Toyota đầu tư 'khủng' vào dự án ô tô 'sạch' tại Thái Lan; Vinasun muốn mở dịch vụ xe ôm công nghệ; Tài sản các tỷ phú công nghệ Mỹ tăng mạnh; Đại gia Thái tăng sở hữu tổ hợp hóa dầu 4,5 tỷ đôla ở Vũng Tàu
Tin kinh tế đọc nhanh 28-04-2017
- Cập nhật : 28/04/2017
Mỹ thất bại trong cuộc chiến thương mại đầu tiên với Mexico
Mỹ vừa thất bại trong cuộc chiến thương mại với Mexico và đây là thất bại đầu tiên của nền kinh tế số một thế giới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump.
Theo CNN, Mexico và Mỹ căng thẳng thương mại nhiều năm về sản phẩm cá ngừ. Mỹ khăng khăng rằng tất cả cá ngừ Mexico bán ở Mỹ đều phải là sản phẩm “an toàn với cá heo”, tức là các ngư dân đánh cá ngừ không giết chết loài động vật này. Mexico cho hay ngư dân của họ tuân thủ quy tắc song chính quyền Mỹ không đồng ý.
Hôm 25.4, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nghiêng về phía Mexico, cho phép nước này áp đặt lệnh trừng phạt thương mại có giá trị 163 triệu USD/năm lên Mỹ. WTO cho biết đây là khoản tiền mà Mexico đã mất vì bị Mỹ phạt thiếu công bằng trong vụ cá ngừ.
Thông tin này trùng hợp với một thời điểm khá nhạy cảm. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện muốn tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thỏa thuận với sự tham gia của Mỹ, Mexico và Canada. Chính quyền ông Trump vừa có biện pháp mạnh tay đầu tiên trong thương mại với Canada khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ công bố mức thuế 20% lên sản phẩm gỗ mềm của Canada. Một cuộc “khẩu chiến” giữa lãnh đạo hai nước diễn ra sau đó.
Quyết định đánh thuế Canada trước tiên của ông Trump khiến nhiều người bất ngờ vì ông vốn chỉ trích gay gắt Mexico trong chiến dịch vận động tranh cử. Hiện giờ, ông Trump làm Canada chẳng vui và còn thất bại trong thương mại với Mexico.
Giới chức Mexico nhấn mạnh trong nhiều năm rằng luật pháp Mỹ phân biệt đối xử với cá ngừ xuất xứ từ nước này. Ngoài ra, các nước khác cũng được đối xử với mức độ pháp luật khác nhau. Mexico cho rằng nước họ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về đánh bắt cá thương mại và bảo vệ môi trường.
Quyết định mà WTO đưa ra kết thúc vụ kiện mà Mexico khơi lên từ năm 2008. Bộ Kinh tế Mexico cho hay sẽ ngay lập tức có nhiều hành động để đòi lại 163 triệu USD mà họ mất vì Mỹ. Nước này chưa tiết lộ liệu các biện pháp trừng phạt là áp thuế quan lên cá ngừ Mỹ hay các sản phẩm khác.(Thanhnien)
-----------------------------------------------
Tham vọng đạt 1 tỉ người dùng của Google trên đất Ấn
Google đang thực hiện nhiều nỗ lực để đưa gần 1 tỉ người Ấn Độ tiếp cận với internet bằng cách để họ lướt web với ngôn ngữ của chính mình.
Theo CNN, hãng công nghệ hàng đầu Mỹ cho hay hôm 25.4 rằng chương trình Google Translate mới có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vừa mở 9 ngôn ngữ được sử dụng ở Ấn Độ. Google cũng tăng gấp đôi số ngôn ngữ Ấn trên bàn phím di động tùy chỉnh Gboard lên 22 ngôn ngữ. Thay đổi này cho phép hàng triệu người dùng Ấn Độ gõ, thậm chí tìm kiếm emoji và hình ảnh động, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Đây là lý do vì sao Google rất quan tâm đến ngôn ngữ Ấn: 234 triệu người trong tổng số 409 triệu người dùng internet ở Ấn Độ (tương đương 60%) lướt web bằng một trong số hàng chục ngôn ngữ ở nước này, theo nghiên cứu mới do hãng KPMG và Google thực hiện.
Số người dùng web không sử dụng tiếng Anh được cho là sẽ chỉ tăng lên. Nghiên cứu trên cho biết sẽ có 536 triệu người dùng tiếng Ấn Độ online vào năm 2021, gần gấp ba lần người dùng internet bằng tiếng Anh. Con số này tăng rất mạnh từ 42 triệu người hồi năm 2011.
Hiện có khoảng 900 triệu dân Ấn Độ chưa tiếp cận với internet. Một khi họ có điều kiện lên mạng, 90% trong số này sẽ lướt bằng một ngôn ngữ khác tiếng Anh.
Áp dụng phương ngữ Ấn là nhiệm vụ lớn với Google vì quốc gia Nam Á có gần 30 ngôn ngữ mà mỗi ngôn ngữ được 1 triệu dân sử dụng. Bên cạnh đó, họ còn 1.600 phương ngữ khác. Nhiều ngôn ngữ có cách viết lạ và sự thay đổi mạnh trong cấu trúc internet là cần thiết để hiển thị văn bản viết bằng các ngôn ngữ này. Theo Google, một nửa số nội dung trên internet hiện viết bằng tiếng Anh.
