TP.HCM: Vài chục dự án bất động sản chưa được nộp tiền sử dụng đất; Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm của các dự án FDI tăng gần 45%; Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn trên 30.000 tỷ đồng từ nay đến 2030; 3 điểm nóng hứa hẹn tạo bất ngờ cho địa ốc Sài Gòn năm 2018
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-12-2017
- Cập nhật : 28/12/2017
Ông Trump bật đèn xanh, doanh nghiệp Mỹ hăng hái kiện tụng
Doanh nghiệp Mỹ đang đâm đơn kiện đối thủ cạnh tranh nước ngoài với tầng suất cao chưa từng thấy trong 15 năm qua. Xu hướng này khả năng sẽ duy trì trong suốt nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump là người phát pháo cuộc chiến thương mại với các nước, chủ yếu là Trung Quốc, để bảo vệ thị trường Mỹ - Ảnh: AFP
Phân tích dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, báo Washington Post phát hiện có 23 vụ kiện thương mại mới được khởi động từ tháng 1-2017, biến năm vừa qua trở thành cao điểm nhất kể từ năm 2001.
Các vụ kiện mới nhắm vào quan hệ thương mại giữa Mỹ và 29 quốc gia, cụ thể hơn là các sản phẩm như máy giặt Hàn Quốc, dầu oliu Tây Ban Nha, tấm nhôm Trung Quốc, hộp dụng cụ Việt Nam, xăng sinh học Argentina, máy bay Canada...
Cuộc cạnh tranh mới diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng có những bước đi tái định nghĩa vai trò của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu.
"Theo lệnh của Tổng thống Trump, chúng tôi đã thông báo đến các doanh nghiệp Mỹ rằng chúng tôi sẽ cứng rắn hơn bất cứ chính quyền nào trước đây, bên cạnh đó vẫn giữ các nguyên tắc công bằng, minh bạch và chuyên nghiệp. Mọi người biết chúng tôi sẽ đứng về phía người lao động Mỹ chống lại thương mại bất công" - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố.
Thông thường, các vụ kiện thuế quan sẽ bắt đầu khi danh nghiệp Mỹ chính thức cáo buộc đối thủ cạnh tranh nước ngoài bán phá giá sản phẩm ở Mỹ hoặc hưởng lợi từ ưu đãi không công bằng (của nhà nước), hoặc cả hai. Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sau đó sẽ quyết định làm gì tiếp theo.
Tuy thống kê là 23 vụ kiện, nhưng năm 2017 Mỹ khởi động tất cả 79 cuộc điều tra thương mại. Ví dụ, nếu một công ty Mỹ yêu cầu đánh thuế một sản phẩm từ 10 quốc gia, thì yêu cầu này sẽ dẫn đến tất cả 10 cuộc điều tra bởi Bộ Thương mại.
Con số 79 tương đương với mức tăng 65% so với năm ngoái và cao nhất trong 16 năm qua. Hầu hết các vụ kiện mới chỉ vừa bắt đầu được thảo luận, do đó còn sớm để nói liệu chúng có thành công hay không.
Năm vừa qua có hai vụ kiện đặc biệt, trong đó 3 công ty kích hoạt một công cụ thương mại quyền lực ít khi được sử dụng của Mỹ gọi là "điều khoản bảo vệ", vốn cho phép áp thuế bao trùm lên các sản phẩm bất kể nguồn gốc xuất xứ.
Những trường hợp như vậy rất hiếm vì nó đòi hỏi Tổng thống vận dụng quyền hành pháp, trước khi ông Trump lên nắm quyền, không có công ty nào dùng phương pháp này kể từ năm 2001.
"Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy doanh nghiệp Mỹ nghĩ chính quyền ông Trump sẽ cho họ sự bảo vệ" - chuyên gia Chad Bown thuộc Viện Peterson về kinh tế quốc tế nhận xét.
Giới doanh nghiệp Mỹ vận động siết thuế nhập khẩu bào chữa rằng đó là điều cần thiết để san bằng sân chơi kinh tế và bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ, "không liên quan gì đến chính trị hay ông Trump".(Tuoitre)
----------------------
'Bẫy nợ' từ Con đường tơ lụa mới
Trung Quốc đang sử dụng nợ chính phủ để tạo đòn bẩy chính trị đối với các nước đang phát triển tham gia vào Con đường tơ lụa mới.
