Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để “không một ai bị bỏ lại phía sau”; Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu dầu ăn lên mức cao nhất trong một thập kỷ; Nâng “chất” dòng vốn ngoại; Khó đánh thuế hàng trên một triệu đồng bán trên mạng
Tin kinh tế đọc nhanh 17-11-2017
- Cập nhật : 17/11/2017
Nga là vị cứu tinh của Venezuela?
Điện Kremlin thông báo rằng họ đã đồng ý tái cơ cấu khoản nợ đến hạn 3,15 tỷ USD mà Venezuela phải trả cho Moscow.Nguồn ảnh: teleSUR
Nga đã vừa nới lỏng điều kiện trả nợ cho Venezuela. Điện Kremlin thông báo rằng họ đã đồng ý tái cơ cấu khoản nợ đến hạn 3,15 tỷ USD mà Venezuela phải trả cho Moscow. Bộ tài chính Nga sẽ giãn thời hạn thanh toán khoản nợ trên tới 10 năm. Trong đó, Venezuela chỉ phải thanh toán những khoản "tối thiểu" trong 6 năm đầu tiên.
Hiện chưa rõ tổng số tiền mà Venezuela nợ Nga là bao nhiêu. Một phân tích được xuất bản bởi Harvard Law Roundtable trong tháng 9 vừa qua cho biết con số này là vào khoảng 9 tỷ USD, nhưng các quan chức Chính phủ Venezuela đã không công bố con số thực tế mà họ nợ là bao nhiêu.
Đây là một chiếc phao cứu sinh cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khi Tổ chức xếp hạn tín dụng S&P Global đã tuyên bố Venezuela và công ty dầu khí quốc doanh của họ, PDVSA, đã chính thức vỡ nợ trong tuần này.
Tuy nhiên, sự giúp của Nga cũng chưa thể làm cho tình trạng nợ nần của Venezuela có thể được cải thiện trong ngày một ngày hai. Chỉnh tính riêng với các trái chủ (người mua trái phiếu của Venezuela), quốc gia này nợ đến hơn 60 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương Venezuela chỉ còn lại 9,6 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Trong những năm qua, Venezuela thậm chí đã phải sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối trên để trả nợ.
Tình trạng vỡ nợ sẽ có thể khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela thêm trầm trọng hơn, chủ yếu là thiếu thuốc và lương thực.
Nhưng hiện tại, Tổng thống Vladimir Putin đang giúp cho Maduro dễ thở hơn chút ít. Điều này là rất đáng chú ý khi mà Trung Quốc, một trong những chủ nợ chính của Venezuela, năm nay lại tỏ ra không hứng thú với việc cho chính quyền của ông Maduro vay thêm tiền.
Ngoài mong muốn được Venezuela trả lại khoản tiền đã vay, Công ty Rosneft của Nga cũng được chính phủ của ông Maduro ưu ái. Tháng 12 năm ngoái, Roseneft đã nắm giữ 50% cổ phần của Citgo, một công ty dầu mỏ có trụ sở tại Mỹ, thuộc sở hữu PDVSA, để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 1,5 tỷ USD cho chính phủ Maduro.
Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela tuyên bố trong tháng 10 rằng ông đang đàm phán với Moscow về việc một cuộc hoán đổi tiềm năng, hàm ý việc sẽ cho phép Nga nắm giữ một phần quyền sở hữu các mỏ dầu ở Venezuela nhằm thay cho các cổ phần ở Citgo. Ông không đưa ra thêm chi tiết về kế hoạch. Reuters là trang tin đầu tiên báo cáo về việc này.
CNN Money cho hay quan hệ Nga-Venezuela có chút trục trặc khi Citgo đóng góp 500.000 USD cho các hoạt động chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Việc quyên góp diễn ra vào ngày 22.12.2016, theo hồ sơ Ủy ban Bầu cử Liên bang phát hành vào tháng 4 vừa qua.