Ngoài thông tin về ngôn ngữ, doanh nghiệp Mỹ cũng đưa ra nhiều sáng kiến để phổ biến internet ở Ấn Độ, trong đó có kế hoạch phủ sóng Wi-Fi miễn phí tại 100 ga tàu và hợp tác với công ty Tata để giúp phụ nữ ở khu vực nông thôn Ấn Độ sử dụng điện thoại thông minh.
Google không phải hãng duy nhất chú trọng thị trường đất nước Nam Á. Facebook, Microsoft, tỉ phú giàu nhất đất Ấn và cả chính phủ Ấn Độ đều đang nỗ lực đưa internet đến nhiều người dân hơn.(TN)
------------------
Quốc Cường Gia Lai bán dự án nhận tạm ứng 50 triệu USD trả nợ ngân hàng
Đạt thoả thuận bán dự án Phước Kiển cho Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) vừa nhận khoản tiền tạm ứng 50 triệu USD từ doanh nghiệp này để trả nợ cho ngân hàng.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 của QCG, thương vụ bán dự án Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, TP.HCM của doanh nghiệp này đã được đưa vào là một trong những thương vụ quan trọng trong năm.
Thời điểm tháng 10/2016, QCG đã ký kết với Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island (Sunny Island) một biên bản thoả thuận ghi nhớ là QCG sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu của doanh nghiệp này tại một công ty được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny Island.
Tuy nhiên, do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, hai bên đang trong quá trình đàm phán về việc chuyển nhượng và việc này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm tài chính 2017, nên tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 QCG và Sunny Island đã thanh lý biên bản thoả thuận trên.
Cuối tháng 3/2017 vừa qua, QCG đã nhận của Sunny Island số tiền tạm ứng tổng cộng 50 triệu USD (khoảng 1.300 tỷ đồng) để tất toán nợ vay với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Quang Trung (BIDV Quang Trung). QCG cho biết, số tiền này sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai khi việc đàm phán cũng như khi dự án đủ điều kiện chuyển nhượng.
Được biết, trong số 1.376,6 tỷ đồng QCG vay tại BIDV Quang Trung đáo hạn ngày 31/3/2017 có 1.351 tỷ đồng với lãi suất 10,9%/năm, đây là nguồn vốn nhà băng này tài trợ cho dự án khu dân cư Phước Kiển sắp được QCG chuyển nhượng cho Sunny Island.
Dự án khu dân cư Phước Kiển có quy mô 93ha với chức năng xây dựng khu phức hợp gồm biệt thự, nhà phố, trung tâm thương mại và chung cư cao tầng. (infonet)
-------------------------
Gần 1.800 con bò Úc nhập thẳng về miền Tây
Một doanh nghiệp ở Cần Thơ chi 250 tỷ đồng làm trang trại, trồng cỏ, xây dựng hệ thống phân phối, nhập bò Úc về giết mổ, cung ứng ra thị trường với giá cạnh tranh.
1.768 con bò từ Australia vừa về cảng Cái Cui (Cần Thơ). Bò sau đó được đưa vào các trang trại của công ty nuôi nhốt, rồi đưa vào hệ thống giết mổ, cung ứng thịt phục vụ thị trường ở miền Tây và TP HCM với thương hiệu độc quyền "Bò Khỏe". Đây là lần đầu tiên gần 1.800 con bò Úc nhập thẳng về cảng miền Tây.
Gần 1.800 con bò được chở từ Australia đến đồng bằng sông Cửu Long bằng tàu biển. Ảnh: Cửu Long
Bà Nguyễn Minh Diệp Thanh - Phó giám đốc Điều hành công ty cho biết, nguồn bò nhập gồm những con khỏe mạnh, dưới 24 tháng tuổi, không dùng chất tạo nạc, hóa chất hoặc chất tăng trọng. Hệ thống giết mổ theo quy chuẩn của Australia và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam. Giá bán tương đương với thịt bò nội địa, dao động 150.000-350.000 đồng một kg.
Gần 1.800 con bò tơ từ Australia sẽ được đưa vào hệ thống giết mổ, phân phối ra thị trường với giá cạnh tranh. Ảnh: Cửu Long
Hiện công ty có 3 điểm phân phối thịt và các nhà hàng liên kết phục vụ món ăn làm từ bò Úc tại Cần Thơ. Đơn vị này dự kiến sẽ khai trương cửa hàng tại TP HCM (số 90 An Dương Vương, quận 5, TP HCM) và mở rộng ra thị trường cả nước.
Vùng trồng cỏ 450ha để nuôi bò. Ảnh: Cửu Long.
Theo bà Diệp Thanh, quá trình phân phối hàng tươi sống theo mô hình mua bán mang đi (take-away). Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, cộng với hệ thống trang thiết bị, dây chuyền giết mổ hiện đại, thịt bò tươi sẽ đến tay người tiêu dùng trong thời gian sớm nhất. (Vnexpress)