Trung Quốc đang tài trợ và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại 68 quốc gia tham gia vào sáng kiến "Vành đai, Con đường" đầy tham vọng ẢNH: REUTERS
CNBC dẫn nhận định từ các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi cho biết, sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc đang "kìm kẹp" các nước đối tác và "tước đoạt" tài sản thiên nhiên có giá trị. Bắc Kinh đang tài trợ và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại 68 quốc gia tham gia vào sáng kiến đầy tham vọng dọc theo khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Á.
Đa số các nước tham gia vào dự án Con đường tơ lụa mới là những nền kinh tế mới nổi, có nhu cầu lớn về các khoản đầu tư nước ngoài. Những nước này sẽ nhận được tài trợ bằng nhiều hình thức khác nhau như các khoản vay từ chính phủ Bắc Kinh và tín dụng từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, việc phải thực hiện một số nghĩa vụ tài chính không hợp lý đã làm dấy lên mối quan ngại về “bẫy ngoại giao” tiềm ẩn. Đầu năm nay, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra cảnh báo về những gánh nặng nợ không bền vững được tạo ra bởi sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Theo ông Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi kiêm cựu cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ, Bắc Kinh đang sử dụng nợ chính phủ để gây ảnh hưởng, buộc các nước khác phải hành động theo ý họ. Ông Chellaney thậm chí đã mô tả các chính sách của Đại lục như một hình thức “chủ nghĩa chủ nợ”. Trong một bài viết đăng trên trang Project Syndicate, ông Chellaney đã chỉ ra trường hợp của Sri Lanka như một ví dụ điển hình. Quốc gia Nam Á, do không thể trả lại các hóa đơn nợ nặng nề cho Trung Quốc, gần đây đã phải chuyển giao cảng Hambantota của mình cho công ty China Merchants Port Holdings thuộc sở hữu nhà nước theo một hợp đồng trị giá 1,1 tỉ USD.
“Trường hợp của Hambantota cho thấy Trung Quốc đang thiết lập và nắm giữ đòn bẩy chính trị đối với chính phủ các nước khác. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể buộc người vay phải hoán đổi nợ cho vốn chủ sở hữu, qua đó mở rộng dấu chân trên toàn cầu của họ bằng cách đưa ra các bẫy dưới hình thức cho vay. Trên thực tế, các khoản cho vay dễ dàng của Trung Quốc thực sự có khả năng gây nghiện. Và bởi vì Trung Quốc thường chọn các dự án theo giá trị chiến lược dài hạn, nên các khoản lợi nhuận ngắn hạn không đủ để các nước khác trả nợ”, ông Chellaney giải thích.
Sri Lanka không phải là trường hợp duy nhất. Năm 2016, Djibouti, một trong những nước tham gia vào sáng kiến “Vành đai, Con đường”, do nợ nần nặng nề đã đồng ý cho Bắc Kinh thuê một trong các căn cứ quân sự của mình với giá 20 triệu USD mỗi năm. “Trung Quốc cũng đã sử dụng đòn bẩy trên Turkmenistan để đảm bảo đường ống dẫn khí tự nhiên được dùng phần lớn từ Trung Quốc. Nợ nần của Kenya đối với quốc gia châu Á đang đe dọa biến cảng Monbasa bận rộn, cửa ngõ vào Đông Phi, thành một Hambantota khác”, ông Chellaney cho biết thêm.
Song, những ý kiến ủng hộ “Vành đai, Con đường” cho rằng những lo ngại về ý định kiểm soát địa chính trị của Bắc Kinh đang bị thổi phồng, đồng thời chỉ ra tiềm năng kinh tế rộng lớn khi tham gia vào sáng kiến này. “Vành đai, Con đường” được đánh giá cao vì sự đóng góp của nó cho việc tái thiết và phục hồi các nền kinh tế. Nếu các nước nhận viện trợ thực hiện những cải cách quan trọng làm tăng tính minh bạch và khả năng dự báo tài chính, thì rủi ro đầu tư sẽ giảm đáng kể”, Shang Jin Wei, Giáo sư Đại học Columbia viết.(Thanhnien)
--------------------------
Điểm mặt doanh nghiệp đáng chú ý sẽ tiến hành thoái vốn năm 2018
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), sau thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Vinamilk, năm 2018 sẽ có thêm doanh nghiệp “đại gia” của Tập đoàn dầu khí Việt Nam-PVN như: Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng Công ty điện lực dầu khí-PV Power, PVoil; các công ty của Tập đoàn Cao su Việt Nam... tiến hành thoái vốn Nhà nước với số tiền dự kiến thu về rất lớn.
Thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều thương vụ lớn trong cổ phần hoá nhưng khác với năm 2017, các thương vụ lớn sẽ phải phân bổ đều ra cả năm chứ không theo kiểu “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm chạy kịp tiến độ” khiến sức nóng của thị trường đổ dồn cuối năm.
Trả lời việc nhiều bộ, ngành không “mặn mà” chuyển giao vốn Nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, vẫn còn tâm lý các đơn vị “ngại chuyển giao” do đã quen việc quản lý trực thuộc bộ, ngành.
Ông Tiến cũng nêu ví dụ về quá trình chuẩn bị cho thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco tốn rất nhiều công sức. Chính phủ phải họp nhiều lần với các cơ quan pháp luật để trao đổi. Vì vậy theo ông Tiến, các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao vốn Nhà nước quy tụ về SCIC cần thực hiện nghiêm túc vì đây là đơn vị có kinh nghiệm và cũng cần phải có một đơn vị đầu mối đứng ra chịu trách nhiệm.
“Cần xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, đại diện Bộ Tài chính nói.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa tại nhiều công ty con của PVN là: Pvoil, PV Power và hóa dầu Bình Sơn.
Theo đó tại PVoil, quyết định nêu rõ, vốn điều lệ của là 10.342,295 tỷ đồng. Trong đó, PVN nắm giữ là hơn 363 triệu cổ phần, chiếm 35,1% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 1,8 triệu cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ. Bán đấu giá công khai là gần 207 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PVoil với tỷ lệ sở hữu tối đa là 49% vốn điều lệ.
Việc cổ phần hóa PV Power sẽ theo hình thức bán bớt một phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 23.418,716 tỷ đồng. Trong đó, PVN nắm giữ gần 1,2 tỷ cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 2,7 triệu cổ phần, chiếm 0,118% vốn điều lệ...(TTXVN)
------------------------
Ngành năng lượng của Mỹ hồi phục ấn tượng trong năm 2017
Ngành năng lượng Mỹ hồi phục trong năm 2017 giữa bối cảnh xu hướng tăng giá của dầu mỏ khá ổn định trong sáu tháng cuối năm.
Giá dầu thô đã tăng từ mức 42,06 USD/thùng hồi mùa Hè năm nay lên khoảng 60 USD/thùng trong giai đoạn cuối năm. Một số thể chế tài chính lớn, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), dự đoán giá “vàng đen” sẽ còn tiếp tục tăng trong suốt năm 2018.
Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô, xăng, dầu diesel, propane và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với tốc độ kỷ lục trong năm nay. Hoạt động này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Dự báo, nhu cầu của thị trường Mỹ Latinh đối với nhiên liệu chưng cất của Mỹ sẽ tiếp tục mạnh trong năm 2018. Nhu cầu của Trung Quốc đối với dầu thô Mỹ hiện cũng rất lớn. Hồi tháng 4/2017, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt Canada về hoạt động mua dầu từ Mỹ.
Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu LNG của Mỹ đang dần “nóng” lên. Mexico là nước có nhu cầu cao nhất đối với khí tự nhiên của Mỹ trong năm 2017, kế đến là Hàn Quốc và Trung Quốc. LNG của Mỹ hiện còn vươn tới thị trường Trung Đông.
Sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ đã tăng 16% kể từ giữa năm 2016, đạt 9,8 triệu thùng/ngày, gần với mức của các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu như Saudi Arabia với 10 triệu thùng/ngày và Nga (11 triệu thùng/ngày). Theo giới quan sát, tình trạng này đang làm suy yếu các nỗ lực tái cân bằng thị trường của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ khác (Vietnam+)