Vào thời điểm mà Venezuela đang thiếu lương thực và thuốc trầm trọng, khoản đóng góp trên của Citgo cũng tương đương với số tiên mà Pepsi Verizon và Walmart, những công ty lớn của Mỹ, đã đóng góp cho lễ nhậm chức của Tổng thống Trump.(NCĐT)
--------------------------
Mạng xã hội Trung Quốc sắp vượt Facebook về giá trị vốn hóa
Giá trị vốn hóa thị trường của Tencent - công ty Internet được coi là câu trả lời của Trung Quốc đối với Facebook - có thể sắp vượt qua mức vốn hóa của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Theo trang CNN Money, giá cổ phiếu của Tencent, "đế chế" truyền thông xã hội và trò chơi video, đã tăng gấp hơn hai lần trong vòng một năm trở lại đây. Nhờ đó, giá trị vốn hóa thị trường của công ty này đang tiến gần mức vốn hóa 520 tỷ USD của Facebook hơn bao giờ hết.
Dữ liệu từ hãng tin Bloomberg cho thấy kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá trị vốn hóa của Tencent đạt khoảng 477 tỷ USD.
Mạng xã hội Facebook hiện có khoảng 2 tỷ người sử dụng trên toàn cầu. Trong khi đó, Tencent sở hữu WeChat, mạng xã hội có hơn 1 tỷ người sử dụng, chủ yếu ở Trung Quốc.
Mạng xã hội Facebook hiện có khoảng 2 tỷ người sử dụng trên toàn cầu. Ngoài ra, công ty này còn sở hữu hai nền tảng mạng xã hội nổi tiếng khác là Instagram và WhatsApp.
Trong khi đó, mạng xã hội WeChat của Tencent có hơn 1 tỷ người sử dụng, chủ yếu ở Trung Quốc. Trong bối cảnh những đối thủ phương Tây như Facebook và Twittter bị chặn ở Trung Quốc, WeChat có một vị thế vững chãi ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên, WeChat không phải là thứ duy nhất khiến giới đầu tư hào hứng với cổ phiếu Tencent. Ngoài mạng xã hội, công ty này còn lấn sâu vào nhiều lĩnh vực khác như trò chơi (game) trên điện thoại di động, thanh toán di động, và tải nhạc trực tuyến. Tất cả các mảng kinh doanh này đều góp phần đưa Tencent lập kỷ lục về lợi nhuận trong năm nay.
Ngày 15/11, Tencent báo lợi nhuận quý 3/2017 tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt mọi dự báo của giới phân tích.
Bên cạnh đó, Tencent còn đầu tư mạnh vào các công ty công nghệ khác trên khắp thế giới. Ngoài rót vốn vào các công ty khởi nghiệp (startup) ở châu Á, Tencent đã thâu tóm cổ phần 5% trong hãng xe điện Mỹ Tesla của tỷ phú Elon Musk, và mua cổ phần 12% trong Snap - công ty mẹ của mạng xã hội SnapChat.
Ngay từ trước khi Tencent công bố kết quả kinh doanh quý 3 khả quan, giới phân tích đã dự báo giá cổ phiếu công ty này sẽ còn tăng cao hơn.
Một số dự báo nhận định Tencent sẽ sớm đạt vượt mức vốn hóa 500 tỷ USD, theo đó "đe dọa" qua mặt một "ông lớn" công nghệ nữa của Mỹ là Amazon - hãng thương mại điện tử hiện có mức vốn khóa khoảng 550 tỷ USD.
Mặc dù vậy, Tencent còn một chặng đường dài phải đi để đuổi kịp Apple với vốn hóa 880 tỷ, hay Alphabet, công ty mẹ của Google, với mức vốn hóa 720 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc Tencent tiến gần mức vốn hóa nửa nghìn tỷ USD là một câu chuyện ấn tượng bởi cách đây 6 tháng, vốn hóa của công ty này mới đạt 300 tỷ USD.
Tencent không phải là công ty công nghệ Trung Quốc duy nhất đang tiến gần tới chỗ gia nhập "câu lạc bộ" 500 tỷ USD vốn hóa. Giá trị vốn hóa của hãng thương mại điện tử Alibaba - công ty vẫn được so sánh với Amazon của Mỹ - đã lên mức 465 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu tăng gấp đôi trong một năm qua.
Tuy vậy, giá cổ phiếu tăng mạnh của những công ty như Alibaba và Tencent, cùng một số vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với mức tăng giá chóng mặt đang khiến không ít nhà quan sát lo ngại rằng bong bóng có thể đang hình thành trên thị trường cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc.(Vneconomy)
-------------------
Xuất khẩu hồ tiêu Ấn Độ gặp khó vì Việt Nam
Xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại có thể xuống thấp nhất 5 năm vì mất sức cạnh tranh về giá so với Việt Nam và Brazil.
Trang Economic Times dẫn số liệu cho biết, xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ trong quý kết thúc vào tháng 6 giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3.900 tấn. Theo đó, xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ trong năm tài chính 2017 (tính đến tháng 6) giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái còn 17.600 tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu dự đoán rằng, xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ sẽ giảm mạnh hơn nữa và có thể chỉ còn 15.000 tấn tính đến cuối năm tài chính 2017 và cũng là thấp nhất 5 năm trở lại đây.
Xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ giảm vì giá tiêu liên tục tăng cao; người mua buộc phải tìm đến Việt Nam và Brazil với mức giá “dễ chịu” hơn.
“Không ai có nhu cầu mua hồ tiêu của Ấn Độ với mức giá tới 7.000 USD/tấn, trong khi giá của Việt Nam chỉ 4.000 USD/tấn và của Brazil là 3.500 USD/tấn,” ông Jojan Malayil, CEO của công ty xuất khẩu Bafna Enterprises, cho biết.
Xuất khẩu dự báo giảm nhưng sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ dự báo vẫn đạt khoảng 50.000 tấn, và phần lớn sẽ không được bán ra thị trường vì giá đang ở mức thấp.
Trước khi được nhập khẩu vào Ấn Độ, hồ tiêu Việt Nam được nhập khẩu vào Sri Lanka với mức thuế chỉ 8% theo hiệp định thương mại giữa các thành viên của Hiệp hội Nam Á, nên hồ tiêu Việt Nam được bán ở Ấn Độ lại càng rẻ.
Thị trường hồ tiêu Ấn Độ chịu nhiều áp lực vì nguồn cung hồ tiêu giá rẻ từ Việt Nam tăng mạnh. Là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, Việt Nam ước tính sản xuất được hơn 200.000 tấn hồ tiêu trong năm nay. Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, Việt Nam đã xuất khẩu được 181.000 tấn tiêu trong 9 tháng đầu năm nay.
Đế nay, giá hồ tiêu đen của Ấn Độ đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới thương lái dự báo giá hồ tiêu có thể sẽ giảm sâu hơn trong năm tới.
Lượng mưa trong mùa mưa năm nay ở mức bình thường nên sản lượng hồ tiêu có thể không giảm trong năm tới. Hơn nữa, người nông dân lại đang găm hàng trong kho vì giá thấp, nên tồn kho đầu kỳ tới sẽ khá lớn.(Vietnambiz)
----------------------------
Thẻ tín dụng sẽ chỉ được rút tối đa 5 triệu đồng mỗi ngày
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Điểm nhấn là đối với giao dịch rút tiền mặt qua máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) không được quá 5 triệu đồng/ngày; còn với hạn mức rút ngoại tệ tại nước ngoài, không quá 30 triệu đồng.
Cụ thể , dự thảo nêu rõ đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng trong một ngày.
Đối với giao dịch rút tiền mặt VND từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng trong một ngày. Điều này được ban soạn thảo lý giải là để hạn chế rủi ro nên phải có giới hạn hạn mức rút tiền mặt bằng thẻ qua POS tại đơn vị chấp nhận thẻ theo ngày (hạn mức thấp để sử dụng chỉ trong các trường hợp cần thiết, phù hợp với thông lệ các nước).
Đồng thời dự thảo cũng quy định, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: Hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 triệu đồng.
Thống kê của Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý III/2017, số lượng thẻ phát hành lũy kế trên cả nước bao gồm cả thẻ nội địa và quốc tế lên tới 121 triệu thẻ.(NCĐT)