57% không hoàn toàn tin tưởng rằng các chuyên viên quản lý nguồn vốn của họ có những kỹ năng cần thiết để đảm nhận vai trò mới này. Công việc này ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với các nhà quản lý nguồn vốn do nhu cầu kiểm soát những thách thức mới, với 53% cho rằng những thay đổi về tỉ giá sẽ có ảnh hưởng thực tế lên chiến lược quản lý rủi ro của họ trong vòng ba năm tới.

Trong khi 57% các chuyên viên quản lý nguồn vốn muốn tăng cường chuyên môn quản lý rủi ro trong bộ phận của họ, chỉ có khoảng 32% các CFO tăng cường nguồn lực cho các chuyên viên của họ trong vòng hai năm qua. Tuy nhiên, điều lạc quan là nhu cầu của họ dường như được lắng nghe với hai phần ba các CFO kỳ vọng cung cấp thêm nhiều nguồn lực hơn cho các chuyên viên của mình trong vòng hai năm tới.

Số hóa trong lĩnh vực quản lý nguồn vốn và ngoại hối được cho là một xu hướng mới giúp các doanh nghiệp đưa ra được các chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả. Kết quả khảo sát cho thấy 59% các chuyên viên quản lý nguồn vốn cho rằng số hóa được kỳ vọng có tác động đáng kể lên chiến lược quản lý rủi ro trong ba năm tới và 57% cho rằng số hóa là lĩnh vực họ mong muốn trang bị cho bộ phận của họ nhằm nâng cao năng lực.

"Các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp thực hiện các nguyện vọng quản lý rủi ro hiệu quả thông qua việc cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro tích hợp; phát triển các công cụ kỹ thuật số mới; và cung cấp thông tin chiến lược chuyên sâu được hỗ trợ bởi các thông tin kiến thức sẵn có trên toàn cầu và tại thị trường trong nước," Rahul Badhwar, Giám đốc Toàn cầu Khối Dịch vụ Ngoại hối và quan hệ khách hàng, phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp tại HSBC cho biết. (CafeF)
---------------------

Sợi bán thành phẩm bị áp thêm 8% thuế khi xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ

Theo thông báo từ Thổ Nhĩ Kỳ, mặt hàng sợi bán thành phẩm (POY) của Việt Nam đều phải chịu mức thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá là 8% trên giá CIF khi xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

soi ban thanh pham bi ap them 8% thue khi xuat sang tho nhi ky

Sợi bán thành phẩm bị áp thêm 8% thuế khi xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/6 vừa qua, Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) đã ra thông báo số 2017/23 về kết quả cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với mặt hàng sợi bán thành phẩm (POY) nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Theo thông báo, mặt hàng sợi nói trên của Việt Nam đều phải chịu mức thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá là 8% trên giá CIF khi xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Sợi POY là nguyên liệu sợi bán thành phẩm để sản xuất mặt hàng sợi polyester (PTY) có mã HS 5402.33 – mặt hàng đang là đối tượng chịu thuế chống bán phá giá, mức thuế áp dụng với Việt Nam là 34.81% - 72.56%.

Trong thông báo khởi xướng, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sơ bộ xác định rằng kể từ năm 2010, lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra đã tăng lên đáng kể, theo đó lượng hàng nhập khẩu năm 2010 chỉ đạt 41.248.660 kg nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 194.932.226 kg.

Căn cứ những diễn biến, dữ liệu thực tế nêu trên, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc để xem xét liệu có khả năng tồn tại việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá với sợi bán sản phẩm POY hay không.

Do đó, khi công bố kết luận điều tra rằng có sự gia tăng đáng kể trong việc nhập khẩu sợi POY và làm giảm tác dụng của các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với sợi PTY thì mặt hàng sợi POY của Việt Nam đều phải chịu mức thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá là 8% trên giá CIF khi xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.(Bizlive)
--------------------------

Thống đốc Lê Minh Hưng: “Tỷ giá tăng nằm trong kế hoạch”

Về diễn biến tăng tỷ giá mấy ngày nay, Thống đốc Lê Minh Hưng phân tích, diễn biến này nằm trong kế hoạch và chủ yếu từ tác động của việc tăng giá USD trên thị trường quốc tế, diễn biến xuất nhập khẩu.

Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, ngày 2/7/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, cho đến cuối tháng 6, thị trường ngoại tệ vẫn hoạt động ổn định, tỷ giá 6 tháng đầu năm tăng xấp xỉ 1%, tất cả các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng và thị trường hoạt động thông suốt.

“Trong bối cảnh thị trường ngoại tệ như vậy, 6 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng trên 11 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên khoảng trên 63,5 tỷ USD. Qua đó, khẳng định các giải pháp điều hành của Chính phủ và của NHNN đã góp phần củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam giúp thị trường ngoại tệ và tỷ giá giữ vững sự ổn định”, Thống đốc cho biết. 

Về diễn biến tăng tỷ giá mấy ngày nay, Thống đốc Lê Minh Hưng phân tích, diễn biến này nằm trong kế hoạch và chủ yếu từ tác động của việc tăng giá USD trên thị trường quốc tế, diễn biến xuất nhập khẩu.

“NHNN luôn chủ động các phương án để điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung - cầu thị trường có vấn đề, đảm bảo trên thị trường ngoại tệ được thông suốt. Trong điều kiện hiện nay chúng ta hoàn toàn có các công cụ và phương án cần thiết để can thiệp thị trường ngoại tệ, đảm bảo kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc khẳng định.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND tăng cao thời gian gần đây.

Thứ nhất, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới, trong khi lãi suất liên ngân hàng VND vẫn ở mức thấp khiến điểm chênh lệch lãi suất VND-USD tăng mức âm.

Thứ hai, một số yếu tố trong và ngoài nước tác động tới tâm lý thị trường như: thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh, USD tăng giá trên thị trường thế giới.

Theo đó, lãnh đạo này cho biết, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, sau những phát biểu trên của các lãnh đạo NHNN, tỷ giá USD trên thị trường tự do và tại các NHTM vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt.

Theo đó, dù tỷ giá trung tâm ngày 3/7 không đổi so với ngày hôm qua (2/7), (ở mức 22.635 VND/USD), giá mua bán USD tại Vietinbank vẫn tăng 10 đồng ở cả hai chiều so với chốt phiên ngày hôm qua. Tại ACB, đồng USD đang được chào mua với giá 23.010 đồng và bán ra ở mức 23.090 đồng, tăng 10 đồng ở mỗi chiều.

Tỷ giá tại Eximbank đang là 22.990-23.090 đồng, tăng tới 40 đồng chiều mua vào và tăng 50 đồng chiều bán ra so với chốt phiên chiều qua.

Trong khi đó, trên thị trường tự do, USD đang được mua vào với giá khoảng 23.110 VND/USD và bán ra với 23.130 VND/USD, tăng 20 đồng so với mức giao dịch ngày hôm qua. (Bizlive)
--------------------------

Nguồn vốn ở Việt Nam trước nghịch cảnh “người giàu cũng khóc”?

Phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí gần đây, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhắc lại một thay đổi: "Đến nay, chúng ta thấy, không còn những phản ánh doanh nghiệp khó vay vốn như trước đây nữa".

Vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết, điểm đáng chú ý trong nửa đầu năm nay, huy động vốn rất thuận lợi, tăng trưởng cao hơn hẳn tín dụng và cao hơn hẳn cùng kỳ 2017.

Theo đó, ngân hàng có điều kiện để hạ dần lãi suất huy động, vừa có cơ sở để đáp ứng nhu cầu vay tốt hơn, vừa từng bước thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay. Và đây cũng là bối cảnh thuận lợi để các nhà băng tranh thủ tập trung tái cơ cấu các nguồn lực và hoạt động của mình.

Ở tình hình chung, số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cũng phản ánh rõ thuận lợi đó.

6 tháng đầu năm 2018, tính đến 20/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tới 7,78%, cao hơn nhiều so với mức 5,89% cùng kỳ 2017; còn tín dụng tăng trưởng thấp hơn với 6,35% tính đến cùng thời điểm (cùng kỳ 2017 tăng 7,54%).

Huy động vốn tăng cao, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm ở các kỳ hạn ngắn thời gian gần đây, bất chấp lạm phát có xu hướng tăng mạnh lên trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND cũng liên tiếp giảm trong khoảng một tháng trở lại đây, như lãi suất qua đêm đã rơi hẳn về khoảng 0,6-0,8%/năm.

Những diễn biến trên phản ánh nguồn vốn khả dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng dồi dào, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức khá thấp so với những năm gần đây, cũng như trong chỉ tiêu giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao cho từng thành viên.

Liên quan đến nguồn vốn VND, ngày 2/7, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã mua vào 11 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức 63,5 tỷ USD.

Theo đó, một lượng lớn tiền đồng được đưa ra mua ngoại tệ trong 2017 và tiếp tục có quy mô lớn nửa đầu năm nay. Nhà điều hành cũng đã liên tục trung hòa qua phát hành tín phiếu quy mô lớn hút bớt tiền về.

Nhưng theo Tổng cục Thống kê, cung tiền nửa đầu năm nay có dấu hiệu tăng cao. Tính đến 20/6, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 7,96% so với cuối năm 2017, cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,69%).

Dù vậy, sau 6 tháng, nhìn chung diễn biến tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán vẫn nằm trong tiến độ thực hiện các chỉ tiêu định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đề ra đầu năm nay.

Còn ở các kênh liên quan đến ngân sách và đầu tư vốn Nhà nước, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy những điểm đáng chú ý.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 6 tháng đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 74.581 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại HNX. Quy mô này mới chỉ đạt 37,2% kế hoạch dự kiến huy động 200.000 tỷ năm nay, dù nửa năm đã trôi qua.

Một thực tế giải thích cho mức độ thực hiện trên: khi tốc độ giải ngân đầu tư thấp và vốn ứ đọng, nhu cầu vay sẽ hạn chế bớt, bởi càng huy động về vốn càng ứ đọng và càng phát sinh chi phí.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng đầu năm nay ước tính chỉ đạt 124,2 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt được 36% kế hoạch năm và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 36,9% và tăng 6,1%).

Mức độ thực hiện thấp so với kế hoạch, vốn ứ đọng sẽ phản ánh ở lượng tiền gửi ngân sách ở hệ thống các ngân hàng thương mại và một phần gửi ở Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó hệ thống này đang có biểu hiện dư tiền, lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, nhưng tín dụng có giới hạn giải phóng chặt chẽ mà không dễ bung ra như giai đoạn trước.

Dĩ nhiên có những yếu tố tác động cộng hưởng, nhưng tỷ giá USD/VND tăng mạnh nửa tháng trở lại đây gắn với cân đối lãi suất VND-USD bất lợi trên thị trường liên ngân hàng, lạm phát tăng mạnh lên trong tháng 5 và 6 vừa qua là những biểu hiện phía sau các cân đối.

Trong đó, có vốn mà khó đẩy mạnh giải ngân, các dự án cần vốn mà tình trạng ứ đọng kéo dài dẫn đến những phát sinh bất lợi, giống như một nghịch cảnh của "người giàu cũng khóc" vậy, dù Việt Nam chưa phải là một nước giàu.(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục